Mẹo dùng bếp từ an toàn
Kiểm tra điện áp định mức, dùng loại nồi phù hợp, lắp đặt và vệ sinh đúng cách... là những điểm cần lưu tâm khi sử dụng bếp từ.
Theo kỹ sư điện gia dụng Đỗ Đức Ngọc (Đại học Bách khoa), sử dụng bếp từ an toàn và tiết kiệm năng lượng hơn một số loại bếp khác. Loại bếp này dùng dòng Fucô để làm nóng trực tiếp nồi nấu, hiệu suất truyền nhiệt cao hơn bếp gas 40-50%, ít tổn thất nhiệt hơn bếp điện. Tuy nhiên, kỹ sư Ngọc nhấn mạnh, người dùng cần lưu ý một số điểm để sử dụng bếp từ hiệu quả.
Kiểm tra điện áp định mức của bếp
Một số loại bếp điện từ của nước ngoài được thiết kế điện áp 100V nên muốn sử dụng được ở điện áp 220V ở Việt Nam, người dùng phải trang bị thêm biến hạ áp có công suất đủ lớn. Nguồn điện không ổn định, tăng và sụt áp thất thường dễ gây cháy hỏng các thiết bị điện, kể cả bếp điện từ.
Kiểm tra điện áp là bước đầu tiên khi chọn mua bếp từ.
Hiện nay, có nhiều loại loại bếp từ thương hiệu Việt sản xuất theo hình thức OEM đáp ứng được yêu cầu về điện áp. Đây là hình thức doanh nghiệp Việt đứng ra thuê doanh nghiệp nước ngoài sản xuất, rồi gắn thương hiệu của mình lên và thực hiện các khâu bán hàng, hậu mãi... Chẳng hạn như bếp từ Chef's của Việt Nam nhưng được sản xuất tại châu Âu, do công ty Copreci ( Tây Ban Nha) và công ty E.G.O (Đức) đảm nhận.
Ông Nguyễn Song Tùng - Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị Gia dụng châu Âu cho biết, OEM là hình thức khá phổ biến gần đây. Việc đặt hàng với thiết kế mẫu mã và yêu cầu kỹ thuật từ các nhà sản xuất công nghệ cao giúp đảm bảo chất lượng bếp từ và phù hợp với các đặc thù riêng trong nước (điện áp, công suất... ). Ngoài ra, khi thuê sản xuất với số lượng lớn, giá thành bếp sẽ thấp hơn rất nhiều so với bếp nhập ngoại.
Lắp đặt đúng cách
Do sử dụng công suất điện cao, người dùng bếp từ nên dùng phích cắm chuyên dụng, dung lượng không dưới 15A, dây điện không được nhỏ hơn 2,5 mm vuông.
Nên lắp đặt bếp từ ở nơi bằng phẳng, chỉ nên lót một tờ giấy cứng dưới bếp. Không đặt bếp dưới thảm vải hoặc kim loại để tránh ngăn cản ống thoát khí, ảnh hưởng tới quá trình tản nhiệt. Vị trí đặt lưng bếp cách xa tường ít nhất 15cm, để cách xa các vật khác ít nhất 5cm. Bếp điện từ không để gần các nơi có lửa, có hơi nước, môi trường sử dụng bếp thường từ 10 độ đến 40 độ C.
Dùng loại nồi phù hợp
Bếp điện từ hoạt động theo cơ chế cảm ứng điện từ, do đó, chỉ khi nào đặt nồi inox hoặc sắt tráng men lên thì bếp mới nóng. Bếp điện từ không dùng được các loại nồi làm từ vật liệu phi sắt từ tính như thuỷ tinh, nhôm, đồng, nồi đất... Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tận dụng các loại nồi này bằng cách lót một miếng sắt phẳng xuống dưới đáy nồi.
Bếp từ phù hợp với các loại nồi inox, sắt, sắt tráng men.
Khi nấu, cần đặt nồi trong phạm vi bếp hoạt động rồi mới bật nút "On" và điều chỉnh nhiệt độ phù hợp. Dùng bếp xong, chỉnh nhiệt độ xuống mức thấp nhất, sau đó mới nhấn nút "Off". Tránh tăng nhiệt quá mức khi nồi không có thức ăn, nhằm tránh hiện tượng nồi biến dạng khi phải chịu nhiệt độ quá cao hoặc gây vỡ nứt mặt bếp. Không đặt những vật bằng kim loại như dao, nhôm, nắp vung, muỗng, thìa… lên mặt bếp vì chúng có khả năng biến nhiệt.
Bảo quản và vệ sinh bếp từ
Không nên sờ tay vào phạm vi đun của bếp để tránh bị bỏng. Nếu vừa nấu ăn xong thì nên rút dây nguồn, đợi bếp nguội, sau đó dùng vải ướt chấm một ít nước tẩy rửa trung tính để lau chùi mặt bếp. Không rửa bằng các hoá chất mạnh, dầu hoả, bàn chải sắt, dội nước trực tiếp…
Mặt kính bếp từ thường được chế tạo bởi các vật liệu chịu va đập và chịu nhiệt cao.
Các loại bếp từ có mặt kính cao cấp như kính Schott Ceran (Đức) dày tới 4mm, có khả năng chịu lực và chịu nhiệt lên đến 1.000 độ C, chống sốc nhiệt. Tuy nhiên, người dùng vẫn nên tránh để nước, thức ăn trào xuống mặt bếp và các va đập mạnh trên bề mặt bếp.
Nếu bếp xuất hiện vết nứt vỡ, lập tức tắt nguồn và mang tới trung tâm bảo hành. Bếp điện từ có nhiều hệ thống điện và điện từ bên trong, không nên tự tháo rời các linh kiện ra sửa chữa khi có sự cố.