Đã 2 tháng rồi mà con vẫn còn khóc sợ đi học!

Tôi có một cháu gái 3 tuổi, đã đi học lớp mẫu giáo từ đầu tháng 9. Đến nay đã 2 tháng cháu vẫn gào khóc khi đi học và chỉ đòi ở nhà. Chiều đón về, cháu vẫn vui vẻ và đòi chơi các trò chơi trong sân trường, đồng thời hứa mai đi học không khóc. Đến tối, hỏi lại thì ngay lập tức cháu khóc và đòi ở nhà. Sáng hôm sau, cháu dậy sớm và câu đầu tiên nói với mẹ là con không đi học, con ở nhà với bố mẹ.

Đặc biệt từ khi đi học, cháu trở nên khó bảo, không nghe lời mặc cho bố mẹ giải thích. Tôi cũng hỏi cô giáo thì cô nói chỉ khóc một lúc rồi thôi, tuy nhiên cháu không chịu chơi với các bạn ở lớp. Lúc nào cũng thấy cháu ngồi với cô giáo khi tôi đón cháu. Cháu cũng rất ít khi kể chuyện ở lớp khi về nhà dù mẹ cố thủ thỉ để hỏi han. Khi ở nhà cháu vẫn chơi đùa vui vẻ với các chị hàng xóm (hơn cháu 2-3 tuổi).

Tôi thực sự rất lo lắng, vì tôi có hỏi thăm mọi người có con ở lứa tuổi này khi đi học chỉ mất khoảng 1 tuần hoặc nhiều nhất là 1 tháng là quen đến trường, nhưng con tôi đã gần 2 tháng mà vẫn chưa quen mà có phần nghiêm trọng hơn. Tôi không hiểu phải làm cách nào cho con đi học vui vẻ và muốn đi học. Trước đây khi cháu được 16 tháng, tôi cũng đã cho cháu đi học bà trông trẻ, cháu quen luôn không khóc, nhiều khi còn bảo mẹ đi làm.

Tôi rất mong chuyên gia cho tôi lời khuyên giúp con tôi vượt qua khó khăn này. Xin chân thành cảm ơn và rất mong sớm nhận được hồi âm.

Thu Hiền

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Chào bạn,

Thực sự chúng tôi hiểu nỗi lo lắng của bạn. Không riêng gì trường hợp của bé mà rất nhiều bé khác lần đầu đến trường đều gặp tình huống tương tự. Chúng tôi xin trích lại ý kiến của một chuyên gia trong lĩnh vực này để bạn tham khảo: "Theo bà Phạm Phương Thảo, Giảng viên tâm lý Trường đại học y dược TP HCM, tình trạng các bé đi nhà trẻ hay khóc thét đòi mẹ, nôn ói khi ăn… là dấu hiệu của stress. Nguyên nhân do bé có cảm giác lo sợ bị mẹ bỏ rơi, lo sợ vì phải ở một môi trường xa lạ…

Hiện nay, cả hai cách thức mà các bậc phụ huynh hay áp dụng với con trẻ trong những ngày đầu đến trường đều rất không phù hợp, theo bà Thảo. Thứ nhất là sự nuông chiều con. Thấy con thường khóc thét mỗi lần đi học hoặc xanh xao vì không hợp khẩu vị ăn uống, phụ huynh thường cho con nghỉ học ở nhà. Làm như vậy, bé sẽ rất khó thích nghi với môi trường nhà trẻ.

Trường hợp thứ hai là bỏ mặc con. Nhiều phụ huynh cho rằng, cứ chở con đến trường và giao cho cô giáo. Ban đầu chấp nhận để bé khóc, không ăn uống nhưng rồi sau đó cũng sẽ quen. “Cách này vô tình các bậc bố mẹ đã làm ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của trẻ, càng khiến cho bé bị stress nặng hơn”, bà Thảo nói.

Bà Thảo cho rằng, để bé thích ứng tốt với môi trường nhà trẻ thì trước tiên bố mẹ cần phải cho bé làm quen với môi trường này trước khi chính thức đi học. Chẳng hạn, hàng ngày chở bé đến trường chơi, chỉ cho bé thấy đi học sẽ được làm quen với nhiều bạn bè, được chơi nhiều trò chơi, được cô giáo chăm sóc…, tức tạo cho bé cảm giác thân quen mới môi trường mới. Và khi chính thức cho bé đi nhà trẻ, phụ huynh phải tạo cho bé cảm giác không bị mẹ bỏ rơi bằng cách ở lại trường cùng bé trong vài ngày đầu. Từ chỗ ở lại một buổi với bé, sau đó ở lại vài giờ. Khi về thì mẹ phải hứa với bé chiều sẽ đón sớm..."

Bạn có thể bắt đầu lại với bé bằng cách cùng con đến trường, để con quen môi trường mới, có được cảm giác an toàn, sau đó hãy bắt đầu "thả" bé. Cũng cần tìm hiểu các hoạt động ở trường để tìm sự phù hợp nhất cho con.

Chúc bạn thành công,

Thân mến.

Nguồn: webtretho


mùa xuân
mùa xuân
Trả lời 13 năm trước

Vấn đề anh chị đang gặp phải với con mình cũng thường thấy ở rất nhiều phụ huynh khác. Nguyên nhân trẻ ghét đi học có thể do bé không thích xa gia đình (được những người thân yêu mến, chăm sóc), sợ môi trường mới bởi nơi đó không tạo cho bé cảm giác yên tâm, thoải mái.

Việc cháu nôn, oẹ là một phản xạ chống đối (vì trẻ không biết làm cách nào khác) và cha mẹ càng mắng, càng quát khiến con sợ thì phản ứng này càng diễn ra nhiều hơn.

Hơn nữa, vì bé mới 3 tuổi nên việc giải thích cho trẻ ý nghĩa của việc đi học khá khó khăn. Trong trường hợp này, anh chị có thể tham khảo vài gợi ý sau:

- Trao đổi với cô giáo về vấn đề của bé. Nếu ở trường mầm non bé được các cô yêu thương, chăm sóc như bố mẹ ở nhà thì trẻ sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Ngược lại, nếu bị các cô giáo quát mắng, kỷ luật thì chắc chắn các cháu sẽ không thích đến trường.

- Mỗi buổi sáng, cha mẹ không nên nhắc hay quát to với con: "Dậy đi học nào!", "Lại muộn giờ rồi" hay "Ăn nhanh lên còn đi học chứ"... Thay vì thế, anh chị hãy tạo cho bé niềm vui nho nhỏ như khen con: "Hôm nay Bi mặc bộ quần áo này đẹp quá" hay hỏi chuyện bé "Con có nhớ câu chuyện hôm qua mẹ con mình cùng kể không?", bảo bé tập làm một việc gì đó và động viên... Khi vui vẻ, trẻ sẽ quên áp lực phải đi học và ăn ngon hơn, không bị nôn oẹ. Sau đó, bố mẹ cứ tự nhiên đưa trẻ đến trường. Cùng với sự niềm nở của cô giáo thì trẻ sẽ cảm thấy không sợ lớp học nữa.

- Cha mẹ nên thường xuyên cho con đi chơi, giao tiếp trong đám đông, với người lạ hay thỉnh thoảng gửi bé sang ông bà để trẻ dần thích nghi mới môi trường mới. Hầu hết các bé không thích đi học vì gắn bó quá mức với gia đình, khó hòa nhập với môi trường mới và ngại giao tiếp.

- Các bậc phụ huynh cũng không nên dọa bé kiểu như: "Con không ăn nhanh mẹ cho đi học để cô giáo cho ăn, rồi các bạn nó ăn hết thì thôi", "Con hư là mẹ cho đi học đấy" hay "Con mà không làm (một việc gì đó) là mẹ nói với cô giáo đấy"... Bố mẹ hãy tránh gắn những cảm xúc tiêu cực của trẻ với trường học, thầy cô giáo.

Bui Thu Phuong
Bui Thu Phuong
Trả lời 13 năm trước

Chuẩn bị cho bé đi học

Mẹ giải thích cho bé hiểu rằng vườn trẻ có cô bảo mẫu và rất nhiều lớp, mỗi lớp có nhiều bạn để bé chuẩn bị tâm lý vì trẻ con thường sợ tiếng động và nơi đông người. Nhưng bạn cũng đừng tập trung quá vào vấn đề này khiến bé lo sợ.

Để bé làm quen dần với trường lớp bằng cách dắt con tới thăm trường trước thời gian bé đi trẻ.

Bạn dẫn bé đi mua sắm đồ dùng chuẩn bị đi lớp như bút vẽ, vở, cặp… kể cả thứ chưa cần để bé thấy được tầm quan trọng của việc tới trường: đi học là chuyện nghiêm túc chứ không phải đi chơi.

Tránh mua quần áo mới vào dịp khai giảng. Hãy để bé mặc những trang phục quen thuộc hàng ngày vì vào dịp này, bé đã phải làm quen với nhiều cái mới rồi, đừng để bé phải lạ lẫm với cả bộ quần áo của mình.

Khi ngày khai giảng tới gần

Nếu có thể, cả bố và mẹ hãy cố gắng cùng đưa bé tới trường vào ngày khai giảng. Một người đưa đi khiến bé cảm thấy chưa an tâm.

Bạn đưa bé đi thăm lớp học nếu cô giáo đồng ý. Chỉ cho bé biết các khu học, vui chơi, nơi để quần áo…

Cần mặc cho bé loại trang phục dễ cởi, không nên để bé mặc quần yếm, quần áo có dải thắt phức tạp dễ gây vướng khi bé đi vệ sinh.

Không nên đốt cháy giai đoạn

Phải để trẻ làm quen dần với việc đi lớp. Những ngày đầu, nên để bé học một buổi, trưa đón về nhà. Sang ngày thứ ba, đón về trưa rồi chiều lại đưa tới lớp. Tiếp đó, nếu bạn dự kiến để bé ăn bán trú tại trường thì cần phải dứt khoát, không đưa đi đón về như trước nữa.

Phải cho bé đi học đều đặn để bé làm quen và hiểu rằng đây là nơi bé sẽ tới hàng ngày.

Mẹ cần đúng giờ. Nếu ngày nào bạn cũng đưa trẻ tới trường muộn trong khi các bạn của bé đã vào hàng cả thì bé sẽ cảm thấy chuyện mình đến sau là bất thường. Nếu bạn đến đón muộn, bé sẽ thấy sợ hãi khi các bạn lần lượt về hết còn mình phải ở lại sau.

Lập kế hoạch với bé. Bạn hãy kẻ cho bé một thời khoá biểu. Ngày nào phải đi học, bạn hãy tô màu đỏ, ngày nghỉ cuối tuần, tô màu xanh để bé quen dần với việc theo dõi ngày đến lớp.

Tạo cho con những điểm mốc

Ban đầu, nên để bé mang theo chú gấu bông quen thuộc ở nhà tới lớp sẽ giúp bé cảm thấy an toàn hơn. Buổi sáng đưa bé tới lớp, bạn hãy lưu lại đôi chút để trò chuyện với cô giáo, hỏi thăm xem bé ăn uống, nghỉ ngơi ra sao, quan sát các bạn trong lớp bé… Nhưng không nên ở quá lâu vì trẻ hiểu rằng trường học là nơi không có mặt cha mẹ.

Mẹ cần nói tạm biệt kể cả khi bé đang mải chơi với bạn vì nếu không, khi trò chơi kết thúc, bé sẽ tìm kiếm bố mẹ đấy.

Nên cho bé biết ai sẽ đón bé vào buổi chiều để con bạn yên tâm. Buổi tối về, mẹ hãy hỏi về những hoạt động trong ngày để bé cảm nhận được rằng bố mẹ quan tâm đến mình. Nếu bé không chịu nói, cũng đừng nài nỉ vì không phải bé nào cũng nhớ được mình làm gì hôm nay.

Xử lý những rắc rối

Nếu bé khóc mỗi khi bạn đưa tới lớp, cũng đừng nên lo lắng và tránh rơi nước mắt theo bé. Mẹ cần dịu dàng vuốt ve, an ủi, đưa bé vào lớp rồi trở ra nhanh.

Nếu buổi tối bé khó ngủ, tỉnh dậy quấy khóc, tè dầm ra giường…thì bạn nên hiểu những điều đó hoàn toàn bình thường với đứa trẻ mới đi học. Đừng trách mắng mà hãy giúp bé thấy an tâm…

Có nên bán trú vào năm đầu mẫu giáo

Các chuyên gia đều khuyên rằng không nên để trẻ ăn bán trú vào năm đầu đi lớp. Đối với trẻ 3 tuổi, bé cần một không khí bữa ăn ấm cúng, tình cảm. Ăn bán trú ở lớp đối với bé rất mệt mỏi, khó chịu và có cảm giác bị bức bách.

Không khí ồn ào, bé nọ tranh của bé kia… khiến cho bữa ăn đối với bé là sự chịu đựng. Thêm nữa, sự có mặt của cô bảo mẫu phía sau xem bé ăn uống đúng cách chưa, có để rơi vãi thức ăn hay ăn chậm… khiến cho bé sợ sệt, khó gần. Nếu có thể, hãy để bé ăn ở nhà trong năm mẫu giáo bé.

hao
hao
Trả lời 10 năm trước

Thứ nhất, chúng tôi nhận thấy những vấn đề bé đang mắc phải có thể do một trong hai nguyên nhân sau:

Nguyên nhân thứ nhất, có thể do bé khá nhút nhát, được gia đình chăm sóc và bao bọc rất cẩn thận nên khi thay đổi môi trường thì con sẽ gặp khó khăn trong việc thích nghi, làm quen với môi trường mới.

Nguyên nhân thứ 2 có thể do môi trường mới chưa thực sự phù hợp với trẻ. Để xác định xem trường hợp của bé có thuộc nguyên nhân này hay không, bạn hãy tham khảo các phụ huynh khác có con học cùng lớp xem các bạn ấy có gặp phải tình trạng tương tự không. Quan trọng là bạn phải biết được các hình thức và phương pháp tiếp cận của giáo viên trong lớp với cháu. Tìm hiểu rõ thời gian biểu sinh hoạt của cháu tại lớp như thế nào.

Sau khi đã hiểu rõ nguyên nhân khiến bé có biểu hiện không tích cực này, bạn hãy giúp bé khắc phục bằng cách. Nếu nguyên nhân do bé quá nhút nhát, bạn hãy giảm bớt bao bọc bé, cho bé cơ hội tiếp xúc, giao lưu và thử nghiệm bản thân nhiều hơn, hướng dẫn trẻ giao lưu kết bạn, không nên quát mắng, dọa nạt trẻ mà nên khuyến khích, khen ngợi để trẻ trở lên tự tin hơn.

Còn khi nguyên nhân là do môi trường mới chưa phù hợp với trẻ thì bạn nên trao đổi với giáo viên của bé, với nhà trường để được sự phối hợp giúp đỡ, tạo môi trường tốt cho trẻ hoặc bạn tìm cho con một môi trường mới phù hợp hơn.

Thứ hai, tôi chia sẻ thêm về vấn đề bạn lo lắng là bé đã hơn 2 tuổi nhưng mới nói được ít từ đơn. Đối với trẻ hơn 2 tuổi mà chỉ nói được ít từ đơn có nghĩa trẻ cũng đã có biểu hiện chậm nói. Bạn cần tìm hiểu các biện pháp giúp trẻ khắc phục chứng chậm nói, qua đó cũng giúp trẻ tự tin giao tiếp hơn.

Bên cạnh đó, bạn cần quan tâm giúp trẻ cải thiện về thể chất để bé có sức khỏe tốt, khỏe mạnh vui vẻ và đủ sức chống chọi với thời tiết, môi trường khắc nghiệt.

Cuối cùng, sau nhiều nỗ lực của gia đình mà trẻ không có chuyển biến tích cực thì bạn nên đưa trẻ đến gặp các chuyên gia tâm lý trẻ em để bé được đánh giá, tư vấn các biện pháp hỗ trợ phù hợp.