Bếp sử dụng cồn khô có an toàn?

Trả lời 15 năm trước
Có một thời, nhiều nhà hàng và các bà nội trợ đổ xô đi mua bếp gas, bếp từ để nấu lẩu.. Nhưng chỉ đến khi sử dụng, người ta mới nhận thấy sự mất an toàn, không kinh tế của những đồ gia dụng này. Thời gian gần đây, nhiều người tìm thấy một giải pháp thay thế với ưu điểm nổi bật là an toàn: bếp cồn khô. Liệu kịch bản có lặp lại?… Rẻ hơn Cồn khô là loại nhiên liệu được dùng rất phổ biến ở miền Nam, đặc biệt là khi chế biến món lẩu trong các nhà hàng. Còn người Hà Nội mới biết loại nhiên liệu này từ vài năm trở lại đây, nhưng cũng chưa thông dụng lắm. Trên thị trường Hà Nội, bếp cồn khô được bán phổ biến ở các chợ, siêu thị, nhưng nhiều nhất là ở phố Hàng Khoai. Bếp có thể được làm bằng nhôm hay sắt tráng men, nhưng phổ biến và được ưa chuộng nhất là bếp inox, vì có độ bền cao hơn, không ôxy hóa, ít trầy xước. Giá một chiếc bếp cồn khô dao động từ 40.000đ đến 80.000đ tùy kích thước, chất liệu. Hiện tại, người tiêu dùng chỉ có thể lựa chọn giữa hàng Việt Nam và hàng Trung Quốc, vì xuất xứ của bếp chưa phong phú bằng các loại nồi gia dụng khác. Thông thường, bếp cồn khô được bán kèm theo chảo nướng hoặc nồi lẩu với giá khoảng 120.000-180.000 đ/bộ, chỉ bằng khoảng 1/3 chi phí mua bếp gas và 1/6 giá tiền bếp từ. Nhiên liệu để đốt cháy trong loại bếp này là cồn khô, được bán với giá khoảng 20.000đ/kg. Trên thị trường, cồn khô được đóng thành từng gói nilon 300g, 500g hoặc 1kg. Người tiêu dùng có thể tìm mua cồn khô tại các phố Hàng Khoai, Hàng Hòm… với giá 20.000đ/kg loại tròn và 18.000đ/kg loại vuông. Tuy nhiên, chớ nên ham rẻ mà mua loại cồn vuông vì theo những người bán hàng, loại cồn này hao tốn hơn, sinh nhiệt ít hơn. Đặc điểm chung của loại cồn được bán tại các phố trên là đều được đóng gói trong một lớp nilon, không có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng. Muốn tìm cồn khô có nguồn gốc rõ ràng, người tiêu dùng phải vào siêu thị. Loại cồn này được gói trong hai lớp nilon, có nhãn mác, có hướng dẫn sử dụng, hạn dùng rõ ràng. Theo kinh nghiệm của những người sử dụng, sử dụng loại cồn có nhãn mác ít tốn hơn, lửa xanh hơn. Một cửa hàng bán cồn khô trên phố Hàng Khoai Ít nguy cơ cháy nổ Nếu so sánh về độ an toàn giữa bếp cồn khô với bếp gas mini hay bếp từ một thời được ưa chuộng, nhiều người đều công nhận, bếp cồn khô an toàn hơn. Đã từng xảy ra rất nhiều vụ cháy nổ bếp gas mini. Bởi thế, vẫn thường thấy cảnh các bà, các chị, thậm chí cả đấng mày râu nhăn nhó, lấy tay che mặt hay đứng ra xa mỗi khi nhân viên nhà hàng mang bếp gas mini đặt lên bàn và đánh lửa. “Cứ nghĩ đến chuyện ngọn lửa bất thần phụt ra từ chiếc bình gas han gỉ là tôi thấy hãi, ăn mất cả ngon”, chị Thái Hà - khu Linh Đàm, Hà Nội nhăn mặt. Đoạn tuyệt với bếp gas mini, nhiều người quay sang dùng bếp từ. Do tiện lợi, sạch sẽ vì dễ lau chùi và an toàn, nên dù loại bếp này đắt hơn bếp gas, người ta vẫn bỏ tiền ra mua. Chỉ sau một thời gian sử dụng, những nhược điểm của bếp từ mới bộc lộ. Về độ bền, bếp từ kém hơn hẳn bếp gas. Hơn nữa, công suất tiêu thụ của bếp từ cao nên dễ gây cháy nổ cầu chì do quá tải. Trong khi đó, bếp cồn khô không dùng gas, cũng chẳng dùng điện, nên khắc phục được cả hai nhược điểm này. Nhưng có thể gây bỏng Có thể cầm cồn trực tiếp bằng tay và rửa sạch dễ dàng bằng nước mà không lo cồn có thể làm hại da tay. Tuy nhiên, cần lưu ý là cồn khô là loại nhiên liệu rất dễ bắt cháy. Hơn nữa, dù gọi là khô, nhưng loại cồn này rất mềm và dễ dây dính vào tay. Vì thế, khi tiếp thêm cồn vào bếp vẫn còn đang cháy, nên sử dụng que gắp hoặc kẹp kim loại. Nếu dùng tay không thì lửa dễ bắt vào cồn dính trên tay gây bỏng. Về tính độc hại của nhiên liệu, theo các nhà khoa học, nguyên liệu chính để sản xuất cồn khô là cồn enthanol, loại nhiên liệu khá thân thiện với môi trường, thường được trộn lẫn với xăng, là dung môi trong nước hoa, sơn, cồn thuốc… Sản phẩm của quá trình đốt cháy cồn khô không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng. Khi cháy, loại nhiên liệu này không sinh ra khói, không gây nổ, không làm cay mắt. Đặc biệt, chúng có thể dễ vận chuyển, nên rất thích hợp cho việc mang đi du lịch, cắm trại, nấu nướng ngoài trời… Nếu người ta dùng cồn ethanol thực phẩm để sản xuất cồn khô thì có thể khẳng định chắc chắn rằng, cồn hoàn toàn không độc cho người sử dụng. Còn nếu dùng cồn công nghiệp thì có thể tạo ra mùi khét, làm nhiều người khó chịu, nhất là khi đang ăn uống. Nhiều người còn nghi ngờ, những nguyên phụ liệu được cho thêm vào trong quá trình sản xuất cồn khô có thể không an toàn, sinh ra những chất độc hại khi đốt cháy. Hiện chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này được công bố rộng rãi. Tuy nhiên, điều được hầu hết nhà khoa học mà chúng tôi tìm hỏi đều khẳng định: cồn khô ít độc hại và an toàn hơn các loại nhiên liệu: gas, xăng, dầu…