Xanova Mensa Pro & Xanova Deimos: làn gió mới trên thị trường Gaming gears

Hãng GALAX chắc chắn không còn xa lạ gì với người dùng Việt Nam nữa, nhất là các game thủ Việt Nam. Rất nhiều các dòng card của hãng được người dùng đón nhận và đánh giá tích cực, do sự ổn định, ít tiêu tốn điện năng, và thiết kế đơn giản nhưng không kém phần tinh tế so với những hãng lớn khác, nổi bật có thể kể đến dòng vga “Bạch mã hoàng tử” Hall of Fame. Trong vài năm trở lại đây, thì Galax còn phát triển thêm hệ sinh thái trong mảng phần cứng (như Ram, SSD,..) và mảng phụ kiện chơi game dành cho game thủ. Và trong tháng 7 năm nay (2018) thì hãng này đã giới thiệu tới đông đảo người dùng Việt Nam, về thương hiệu XANOVA chuyên các sản phẩm gaming gear được họ đầu tư và phát triển. Và ở bài viết này, vatgia.com sẽ mang tới cho các bạn 2 trong số các sản phẩm gaming gear, được Xanova mang tới thị trường tại thời điểm hiện tại: đó là mẫu chuột Xanova Mensa Pro và tấm lót chuột Xanova Deimos (size M).

Theo thông tin từ Chủ tịch kiêm CEO của Xanova cho biết: Xanova là sự hợp tác giữa cô và 1 người bạn người Ý để tạo ra thương hiệu này, và GALAX sẽ là nhà đầu tư phát triển. Những sản phẩm của Xanova được lấy cảm hứng thiết kế và màu sắc từ những con người Ý. Các sản phẩm đầu tiên được ra mắt, sẽ chủ yếu hướng tới các game thủ chuyên nghiệp.

Cái nhìn đầu tiên và cảm nhận bên ngoài

Đầu tiên là về Mensa Pro, chú chuột chơi game này mang 1 thiết kế công thái học (ergonomic) nên ngay từ cái nhìn đầu tiên, các bạn sẽ thấy cảm giác khá quen thuộc, kiểu dáng theo dạng bất đối xứng nên thích hợp và dễ sử dụng với những bạn thuận tay phải, nhưng mức độ bất đối xứng không lớn nên những ai thuận tay trái vẫn có thể sử dụng được khá ổn, nếu ít sử dụng các nút bên hông.

Là sản phẩm dành cho các game thủ, thế nên vẻ ngoài của Mensa Pro khá hầm hố. Với lớp mặt và lưng được sơn màu xám nhám, phủ 1 lớp gì đó mờ mờ tạo cảm giác có vẻ sần sùi, gai góc nhưng sờ vào thì thấy khá mịn, bề mặt này cũng được xử lý tốt nên thấy ít bám vân tay, mồ hôi.

chuột Xanova Mensa Pro

Chuột dính liền 1 sợi cáp đầu USB được mạ vàng, chống nhiễu, tăng khả năng truyền dẫn tín hiệu. Dây cáp có độ dài khoảng 1m8, được bọc dù khá dày và chắc chắn, để hạn chế rối dây và chống đứt.

Xanova Mensa Pro phù hợp nhiều kiểu cầm nắm, bấm nhấn, di vẩy khác nhau, tuy nhiên với mỗi kiểu cầm theo cảm giác của mình thì có 1 số bất tiện nhỏ: ví dụ như Palm grip thì do kích thước chuột không lớn (dài 115 x ngang 68 x cao 38 mm), nên với bàn tay khá to của mình thì cầm thấy bị hụt phần đầu ngón tay. Sang kiểu Claw grip thì bề mặt tiếp xúc của 2 nút chuột trái phải được làm lõm xuống 1 chút ở phần đầu, nhưng không nhiều nên khi sử dụng thì nhấn cảm thấy hơi bị trượt về trước. Còn với kiểu Finger grip thì cầm nắm 2 bên hông không chắc tay cho lắm.

chuột Xanova Mensa Pro

Nói vậy, nhưng qua 1 tuần sử dụng thường xuyên trong các công việc hằng ngày, cũng như khi chơi game, thì mình thấy chuột sử dụng thoải mái, không mỏi tay khi rê vuốt, vẩy chuột tốc độ nhanh, 1 phần là nhờ trọng lượng nhẹ của Mensa Pro: mình cân thì chuột nặng khoảng 95gr, và lên 110gr nếu tính cả dây.

chuột Xanova Mensa Pro

Chú chuột này làm mình liên tưởng tới Steelseries Rival 310, và em Iris Optical RGB từ 1 số nét ngoài tương đồng, cho tới trọng lượng cũng ngang ngang nhau. Chất lượng gia công của Mensa Pro mình đánh giá tốt, các chi tiết hoàn thiện khá sắc sảo, các bộ phận chắc chắn, không tạo cảm giác ọp ẹp kể cả khi cố tình nắn bóp mạnh tay em chuột này.

Về khả năng kết nối thì Xanova Mensa Pro hỗ trợ 2 hệ điều hành là Windows (phiên bản 7,8 và 10) và Mac OS (10.0 – 10.9).

chuột Xanova Mensa Pro

Đặc điểm chi tiết và trải nghiệm sử dụng

Trên Xanova Mensa Pro chúng ta có tổng cộng 6 nút: bao gồm 2 nút chuột trái và phải, 2 nút Back và Forward nằm sát mép bên hông trái của chuột, 1 nút thay đổi, điều chỉnh mức DPI ở lưng (có 5 mức được thiết lập sẵn: 400, 800, 1600, 3200, 4400), nút được làm nổi lên so với bề mặt, sát dưới nút này là đèn Led hiển thị màu sắc khác nhau cho từng mức (dạng màu đơn sắc, chứ không thay đổi liên tục như các vị trí Led RGB khác). Và cuối cùng là 1 con lăn nằm giữa, có Led RGB bên trong, và phần viền cao su bọc ngoài, trang trí bằng các họa tiết logo của Xanova khá đẹp mắt và thu hút, mang lại cảm giác lăn khá tốt, ít trượt tay.

chuột Xanova Mensa Pro

Toàn bộ phần mặt trước và lưng của chuột là chất liệu nhựa, phần đầu chuột với 2 nút chuột trái phải hơi lõm nhẹ, dạng bất đối xứng, 2 nút này được làm rời hẳn với phần thân, nên cảm giác bấm khá chắc tay, lực nhấn không còn phụ thuộc vào chất liệu bề mặt, hay vị trí chúng ta bấm chuột.

2 bên cạnh của chuột Mensa Pro được làm hơi lõm dần vào bên trong, có vẻ cũng là chất liệu nhựa được phủ 1 lớp cao su giúp bám ngón tay hơn. Trong quá trình sử dụng thì mình thấy độ bám của phần cạnh hông chuột với đầu ngón tay người dùng ở mức tương đối mà thôi, nhất là bên cạnh phải, mình thường cần phải bấu chặt hơn.

chuột Xanova Mensa Pro

Bên cạnh trái thì có 2 nút phụ là Back và Forward, ban đầu mình thấy kiểu thiết kế của cạnh này có các khe rãnh, làm cho mình có suy nghĩ là có thể tháo rời ra được nhưng thực tế là không. 2 nút bấm có kích thước tương đối, độ nhạy khá, bấm không nhẹ lắm, tiếng phát ra hơi to.

Phần lưng của Mensa Pro chúng ta sẽ có logo của Xanova, tích hợp Led RGB, ở sát 2 bên mép được vát, góp phần tăng khả năng cầm nắm chuột tốt hơn. Ngoài Led RGB mà mình đã chỉ ra bên trên, thì trên chú chuột này, chúng ta còn có thêm Led ở 2 vị trí sát dưới đáy của chuột. Về chi tiết Led ở 2 vị trí này thì mình đánh giá là có điểm hay vừa có điểm dở.

Điểm hay là mình thấy Led được chiếu xuyên qua các đoạn viền nhựa đục, vì thế nên màu sắc, ánh sáng Led không bị gắt quá, hay bị lòe loẹt quá mà vẫn đảm bảo độ sáng của đèn. Và mình cảm thấy ánh sáng được trải đều hơn, nhuyễn hơn, thế nên nhìn cũng đẹp hơn.

chuột Xanova Mensa Pro

Còn điểm dở là mình không hiểu dụng ý của nhà sản xuất khi đặt 1 cụm Led sát mép đáy, cảm thấy nó hơi dư thừa khi ngay trên nó là 1 dãy Led rồi. Kế đó là dãy Led viền thì chỉ có 1 đoạn ngắn ở phần lưng, nên nói Led đẹp thì đẹp đó, nhưng chỉ khi không cầm sử dụng mà thôi !

Lật mặt dưới lên chúng ta sẽ thấy 3 chân đế feet ở 3 góc, cũng được làm từ nhựa Teflon (PTFE: Poly Tetra Fluorethylene) như thường thấy. Switch bên trong chuột trang bị là Omron, với độ bền lên tới 50 triệu lần nhấn, có lẽ vì lý do tuổi thọ rất cao này nên hãng Xanova không khuyến khích việc thay switch, khi họ đặt vị trí ốc cố định giấu bên dưới các chân feet. Thế nên trong trường hợp muốn thay switch, các bạn sẽ phải tháo luôn cả feet ra nữa, khá bất tiện mà lại dễ làm trầy hay hỏng feet chuột.

chuột Xanova Mensa Pro

Mặt dưới còn có thêm 1 số thông tin về sản phẩm, và mắt đọc cảm biến quang học. Theo nhà sản xuất Xanova thì mẫu Mensa Pro sử dụng cảm biến Sensor là Pixart PMW 3389 DM. Đây là loại mắt đọc cảm biến không phải quá mới (trước đây mình từng thấy xuất hiện trên khá nhiều các mẫu chuột của Razer như là Lancehead TE, DeathAdder Elite,..), nó là 1 biến thể của PMW 3360 được đánh giá là tốt nhất hiện nay của PixArt.

Về cơ bản thì những biến thể cảm biến 3360 như là PMW 3366 trên các mẫu chuột Logitech (G403, G502, G900 …) hay PMW 3361, PMW 3367 trên Corsair,..mang lại hiệu năng khi sử dụng, chơi game gần như tương đương nhau, không có nhiều khác biệt. Nên các bạn nào đã sử dụng qua các mẫu chuột cao cấp trước đây, có thể hoàn toàn yên tâm về hiệu năng của con chuột Xanova Mensa Pro này mang lại.

chuột Xanova Mensa Pro

Trên thực tế thì với các thông số mà mình coi được: mắt đọc trên Xanova Mensa Pro cho tốc độ tracking (tốc độ quét) tối đa là 450 IPS, và tỷ lệ polling (hiểu là tần suất chuột gửi tín hiệu đến máy tính để xử lý) của chuột tối đa 1000 Hz, đây là 2 yếu tố các bạn cần quan tâm nhất bên trong 1 con chuột, chứ không phải mức DPI (tối đa 16000 DPI). Bên cạnh đó là các chỉ số mức gia tốc 50g, và sau đây là 1 số kết quả mình thử nghiệm, kiểm tra khả năng của chú chuột này qua 1 số bài test, mình cũng sử dụng chính tấm lót chuột của Xanova là Deimos (size M) trong suốt quá trình.

chuột Xanova Mensa Pro

Mục Resolution: nhấn giữ chuột và di chuyển 10 cm theo một đường thẳng để kiểm chứng DPI. Mục Speed: lia nhanh chuột theo các hướng để đo chính xác vận tốc chuột và tỉ lệ polling để kiểm tra polling rate theo từng mức DPI.

Precision: nhấn giữ chuột và lia chuột theo các phía, tốc độ giữ đều sao cho hành trình di chuyển của chuột đạt trên 2 mét để đo khả năng giữ độ chính xác của chuyển động lặp lại. Smoothness: xoay chuột theo vòng tròn ở tốc độ vừa phải, ghi nhận độ mượt

IPS 400 tức là 450 inch/s ~ 11,43 m/s, chỉ số này thể hiện rằng là khi các bạn di chuột / vẩy chuột ở tốc độ rất cao thì mắt đọc mới ngưng tracking, và như hình bên dưới, các bạn có thể thấy tốc độ vẩy muốn “rã tay” của mình cũng chỉ khoảng 3,65m/s ở mức DPI 1000. Nên các bạn không cần lo lắng về sự thiếu ổn định khi chơi game ở tốc độ cao bằng con chuột này.

chuột Xanova Mensa Pro

Kiểm tra khả năng hạn chế hiện tương Jitter (hiểu nôm na là khi các bạn di chuyển chuột một đường ngang, nếu chuột có hiện tượng jitter thì cái đường di chuyển của các bạn sẽ bị nhảy lung tung, rung rinh lên xuống), mình sử dụng phần mềm vẽ vô cùng quen thuộc là Paint với 5 mức DPI được thiết lập sẵn qua phần mềm Xanova Control Panel (400,800, 1600, 3200, 4400). Nhìn chung mình có thể kiểm soát tốt chuột khi thực hiện các thao tác vẽ, ở 5 mức DPI thì Mensa Pro đều không bị hiện tượng Jitter.

Một thử nghiệm nữa về khả năng tracking của Mensa Pro bằng phần mềm với 3 mức DPI 800/1600/3200, thao tác là nhấn giữ chuột và lia qua lại trái phải liên tục ở tốc độ cao. Với đường cong dạng hình sin cùng với các điểm CPI, có thể thấy khả năng tracking của mắt đọc PMW 3389 trên Mensa Pro là rất tốt. Biểu đồ đều, các điểm CPI sát với đường cong, có 1 số điểm CPI rơi ra ngoài, lý do là vì ở 2 điểm đỉnh và đáy của đường cong, là vị trí dừng và đảo chiều của chuột khi mình thực hiện thao tác lia sang trái phải liên tục.

800CPI

chuột Xanova Mensa Pro

1600 CPI

chuột Xanova Mensa Pro

3200 CPI

chuột Xanova Mensa Pro

Theo mình đánh giá thì con chuột này phù hợp với các tựa game FPS, hoặc các tựa game cần nhấn nhiều phím như MOBA, MMO cũng không thành vấn đề. Trọng lượng 110kg của chuột là nhẹ, nên trong quá trình chơi các tựa game FPS như CS:GO mình không thấy hiện tượng lệch tâm trong các pha vẩy chuột nhanh.

Điểm cuối cùng mình muốn nói tới đó là hệ thống Led RGB trên con chuột này, các bạn có thể tùy chỉnh các hiệu ứng màu sắc (không nhiều lắm), độ sáng, tốc độ chuyển màu RGB cho 4 vị trí trên chuột, thậm chí có thể tắt đi nếu các bạn không thích, riêng phần Led cho nút DPI thì chỉ là dạng màu đơn sắc. Tất cả các tùy chỉnh này đều được thực hiện thông qua phần mềm Xanova Control Panel, có thể tải trên trang web của Xanova.

chuột Xanova Mensa Pro

chuột Xanova Mensa Pro

Chuột cũng có bộ nhớ trong để các bạn lưu các thiết lập lại, ngoài ra cũng có thể chỉnh Macro, thay đổi chức năng các nút bấm trên chuột (trừ 2 nút chuột trái và phải)….….

chuột Xanova Mensa Pro

chuột Xanova Mensa Pro

Suýt nữa thì quên, để tạo cho chuột một bề mặt tiếp xúc phù hợp, giúp trải nghiệm dùng chuột "đã" hơn thì hãng Xanova còn mang đến sản phẩm miếng lót chuột có tên là Deimos, và mình đang có ở đây là mẫu size M (kích thước là dài 270mmx ngang 320mm x dày 4mm).

tấm lót chuột Xanova Deimos

Bề mặt được làm từ vải cao cấp, có khả năng chống thấm nước nhẹ, sờ vào thấy hơi nhám nhám tay, theo cảm quan của mình thì mẫu lót chuột này sản xuất theo hướng Control nhiều hơn là Speed, di chuột thấy đầm tay, lót chuột mềm nên ăn với feet chuột mang lại thao tác mượt mà hơn, độ chính xác cao hơn.

Bạn nghĩ sao về làn gió mới trên thị trường Gaming gears: Xanova Mensa Pro & Xanova Deimos. Hãy để lại ý kiến của bạn dưới phần bình luận. Còn vatgia.com thì thấy thiết bị này rất nổi bật và mạnh mẽ rất phù hợp, xứng đáng để sở hữu.

Chưa có câu trả lời nào