Hỏi đáp Công ty Cổ phần

Xin chào mọi người! Công ty của tôi đang hoàn tất lộ trình cổ phần hóa. Khi đấu giá bán cổ phần lần đầu, giá đấu bình quân quá cao, mặc dù được ưu đãi nhưng người lao động không mua nổi và bán lại cho nhà đầu tư hưởng chênh lệch (chuyển nhượng ngầm). Khi công ty tiến hành Đại hội đồng cổ đông thành lập Công ty cổ phần, cổ đông là người lao động ủy quyền cho một số người (những người đã mua cổ phần ngầm đó) tham dự Đại hội đồng cổ đông. Tôi xin hỏi người đại diện theo ủy quyền của các cổ đông có được ứng cử tham gia Hội đồng quản trị không? Và khi số phiếu bầu có 02 người bằng nhau thi xử lý như thế nào? Xin cảm ơn!
Trả lời 15 năm trước
Về câu hỏi của bạn, tôi có ý kiến như sau: 1. Khoản 2 Điều 79 Luật Doanh nghiệp 2005 (“LDN”) quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục 6 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát. 2.Theo Điều 110 Luật Doanh nghiệp 2005 và Điều13 Nghị định 139/2007/NĐ-CP ngày 05/09/2007 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp (“NĐ 139”) (toàn văn NĐ 139 đính kèm theo đây) thì thành viên Hội đồng quản trị phải đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây: (a) Có đủ năng lực hành vi dân sự, không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp quy định tại Khoản 2 Điều 1 3 của LDN; (b) Cổ đông là cá nhân sở hữu ít nhất 5% tổng số cổ phần phổ thông; hoặc cổ đông sở hữu ít hơn 5% tổng số cổ phần, người không phải là cổ đông thì phải có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh hoặc trong ngành, nghề kinh doanh chính của công ty. 3. Trên cơ sở các ứng viên do các cổ đông hoặc nhóm cổ đông đề cử, Đại hội đồng cổ đông sẽ tiến hành họp và thông qua việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát. 4. Điều 104 LDN quy định rằng việc biểu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu, theo đó mỗi cổ đông có tổng số phiếu biểu quyết tương ứng với tổng số cổ phần sở hữu nhân với số thành viên được bầu của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát và cổ đông có quyền dồn hết tổng số phiếu bầu của mình cho một hoặc một số ứng cử viên. Điều 17 NĐ 139 quy định chi tiết về phương thức bầu dồn phiếu như sau: (a) Trước và trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, các cổ đông có quyền cùng nhau lập nhóm để đề cử và dồn phiếu bầu cho người do họ đề cử. (b) Số lượng ứng cử viên mà mỗi nhóm có quyền đề cử phụ thuộc vào số lượng ứng cử viên do Đại hội quyết định và tỷ lệ sở hữu cổ phần của mỗi nhóm (ví dụ nhóm cổ đông sở hữu từ 10% đến dưới 20% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử tối đa 1 người). Trường hợp số lượng ứng cử viên được cổ đông, nhóm cổ đông đề cử thấp hơn số ứng cử viên mà họ được quyền đề cử thì số ứng cử viên còn lại do Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát hoặc các cổ đông khác đề cử. (c) Người trúng cử thành viên Hội đồng quản trị hoặc thành viên Ban kiểm soát được xác định theo số phiếu bầu tính từ cao xuống thấp, bắt đầu từ ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất cho đến khi đủ số thành viên quy định tại Điều lệ công ty. Theo quy định trên và căn cứ vào tình huống của công ty của bạn thì: 1.Người lao động hoặc nhóm người lao động nắm trên 10% cổ phần phổ thông của công ty trong thời hạn 6 tháng liên tục có quyền đề cử ứng cử viên tham gia vào Hội đồng quản trị (ví dụ như đề cử nhà đầu tư đã mua lại cổ phần của các người lao động này) với điều kiện là ứng cử viên này phải đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện nêu tại Điều 110 LDN và Điều13 NĐ 139. 2. Căn cứ trên danh sách các ứng cử viên do các cổ đông đề cử, Đại hội đồng cổ đông của công ty của bạn sẽ tiến hành họp theo phương thức bầu dồn phiếu để bầu ra thành viên Hội đồng quản trị của công ty. 3. LDN và NĐ 139 không quy định trường hợp hai ứng cử viên có số phiếu bầu bằng nhau thì xử lý như thế nào. Do đó, các cổ đông nên thỏa thuận và quy định chi tiết trong Điều lệ về cách thức xử lý tình huống này.