TẠI SAO CHÁU NHÀ TÔI LƯỜI ĂN?

Trả lời 16 năm trước
Về sự phát triển chiều cao, cân nặng của cháu như vậy là bình thường. Chúng tôi có thể liệt kê một số nguyên nhân gây nên lười ăn của cháu: - Sau một đợt dùng kháng sinh (rất hay gặp); - Thức ăn có nhiều đạm quá; - Do cách chế biến thức ăn chưa hợp lý; - Do cháu mọc răng hàm; - Biếng ăn sinh lý; - Có thể cháu đang mắc một bệnh nào đó; - Do thiếu vi chất dinh dưỡng. Sau đây là một số cách giải quyết: Nếu con bạn trước đây ăn tốt mà sau một đợt dùng kháng sinh ăn kém hẳn đi, bạn cho cháu ăn sữa chua 1- 2 hộp một ngày để điều chỉnh lại hệ vi khuẩn đường ruột giúp bé tiêu hoá tốt hơn và thèm ăn trở lại. Nếu bạn không thấy cải thiện thì phải gặp bác sĩ để bổ sung thêm men vi sinh. Bạn nhớ là phải dùng theo đơn chứ không được tự mua để cho cháu uống. Nếu bạn nhìn thấy vùng lợi răng sưng đỏ, cháu chảy nhiều nước dãi, ăn ít. Có cháu sốt nhẹ, có cháu hơi đi ngoài. Trong thời kỳ mọc răng hàm, chị cho cháu ăn thức ăn mềm hơn bình thường, ăn làm nhiều bữa. Nếu cháu không chịu ăn cháo, cơm thì thay bằng sữa, hoa quả… Biếng ăn do thức ăn: điều này rất hay gặp, khi chế biến thức ăn phải đủ 4 nhóm: bột, rau, đạm, dầu hoặc mỡ. Tôi nghĩ ai cũng biết điều này, nhưng nếu bạn ăn thấy ngon thì trẻ m ăn được, còn bạn nếm mà khó ăn thì đừng hy vọng trẻ sẽ thích nó vì vị giác trẻ em cũng rất phát triển. Trong thức ăn mà bạn chế biến thịt, cá… có chứa hoá chất, chất bảo quản, thuốc… thì trẻ cũng không ăn vì bản năng sinh tồn của trẻ em rất mạnh, nó sẽ từ chối những thức ăn gây tổn thương phủ tạng và ảnh hưởng đến sự phát triển. Bạn nên lưu ý điều này để chọn thực phẩm sạch cho trẻ. Chất đạm trong bữa ăn nhiều quá, nhiều bà mẹ cố gắng cho con ăn những loại sữa ngoại tốt nhất, chế biến cháo với nhiều chất bổ dưỡng nhất mong cho con mình nặng bằng đứa nọ, đứa kia thật là sai lầm. Bé sẽ quay mặt đi khi bạn mang thức ăn tới. Phản xạ tự bảo vệ sự cân bằng nội môi bên trong khiến trẻ không tiếp nhận thứ ăn với hàm lượng Protein cao quá. Vì vậy tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng lại gặp một tỷ lệ khá cao trong những gia đình khá giả ở thành phố. Nếu bạn về nông thôn bạn sẽ thấy rất nhiều đứa trẻ nghịch ngợm, khoẻ mạnh mặc dù ăn uống không nhiều chất như ở thành phố. Cháu đã 18 tháng tuổi, nếu ngày nào chị cũng cho cháu ăn 3 bữa cháo nấu gần như nhau thì cháu sẽ rất chán, chị nên thay bằng cơm nát, thịt cá, rau băm nhỏ hoặc nấu thành canh cho cháu ăn. Nếu cháu ăn được ít cơm chị cho cháu ăn thêm sữa, bánh quy, bánh ngọt… ngay sau bữa ăn cho đủ no. Biếng ăn sinh lý: Trong giai đoạn phát triển của trẻ em có những giai đoạn tự nhiên lười ăn gọi là biếng ăn sinh lý. Làm thế nào phân biệt được vớí lười ăn do những nguyên nhân khác? Dù trẻ ăn kém hẳn đi nhưng vẫn chơi, vẫn nghịch như bình thường, ngủ tốt, trong trường hợp này bạn cứ bình tĩnh, cho cháu ăn làm nhiều bữa và ăn những gì mà cháu thích. Nếu lười ăn có kèm theo những triệu chứng như: sốt cao, nôn, tiêu chảy… bạn cần đưa cháu tới cơ sở y tế để kịp thời phát hiện và điều trị, 6 tháng 1 lần cháu cần được tẩy giun. Do thiếu vi chất dinh dưỡng: điều này hay gặp ở những trẻ biếng ăn thường xuyên. Thiếu chất gì và bổ sung như thế nào là do bác sĩ trực tiếp khám và kê đơn. Tóm lại để trẻ ăn ngon miệng chị cần phải cho ăn đúng bữa, ăn khi đói và có cảm giác thoải mái khi ăn. Tránh ép trẻ ăn nhiều quá và ăn những đồ ăn mà trẻ không thích. Thông thường các bữa ăn cách nhau 3-4 tiếng, giữa các khoảng thời gian đó không được cho trẻ ăn vặt, các đồ ăn ngọt như bánh kẹo, hoa quả… cho ăn sau bữa ăn. Nhớ cho trẻ uống đủ nước. Chúng tôi đã liệt kê một số nguyên nhân hay gặp. Chị có thể lựa chọn những điều phù hợp với cháu. Chúc cháu hay ăn, chóng lớn.