Mẹo làm bài thi tốt nghiệp năm 2010 đạt điểm cao?

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Ngày mai, các thí sinh bắt đầu vượt vũ môn với môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010. Để giúp các em làm bài thi hiệu quả, các chuyên gia tuyển sinh cùng các thầy cô có gợi ý cho các em cách làm bài tốt 6 môn thi tốt nghiệp.

Môn Văn: Xác định đúng yêu cầu, thể loại trước khi làm bài

Điều quan trọng khi thi môn văn là thí sinh phải đọc đề thật kỹ, hiểu chính xác vấn đề, trả lời đúng, sâu vào trọng tâm câu hỏi.

Đề thi môn văn có ba phần. Đối với phần câu hỏi giáo khoa cầntrình bày ngắn gọn, rõ ràng. Với câu nghị luận xã hội cầnxác định rõ yêu cầu để cógiải thích đúng đắn vấn đề được yêu cầu, biết phân tích, bình luận, mở rộng vấn đề.

Chiếm một nửa số điểm của đề thi là bài Nghị luận văn học, để làm tốt câu hỏi này, các em cần có sự ôn tập công phu trong cả hai thể loại chính là thơ và văn xuôi. Phần nghị luận văn học, quan trọng nhất thí sinh phải xác định đúng đề tài yêu cầu gì, thể loại gì, sau đó đi vào làm bài.

Đối với mỗi câu hỏi, đều phải viết một đoạn văn hay bài văn hoàn chỉnh, có mở bài, thân bài, kết luận. Phần mở bài thường chỉ có nửa điểm, thí sinh nên trực tiếp đi thẳng vào vấn đề mà đề bài yêu cầu.

Thí sinh nên tránh để bài làm dở dang. Những ý không thuộc hoặc không nắm chắc vấn đề bỏ qua và đừng viết điều mình không chắc chắn vào bài làm.

Môn Lịch sử làm theo dàn ý

Với môn lịch sử, trước tiên thí sinh cần đọc kỹ đề, nắm rõ yêu cầu của đề, lập dàn ý bài làm rồi viết vào bài thi.

Những sự kiện quan trọng cần được ghi đầy đủ, chính xác ngày, tháng, năm. Những sự kiện kém quan trọng hơn cố gắng ghi đúng năm. Khi làm bài thi môn lịch sử, thí sinh cần lưu ý các thuật ngữ chính trị, tên các tổ chức cần ghi chính xác.

Môn Hóa: Làm lý thuyết trước

Khi làm bài thi trắc nghiệm hóa học, các em cần đọc kỹ câu hỏi và định dạng nhanh xem câu này thuộc loại nào? Cách xử lý thế nào? Nếu là câu bài tập thì có thuộc dạng quen thuộc không? Cần kết hợp cả đáp án vì nhiều trường hợp nhìn vào đáp án có thể định dạng nhanh kết quả mà mình cần tìm.

Phần lý thuyết nên làm trước để có điểm cơ bản. Sau đó, đến phần bài toán, làm những câu đơn giản trước, câu khó làm sau.

Thí sinh không nên mất quá nhiều thời gian tính phân tử lượng và nên học thuộc những phân tử lượng quen thuộc để làm bài nhanh.

Với những câu hỏi định lượng, các em cần chú ý một số thủ thuật hay được sử dụng như đại lượng trung bình, bảo toàn điện tích trong phản ứng ôxy hóa - khử hay trong dung dịch; tăng giảm khối lượng...


Môn Toán: Thuộc các công thức

Với môn toán, vẫn phải đọc kỹ đề và phân chia thời gian giữa các câu. Nên bắt đầu làm từ những câu dễ, những câu đã được ôn kỹ để không bị mất điểm.

Đề thi môn toán chủ yếu tập trung trong chương trình lớp 12. Tuy nhiên, cái gốc của môn học là chương trình lớp 10 và 11, chương trình lớp 12 cung cấp cho thí sinh phương pháp. Vì vậy, các em cần xem kỹ lại các công thức từ lớp 10, lớp 11, nếu quên sẽ khó giải được bài tập hiệu quả.

Trong đề thi tốt nghiệp, hai phần hàm số và hình học được coi là xương sống, nếu học tốt được hai phần này, thí sinh đã làm được khoảng 7 điểm của đề thi chung.

Đối với phần riêng, thí sinh cần nắm thêm một số kiến thức. Cụ thể, các em cần nắm kỹ hơn các phần tích phân, cách giải các phương trình bậc nhất, bậc hai, viết phương trình đường thẳng trong mặt phẳng, giải các hệ phương trình đại số (phần này thường có trong đề thi tự chọn), các đường tròn. Phần này, thường chiếm khoảng 2 điểm. Một điểm cuối cùng của chương trình phân ban cần lưu ý là giải các phương trình lượng giác. Thường các em hay quên công thức biến đổi dẫn đến sai sót.


Kỹ năng tính toán số ở các bài hình học cũng cần làm chậm và kỹ, chỉ cần sai dấu hoặc thành phần tọa độ sẽ sai hết cả câu.

Khi làm bài, thí sinh cần tính toán cẩn thận và nên tính tay, không quá phụ thuộc vào máy tính bởi dễ quên dấu, nhầm dấu khi chuyển vế dẫn đến chia phân số nhầm và tính toán sai. Các em cũng cần nắm kỹ các luật chia, luật nhân, luật đổi dấu và nhân hai vế, luật bình phương hai vế. Khi sai các luật này, các em thường bị trừ khoảng 0,25 điểm.

Phần thời gian còn lại cuối giờ nên tận dụng tối đa để cố gắng tìm lời giải cho những câu khó đối với mình.

Môn Địa lý: Tận dụng Atlas Địa lý Việt Nam

Trước tiên thí sinh phải đọc kỹ yêu cầu (chứng minh, giải thích...) để tránh lạc đề. Nếu đề ra dạng biểu đồ nhưng không nêu rõ biểu đồ gì phải cẩn thận định dạng chọn biểu đồ phù hợp để tránh mất điểm.


Trong môn Địa lý có 2 kỹ năng thí sinh phải sử dụng trong bài tập là tính toán, nhận xét số liệu thống kê ở bảng số liệu và vẽ biểu đồ. Về bảng số liệu, phải chú ý xem số liệu có nội dung gì, các nội dung được cụ thể hóa ở chỉ tiêu thống kê cụ thể như thế nào; phải làm rõ được sự thay đổi của các giá trị, các chỉ tiêu theo thời gian… nhưng cần tránh nêu quá chi tiết mà không nêu được nội dung chính yếu.

Kỹ năng vẽ biểu đồ cũng rất quan trọng, đồ đòi hỏi sự chính xác về phân chia số lượng, tỷ lệ thời gian, sử dụng các ký hiệu để thể hiện nội dung khác nhau, có ghi chú. Trên biểu đồ phải ghi đầy đủ các yếu tố khác như đơn vị, tên biểu đồ.

Phần khó nhất trong phần bài tập của môn Địa lý là vẽ lược đồ Việt Nam, tuy nhiên, thí sinh chỉ cần đảm bảo độ chính xác tương đối về hình dạng, thể hiện được các hệ thống sông chính, các điểm dân cư, khu vực hành chính cơ bản, không cần thiết phải quá đẹp về hình thức.

Về phần giải thích, thí sinh phải vận dụng kiến thức đã học để giải thích hiện tượng địa lý cho phù hợp và sát với yêu cầu, tránh dông dài. Nên tách ý rõ ràng, có thể đánh số theo thứ tự ý chính, điều này dễ gây thiện cảm cho người chấm và học sinh dễ đạt điểm cao.

Môn tiếng Anh: Dễ làm trước

Với đề thi tiếng Anh, thí sinh cần đọc từ trên xuống dưới, thấy câu nào vừa sức làm ngay. Câu nào chưa chắc chắn cần đánh dấu trên đề thi nhưng chưa làm trên phiếu làm bài.


Trong đề thi trắc nghiệm tiếng Anh, thông thường có khoảng 1/4 câu hỏi dành cho phần từ vựng, 1/4 số lượng câu dành cho phần ngữ pháp, số câu còn lại yêu cầu kết hợp cả hai thể loại.


Bài đọc hiểu thường có hai dạng, điền từ và đọc hiểu để trả lời câu hỏi. Riêng phần đọc hiểu, thí sinh nên đọc câu hỏi trước rồi đọc đoạn văn sau. Nguyên tắc tìm câu trả lời trong bài đọc là tìm phần nào có từ chính yếu giống từ chính yếu trong câu hỏi. Còn ở dạng điền từ, các em đọc và chọn từ chắc chắn đúng để điền ngay.

Phần đọc - hiểu trong đề thi tiếng Anh thường tương đối dễ kiếm điểm nhưng mất khá nhiều thời gian nên làm vào khoảng giữa thời gian. Sau khi kết thúc bài đọc – hiểu, quay lại làm những câu chưa kịp làm. Cuối cùng cần kiểm tra, làm hết không bỏ sót câu nào trong phần đề chung và phần đề tự chọn. Nếu còn thời gian nên đọc lại bài để điều chỉnh phương án trả lời khi cần thiết.


SMS VietNam
SMS VietNam
Trả lời 13 năm trước

Bạn có thể xem đề thi, gợi ý giải đề thi và tra cứu điểm thi trực tuyến tại đây: smsvietnam.info

hoặc soạn tin

SMS TN số-báo-danh gửi 8685