Tâm lý bé khi mẹ có em như nào

chuyengia
chuyengia
Trả lời 16 năm trước
Để đón chào em bé ra đời cần sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt của tất cả thành viên trong gia đình. Nhưng trong thực tế, không phải ông bố, bà mẹ nào cũng quan tâm đúng mức đến việc chuẩn bị tâm lý cho bé để chúng khỏi hụt hẫng khi mẹ sinh thêm em. Con ghét em lắm! Không phải đứa bé nào cũng có thể thốt lên với cha mẹ như thế về cảm nghĩ thực sự của chúng. Hầu hết, các bé che giấu cảm xúc và chỉ thể hiện nó ra ngoài bằng những biểu hiện đáng lo ngại. Ví dụ như trường hợp của bé Khánh Hà (Thanh Xuân – HN). Từ ngày mẹ sinh em Đốm, bé ít nói ít cười hơn trước. Vẻ mặt ngây thơ thoáng vẻ đượm buồn dường như đang lo lắng điều gì đó. Bé chán ăn, có biểu hiện đau đầu và dễ nổi cáu với cha mẹ. Gia đình rất lo lắng nên đã đưa bé đến Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em để nhờ các bác sĩ tư vấn. Sau khi tiến hành kiểm tra, các chuyên gia nhận thấy bé rất ác cảm với hình vẽ em bé sơ sinh. Lúc đó, gia đình mới “giật mình” nghĩ lại thì thấy bé có những biểu hiện này sau khi mẹ sinh em Đốm mà chẳng mấy ai để ý. Các chuyên gia tâm lý kết luận bé bị sang chấn tâm lý ở giai đoạn đầu, chỉ cần gia đình quan tâm dành tình cảm nhiều cho bé hơn thì sau một thời gian bé sẽ trở lại bình thường. Cũng như bé Khánh Hà, bé Duy Quang (lớp 5 - Trường tiểu học Nguyễn Trãi) gần đây có nhiều biểu hiện rất đáng lo ngại. Bé ghét em ra mặt, lúc nào cũng rầu rĩ, không thích tiếp xúc với người lạ, thậm chí bé còn kiệm lời với ngay chính bố mẹ mình. Trước đây, bé vốn là một học sinh giỏi, tính tình vui vẻ, sôi nổi và là đứa bé rất biết vâng lời. Sau hơn 10 năm bị sang chấn tâm lý mà gia đình không biết nên khi đưa đến Trung tâm thì bé đã bị trầm cảm nặng, cần rất nhiều thời gian để điều trị, gây ảnh hưởng lớn đến việc sinh hoạt và học tập. Bà Nguyễn Thị Nhất - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Trẻ em còn cho biết thêm: Có những bé bị sang chấn tâm lý lâu mà không được điều trị kịp thời bên cạnh những biểu hiện thường thấy như trên còn nuôi ý định thù hận em, thậm chí, có bé còn có suy nghĩ giết chết em mình đi hoặc có hành động tự hủy hoại bản thân. Điều này nếu để tiến triển quá lâu trong nhiều năm tháng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến tính cách và nhân cách của bé. Nhiều em trở nên cục cằn, thô lỗ, hoặc nhút nhát, tự ti tùy thuộc vào tính cách ban đầu của bé và mức độ sang chấn. Nhưng dù là thế nào thì sự biến dạng của tính cách cũng tiềm ẩn nguy hiểm cho cả cuộc đời của bé sau này.