Trường hợp của tôi có thể có thai lại và an toàn ở lần sau không?

Tôi 28 tuổi, bị sẩy thai hai lần, lần thứ nhất vào tháng 6-2008 lúc thai được năm tuần (ra máu âm đạo và thai sẩy tự nhiên). Sau đó tôi uống bổ sung viên sắt và Axit folic, đến tháng thứ năm sau sẩy thai thì tôi có thai lại, nhưng lúc thai được bảy tuần BS siêu âm bảo thai không có phôi và kết luận là "trứng trống". Sau đó vài ngày thì bị ra máu và thai tự ra luôn (tôi bị sẩy thai cách đây năm ngày). Xin hỏi: trường hợp của tôi có thể có thai lại và an toàn ở lần sau không? Nguyên nhân gây sẩy thai liên tiếp? Tôi phải làm những gì để lần sau có thai được an toàn? Có người khuyên nên đến khám ở khoa hiếm muộn ở BV Từ Dũ để tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục, cũng có người khuyên nên cắt thuốc nam uống... Tôi thật sự rất phân vân nên mong quý báo cho một lời khuyên. Xin chân thành cảm ơn!
tun cua di
tun cua di
Trả lời 14 năm trước
Sẩy thai liên tiếp là tình trạng sẩy thai từ ba lần trở lên. Theo hướng dẫn của The Royal College of Obstetricians and Gynaecologists (RCOG), trong sẩy thai liên tiếp có những vấn đề như sau: - Khoảng 1/100 các trường hợp có sẩy thai liên liếp. - Hầu hết các cặp vợ chồng có sẩy thai liên tiếp vẫn có nhiều cơ hội có thai thành công trong tương lai. - Nếu có tình trạng sẩy thai liên tiếp, các cặp vợ chồng có thể được đề nghị kiểm tra máu và/ hoặc siêu âm đánh giá tử cung để cố gắng xác định nguyên nhân sẩy thai. - Mặc dù khảo sát cẩn thận, thường có thể không xác định được nguyên nhân sẩy thai tái phát. - Bác sĩ có thể không thể đảm bảo được chính xác điều gì sẽ xảy ra trong những lần có thai lại. Nguyên nhân của sẩy thai liên tiếp: 1. Tuổi mẹ và tình trạng thai trước đó: tuổi mẹ càng cao thì nguy cơ sẩy thai càng cao. Những lần thai trước càng nhiều lần bị sẩy thai thì thai kỳ lần này càng có nguy cơ sẩy thai. 2. Các yếu tố gen: khoảng 15/100 các cặp bị sẩy thai liên tiếp có vợ hoặc chồng có các bất thường trong nhiễm sắc thể và di truyền sang con. 3. Bất thường của phôi: bất thường của trứng thụ tinh (phôi thai) là nguyên nhân hàng đầu của sẩy thai một lần. Nhưng có vẻ như ít là nguyên nhân của sẩy thai liên tiếp. 4. Yếu tố miễn dịch: kháng thể là các chất được sinh ra trong máu để chống lại nhiễm trùng. Khoảng 15/100 trường hợp sẩy thai liên tiếp có kháng thể antiphospolipid, chống lại chính mô cơ thể. Trong các trường hợp có kháng thể này, cơ hội có thai thành công chỉ 1/10. 5. Bất thường tử cung và cổ tử cung 6. Buồng trứng đa nang gây nên các rối loạn nội tiết làm gia tăng nguy cơ sẩy thai liên tiếp. 7. Bệnh lý về máu, tiểu đường, cường giáp, tăng prolactin tăng nguy cơ sẩy thai. 8. Nhiễm trùng nặng có thể gây sẩy thai. Tuy nhiên nhiễm trùng có gây sẩy thai liên tiếp hay không vẫn còn là câu hỏi. Do đó với các bệnh nhiễm một lần tạo kháng thể vĩnh viễn như sởi, cytomegalovirus, toxoplasmosis sẽ không cần kiểm tra trong trường hợp sẩy thai liên tiếp. Các khuyến cáo cần nên thực hiện khi có sẩy thai liên tiếp : 1. Khám và chế độ dưỡng thai sớm. 2. Kiểm tra tử cung và cổ tử cung trước khi mang thai và theo dõi vào đầu thai kỳ để phát hiện sớm các trường hợp hở eo tử cung và khâu eo cổ tử cung. 3. Kiểm tra di truyền và tư vấn để biết được cơ hội có thai thành công ở những lần sau. Ví dụ gen bất thường là gen lặn thì nguy cơ bất thường biểu hiện bệnh là 25%, có bất thường nhưng không biểu hiện bệnh là 50%, bình thường là 25%. 4. Có kháng thể kháng antiphospholipid có thể sử dụng Aspirin liều thấp hay Heparin liều thấp trong giai đoạn đầu thai kỳ. 5. Điều trị nhiễm trùng. 6. Tầm soát các dị tật.