Con yêu sợ chó, sợ bóng tối, sợ bác sĩ, làm sao để chấm dứt nỗi sợ của bé?

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Con yêu của bạn sợ chó? sợ bóng tối? sợ bác sĩ? Trẻ nhỏ thường có bảy nỗi sợ phổ biến nhất, dù con yêu của bạn rơi vào trường hợp nào thì bạn cũng đều có thể chấm dứt nỗi sợ của bé bằng những lời khuyên từ chuyên gia của chúng tôi.

Vì sao việc đến khám bác sĩ (hoặc trông thấy một con chó, hoặc phải ở nhà với cô trông trẻ) lại làm con bạn hoảng lên vậy? Đầu tiên, hãy yên tâm rằng đó không phải do kỹ năng làm cha mẹ của bạn có vấn đề. Sợ hãi thật ra là một phản ứng hết sức tự nhiên và là một bước phát triển cần thiết của trẻ. Sợ hãi giúp trẻ học hỏi và là một phần của quá trình trưởng thành.

Trên thực tế, một nỗi sợ mới thường xuất hiện khi đứa trẻ chuẩn bị có một bước tiến trong đời: biết bò, biết đi, biết nói từ đầu tiên, biết ngủ riêng… Tất cả những điều đó cho thấy sự độc lập - sự độc lập đi cùng với bồn chồn, lo lắng.

Dù nhẹ cả người khi biết rằng hầu hết các nỗi sợ đều bình thường thì các bậc cha mẹ chúng ta vẫn thật đau đầu lẫn đau lòng khi thấy con mình khổ sở mỗi khi phải đi bác sĩ, hay sợ hãi con quái vật dưới gầm giường. Những mẹo sau đây có thể sẽ giúp được bạn và bé vượt qua bảy nỗi sợ phổ biến nhất ở trẻ em.



1. Sợ bóng tối!

Vì sao? Khi không thể trông thấy gì, bạn có cảm giác như mình không thể kiểm soát được tình hình, phải không nào? Trẻ con cũng vậy thôi, các bé rất dễ phát hoảng lên khi nghe thấy những tiếng động mà không biết chúng phát ra từ đâu. Không những thế mà ở tuổi này, trí tưởng tượng của con bạn vô cùng phong phú, khiến bé hình dung ra những kẻ xấu hay những sinh vật kỳ quái đang lẩn khuất đâu đó quanh mình.

Giúp con thế nào? Giải pháp dễ nhất là để đèn. Tất nhiên không phải là bật đèn sáng choang lên mà chỉ là một ngọn đèn ngủ dìu dịu, đèn ngoài hành lang hay nhiều khi chỉ cần là ánh sáng lờ mờ hắt vào cũng sẽ giúp con bạn cảm thấy yên tâm mà không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé. Khi bé đã lớn hơn một chút và cảm thấy thoải mái hơn trong bóng tối, bé sẽ không còn cần đến biện pháp này nữa.


Sợ quái vật!

Vì sao? Đối với một bé mầm non, bé không thể dễ dàng phân biệt được giữa thực tế và tưởng tượng. Ở tuổi này, con bạn nghĩ quái vật là có thật, và còn nơi nào tốt hơn để những con quái vật ấy trốn hơn là trong tủ quần áo hay dưới gầm giường? Đây cũng là khoảng thời gian mà nhiều đứa trẻ chuyển từ ngủ cũi sang ngủ giường, hay từ ngủ với bố mẹ sang ngủ riêng - đó là một bước chuyển lớn có thể dẫn đến âu lo đôi chút.

Giúp con thế nào? Hầu hết các chuyên gia đều nhất trí rằng các cách trừ tránh ma như nước xịt trừ tà ma, bột trừ tà ma hay dùng thú bông làm vật “dọa” ma đều không phải là phương cách tốt nhất đối phó với mối bận tâm dưới gầm giường của bé. Làm như thế sẽ chỉ càng củng cố thêm nỗi sợ hãi của con trẻ mà thôi, vì thật sự mà nói, nếu bạn cần đến những “vũ khí” ấy thì chẳng phải ma quỷ là có thật hay sao?

Tuy nhiên bạn cũng đừng coi nhẹ nỗi lo lắng của con bằng cách nói những câu như: “Thôi con đừng vớ vẩn nữa đi! Làm gì có ma với quỷ cơ chứ.” Thay vào đó, hãy nói chuyện với con yêu bé bỏng xem bạn có thể cùng với con làm gì để giúp bé cảm thấy khá hơn. Hãy thử bảo con rằng, “Con đang sợ hãi, nhưng mẹ hứa là không hề có ma quỷ gì cả đâu. Mẹ sẽ mở tủ và kiểm tra dưới gầm giường cho con. Nhưng mẹ có thể đoan chắc rằng trong nhà mình không có ai khác ngoài những người đáng yêu yêu quý con cả (là bố mẹ, ông bà đó mà).”



Sợ chó

Vì sao? Sợ chó thật sự là một chiến thuật sinh tồn. Có những con chó dữ và hay cắn người, nên hẳn bạn không muốn con mình bạ con chó nào cũng sán lại chơi cùng chứ, đúng không?

“Bệnh” sợ chó thường xuất phát từ một trong hai lý do: hoặc chính bạn lo lắng và con bạn cảm nhận được sự lo lắng đó, hoặc bé từng có kinh nghiệm đau thương với chó. Chó có thể rất khó lường, chúng có thể bất thình lình sủa to hoặc nhảy chồm chồm, hoặc gặm, liếm láp… và điều đó làm bé cảm thấy sợ.

Giúp con thế nào? Dù là một nỗi sợ tự nhiên và có thể hiểu được nhưng cứ nhác thấy một con chó là phát hoảng lên quả thật cũng không hay. Tuy vậy, bạn vẫn có thể trấn an con khi bé sợ, đó là việc hoàn toàn chấp nhận được, và bạn không bao giờ nên bảo con phải ra nựng nịu một con chó nếu bé sợ và không thích.

Mục đích cuối cùng của bạn là muốn con mình cảm thấy thư giãn và thoải mái, vậy nên hãy bắt đầu bằng cách cho bé làm quen với một chú cún con mà bạn biết là khá lành tính và thân thiện. Trước đó, hãy bảo đảm là bạn đã dạy cho con những “nghi thức” theo lời khuyên của Paul Owens, một chuyên gia về loài chó: đầu tiên là luôn xin phép chủ của chó. Thứ hai: hãy nhẹ nhàng (nói đủ nghe, không đánh chó, không kéo đuôi và kéo tai nó…) Và cuối cùng, không bao giờ đi thẳng đến chỗ của con chó và vỗ vào đầu nó, hãy tiếp cận nó theo đường chữ C trên mặt đất, tức là đi theo đường hơi cong một chút. Rồi sau đó, khi đã đến bên cạnh con chó, hãy cho nó ngửi mu bàn tay bạn và gãi nhẹ dưới cằm nó.