Dùng bỉm của hãng nào tốt cho trẻ sơ sinh?

Chào cả nhà,

Em sắp sinh bé đầu tiên nên còn rất thiếu kinh nghiệm. Mai em đang chuẩn bị cùng ông xã đi mua sắm đồ đạc cho bé trước khi sinh.

Các mẹ thường cho bé ở nhà dùng bỉm của hãng nào thì không bị hăm ạ? Em không biết phải mua của hãng nào vì nhiều loại quá.

Mong các mẹ giúp em.

Tống Minh Tùng
Tống Minh Tùng
Trả lời 8 năm trước

  • Trong khoảng 3 ngày đầu sau sinh, trẻ sẽ đi phân su màu đen. Lượng phân này không nhiều, do đó chỉ nên sử dụng tã giấy hoặc giấy lót phân xu đóng vào quần đóng tã rồi mặc cho bé.

  • Cho đến 1 – 2 tháng tuổi, trẻ sơ sinh thường đi tiêu xì xoẹt nhiều lần trong ngày, trung bình có thể từ 8 -10 lần, lượng phân lỏng mềm, “hoa cà hoa cải” rất ít. Mẹ có thể sử dụng hoàn toàn tã giấy số 1 hoặc 2 phù hợp với cân nặng. Tuy nhiên, nếu muốn con có một giấc ngủ ngon và thoải mái, mẹ cũng có thể đóng bỉm cho con vào ban đêm. Trẻ 1-2 tháng tuổi thường dùng bỉm có size dưới 5kg.

Trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên

  • Lúc này, trẻ đã đi tiêu ít dần, trung bình 2-3 lần một ngày, lượng phân nhiều. Mẹ có thể cho con sử dụng bỉm hoàn toàn. Tuy vậy, đừng vội mua quá nhiều bỉm một lúc cho đến khi bạn chắc chắn về cân nặng và loại bỉm phù hợp nhất với con bởi mỗi bé có một hình dáng và kích thước khác nhau.

Cách lựa chọn bỉm, tã lót cho trẻ sơ sinh

  • Các hãng sản xuất bỉm hiện nay đều đưa ra thị trường rất nhiều mẫu mã khác nhau để phù hợp với từng giới tính và độ tuổi như bỉm dành riêng cho bé trai, bé gái, bé sơ sinh, tập bò và bé đã biết đi… Mỗi giai đoạn và giới tính khác nhau của trẻ, lượng chất thấm hút sẽ được đặt dày hơn tại một vị trí nhất định. Với bé gái, bỉm sẽ thấm hút nhiều ở phía sau hay như với bé trai, các bé sẽ thường tè và làm dày phía mặt trước của bỉm.

  • Ngoài ra, với từng độ tuổi khác nhau, hình dạng và loại bỉm dành cho trẻ cũng sẽ thay đổi. Đối với trẻ sơ sinh, bỉm thường dùng loại dán hai bên. Khi con đã biết bò, hai dây dán này thường được làm chặt và chắc chắn hơn. Đối với trẻ tập đi, mẹ có thể cho con dùng bỉm quần để tránh xê dịch và tuột khi vận động.

  • Tất cả những điều này chị em đều nên chú ý khi lựa chọn để chống tràn và giúp con có thể thoải mái nhất khi đóng bỉm.

Cách lựa chọn bỉm cho bé

  1. – Loại bỉm có màng đáy thoáng dạng vải, không quá dày, có hai bên vách chống trào mềm mại để không gây vết hằn sẽ thích hợp nhất cho làn da nhạy cảm của trẻ.

  2. – Không nên chọn loại bỉm mà phần bên trong tiếp xúc với da trẻ có plastic và polyester.

  3. – Chọn bỉm có kích thước phù hợp với cân nặng của trẻ.

  4. – Đối với bé gái, nên chọn loại bỉm có độ dày tập trung ở giữa hoặc phía sau.

  5. – Loại bỉm có lớp lót phụ thêm ở phía trước phù hợp với các bé trai.

So sánh 5 loại bỉm tã lót cho trẻ nổi tiếng trên thị trường

1. Bỉm Bobby

  • Ưu: Có hai loại ban ngày và ban đêm (siêu thấm) cho bé lựa chọn. Bỉm có mùi thơm dễ chịu. Đặc biệt, bỉm rất phổ biến. Hầu như cửa hàng nào cũng có và mẹ dễ dàng tìm mua cho bé đủ loại, đủ size. Giá cả ở những nơi bán không chênh lệch nhiều.

  • Nhược: Phần dán băng keo gây tiếng động, nên thay bỉm lúc ngủ khiến bé dễ bị đánh thức dậy. Chỉ cần mở phần dán băng keo 1 – 2 lần, độ dính gần như không còn.

  • Vote sao cho chất lượng: 3/5

  • Giá cả: dao động từ 2.400đ – 2.700đ/miếng

Ý kiến của mẹ: “Bobby siêu mỏng mới có mùi thơm dễ chịu. Thấm hút tốt, khô, không bị vón cục lắm. Giá cả thì cực kỳ phải chăng và hợp với túi tiền”.

Lưu ý khi mẹ chọn bỉm Bobby cho bé: Nên cho bé dùng bỉm Bobby vào ban ngày. Khoảng 2 -3 giờ thay bỉm cho bé một lần.

2. Bỉm Pamper

  • Ưu: Mềm và thấm hút cũng khá tốt.

  • Nhược: Mặt đáy bỉm làm bằng nylon nên rất bí.

  • Vote sao cho chất lượng: 3/5

  • Giá cả: Khoảng 3.000 đồng/cái

Ý kiến của mẹ: “Nếu xét về tiêu chí thấm hút, tôi thấy dùng bỉm Pamper được đấy. Vì nó khá dày, chứa được nhiều nước. Có điều, bỉm này hơi cứng và bí, nếu bé chịu được thì không vấn đề gì”.

Lưu ý khi mẹ chọn mua bỉm Pamper cho bé: Bỉm Pamper bao bì màu xanh là hàng made in Việt Nam. Bỉm Pamper bao bì màu tím là hàng nhập khẩu. Bỉm Pamper nhập khẩu dùng thích hơn nhưng giá hơi cao một chút.

3. Bỉm Huggies

  • Ưu: Có chất liệu khử mùi, chất liệu bông kết hợp hạt thấm nhỏ li ti chống thấm ngược. Bông siêu mỏng cung cấp cho da độ ẩm cần thiết.

  • Nhược: Chiều ngang bỉm hơi hẹp nên nước tè của bé hay thấm ra ngoài. Phần co dãn ở bụng của bỉm Huggies hơi cứng và dày, hay cọ vào bụng bé. “Săm soi” kỹ, bỉm có thể vẫn bị vón cục.

  • Vote sao cho chất lượng: 3/5

  • Giá cả: dao động từ 3.000 – 3.500đồng/cái

Ý kiến của mẹ: ““Ưng” bỉm Huggies nhất ở điểm phần băng keo dính hai bên đóng vào, mở ra thoải mái, không sợ hết dính và hằn chân bé. Còn các khoản khác: độ mỏng, thấm tốt, không tràn… đều thấy hài lòng”.

Lưu ý khi mẹ chọn bỉm Huggies cho bé: Bỉm Huggies bao bì xanh là hàng made in Việt Nam. Bỉm Huggies bao bì màu tím là loại nhập khẩu, dùng rất ổn nhưng giá thành hơi cao. Bỉm có độ ôm tốt, chống tràn ra ngoài.

4. Bỉm Nannys:

Ưu: Màng chống ngăn tốt nên dù bé có ở tư thế vận động nào, bỉm cũng “ngăn ngừa” được tình trạng “thoát nước”. Cung cấp sản phẩm cho bé từ khi sơ sinh đến lúc nặng 25kg.

  • Nhược: Bỉm hơi dày. Phần dán keo ở ngoài nó là giấy, dính gai, hơi cứng.

  • Vote sao cho chất lượng: 4/5

  • Giá cả: dao động từ 3.500 – 4.000 đồng/cái

Ý kiến của mẹ: “Bỉm Nannys dùng được, thoáng, thấm hút khá tốt, bề mặt khô. Nếu chưa đủ tiền dùng những loại bỉm khác cao cấp hơn thì dùng Nannys là hoàn toàn ổn”.

Lưu ý cho mẹ khi chọn bỉm Nannys cho bé: Bỉm dày, bé mặc hay khó chịu, nên bỉm dùng thích hợp hơn trong mùa đông.

5. Bỉm Goon cho bé

  • Ưu: Sờ tay vào bỉm thấy mềm mịn như tơ, mỏng, gọn, thấm hút suốt đêm tốt và giúp bé hoàn toàn không bị hăm.

  • Nhược: Luôn làm mẹ bị “viêm màng túi”.

  • Vote sao cho chất lượng: 5/5

  • Giá cả: dao động từ 5.000 – 6.000/cái

Ý kiến của mẹ: “Khi dùng bỉm Goon, tôi không thấy nhược điểm gì về chất lượng nhưng giá thì hơi cao. Nếu theo tiêu chí “tốt”, thì tôi vote cho Goon. Nếu theo tiêu chí “rẻ”, tôi không bao giờ vote cho Goon. Nếu căn cứ vào chất lượng thì giá đó là hợp lý”.

Lưu ý:

  • Khi mẹ chọn bỉm Goon cho bé: Bỉm Goon có 2 loại: 1 loại xuất khẩu (ít miếng hơn và có tiếng Anh trên bao bì) và 1 loại nội địa (nhiều miếng hơn và toàn tiếng Nhật trên bao bì). Chất lượng bỉm của 2 loại này như nhau, nhưng rõ ràng các mẹ chọn mua loại nội địa thì “kinh tế” hơn nhiều.

  • Tuy nhiên, loại nội địa có một điểm khác là khu vực trong bỉm thay đổi màu sang màu hồng (để chỉ lượng nước tiểu/phân bé sản xuất ra) không được rõ như hàng xuất khẩu, dẫn đến việc khó xác định lượng nước tiểu đã ngấm bằng mắt thường.

  • Bỉm có nhiều sự tiện dụng, nhưng thỉnh thoảng mẹ nên tháo bỉm để bé được thoải mái và khô thoáng

  • Trên đây chỉ là 5 trong số những loại bỉm phổ biến mà các mẹ thường hay lựa chọn cho bé yêu của mình. Thực tế, thị trường bỉm còn rất nhiều nhãn hiệu khác như Happy, Petpet, Merries, No wet, Fitti, Mamy Poko… Mỗi loại bỉm đều có những thế mạnh và nhược điểm riêng của mình.

  • Dù mẹ có chọn cho bé loại bỉm nào, tốt nhất hãy làm theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất. Nếu mẹ chọn dùng cho con loại bỉm nào, thấy con bị dị ứng hoặc có dấu hiệu mẩn đỏ, hăm da thì nên chuyển ngay cho con dùng một loại bỉm khác. Nhưng điều đó cũng chưa phải là căn cứ cuối cùng đánh giá chất lượng của một loại bỉm. Rất có thể, bé không hợp loại bỉm này nhưng lại hợp loại bỉm khác.

  • Quan trọng nhất khi cho bé dùng bỉm là phải thay bỉm cho bé thường xuyên. Ít nhất khoảng 4 – 6 lần/ngày. Không nên để bé mặc bỉm quá lâu, nước tiểu ngấm ngược trở lại rất có hại cho bé, đặc biệt là các bé trai.

  • Để dùng bỉm một cách “kinh tế” mà vẫn hiệu quả, các mẹ có thể cho con sử dụng kết hợp nhiều loại bỉm. Ban ngày, các mẹ chủ động được việc thay bỉm cho con, nên cho con dùng những loại bỉm giá cả phải chăng, bình dân. Ban đêm, mẹ hãy chọn cho bé loại bỉm có chất lượng tốt hơn để bé ngủ sâu giấc.