Phơi nhiễm phóng xạ có ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ ?

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Giới chức Nhật Bản hôm qua cho hay lượng phóng xạ rò rỉ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima I đã tăng lên mức có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của con người. Vậy những nguy hiểm đó là gì?

Người dân sống trong vòng bán kính 30km từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, nhà máy đã hứng chịu 3 vụ nổ và 2 vụ cháy trong vài ngày qua, đã được yêu cầu đi sơ tán hoặc ở trong nhà, đóng kín cửa, không cho không khí lọt vào nhà.

Các chuyên gia cho biết, họ đưa ra động thái trên là nhằm giảm thiểu bất kỳ ảnh hưởng nào đến sức khỏe của con người.

Phơi nhiễm phóng xạ có ảnh hưởng tức thời gì tới sức khỏe?

Phơi nhiễm phóng xạ ở mức độ trung bình, trên 1 đơn vị Gy, (có 7 cấp độ phơi nhiễm từ 1 Gy tới 7 Gy) có thể khiến chúng ta bị ốm, với hàng loạt triệu chứng. Vài giờ sau khi bị phơi nhiễm, thường bắt đầu bằng các triệu chứng buồn nôn và nôn, sau đó là tiêu chảy, đau đầu, sốt.

Sau những triệu chứng đầu tiên, có thể có một khoảng thời gian ngắn cơ thể dường như trở lại bình thường, không có biểu hiện ốm đau gì. Nhưng sau đó vài tuần là những triệu chứng mới, nghiêm trọng hơn.

Nếu bị phơi nhiễm phóng xạ ở mức cao hơn, tất cả những triệu chứng trên có thể được biểu hiện ngay, cùng đó là các cơ quan nội tạng đồng loạt bị tổn thương nhanh chóng, có thể dẫn đến tử vong.

Người lớn khỏe mạnh nếu bị phơi nhiễm phóng xạ ở mức 4 Gy thường cũng sẽ bị tử vong trong vòng nửa tiếng.

Lượng phóng xạ

Ảnh hưởng

Nguồn: Hiệp hội Hạt nhân Thế giới

2 mSv/năm (millisieverts/năm)

Lượng phóng xạ cơ bản mọi người thường trải qua (trung bình 1,5 mSv ở Australia, 3 mSv Bắc Mỹ)

9 mSv/năm

Mức độ phơi nhiễm đối với phi hành đoàn bay trên tuyến New York-Tokyo

20 mSv/năm

Mức giới hạn trung bình hiện tạicho các nhân viên làm trong ngành hạt nhân.

50 mSv/ năm

Mức giới hạn trước đây cho các nhân viên làm trong ngành hạt nhân. Đây cũng là lượng thường thấy trong tự nhiên ở nhiều nơi như Iran, Ấn Độ và châu Âu.

100 mSv/năm

Lượng tối đa không thấy sự gia tăng rõ ràng nào đối với bệnh ung thư.

350 mSv/cả đời

Mức tiêu chuẩn để di chuyển nơi ở sau thảm họa Chernobyl

1,000 mSv/một lần

Gây ra những triệu chứng (tạm thời) như buồn nôn, giảm bạch cầu, nhưng không gây tử vong. Sau đó nhiều triệu chứng khác gia tăng.

5,000 mSv/một lần

Khiến một nửa số người bị phơi nhiễm với lượng này tử vong trong vòng một tháng

Cách điều trị

Điều cần phải làm đầu tiên là cố gắng giảm thiểu việc phơi nhiễm thêm, bằng cách cởi bỏ quần áo, giầy dép và rửa da (nhẹ nhàng) bằng xà phòng và nước.

Sau đó có các loại thuốc làm tăng sản xuất bạch cầu, nhằm ngăn chặn tổn thương có thể gây ra đối với tủy xương, giảm nguy cơ bị nhiễm trùng thêm do hệ thống miễn dịch.

Cũng có những loại thuốc đặc trị giúp giảm tổn thương đối với các cơ quan nội tạng do các phân tử phóng xạ gây ra.

Phóng xạ ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?

Chất phóng xạ có khả năng gây tổn thương đáng kể đối với hóa chất bên trong cơ thể, phá vỡ các liên kết hóa học giữa các phân tử và nguyên tử hình thành mô.

Cơ thể sẽ phản ứng bằng cách cố gắng sửa chữa tổn hại này, nhưng đôi khi do tổn thương quá nghiêm trọng và rộng khắp, cơ thể không thể tự làm lành được. Ngoài ra cũng có nguy cơ gặp lỗi trong quá trình chữa lành tự nhiên của cơ thể.

Các phần của cơ thể có khả năng tổn thương lớn nhất khi bị phơi nhiễm gồm các mô ở ruột và dạ dày, và các tế bào sản sinh máu trong tủy xương.

Mức độ tổn thương phụ thuộc vào thời gian cũng như mức độ bị phơi nhiễm.

Ảnh hưởng lâu dài lớn nhất tới sức khoẻ?

Nguy cơ lâu dài lớn nhất là ung thư. Thường khi các tế bào của cơ thể đạt tới “ngày hết hạn” chúng sẽ tự “kết liễu”. Ung thư xảy ra khi tế bào mất khả năng này, trở nên bất tử, vẫn tiếp tục phân chia và phân chia một cách mất kiểm soát.

Cơ thể có hàng loạt tiến trình để đảm bảo tế bào không trở thành ung thư và thay thế những mô bị hư hại.

Nhưng hư hại do phơi nhiễm phóng xạ có thể làm ngưng hoàn toàn các quá trình điều khiển này, khiến ung thư xảy ra.

Việc phóng xạ làm cho cơ thể không thể tự sửa chữa tổn thương đúng cách cũng có thể dẫn tới thay đổi, hoặc biến đổi gen của cơ thể, không chỉ liên quan đến ung thư mà còn có thể truyền sang thế hệ con cháu, dẫn đến sự dị dạng ở những thế hệ tương lai. Biểu hiện gồm đầu hoặc kích thước não nhỏ hơn, mắt kém, phát triển chậm, và tiếp thu đặc biệt kém.

Trẻ em có gặp nhiều nguy cơ hơn?

Khả năng này là có. Lý do bởi trẻ em phát triển nhanh hơn, nhiều tế bào được phân chia và khả năng mắc lỗi trong quá trình phân chia này vì vậy mà càng lớn.

Sau thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Ukraine năm 1986, Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận số trẻ em ung thư tuyến giáp ở vùng lân cận tăng cao. Điều này cũng là do chất phóng xạ rò rỉ ra ngoài chứa hàm lượng cao iot - chất tích nhiềuở tuyến giáp.

Khủng hoảng hạt nhân ở Fukushima gây ảnh hưởng gì?

Giới chức Nhật đã ghi nhận hàm lượng phóng xạ lên tới 400 millisieverts/giờ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima I.

Sievert tương đương như đơn vị Gy, nhưng thường được dùng để đo hàm lượng phóng xạ thấp hơn, để đánh giá nguy cơ lâu dài, hơn là tác động chính xác trước mắt của việc phơi nhiễm.

Giáo sư Richard Wakeford, chuyên gia về phơi nhiễm phóng xạ tại Đại học Manchester, Anh, cho hay việc phơi nhiễm hàm lượng 400 millisieverts nhiều khả năng không làm chúng ta bị ốm. Hàm lượng gấp đôi như vậy mới có khả năng khiến con người bị ốm.

Tuy nhiên, hàm lượng trên có thể bắt đầu làm suy giảm quá trình sản xuất tế bào máu trong tủy xương và có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư gây tử vong lên 2-4%. Song về cơ bản, một người Nhật bình thường có nguy cơ mắc ung gây tử vong là 20-25%.

Giáo sư Wakeford nhấn mạnh chỉ những nhân viên cấp cứu tại nhà máy có nguy cơ phơi nhiễm với lượng phóng xạ trên và chắc chắn họ chỉ phơi nhiễm trong những khoảng thời gian ngắn.

Mức độ phơi nhiễm cho dân chúng nói chúng, thậm chí đối với những người sống gần nhà máy, là khá thấp.

Giới chức Nhật có thể làm gì để giảm thiểu ảnh hưởng?

Theo giáo sư Wakeford, nếu giới chức Nhật hành động nhanh, hầu hết dân chúng sẽ không gặp ảnh hưởng lớn về sức khỏe.

Ông cho rằng trong những trường hợp như thế, chỉ có những nhân viên hạt nhân làm việc tại nhà máy hoặc những nhân viên cấp cứu mới có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, khi bị phơi nhiễm phóng xạ với hàm lượng cao.

Cũng theo ông ưu tiên hàng đầu là sơ tán người dân khỏi khu vực và đảm bảo họ không ăn phải thực phẩm nhiễm xạ. Nguy cơ lớn nhất là phóng xạ iot, có thể vào cơ thể con người, gây nguy cơ ung thư tuyến giáp.

Để đối phó với nguy cơ này, người dân, đặc biệt là trẻ em, có thể dùng thuốc cân bằng iot, ngăn cơ thể hấp thụ phóng xạ này.

Ngoài ra, bản thân người Nhật cũng đã có rất nhiều iot trong thực đơn tự nhiên hàng ngày, nên nguy cơ đã được giảm thiểu.

Vụ Fukushima và Chernobyl có gì khác?

Giáo sư Gerry Thomas, người đã nghiên cứu về hậu quả của thảm họa Chernobyl, cho hay: “Ít khả năng Fukushima giống với Chernobyl. Trong thảm họa Chernobyl, đã xảy ra một vụ nổ hơi, tức xảy ra ở lõi lò phản ứng, khiến rất nhiều phóng xạ bị bắn vào không khí”.

Theo giáo sư Thomas, mặc dù thảm họa Chernobyl đã khiến các ca ung thư tuyến giáp tăng, nhưng những người bị ảnh hưởng chỉ là những người sống trong vùng trực tiếp xảy ra vụ nổ và còn trẻ vào thời gian đó.