Những cách chống lại cơn buồn ngủ khi học bài?

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Học từ sáng đến tối khiến teen luôn ở trong tình trạng mệt mỏi và muốn ngủ. Vì thế, nhiều bạn nghĩ ra nhiều cách chống lại cơn buồn ngủ để hoàn thành bài tập trong ngày.

Nguyên nhân dẫn đến việc buồn ngủ


Năm 12, ai cũng hiểu được tầm quan trọng của việc học nên nhiều teen đã đầu tư vào việc học của mình rất nhiều, ngoài việc học chính trên trường thì teen còn phải chạy sô học thêm, vì thế lượng bài tập rất nhiều. Việc học cả ngày đó khiến teen vừa cầm quyển sách lên là đã thấy buồn ngủ, nhưng ngủ thì trễ bài, do vậy nhiều bạn cố gắng căng mắt ra mà học.

Nhớ năm 11, teen còn thong thả ngủ trưa này nọ nhưng khi lên 12 thì nhiều teen đã bỏ luôn thói quen ngủ trưa để tập trung cho việc học. Không ngủ trưa cộng với học quá nhiều nên trung bình một ngày teen chỉ ngủ được từ 4-5 tiếng. Như thế mỗi khi lên lớp là teen cứ ngáp ngắn ngáp dài. Thậm chí teen còn lấy giờ Công dân, công nghệ để tranh thủ ngủ bù, nếu không khi học buổi chiều teen sẽ cứ gục lên gục xuống.

X.Thanh (teen 12 THPT Thái Phiên) tâm sự: “Mình thi khối A, D, lượng bài tập rất nhiều mà thời gian thì rất ít nên mình tranh thủ thức khuya để làm. Thức như thế nên khi học buổi sáng mình không tài nào mở mắt nổi, lên lớp là chỉ muốn gục mặt xuống bàn mà nằm nhưng mình chỉ dám ngủ lén vào mấy tiết môn phụ thôi, chứ môn chính thì phải cố gắng thức, học được chữ nào thì hay chữ đó. Một ngày mình chỉ ngủ được có 5 tiếng, người lúc nào cũng mệt mỏi lắm!"

Cách chống lại cơn buồn ngủ của teen

Teen đã áp dụng mọi cách từ cổ xưa đến hiện đại để chống lại cơn buồn ngủ. Từ những biện pháp thủ công đến việc dùng thuốc cũng được teen xài.

M.Vương (teen 12 THPT Hòa Vang) kể rằng: “Mình muốn thức khuya nhưng lại buồn ngủ nên mình đã áp dụng chiêu lấy tóc buộc vào sợi dây treo lên trần nhà, hễ gục xuống là tóc bị giật đau lắm, như thế là mình tỉnh ngủ liền. Có lúc thì mình chạy bộ trong phòng để tỉnh người chứ mình không dùng mấy chất kích thích như cà phê, nó hại sức khỏe lắm, với lại dùng cái đó mặt nổi mụn”.

H.Nam (teen 12 THPT Phan Châu Trinh) thì nói rằng: “Thật ra muốn thức khuya mà không buồn ngủ thì cũng dễ, kinh nghiệm của mình là nếu học môn này thấy nhàm chán buồn ngủ thì lôi bài môn khác ra học. Mình vừa học, vừa nghe nhạc cho tỉnh người, lâu lâu buồn ngủ thì đi đi lại lại hoặc hát một bài là tỉnh ngủ ngay. Nếu như mệt mỏi quá thì ta cũng có thể ngủ một lúc nhưng phải hẹn đồng hồ và tuyệt đối đừng tắt điện, mình thức dậy mà có ánh điện thì sẽ dễ tỉnh hơn."

K.Nhi (teen 12 THPT Thái Phiên) chia sẻ: “Để khỏi buồn ngủ thì theo mình nên đặt bàn học xa cái giường, nhất là khi nào học lý thuyết. Thông thường bản thân mọi người cứ nghĩ rằng nằm học thì thấy thoải mái, dễ học vào hơn nhưng thực tế thì khi nằm học trên giường sẽ dễ buồn ngủ nhất. Lớp mình có nhiều bạn cũng than thở về chuyện này lắm, nằm học xong rồi ngủ lúc nào không biết, đến khi tỉnh lại thì lại trách mình, hối hận rồi chưa học bài. Vậy nên đừng có nằm học trên giường mà hãy ngồi hoặc vừa đi vừa học."

Nhiều teen thì dùng cà phê để chống lại cơn buồn ngủ, việc lạm dụng các chất kích thích khiến cho việc tiếp thu kiến thức vào đầu của teen giảm đi nhanh chóng, chưa thấy hiệu quả ra sao nhưng nhiều teengirl đã than trời vì da mình ngày càng sần sùi xấu xí đi, còn teen boy thì hơi thở có mùi đặc trưng, người cứ lờ đờ mệt mỏi. Vì thế teen đừng nên dùng quá nhiều chất kích thích, nó rất có hại cho sức khỏe, lâu lâu ta dùng thì không có gì chứ nếu dùng thường xuyên và với liều lượng nhiều thì dẫn đến việc “nhờn”. Như thế thì teen có uống bao nhiêu cũng thấy buồn ngủ.

Tạm kết

Dù bài vở có nhiều nhưng hãy cân bằng thời gian, đừng cố gắng hết sức rồi cuối cùng ngã lụy thì khổ. Thực tế có nhiều bạn thi Đại học với điểm số khá cao nhưng vẫn ngủ ngày 8 tiếng. Cái quan trọng là teen nắm vững kiến thức và phân bố quỹ thời gian hợp lý để cân bằng việc học và sức khỏe của mình. Teen cũng chú ý ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để học tập tốt hơn, “có thực mới vực được đạo” mà.

mùa thu
mùa thu
Trả lời 13 năm trước

Ngủ gà (hay ngủ rũ) là một tình trạng rối loạn giấc ngủ đặc trưng bởi cảm giác uể oải lơ mơ hay những cơn buồn ngủ không thể cưỡng lại được, xảy ra vào ban ngày.

Bạn rất khó tỉnh táo hoàn toàn và năng suất làm việc sẽ giảm sút rõ rệt. Bệnh này rất hay bị chẩn đoán lầm với trầm cảm hoặc những tình trạng có ức chế thần kinh khác.

Các triệu chứng thường gặp là:

Tình trạng buồn ngủ quá mức, vượt quá nhu cầu bình thường và không thể cưỡng lại được, xảy ra vào ban ngày.

Mất trương lực cơ đột ngột cũng rất thường thấy. Có thể gây ra nhiều biến đổi sinh lý, như nói lắp, nói ngọng, kéo dài vài giây đến vài phút.

Cảm xúc mạnh như vui hoặc buồn quá độ có thể làm khởi phát triệu chứng này.

Liệt ngủ: hiếm gặp. Bệnh nhân mất khả năng cử động hoặc nói năng tạm thời, ngay cả lúc đang buồn ngủ hay khi vừa mới thức sau cơn. Điểm đặc biệt là liệt ngủ hay đi kèm với triệu chứng rung giật nhãn cầu.

Ảo giác: có thể xảy ra khi bệnh nhân rơi nhanh vào tình trạng ngủ gà, có rung giật nhãn cầu. Lúc này bệnh nhân trong tình trạng nửa thức nửa ngủ nên hay có những cơn mơ rất thực, sống động và thường khủng khiếp kinh hoàng.

Khoảng 75% người bệnh ngủ gà có cả hai triệu chứng đầu. Các triệu chứng còn lại chỉ xuất hiện trong khoảng 25-50% trường hợp.

Ngoài ra có một số triệu chứng khác như giấc ngủ không sâu về đêm, đôi khi có cử động tự động,…

Tuổi mắc bệnh này khoảng 14-16 tuổi đến 25-26 tuổi và thường ít được chẩn đoán và điều trị đúng đắn.

Nguyên nhân

Hiện nay vẫn còn chưa được biết rõ ràng. Một số giả thuyết cho là do nguyên nhân di truyền, nguyên nhân rối loạn chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine, hay một vài loại virus,…

Biến chứng

Ngủ gà đôi khi gây ra khó chịu và cản trở cuộc sống và sinh hoạt bình thường của bạn, hoặc nặng có thể lờ đờ, thờ ơ, ngủ lịm, hôn mê,…và ảnh hưởng đến những người thân. Ngủ gà còn làm ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt tình dục và có thể gây bất lực. Bạn có thể gây ra tai nạn khi đang lái xe, nấu ăn, trèo cao,…mà cơn buồn ngủ ập đến bất chợt không kiểm soát được.

Điều trị

Khi bạn thấy triệu chứng của ngủ gà thường xuyên, quá mức và làm ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của mình, nên tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn.

Hiện nay chưa có một phương pháp nào thực sự hữu hiệu để điều trị bệnh ngủ gà, nhưng một số thuốc và thay đổi lối sống có thể làm cải thiện triệu chứng bệnh.

Các thuốc bao gồm:

Thuốc kích thích thần kinh trung ương: methylphenidate (Ritalin), dextroamphetamine (Dexedrine), pemoline (Cylert) and ephedrine. Tuy nhiên chúng có nhiều tác dụng phụ và có thể gây nghiện. Modafinil (Provigil) có thể làm cải thiện triệu chứng rất tốt, ít tác dụng phụ và không gây nghiện. Có triển vọng tốt.
Thuốc chống trầm cảm, thường là nhóm chống trầm cảm 3 vòng, rất hay được sử dụng để làm giảm triệu chứng rung giật nhãn cầu, ảo giác và liệt ngủ. Các thay đổi lối sống phù hợp gồm:

Đi ngủ và thức dậy điều độ mỗi ngày, kể cả ngày nghỉ.
Nên nghỉ trưa 10 – 15 phút mỗi ngày.
Tránh dùng cà phê, thuốc lá.


-Ở trẻ em,giai đoạn dậy thì,đang lớn,giấc ngủ là 1 yếu tố quan trọng,bạn cần ngủ nhiều hơn cũng là sinh lí bình thường.Cuộc sống quá bận rộn đôi khi khiến bạn mệt mỏi và cảm giác buồn ngủ luôn thường trực, xâm chiếm tâm trí bạn. Hãy cứ ngủ ngay khi bạn cảm thấy buồn ngủ. Ngủ cũng quan trọng như những hoạt động khi thức vậy.
Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên buồn ngủ, hãy tới gặp bác sĩ tâm lý để giải quyết tận gốc của vấn đề nhé.