Khắc phục tình trạng máy xay sinh tố xuất hiện mùi khét
Trong quá trình hoạt động, “mắc bệnh” đột xuất là điều không thể tránh khỏi trên máy xay sinh tố. Nếu phát hiện thiết bị không hoạt động và có mùi khét, bạn hãy dựa trên bài viết sau để tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục.
Máy xay không hoạt động và có mùi khét từ đâu?
Máy xay sinh tố sở hữu động cơ có tốc độ khá cao, thường từ 2000 – 8000 vòng/phút và công suất đạt từ 500 W - 1 KW. Bởi vì điều này nên khi mua máy xay, nhân viên sẽ khuyến cáo bạn không nên xay một lần quá 30 giây để tránh làm động cơ máy hoạt động liên tục, khiến nhiệt lượng sản sinh nhiều hơn.
Khi máy xay sinh tố xuất hiện mùi khét, hãy tiến hành tìm kiếm bộ phận phát ra để “chẩn đoán” hiệu quả.
Mùi khét phát ra từ thân máy
Động cơ hoạt động quá tải
Việc sử dụng máy xay liên tục sẽ làm motor trong thân máy hoạt động không ngừng nghỉ và nóng lên. Khi nhiệt càng nóng, dầu bám trên động cơ bốc hơi nhanh hơn, thậm chí còn bén lửa làm cháy dầu và sơn cách điện. Chưa hết, hiện tượng tia lửa đôi lúc còn xuất hiện tại bộ phận cổ góp và chổi than, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như cháy nổ.
Động cơ bị bụi bẩn bám đầy
Không tiếp xúc với môi trường chưa hẳn sẽ đảm bảo luôn sạch bụi. Động cơ máy và các bộ phận bên trong vẫn mắc phải hiện tượng đóng nhiều bụi bẩn. Điều này khiến máy vận hành khó khăn hơn đồng thời khó thoát nhiệt độ nóng ra ngoài, dẫn đến việc máy bị nóng mà có cảm giác như ngửi thấy mùi khét động cơ.
Từ bên ngoài thân máy có mùi khét phát ra
Động cơ không quay do lưỡi cắt bị kẹt
Lưỡi dao xay khi vô tình bị kẹt, không quay được trong lúc động cơ vẫn được truyền điện sẽ gây ra sự nóng lên và sản sinh nhiệt. Tình trạng lưỡi cắt bị kẹt kéo dài, máy xay sinh tố sẽ xuất hiện mùi khét nhiều hơn khi động cơ không thể quay nhưng vẫn có dòng điện chạy qua.
Trục quay của lưỡi dao bị khô dầu
Khi khởi động máy xay sinh tố, nếu trục quay của lưỡi dao bị khô thì rất dễ bị nóng. Điều này khiến cho phần nhựa tiếp giáp xung quanh trục có nguy cơ bị chảy nhựa, dẫn đến có mùi khét.
Một số nguyên nhân khác gây ra mùi khét ở bên ngoài thân máy:
- Chập mạch ở công tắc nguồn.
- Chập mạch ở công tắc tốc độ hay bộ nút bấm chọn tốc độ.
- Dây nguồn cắm bị chảy nhựa.
Đối với máy xay vừa mua, hiện tượng mùi khét khá bình thường và hầu như là do khi máy hoạt động làm cho motor sinh ra nhiệt, lớp dầu bảo vệ động cơ bốc hơi dẫn đến việc bạn ngửi thấy mùi khét. Lúc này, bạn chỉ cần dùng một lúc là hết ngay.
Cách khắc phục
Khi đã tìm được nguyên nhân chính xác mà thiết bị gia dụng này đang gặp phải, bạn tiến hành xử lý mùi khét như sau:
- Nếu mùi khét từ lưỡi cắt (lưỡi dao xay) do khô dầu, thì tra dầu vào trục quay của lưỡi dao.
- Nếu mùi khét xuất phát từ bên trong thân máy, tiến hành kiểm tra bộ phận bên trong:
+ Phát hiện bụi bám dày đặc trên các bộ phận bên trong thì dùng vòi xịt khí để làm sạch các màng bụi đó.
+ Khi nguyên nhân là vì động cơ bị nóng, sinh ra quá nhiều nhiệt, thì bạn nên điều chỉnh lại thói quen sử dụng máy xay sao cho hợp lý, hạn chế sử dụng thiết bị một cách liên tục.
+ Nếu động cơ máy xay sinh tố đã bị hỏng, hãy mang ra tiệm sửa chữa nhanh chóng.
Tốt nhất, trước khi sử dụng máy xay, bạn hãy đọc kĩ hướng dẫn sử dụng để hiểu rõ cách thức, tránh tác động sai làm thiết bị ngưng hoạt động hay xuất hiện mùi khét nhé!
Lê Mai Ly21/10/2018 - 23:03