Vì sao nhiều bà mẹ hạnh phúc khi bé cười?

Trả lời 15 năm trước
Khoa học đã khẳng định điều mà nhiều bà mẹ cảm thấy: Khi người mẹ nhìn đứa con thân yêu của mình cười, một số vùng trên não bộ của bà sẽ trở nên hưng phấn và tạo ra những cảm giác hạnh phúc. Bác sĩ Strathearn, giáo sư khoa nhi của Đại học Y khoa Baylor ở Houston, người tiến hành nghiên cứu, xác nhận: “Nếu xét về mặt sinh học, những cảm giác hạnh phúc trên của các bà mẹ có nguồn gốc hẳn hoi. Người ta thấy được phản ứng trái ngược của hệ thống tạo ra những cảm giác đó trên não của bà mẹ khi nhìn nét mặt tươi cười của con mình và khi nhìn nét mặt của một đứa bé xa lạ”. “Nét mặt tươi cười của bé kích thích mạnh mẽ não bộ của mẹ. Về mặt sinh học, điều đó hoàn toàn dễ hiểu. Bé gắn bó mật thiết với những người cận kề chăm sóc bé, do đó không có gì lạ khi thiên nhiên đã tạo ra một hệ thống nhằm tăng cường mối dây tình cảm giữa mẹ và con”. Khi bé khóc hoặc lúc bé bình thản sẽ không tạo ra phản ứng lên não của mẹ giống như lúc bé cười. Các nhà nghiên cứu đã chọn ra 28 bà mẹ sắp sinh con đầu lòng và đang trong 3 tháng cuối thai kỳ. Họ gồm 3 người da trắng, 7 người da màu, 4 người gốc Tây Ban Nha và 4 người thuộc các sắc tộc khác. Vào thời điểm đó, các bà mẹ đã hoàn thành xong những cuộc phỏng vấn về “mức độ gắn bó tình cảm” nhằm đánh giá các kinh nghiệm chính các bà đã trải qua thuở ấu thời và mối liên hệ tình cảm của họ đối với cha mẹ mình. Sau đó các nhà nghiên cứu tiếp xúc với các bà mẹ và các bé khi các cháu khoảng 6 tháng tuổi. Các bé được thu hình lúc cười, lúc khóc và cả những lúc trong tâm trạng bình thản. Khi các bé được khoảng 10 tháng tuổi, các bà mẹ được yêu cầu trở lại để chụp ảnh não bằng MRI nhằm tìm ra vùng não được kích hoạt. Kết quả nghiên cứu cho thấy khi bà mẹ nhìn ảnh chụp nét mặt con mình, cả một mạng lưới rộng lớn trên não được kích hoạt. Tuy nhiên khi bà nhìn nét mặt đang tươi cười của bé, chỉ riêng “hệ thống tạo hưng phấn” trên não được kích hoạt mà thôi. Hệ thống này không được kích hoạt khi bà mẹ nhìn con buồn bã hoặc bình thản. Bước tiến này góp phần làm sáng tỏ các yếu tố tạo nên tình cảm cũng như cho thấy sự tương tác phức tạp trong mối quan hệ mẹ-con. Nghiên cứu cũng góp phần giải thích việc một số bà mẹ có lẽ do trục trặc phần nào đó trong hệ thống hưng phấn nên không bao giờ cảm thấy thương con của mình, thậm chí còn đối xử tệ bạc với chúng nữa.