Bạn cần hiểu qua về các loại tư bản này và tư bản thứ 4 mà bạn hỏi chính xác là tư bản lưu động:
TƯ BẢN BẤT BIẾN:
bộ phận tư bản tồn tại dưới hình thức tư liệu sản xuất (x. Tư liệu sản xuất) và không thay đổi lượng giá trị trong quá trình sản xuất. Nhằm phân tích một cách khoa học bản chất bóc lột tư bản chủ nghĩa, Mac là người đầu tiên phân chia tư bản thành TBBB và tư bản khả biến. Cơ sở của sự phân chia này là không phải toàn bộ tư bản mà chỉ có một bộ phận tư bản dùng để trả công cho sức lao động mới là nguồn gốc sinh ra giá trị thặng dư và làm tăng thêm tư bản. Giá trị của TBBB được lao động cụ thể của công nhân chuyển dần từng phần vào hàng hoá mới, theo mức độ hao mòn của tư liệu sản xuất trong quá trình lao động. TBBB không phải là nguồn gốc của giá trị thặng dư, mà là điều kiện sản xuất giá trị thặng dư và để nhà tư bản thu giá trị thặng dư. Từng bộ phận của TBBB chuyển giá trị của mình một cách khác nhau vào hàng hoá vừa mới làm ra. Theo tính chất chu chuyển, một bộ phận TBBB (nhà xưởng, thiết bị và máy móc) hình thành nên tư bản cố định được sử dụng trong nhiều chu kì sản xuất thì chuyển dần từng phần giá trị của mình. Bộ phận TBBB khác (nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu phụ) hình thành nên một bộ phận của tư bản lưu động thì bị tiêu dùng hoàn toàn qua một thời kì sản xuất trong quá trình sản xuất hàng hoá và chuyển toàn bộ giá trị của mình vào sản phẩm vừa mới làm ra.
TƯ BẢN KHẢ BIẾN:
bộ phận tư bản dùng để mua sức lao động (tức là để trả lương cho công nhân), đại lượng của nó thay đổi trong quá trình sản xuất và tạo ra giá trị thặng dư. Trong xí nghiệp tư bản chủ nghĩa, người công nhân tạo ra một giá trị, xét về quy mô thì vượt quá những chi phí về tiền lương, nghĩa là tạo ra giá trị thặng dư. Do đó, giá trị của tư bản ứng trước không những được bảo tồn trong quá trình tạo ra giá trị mới, mà còn tăng thêm một đại lượng bằng đại lượng của giá trị thặng dư. Mac là người đầu tiên tìm ra việc phân chia tư bản thành tư bản bất biến và TBKB. Giá trị thặng dư chỉ là số tăng thêm của TBKB; điều đó đã chỉ rõ nguồn gốc thực sự của việc tạo ra giá trị thặng dư.
TƯ BẢN CỐ ĐỊNH:
bộ phận của tư bản sản xuất biểu hiện dưới hình thái giá trị của tư liệu lao động và giá trị này được chuyển vào sản phẩm mới. TBCĐ tham gia toàn bộ vào quá trình sản xuất, nhưng giá trị của nó được chuyển dần vào sản phẩm sản xuất ra theo mức độ hao mòn. Trong quá trình sử dụng, TBCĐ không chỉ bị hao mòn hữu hình, mà còn bị hao mòn vô hình. Sau khi bán hàng hoá, giá trị của phần tư liệu lao động đã bị hao mòn trở về tay nhà tư bản dưới hình thái tiền tệ và tạo thành quỹ khấu hao, quỹ đó có thể được sử dụng như là quỹ tích luỹ.
TƯ BẢN LƯU ĐỘNG:
một bộ phận của tư bản sản xuất mà nhà tư bản dùng để mua bộ phận tư bản bất biến tồn tại dưới hình thái nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu phụ và tư bản khả biến (tiền lương của công nhân). Xét về phương thức chu chuyển, TBLĐ chuyển hoàn toàn một lần (không phải dần dần) giá trị sang sản phẩm; trong đó tư bản khả biến không chỉ chuyển nguyên giá trị ngang với giá trị của bản thân nó (giá trị sức lao động) mà còn tạo ra giá trị thặng dư. Do đó, tăng tốc độ chu chuyển của TBLĐ sẽ tăng được khối lượng giá trị thặng dư và khối lượng lợi nhuận dù tỉ suất giá trị thặng dư không tăng.