Chuyển đổi Cty TNHH thành Cty Cổ Phần.

Em có một câu hỏi về chuyển đổi rất mong các saganor nhà mình nhiệt tình giúp đỡ: Cty TNHH kinh doanh và dịch vụ thiết kế và chế biến lâm sản có 3 thành viên góp vốn là:A- cử nhân hóa, B- Công ty cổ phần và thương mại quảng cáo và Doanh nghiệp tư nhân C do ông C làm chủ DN Tỷ lệ góp vốn là: A- 15% vốn điều lệ ( góp bằng tiền VND) B- 60% (trong đó 40% bằng USD và 20% bằng máy móc) C- 25% (góp bằng khu nhà xưởng cho công ty) Sau một thời gian hoạt động không hiệu quả, các thành viên công ty muốn chuyển đổi công ty thành Cty Cổ phần. Hãy tư vấn giúp em về trường hợp này, và những điểm cần lưu ý trong tình huống này? (Về vốn, thành viên,ngành nghề kinh doanh...)?
Trả lời 15 năm trước
Về các thủ tục chuyển đổi từ Cty TNHH sang CTCP, bạn tham khảo các bài viết trên Saga và Luật Doanh nghiệp 2005 (và các văn bản hướng dẫn). Ở đây, tôi chỉ xin nêu mấy ý liên quan đến các câu hỏi của bạn: 1. Thứ nhất, cần xác định mục đích chuyển đổi là gì. Điều này ảnh hưởng đến các vấn đề trọng yếu khác của việc chuyển đổi (vốn, thay đổi thành viên / mời thêm thành viên hay cổ đông mới, thay đổi ngành nghề kinh doanh, định hướng của Công ty…) Cái này bạn chưa nói rõ lý do của việc chuyển đổi là gì. Bản thân việc chuyển đổi (thuần túy về hình thức pháp lý của công ty) không giải quyết được vấn đề lỗ hay bài toán kinh doanh nói chung của doanh nghiệp. 2. Thứ hai, đi vào từng vấn đề cụ thể, tôi có một số góp ý sau đây (từ góc độ pháp lý & kinh nghiệm cá nhân): a. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, CTCP hình thành từ việc chuyển đổi sẽ thừa kế toàn bộ quyền & nghĩa vụ của Cty TNHH (trước khi chuyển đổi). Nếu như không có thay đổi về cơ cấu vốn, thành viên / cổ đông, thì các phần vốn góp của các thành viên hiện tại sẽ được chuyền thành các cổ phần (đã phát hành & thanh toán, nếu các TV cũ đã góp vốn đầy đủ) của họ trong CTCP, và các TV này sẽ đương nhiên trở thành các cổ đông sáng lập của CTCP. b. Về tài sản, như trên tôi đã nêu, CTCP thừa kế toàn bộ quyền nghĩa vụ của Cty TNHH nên tài sản của Cty TNHH sẽ được chuyển sang CTCP mới (một cách tự động, luật pháp bảo đảm vấn đề này). Tuy nhiên, đối với một số tài sản (như đất đai, xe cộ, tàu thuyền), sẽ phải tiến hành thủ tục thay đổi tên chủ sở hữu (từ Cty TNHH sang CTCP). Xin lưu ý để bạn yên tâm, trong Đăng ký Kinh doanh mới cấp cho CTCP, sẽ ghi rõ là được chuyển đổi từ Cty TNHH. c. Nếu việc chuyển đổi xuất phát từ nhu cầu bổ sung thêm vốn đề kinh doanh, hoặc cần cơ cấu lại vốn điều lệ hay thành viên (có thể một TV muốn rút khỏi Công ty, hoặc mời thêm nhà đầu tư mới để bổ sung thêm vốn hay nhà đầu tư mới có khả năng cải thiện tình hình kinh doanh của Công ty), thì bạn cần xem xét các vấn đề liên quan để cơ cấu lại vốn và cổ đông (của CTCP hình thành từ việc chuyển đổi). Việc thay đổi này có thể được thực hiện theo 2 cách: (1) thay đổi thành viên và vốn góp trước (ví dụ thêm hay thay đổiTV) và sau đó mới chuyển đổi sang CTCP (CTCP có mức vốn điều lệ và cơ cấu cổ đông sáng lập như Công ty mong muốn); hoặc (2) cữ giữ nguyên vốn điều lệ và các thành viên và tiền hành chuyển đổi sang CTCP ngay (các TV hiện tại sẽ là cổ đông sáng lập của CTCP mới nắm giữ số cổ phần tương ứng với phần vốn đã góp tromng Cty TNHH trước khi chuyển đổi) – sau khi chuyển đổi xong, sẽ tiến hành việc thay đổi cổ đông hay tăng thêm vốn… (qua việc chuyển nhượng cổ phần hay phát hành thêm cổ phần mới cho cổ đông / nhà đầu tư mới). d. Việc thay đổi ngành nghề kinh doanh sẽ tùy thuộc vào định hướng của Công ty. nếu Công ty muốn triển khai các hoạt động kinh doanh mới (khác với hoạt động hiện tại, đang lỗ), Công ty có thể bổ sung thêm nghành nghề kinh doanh. Việc này có thể làm đồng thời với việc chuyển đổi. Nếu bạn sa_lem403 còn có thắc mắc nào trong quá trình chuyển đổi, tôi sẵn sàng trao đổi tiếp với bạn. Hy vọng, các ý kiến giúp bạn phần nào trong việc giải quyết các vấn đề liên quan từ việc chuyển đổi.
thu
thu
Trả lời 11 năm trước

tôi cũng sưu tầm một số thông tin so sánh dưới đây để bạn tham khảo:

Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH):

Là doanh nghiệp, trong đó các thành viên cùng góp vốn cùng chia nhau lợi nhuận, cùng chịu lỗ tương ứng với phần vốn góp và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi phần vốn của mình góp vào công ty.

Đặc điểm:

  • Công ty TNHH có hai thành viên trở lên, thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào doanh nghiệp, nhưng không quá 50 thành viên.
  • Phần vốn góp của tất cả các thành viên dưới bất kỳ hình thức nào đều phải đóng đủ ngay khi thành lập công ty.

Phần vốn góp của các thành viên không được thể hiện dưới hình thức chứng khoán (như cổ phiếu trong công ty cổ phần) và được ghi rõ trong điều lệ của công ty.

  • Công ty TNHH không được phát hành cổ phiếu ra ngoài công chúng để huy động vốn. Do đó khả năng tăng vốn của công ty rất hạn chế.
  • Việc chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người ngoài công ty bị hạn chế gắt gao. Việc chuyển nhượng vốn chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của nhóm thành viên đại diện cho ít nhất 3/4 số vốn điều lệ của công ty.

Trên mọi giấy tờ giao dịch, ngoài tên công ty, vốn điều lệ của công ty phải ghi rõ các chữ "Trách nhiệm hữu hạn", viết tắt "TNHH".

Cơ cấu quản lý thường gọn nhẹ phụ thuộc vào số lượng thành viên. Nếu công ty có từ 11 thành viên trở xuống cơ cấu tổ chức quản trị gồm có hội đồng thành viên là cơ quan quyết định cao nhất, Chủ tịch công ty và giám đốc (hoặc Tổng giám đốc) điều hành.

Trường hợp công ty TNHH một thành viên là tổ chức, là doanh nghiệp do một tổ chức sở hữu - gọi tắt là chủ sở hữu chịu trách nhiệm về các khỏan nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Chủ sở hữu công ty có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác. Đối với loại công ty này thì không thành lập hội đồng thành viên. Tùy thuộc quy mô, ngành, nghề kinh doanh cơ cấu tổ chức quản lý bao gồm: Hội đồng quản trị và giám đốc (Tổng giám đốc) hoặc Chủ tịch công ty và Giám đốc (Tổng giám đốc), trong đó Chủ tịch là chủ sở hữu công ty và là người đại diện theo pháp luật của công ty, có toàn quyền quyết định việc quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh của công ty.

Đối với công ty có 12 thành viên trở lên phải lập thêm ban kiểm soát.

Thuận lợi và khó khăn của công ty TNHH

Thuận lợi:

  • Có nhiều chủ sở hữu hơndoanh nghiệp tư nhân (DNTN)nên có thể có nhiều vốn hơn, do vậy có vị thế tài chính tạo khả năng tăng trưởng cho doanh nghiệp.
  • Khả năng quản lý toàn diện do có nhiều người hơn để tham gia điều hành công việc kinh doanh, các thành viên vốn có trình độ kiến thức khác nhau, họ có thể bổ sung cho nhau về các kỹ năng quản trị.
  • Trách nhiệm pháp lý hữu hạn.

Khó khăn:

  • Khó khăn về kiểm soát: Mỗi thành viên đều phải chịu trách nhiệm đối với các quyết định của bất cứ thành viên nào trong công ty. Tất cả các hoạt động dưới danh nghĩa công ty của một thành viên bất kỳ đều có sự ràng buộc với các thành viên khác mặc dù họ không được biết trước. Do đó, sự hiểu biết và mối quan hệ thân thiện giữa các thành viên là một yếu tố rất quan trọng và cần thiết, bởi sự ủy quyền giữa các thành viên mang tính mặc nhiên và có phạm vi rất rộng lớn
  • Thiếu bền vững và ổn định, chỉ cần một thành viên gặp rủi ro hay có suy nghĩ không phù hợp là công ty có thể không còn tồn tại nữa; tất cả các hoạt động kinh doanh dễ bị đình chỉ. Sau đó nếu muốn thì bắt đầu công việc kinh doanh mới, có thể có hay không cần một công ty TNHH khác.
  • Công ty TNHH còn có bất lợi hơn so với DNTN về những điểm như phải chia lợi nhuận, khó giữ bí mật kinh doanh và có rủi ro chọn phải những thành viên bất tài và không trung thực.

Công ty cổ phần:

Công ty cổ phần là công ty trong đó:

  • Số thành viên gọi là cổ đông mà công ty phải có trong suốt thời gian hoạt động ít nhất là ba.
  • Vốn cuả công ty được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần và được thể hiện dưới hình thức chứng khoán là cổ phiếu. Người có cổ phiếu gọi là cổ đông tức là thành viên công ty.
  • Khi thành lập các sáng lập viên (những người có sáng kiến thành lập công ty chỉ cần phải ký 20% số cổ phiếu dự tính phát hành), số còn lại họ có thể công khai gọi vốn từ những người khác.
  • Công ty cổ phần được phát hành cổ phiếu và trái phiếu ra ngoài công chúng, do đó khả năng tăng vốn của công ty rất lớn.
  • Khả năng chuyển nhượng vốn của các cổ đông dễ dàng. Họ có thể bán cổ phiếu của mình một cách tự do.
  • Công ty cổ phần thường có đông thành viên (cổ đông) vì nó được phát hành cổ phiếu, ai mua cổ phiếu sẽ trở thành cổ đông.

Tổ chức quản lý công ty cổ phần:

Công ty cổ phần là loại công ty thông thường có rất nhiều thành viên và việc tổ chức quản lý rất phức tạp, do đó phải có một cơ chế quản lý chặt chẽ. Việc quản lý điều hành công ty cổ phần được đặt dưới quyền củaba cơ quan:

  • Đại hội đồng cổ đông;
  • Hội đồng quản trị;
  • Ban kiểm soát .

Đại hội đồng cổ đông:

Đại hội đồng cổ đông là cơ quan có thẩm quyền quyết định cao nhất của công ty gồm tất cả các cổ đông. Cổ đông có thể trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia đại hội đồng công ty. Là cơ quan tập thể, đại hội đồng không làm việc thường xuyên mà chỉ tồn tại trong thời gian họp và chỉ ra quyết định khi đã được các cổ đông thảo luận và biểu quyết tán thành.

Đại hội đồng cổ đông được triệu tập để thành lập công ty. Luật không quy định Đại hội đồng cổ đông phải họp trước hay sau khi có giấy phép thành lập nhưng phải tiến hành trước khi đăng ký kinh doanh. Đại hội đồng thành lập hợp lệ phải có nhóm cổ đông đại diện cho ít nhất 3/4 số vốn điều lệ của công ty và biểu quyết theo đa số phiếu quá bán.

  • Đại hội đồng bất thường: là đại hội chỉ được triệu tập để sửa đổi điều lệ công ty. Tính bất thường của Đại hội nói lên rằng đại hội sẽ quyết định những vấn đề rất quan trọng.
  • Đại hội đồng thường niên: được tổ chức hàng năm. Đại hội đồng thường niên quyết định những vấn đề chủ yếu sau:
    • Quyết định phương hướng, nhiệm vụ phát triển công ty và kế hoạch kinh doanh hàng năm.
    • Thảo luận và thông qua bản tổng kết năm tài chính.
    • Bầu, bãi miễn thành viên HĐQT và kiểm soát viên.
    • Quyết định số lợi nhuận trích lập các quỹ của công ty số lợi nhuận chia cho cổ đông, phân chia trách nhiệm về các thiệt hại xảy ra đối với công ty trong kinh doanh.
    • Quyết định các giải pháp lớn về tài chính công ty.
    • Xem xét sai phạm của HĐQT gây thiệt hại cho công ty.

Hội đồng quản trị (HĐQT)

HĐQT là cơ quan quản lý công ty, có từ 3-12 thành viên, số lượng cụ thể được ghi trong điều lệ công ty.

HĐQT có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định mọi vấn đề liên quan đến mục đích, quyền lợi của công ty trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng. HĐQT bầu một người làm chủ tịch, chủ tịch HĐQT có thể kiêm Giám đốc (Tổng giám đốc công ty) hoặc HĐQT cử một người trong số họ làm Giám đốc hoặc thuê người làm Giám đốc công ty.

Ban kiểm soát :

Công ty cổ phần có trên mười một cổ đông phải có ban kiểm soát từ ba đến năm thành viên.

Kiểm soát viên thay mặt các cổ đông kiểm soát các hoạt động của công ty, chủ yếu là các vấn đề tài chính. Vì vậy phải có ít nhất một kiểm soát viên có trình độ chuyên môn về kế toán. Kiểm soát viên có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

  • Kiểm soát sổ sách kế toán tài sản, các bảng tổng kế năm tài chính của công ty và triệu tập Đại hội đồng khi cần thiết;
  • Trình Đại hội đồng báo cáo thẩm tra các bảng tổng kết năm tài chính cuả công ty;
  • Báo cáo về sự kiện tài chính bất thường xảy ra về những ưu khuyết điểm trong quản lý tài chính cuả HĐQT.

Các kiểm soát viên chịu trách nhiệm trước Đại hội đồng và không được kiêm nhiệm là thành viên HĐQT, Giám đốc hoặc là người có liên quan trực hệ ba đời với họ.

Như vậy tổ chức công ty có sự phân công các chức năng cụ thể cho từng cơ quan khác nhau, giám sát lẫn nhau trong mọi công việc.

Thuận lợi khó khăn của công ty cổ phần

Thuận lợi:

  • Trách nhiệm pháp lý có giới hạn: trách nhiệm của các cổ đông chỉ giới hạn ở số tiền đầu tư của họ.
  • Công ty cổ phần có thể tồn tại ổn định và lâu bền
  • Tính chất ổn định, lâu bền, sự thừa nhận hợp pháp, khả năng chuyển nhượng các cổ phần và trách nhiệm hữu hạn, tất cả cộng lại, có nghĩa là nhà đầu tư có thể đầu tư mà không sợ gây nguy hiểm cho những tài sản cá nhân khác và có sự đảm bảo trong một chừng mực nào đo giá trị vốn đầu tư sẽ tăng lên sau mỗi năm. Điều này đã tạo khả năng cho hầu hết các công ty cổ phần tăng vốn tương đối dễ dàng.
  • Được chuyển nhượng quyền sở hữu: Các cổ phần hay quyền sở hữu công ty có thể được chuyển nhượng dễ dàng, chúng được ghi vào danh mục chuyển nhượng tại Sở giao dịch chứng khoán và có thể mua hay bán trong các phiên mở cửa một cách nhanh chóng. Vì vậy, các cổ đông có thể duy trì tính thanh khoản của cổ phiếu và có thể chuyển nhượng các cổ phiếu một cách thuận tiện khi họ cần tiền mặt.

Khó khăn:

  • Công ty cổ phần phải chấp hành các chế độ kiểm tra và báo cáo chặt chẽ.
  • Khó giữ bí mật: vì lợi nhuận của các cổ đông và để thu hút các nhà đầu tư tiềm tàng, công ty thường phải tiết lộ những tin tức tài chính quan trọng, những thông tin này có thể bị đối thủ cạnh tranh khai thác.
  • Phía các cổ đông thường thiếu quan tâm đúng mức, rất nhiều cổ đông chỉ lo nghĩ đến lãi cổ phần hàng năm và ít hay không quan tâm đến công việc của công ty. Sự quan tâm đến lãi cổ phần này đã làm cho một số ban lãnh đạo chỉ nghĩ đến mục tiêu trước mắt chứ không phải thành đạt lâu dài. Với nhiệm kỳ hữu hạn, ban lãnh đạo có thể chỉ muốn bảo toàn hay tăng lãi cổ phần để nâng cao uy tín của bản thân mình.
  • Công ty cổ phần bị đánh thuế hai lần. Lần thứ nhất thuế đánh vào công ty. Sau đó, khi lợi nhuận được chia, nó lại phải chịu thuế đánh vào thu nhập cá nhân của từng cổ đông.