Cha mẹ nên làm gì khi con đánh nhau?

Đào Duy Thái
Đào Duy Thái
Trả lời 13 năm trước

Con cái cãi cọ và đánh nhau là chuyện thường thấy ở những gia đình có con nhỏ. Những lúc như thế này, bố mẹ nào cũng đau đầu không biết phải xử trí ra sao cho hợp tình hợp lí.

Rắc rối nảy sinh

- Trẻ 2 tuổi: Nguyên nhân đánh nhau vì “không được động vào đồ của tôi”:

Trẻ 2 tuổi đánh nhau luôn vì một lý do vô cùng đơn giản là lấy đồ của người khác hoặc bị người khác lấy đồ. Chúng sẽ không hiểu rõ được nhiều chuyện, chúng chỉ biết bảo vệ đồ của mình và sẽ cầm bất cứ cái gì trong tay mình để đánh người khác khi bị xâm phạm.

Khi ấy, người lớn không chỉ ngăn lại mà còn phải chuyển sự chú ý của trẻ đến thứ gì chúng thích. Chẳng hạn có thể nói: “Con ơi, nhìn xem, con chó kia đáng yêu không?”.

- Trẻ 3 tuổi: Nguyên nhân đánh nhau vì “con muốn mẹ ôm con”.

Trẻ ở độ tuổi này rất quấn người khác, lúc nào cũng giơ tay ra đòi mẹ bế. Chúng đánh nhau với trẻ khác là để gây sự chú ý của người lớn.
Thực chất thì đây là vấn đề mang tính sinh lý thôi, ôm sẽ kích thích đại não phát triển và giúp cho chúng bình tĩnh, giảm đau đớn. Lúc này bạn không được sao nhãng, hãy ôm lấy con mình ngay.

- Trẻ 4 tuổi: Nguyên nhân đánh nhau vì “muốn có tình yêu của bố mẹ”.

Những đứa trẻ bị mẹ xa lánh, lạnh nhạt, mắng mỏ sẽ không kiểm soát nổi bản thân mình. Những đứa trẻ như vậy sẽ thấy thích gây sự với bạn bè, ném hỏng đồ vật... một cách vô duyên cớ. Nếu thấy con mình có biểu hiện như vậy, bố mẹ cần kiểm điểm ngay cách đối xử của mình với con cái.

- Trẻ 5 tuổi: Nguyên nhân đánh nhau vì “muốn có một tổ ấm”.

Nhiều bà mẹ cho rằng con hay đánh nhau là vì xem quá nhiều truyện tranh bạo lực, nhưng thực tế thì sự ảnh hưởng ấy có hạn thôi, chủ yếu là do gia đình.
Nếu gia đình quen sử dụng lời nói để giải quyết mâu thuẫn thì trẻ cũng sẽ như vậy. Nhưng ngược lại, trẻ thích đánh nhau khi gia đình hay xảy ra bạo lực. Nếu bố mẹ không làm gương được cho con thì con trẻ khó có thể thay đổi được.

- Trẻ 6 tuổi: Nguyên nhân đánh nhau vì “muốn là chính mình”.

Trẻ càng lớn thì nguyên nhân đánh nhau càng phức tạp. Có trẻ muốn đứng đầu lũ bạn bằng nắm đấm của mình. Đó cũng là vì trẻ thiếu cách sống, không biết chung sống hòa bình thế nào. Do đó, lúc này bố mẹ không nên chỉ biết bao che con mình, mà cần phải dạy cho con biết làm thế nào để các bạn tôn trọng mình, bầu mình làm thủ lĩnh. Chẳng hạn như con hãy học giỏi hơn, ăn mặc sạch sẽ hơn.

Xử lý tình huống

- Dùng sức mạnh kéo chúng ra khỏi nhau: Trẻ con đánh nhau, bố mẹ không thể khoanh tay đứng nhìn. Lúc ấy, bạn hãy tách chúng ra khỏi nhau để chúng bình tĩnh lại. Khi đã bình tĩnh rồi thì mới hỏi han chúng tại sao đánh nhau. Chỉ như vậy mới giải quyết được vấn đề.

- Ôm chúng vào lòng: Khi chúng đang đánh nhau, bạn hãy đến gần và bất ngờ ôm chúng vào lòng mình. Sự dịu dàng ấy sẽ làm con trẻ khó hiểu, làm dịu bầu máu nóng của chúng, khiến chúng trở về trạng thái ban đầu. Đến lúc này bạn có thể khuyên giải con những điều thiệt hơn.

- Làm hậu phương vững chắc của con: Bạn phải nhớ là ngoài bố mẹ ra thì con làm gì còn ai bảo vệ nữa. Cho dù con mình sai và bản thân con cũng biết lỗi của mình rồi thì bạn hãy làm chỗ dựa cho chúng. Đừng lên án, mắng mỏ chúng nữa. Có mặt mọi người thì nên ít mắng chúng, về nhà đóng cửa dạy con là được.

(Theo Phụ Nữ Mới)

hao
hao
Trả lời 10 năm trước

Khi trẻ đánh nhau, cha mẹ bỏ mặc hoặc bênh đứa nhỏ. Điều này thường làm tình cảm giữa bọn trẻ xấu đi, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý trẻ.

Các nhà nghiên cứu Mỹ đã chia các bậc cha mẹ thành ba nhóm: nhóm thứ nhất can thiệp và giải thích điều phải trái; nhóm thứ hai đe nẹt, quát mắng và nhóm thứ ba không làm gì cả.

Mặc dù các bậc cha mẹ (ở cả 3 nhóm) đều cho rằng nên giải quyết các xung khắc giữa bọn trẻ, nhưng trên thực tế khảo sát ở 88 gia đình có con từ 3-8 tuổi, hầu hết họ đều để mặc cho bọn trẻ đánh nhau.

Vì sao cha mẹ thường không thể làm trọng tài khi con cái đánh nhau?

Nguyên nhân thứ nhất là do họ cho đó chỉ là chuyện trẻ con, không đáng quan tâm. Điều này sẽ khiến cho trẻ không nhận ra được sai lầm của mình, và có xu hướng dùng bạo lực để giải quyết những khó khăn sau này.

Nguyên nhân thứ hai là do các bậc cha mẹ lo sợ sẽ xử lý thiên vị, vì vậy họ đã để cho trẻ tự giải quyết theo cách của mình.

Trong trường hợp con bạn đánh nhau, tốt nhất là nên hòa giải chúng, phân tích và giải thích rõ việc bọn trẻ đánh nhau là không đúng, từ đó dạy cho trẻ cách giải quyết vấn đề nếu gặp trường hợp tương tự.

Dưới đây là một số lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh khi con cái đánh nhau:

- Không nên nuông chiều hay ủng hộ một phía vì sẽ làm trẻ ghen tị và hiếu chiến hơn.

- Dạy cho trẻ biết sống chan hoà, thân ái, tôn trọng ngườI khác, nhất là khi chúng là người trong cùng một gia đình.

- Chỉ nên phạt trẻ khi bạn có lý do chính đáng, và giải thich rõ vì sao trẻ bị phạt. Đưa ra nhiều cách giải quyết vấn đề và hướng trẻ vào cách giải quyết tốt nhất.