Viêm xương chũm mạn tính

Cháu bị chảy nước tai từ nhỏ, mỗi lần bị cháu tự chấm ôxy già và tai tự khô, nhưng hai năm gần đây xuất hiện chảy nước, ngứa tai ngày càng tăng rồi xuất hiện chóng mặt, hoa mắt đột ngột, thỉnh thoảng mặt mũi tối sầm rồi ngất. Cháu đi khám được chẩn đoán là viêm tai xương chũm mạn tính. Gần đây có cảm giác khó chịu ở đầu trái, thỉnh thoảng thấy nhói tập trung ở một chỗ, âm ỉ, làm gì cũng thấy hoa mắt, chóng mặt kể cả các công việc nhẹ. Cháu không hiểu bệnh lý do đâu mà có và tại sao?
Trả lời 15 năm trước
Chảy nước tai có thể do viêm tai ngoài hay viêm tai giữa nhưng dân gian khi thấy nước trong tai chảy ra ngoài vẫn gọi là thối tai. Một biến chứng của viêm tai là viêm xương chũm – đây là thể viêm tai giữa nguy hiểm. Viêm ống tai ngoài thường được điều trị bằng một số thuốc nhỏ tại chỗ hoặc làm thuốc tai do các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng thực hiện. Việc nhỏ tai bằng nước ôxy già cũng cần được cân nhắc và sử dụng hạn chế do tác dụng làm tổn thương tế bào sống rất mạnh của thuốc và sử dụng thuốc này không đúng cách cũng làm cho viêm ống tai thêm nặng. Tuy nhiên bệnh viêm ống tai ngoài rất hay tái phát nếu bạn không biết cách giữ gìn. Bình thường dưới lớp da của ống tai ngoài có một số tuyến bã tiết ra chất gọi là dáy tai (chất này có thể khô hoặc ướt tùy từng người), lớp dáy này cũng có tác dụng bảo vệ da ống tai ngoài vì thế chỉ nên lấy bỏ khi chúng quá nhiều gây cản trở đến nghe. Nếu thường xuyên lau chùi tai bằng bất cứ dụng cụ gì bạn đã vô tình làm mất dần đi lớp bảo vệ ống tai làm ống tai bị viêm gây đau và ngứa ngáy, chảy nước rất khó chịu. Viêm tai giữa cũng rất hay kèm theo viêm ống tai ngoài do dịch trong tai giữa chảy ra ống tai ngoài qua lỗ thủng màng nhĩ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sống và gây bệnh. Vì vậy việc điều trị tốt viêm tai giữa làm cho tai thường xuyên khô, vá lại lỗ thủng màng nhĩ cũng góp phần làm hạn chế viêm ống tai ngoài. Viêm tai giữa mạn tính được chia làm hai loại là viêm tai giữa nguy hiểm và viêm tai giữa không nguy hiểm. Viêm tai giữa nguy hiểm thường chứa đựng hoặc có nguy cơ tạo thành một loại chất gọi là cholesteatma có khả năng ăn mòn lớp xương xung quanh tai, đưa viêm nhiễm từ tai vào các bộ phận cần được bảo vệ như mê nhĩ của tai trong, dây thần kinh, não. Dịch chảy ra trong viêm tai giữa mạn tính nguy hiểm có mùi thối khẳn (thối như cóc chết). Nếu cháu thấy có hoa mắt, chóng mặt thì nên đi khám xem triệu chứng đó có phải gây ra bởi bệnh lý của tai hay bệnh lý nội khoa như tim mạch, thận, các nguyên nhân gây tăng urê trong máu... Nếu khám xác định chóng mặt có nguồn gốc từ viêm tai thì thường đây là dấu hiệu của bệnh viêm tai giữa mạn tính nguy hiểm cần phải phẫu thuật tai loại trừ ổ viêm sớm để tránh những biến chứng của tai vào nội sọ như viêm tĩnh mạch bên, viêm màng não, áp-xe não... Tóm lại, tai là cơ quan đảm nhận chức năng nghe – một trong 5 giác quan của con người nên những bệnh lý làm ảnh hưởng đến tai sẽ làm chất lượng cuộc sống của bạn bị suy giảm và rất cần được bảo vệ, chính vì thế khi xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào bạn cần được thăm khám, điều trị và tư vấn của thầy thuốc chuyên khoa, tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.