Nỗi niềm mang tên “Vốn”

Câu chuyện thế này. Ban đầu chúng ta sẽ chỉ cần làm quen với một khái niệm rất hẹp của vốn là tiền. Tiền ấy dùng để làm gì vậy? Một đời sống kinh doanh thực sự cần tiền, và trong đa phần trường hợp cần rất nhiều tiền. Tiền được sử dụng để: 1. Thuê mướn mặt bằng, 2. Trả công lao động, 3. Mua sắm nguyên vật liệu và dụng cụ lao động, 4. Trang trải các chi phí hàng ngày như điện, nước, dịch vụ (thuê dịch tài liệu, bưu điện, xe cộ, thuê chuyên gia, v.v..), 5. Đầu tư mới, 6. Vận chuyển, giao thông, 7. Và vô khối thứ khác (các bạn tự liệt kê giúp) Vấn đề ở chỗ hầu như chẳng ai đủ vốn để làm mọi việc cả, kể cả những người rất rất giàu, như Rockefeller thời xa xưa. Trong khi đó, những nhu cầu chi tiêu kể trên thì liệt kê ra khó lòng mà hết được. Hãy tin tôi đi, càng liệt kê các bạn thấy càng dài, và càng thiếu. Thử bắt đầu từ gia đình mỗi người như một cái công ty thì sẽ thấy chi phí nó đa dạng và khó lường ra sao. Doanh nghiệp thì còn kinh khủng hơn, vì doanh nghiệp bé nhất thì cũng đã như một gia đình rất đông con rồi. Như vậy những người sáng lập ra doanh nghiệp phải góp vốn, còn gọi là hùn vốn. Đôi lúc là tiền mặt, lúc khác cũng có thể là hiện vật, hoặc là Tài sản vô hình. Tuy nhiên, hiện vật và Tài sản vô hình khi góp thì cần có điều kiện, chứ không phải muốn thế nào cũng được, vì ta phải qui nó ra giá trị. Chẳng hạn, nếu các bạn góp mảnh đất vào kinh doanh thì đó phải là tài sản được đăng ký để đảm bảo rằng nó hợp lệ, hợp pháp và đúng là sở hữu của bạn. Bên cạnh đó thì nó còn cần được định giá trong hạn sử dụng của đời doanh nghiệp là bao nhiêu. Tài sản vô hình thì còn rắc rối hơn vì như gần đây Thương hiệu dưới dạng li-xăng hoặc patent chưa được tính để góp vốn do Bộ Tài chính đánh giá rằng không có cơ sở để đảm bảo việc qui đổi ra giá trị tiền tệ khoa học. Nếu chỉ xét riêng về tiền thì hệ thống kế toán của bất kỳ quốc gia lãnh thổ nào cũng chỉ đưa ra 2 loại chính: Vốn góp tiền mặt của Chủ sở hữu và Vốn vay mà Doanh nghiệp (khi này không còn là cá nhân nữa, mà gọi là Pháp nhân) vay mượn, hoặc sử dụng của người khác, doanh nghiệp khác. Lẽ dĩ nhiên là sẽ có rất nhiều qui định liên quan tới các thứ này, bởi vì tiền bạc nhạy cảm (và tệ lắm, còn gọi là Tiền-tệ đấy!) Việc chủ sở hữu góp vốn thì khá rõ ràng. Nộp tiền mặt hoặc chuyển qua tài khoản cá nhân ở ngân hàng vào tài khoản doanh nghiệp, có xác nhận mục đích góp vốn qua một hoặc một số phiếu thu (tùy vào số lần nộp cho tới khi đủ) do một tay, thường là rất khó tính có chức danh Kế toán trưởng. Còn đối với vốn vay thì có nhiều cách thức lắm. Vay ngân hàng chỉ là cách dễ thấy và dễ hiểu nhất, do sách giáo khoa và báo chí lúc nào cũng nói tới. Trên thực tế, người ta vay nhau đủ cách: mượn từ anh em, bạn bè, hàng xóm (chơi hụi cũng có nữa), mượn từ các cổ đông (chỉ trong trường hợp vốn chủ sở hữu đã góp đủ mới được làm cách này), phát hành một loại công cụ gọi là trái phiếu doanh nghiệp, chiếm dụng vốn của nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ thông qua nợ tiền phải trả hàng hóa-dịch vụ, chiếm dụng thuế của nhà nước (chậm trả thuế do chu kỳ kinh doanh và hạch toán thường lệch nhau),… vô số cách. Các khoản vay như kiểu vay ngân hàng hoặc trái phiếu thì phải trả lãi. Tại sao phải trả lãi? Vì ông Hegel bảo “Cái gì hợp lý thì tồn tại, và cái gì tồn tại thì hợp lý” cho nên chúng ta cũng cắt nghĩa cái sự hợp lý của lãi. Đáng lý ra, người có tiền dùng tiền đó để tiêu xài. Nhưng họ hi sinh tiêu dùng trước mắt, nên người vay sẽ đền đáp sự tử tế đó bằng trả lãi. Hơn nữa vì họ phải rời xa đồng tiền thân yêu, chắt chiu mãi mới có, nên sự chia lìa này mang đến rủi ro. Lỡ một mai ra đi không trở lại thì nỗi chia lìa này thực sự là nguồn bất hạnh ở đời đấy (các bạn bị mất tiền bao giờ chưa?) Cái sự mất này có tên gọi là rủi ro. Còn trên thực tế, vì phần đông giao dịch là qua ngân hàng, và ngân hàng phải trả lãi huy động từ dân cư, nên họ tối thiểu phải tính nó cho doanh nghiệp, cộng thêm với các chi phí mà chính ngân hàng đó phát sinh trong khi hoạt động nghiệp vụ, bổ đầu ra cho mỗi đồng tiền mà họ cho vay ra khỏi két sắt của họ. Có chuyện vui là Caesar có lần hành quân qua sa mạc bị chết khát, vay phải một đồng xu vàng mua trà đá để uống đỡ. Bậc Đế vương có vay thì phải trả cho đàng hoàng. Tới năm 2005, Chính phủ Ý quyết định trả cái món trà đá lỡ làng này, và đi tìm hậu duệ người bán trà đá đó, thanh toán nợ nần. Một đồng xu vàng được tính là 1US$, với lãi suất khoảng 2% mỗi năm. Số tiền đó là 175.123.481.545.422.000 US$, bằng khoảng 2.900 lần GDP toàn thế giới cùng năm. Hiển nhiên là lãi vay làm Chính phủ Ý phá sản rồi còn gì. Vì thế Lee Iaccoca, Cựu chủ tịch tập đoàn xe hơi lừng danh Mỹ Chrysler (với xe Jeep rất nối tiếng) phải vay 4 tỷ US$ từ các ngân hàng dưới bảo lãnh của Thượng viện đã bồi hồi sau khi thành công, nhớ lại lời cha dạy: Nợ nần là độc hại! Đối với trường hợp của MyCamel, tôi đồ rằng ý bạn nói là nguồn vốn góp của chủ sở hữu nhỏ, không đủ cho cái kế hoạch bạn muốn, vì thế bạn tìm kiếm nguồn bổ sung. Thế thì hoặc bạn tìm một tay thật giàu mà có thể đồng thuận với cái kế hoạch của bạn mà góp vốn. Hoặc nếu vì tấm tình cao cả nào đó đã chia ngọt sẻ bùi lúc lên cái kế hoạch kinh doanh này với ai đó, thì phải có một phương án thật tốt để bán một phần quyền sở hữu doanh nghiệp ngay khi bạn mới khởi sự, để mà có một loại vốn góp mới (do chuyển nhượng cổ phần mà ra). Xử lý cái này cho ngay thẳng và rạch ròi cũng cần phương pháp và đối chiếu luật lệ cẩn thận, chứ đây là tôi chỉ nói khá sơ lược về nó. (Có thể các cán bộ tư vấn và luật sư mới có việc mà làm chứ!) Một cách khác là bạn MyCamel đó sẽ đi vay, một trong số các cách đã nói ở trên. Rõ ràng ở đây chưa động chạm một chút gì về kỹ thuật và phương pháp để thực hiện các hạng mục ở trên, vì nó quá một khuôn khổ cho phép. Chẳng hạn, chỉ riêng việc thiết lập một dự án sao cho bán được, thì phương pháp làm và một số kỹ thuật chính đã là cả một môn học mà tôi vẫn đi dạy cho các chương trình Thạc sĩ QTKD, vì thế vắn tắt quá cũng không được (Sau này ở mục Giảng đường tôi sẽ đưa một số tài liệu và bài giảng lên để các bạn tham khảo). Tạm thời bài này cũng quá dài rồi, nhưng cũng hi vọng các bạn thấy nó có tí chút ích lợi. Có những thứ rất bình thường, nhưng không phải khi nào chúng ta cũng có dịp tìm hiểu.
Trả lời 15 năm trước
Múa rìu qua mắt thợ một chút: 1. Vốn tự có là lượng tiền/tài sản mà bản thân người sở hữu/đồng sở hữu doanh nghiệp bỏ ra từ tiền/tài sản riêng của mình để cho vào thành tiền/tài sản công ty. Cái này khác với vốn vay - là vốn có được nhờ chiếm dụng (hay chính xác là đi vay) tiền/tài sản của cá nhân/tổ chức khác và có nghĩa vụ thanh toán gốc, thường là cả lãi định kỳ cho lượng tiền/tài sản chiếm dụng này 2. Vốn lưu động là lượng vốn dưới dạng tiền mặt hoặc tương đương tiền mặt có tính thanh khoản cao mà doanh nghiệp có thể sử dụng, đặc biệt cho các nhu cầu chi tiêu ngắn hạn. Vốn lưu động có ý nghĩa rất quan trọng với mọi loại hình doanh nghiệp đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại (merchandise) và sản xuất do trong năm kinh doanh họ luôn cần một lượng tiền linh hoạt để nhập hàng, nhập nguyên vật liệu, chi tiêu mua sắm phục vụ các chương trình bán hàng, kế hoạch sản xuất đã có từ đầu năm. Quản lý vốn lưu động là công việc khó, người quản lý vốn lưu động cần tính toán để lượng vốn không quá thừa, bởi thừa thì không dùng đến, mà tiền rỗi quá ngồi chơi, không sinh để tiền con tiền cháu thì tức là thiếu hiệu quả. Còn ngược lại nếu ít tiền quá, đến lúc cần tiền mặt để nhập hàng lại không có thì phải xoay ra nhiều hướng để có tiền. Nói nôm na là đang trên đường đến kho thóc nhưng chết giữa đường vì hết gạo ăn. Đã có nhiều doanh nghiệp có tài sản rất lớn, nhưng ứ vào trong công trình, dự án, và vào thế chấp vay ngân hàng. Đến lúc chỉ cần một lượng vốn lưu động không quá lớn để nhập hàng cũng không biết làm sao để có, chủ nợ, chủ hàng thấy vậy tưởng doanh nghiệp có vấn đề, quay ra siết nợ, thế là công ty đang ngon trở thành chuẩn bị phá sản. 3. Vốn điều lệ là lượng vốn chủ doanh nghiệp đăng ký với cơ quan quản lý thành lập doanh nghiệp. Vốn lưu động thì khó so sánh với vốn tự có và vốn điều lệ vì chúng cũng là vốn nhưng phân loại nhằm mục đích khác nhau, không nên gán với nhau làm gì, khổ thân. Vốn tự có và vốn điều lệ thì có liên quan tí chút. Chẳng hạn khi VP Bank bán cổ phần cho NH OCBC của Singapore thì lượng tiền OCBC chuyển vào để mua cổ phần gọi là vốn tự có. Khi mà VP Bank dùng một phần số tiền này để tăng vốn điều lệ thì lượng vốn tự có được sử dụng đó ở trong lượng vốn điều lệ của doanh nghiệp.