Làm gì khi con hay 'ăn vạ'?

Con tôi được 18 tháng tuổi. Cha mẹ không chiều nhưng cháu rất hay hờn không dỗ được, mặc dù chúng tôi có đánh dọa cháu, tỏ nét mặt nghiêm nghị. Tôi phải làm gì?
Trả lời 16 năm trước
Trẻ từ 12 tháng đến trên 3 tuổi thường hay có những biểu hiện hờn, dỗi, lăn ra ăn vạ… khi đòi cái gì đó mà không được người lớn đáp ứng ngay. Trước những tình huống như vậy người lớn thường sử dụng cách động viên, giải thích, doạ nạt, thậm chí đánh trẻ và nhiều lúc cảm thấy bất lực. Trước hết bạn cần tìm hiểu xem tại sao bé hay hờn dỗi. Mỗi lần như vậy bạn đã dùng những giải pháp gì, hiệu quả thế nào và cuối cùng có đáp ứng đòi hỏi của bé không? Liệu bé đã tập nhiễm thành thói quen hoặc phát hiện ra “hờn dỗi, ăn vạ” là cách nhanh nhất để đạt được điều mình muốn? Điều quan trọng là bạn cần hiểu những thông điệp ngầm đằng sau các hành vi này của bé xem con thực sự mong muốn điều gì rồi tìm ra cách xử trí hợp lý với từng tình huống cụ thể. Nếu bạn doạ nạt, đánh trẻ hoặc mặc cả, ra điều kiện, chẳng hạn: Mẹ chỉ đồng ý cho con lần này, rồi bắt trẻ hứa, sau đó đáp ứng những đòi hỏi của trẻ thì vô tình đã giúp con củng cố hành vi hờn dỗi. Thay vì thế, người lớn có thể nghiêm sắc mặt, kiên quyết yêu cầu trẻ dừng hành vi đó và nói rõ những ý muốn của nó. Nếu đó là ý muốn chính đáng, không làm phương hại trẻ, bạn có thể đáp ứng hoặc đưa ra những lý do để trì hoãn và khuyến khích trẻ giải thích. Điều này tạo cơ hội để bé học cách đánh giá lại những đòi hỏi của mình và học cách thuyết phục người lớn. Nếu trẻ vẫn tiếp tục hờn dỗi, khóc ăn vạ… tốt nhất là người mẹ tỏ thái độ không chấp nhận hành vi này rồi bỏ đi làm việc khác. Khi đó, thường bé khóc to hơn nhưng một lúc sau sẽ tự nín. Người lớn tiếp tục “lờ” đi một thời gian nữa để bé tự nhận thấy những hành vi tương tự không phải là cách nhanh nhất đạt được điều bé muốn. Khi bé vui vẻ trở lại, bạn có thể cùng con thảo luận về những hành vi trước đó, giải thích để bé hiểu điều gì nên và không nên. Thậm chí mẹ con cùng tập đóng vai diễn lại tình huống vừa rồi để bé tự nhận xét và dần dần biết được mình nên ứng xử thế nào để người lớn chấp nhận