Các món ăn ngày tết ngon nhất?

pq
pq
Trả lời 12 năm trước

Thực đơn dưới đây sẽ đem lại cho bạn và gia đình một bữa cơm đầm ấm, nhân dịp những ngày đầu chào đón năm mới.

Tôm hấp đậu Hà Lan

Nguyên liệu:

200g đậu Hà Lan, 500g tôm sú loại vừa, 1 thìa cà-phê đường, 1 thìa cà-phê hạt nêm, 1 thìa súp dầu hào, 1 thìa súp dầu ăn, 1 thìa súp nước tương, que xiên tre.

Thực hiện:

Đậu Hà Lan rửa sạch, tước bỏ xơ. Tôm bóc vỏ. Hòa tan đường, hạt nêm, dầu hào, dầu ăn, nước tương với nhau. Cho tôm vào ướp mười lăm phút để thấm gia vị.

Lấy que tre xiên lần lượt một con tôm, một quả đậu Hà Lan. Cho vào hấp cách thủy. Khi tôm chín đem ra dùng nóng với cơm hay dùng làm món khai vị trong các bữa tiệc.

Chấm với nước tương chua ngọt hoặc tương ớt.

Bí quyết:

Tôm phải ướp trước khoảng 15 phút để thấm gia vị, khi dùng hương vị mới đậm đà.

Để giữ vị ngọt của tôm và độ giòn của đậu Hà Lan, bạn không nên hấp quá lâu.




Tôm hấp đậu Hà Lan.



Gỏi bò hoành thánh rán

Nguyên liệu:

200g bánh hoành thánh, 300g bò phi-lê, 50g hành tím, 100g cần tây, 1 củ cà-rốt nhỏ, 1 quả ớt sừng, 1 thìa súp nước mắm, 1 thìa súp đường, 1 thìa súp chanh ớt, 1 thìa súp chanh, 1 thìa cà-phê hạt nêm.

Thực hiện:


Xếp lá hoành thánh vào khuôn tròn và cho thêm một khuôn tròn nữa đè lên để cố định lá bánh. Đun sôi dầu, cho bánh vào chảo rán giòn. Thịt bò rán vàng, đem ra thái lát. Củ hành tím rửa sạch, thái mỏng. Ớt, cà-rổ gọt vỏ, thái sợi. Cần tây rửa sạch, thái khúc.

Cho hành, ớt, cà-rốt, cần tây vào tô. Thêm nước mắm, đường, tương ớt, chanh, hạt nêm, bò trộn đều. Cho gỏi vào bánh hoành thánh rồi xếp ra đĩa. Dùng với nước mắm chua ngọt. Trang trí vài lá cần tây.

Bí quyết:


Khi ăn mới cho gỏi vào hoành thánh để bánh không bị mềm.


Gỏi bò hoành thánh rán.



Gà rán lá chanh sốt bơ

Nguyên liệu:


500g phi-lê gà, 1 quả bơ, 5 lá chanh, 1 thìa cà-phê tỏi băm, 1 thìa cà-phê hành lá, 1 thìa cà-phê sả băm, 1 thìa súp hạt nêm, 2 thìa cà-phê đường, 1 thìa súp tương ớt, que tre xiên.

- Gia vị làm nước sốt: 1 thìa súp giấm, 2 thìa cà-phê đường, 1 thìa cà-phê muối, 1 thìa cà-phê hạt nêm, tỏi băm.

Thực hiện:


Gà rửa sạch, để ráo nước rồi thái miếng vừa ăn ướp với hạt nêm, đường, tương ớt và hành lá, lá chanh thái nhỏ, tỏi, sả cho thấm gia vị. Dùng que tre xiên từng miếng gà rồi đem nướng.

Quả bơ lấy thịt cho vào máy sinh tố xay nhuyễn. Cho giấm, đường, muối, tỏi băm và hạt nêm vào. Trộn đều, nêm vừa ăn. Gà nướng xong cho ra đĩa và chan sốt bơ lên.

Món này dùng nóng. Chấm với tương ớt hoặc muối tiêu chanh.

Bí quyết:

Bạn nên ướp thịt gà 15 phút trước khi nướng cho thấm gia vị. Khi ướp cho dầu ăn vào để lúc nướng gà không bị khô.


Gà rán lá chanh sốt bơ.



Súp thịt viên

Nguyên liệu:


300g cải thìa, 200g thịt lợn xay, 100g giò sống, 200g nấm đông cô, 1 lít nước dùng, 1 cây hành lá, 1 củ cà-rốt, rau mùi.

- Gia vị: 1 thìa cà-phê muối, 1 thìa súp hạt nêm, 2 thìa súp đường, 1 thìa súp dầu ăn.

Thực hiện:


Cà-rốt gọt vỏ, rửa sạch, thái khoanh tròn. Hành lá rửa sạch, thái nhỏ. Cải thìa cắt bỏ phần gốc, rửa sạch. Nấm đông cô ngâm nước sôi cho nở mềm, rửa sạch để ráo nước. Lấy một nửa nấm thái nhỏ cho ra tô.

Trộn phần nấm thái nhỏ với thịt xay và giò sống. Nêm 1 thìa cà-phê hạt nêm, 1/2 thìa cà-phê muối, trộn đều.

Dùng tay vo hỗn hợp này thành từng viên tròn vừa ăn. Nấu sôi nước dùng, cho cà-rốt thịt viên và phần nấm còn lại vào. Nêm hạt nêm, đường, dầu ăn. Súp chín cho cải thìa vào rồi múc ra tô, thêm rau mùi lên trên.

Bí quyết:

Bạn phải nấu cho đến khi thịt và nấm chín mềm, sau đó cho cải thìa vào. Nước sôi tắt lửa ngay để cải thìa không quá mềm.


Sốt thịt viên.
pq
pq
Trả lời 12 năm trước

Nộm thập cẩm, món ngon ngày Tết

Món này rất ngon, lại không ngán. Bạn có thể trổ tài để giúp bữa ăn ngày Tết thêm hấp dẫn.


Nguyên liệu:

Đu đủ, cà rốt nạo: 200 g,
Giá đỗ: 100 g,
Dưa chuột tươi: 100 g,
Giò lụa: 100 g,
Lạc nhân: 100 g,
Vừng trắng: 20 g,
Thịt nạc thăn: 100 g,
trứng vịt: 1/2 quả.
Nước mắm, ớt, dấm, tỏi, rau thơm, mùi, kinh giới, đường.

Cách làm:


Bước 1: Đu đủ, cà rốt rửa bằng nước sôi để nguội, vớt ra rổ để ráo. Dưa chuột rửa sạch bổ đôi, bỏ ruột, thái vát.

Giá đỗ rửa sạch để ráo nước, rau thơm, mùi, kinh giới nhặt rửa sạch, cắt khúc ngắn.



Chuẩn bị các nguyên liệu.



Bước 2: Thịt lợn thái mỏng, ướp muối, đường, tiêu để ngấm, rán vàng rồi để nguội và thái chỉ. Vừng, lạc rang thơm, bóc vỏ, giã dập.


Rán thịt.



Bước 3: Pha một bát nước gồm dấm, đường, tỏi, ớt, nước mắm vị cân đối.


Pha nước chấm.




Bước 4: Đu đủ, cà rốt, dưa chuột, giá đỗ cho vào khay, dội 1/2 bát nước đã pha vào trộn đều để ngấm 5 phút rồi vớt ra để ráo.

Cho các nguyên liệu đã trộn trở lại khay, cho tiếp 3/4 thịt lợn, lạc, vừng, đổ nốt bát nước đã pha trộn đều các nguyên liệu, cho rau thơm vào trộn đều, bày ra đĩa. Trên đĩa nộm bày trứng, thịt, giò, lạc mỗi thứ một góc, xen kẽ bày rau thơm, ớt tỉa hoa cho đẹp.

Yêu cầu:


Nộm ăn giòn, không khô xác, các nguyên liệu vẫn giữ được màu sắc tự nhiên. Món ăn nổi mùi thơm của các gia vị và lạc, vừng, vị chua, cay, ngọt cân đối.



Bò ngâm mắm.

Món này mình học được ở WTT và đã thực hiện rồi, rất ngon và dễ làm. CT như sau:

Nguyên liệu:


Bắp bò mua và yêu cầu họ lọc sạch gân, mỡ.

Cách làm

Về các bạn luộc bắp bò chín (ko cần để chìn dừ đâu) trong lúc luộc cho thêm ít nước mắm + gừng cho thơm.

Thịt chín để nguội có thể cho vào ngăn mát khoảng 2h.

Lấy pha nước mắm, 1 ít dấm, 1 ít đường với nước lọc ( nếm thấy vị mặn chua ngọt vừa là ok) rồi đun sôi lên.

Cho thịt bò vào lọ (thủy tinh) hoặc cho vào nồi rồi đổ nước mắm trên và cho mấy nhánh tỏi + ớt vào để tủ lạnh khoảng 3 ngày gắp ra là măm được.

Món này làm xong các bạn có thể để trong vòng 1 tháng. Nhà em năm ngoái làm từ 23 tết( vì lúc đấy mua thịt bò còn rẻ) để đợi đến tết ăn ai ngờ làm xong thấy ngon quá đến 29 tết đã xơi hết sạch.

Tuy là những món quen thuộc nhưng mang đến hương cho bạn một hương vị thân quen của ngày Tết.

Chả giò hải sản

Nguyên liệu


Tôm sú 4 con, mực 100g, thịt cua 100g, bánh tráng pía 5 cái, bột xù 150g, xốt mayonnaise 100g, trứng gà 1 quả, muối 1 muỗng cà phê, xà lách, cà chua vừa đủ.

Chế biến và trình bày


Tôm, mực cắt hạt lựu, thịt cua xé nhỏ. Xào các nguyên liệu với tỏi cho chín, nêm vừa ăn, cho xốt mayonnaise vào trộn chung. Cho vào bánh pía cuốn lại, nhúng qua trứng gà, lăn bột xù, chiên vàng đều là được. Chả giò ăn với xà lách và cà chua.

Gà giò nhồi cơm

Nguyên liệu

Gà ta 800g – 1kg/con, cơm trắng 1 chén rưỡi, xá xíu 100g, tỏi băm 1 muỗng cà phê, muối ½ muỗng cà phê, bột nêm 2 muỗng cà phê, mạch nha 1 muỗng cà phê.

Chế biến và trình bày


Gà làm sạch rút xương uớp gia vị. Cơm chiên với xá xíu, nêm gia vị vừa ăn. Nhồi cơm vào bụng gà, khâu kín lại, thoa mạch nha lên da gà. Chiên gà cho đến khi vàng là được. Dọn gà ra đĩa dùng xà lách trang trí.

Cá bò da nướng muối ớt

Nguyên liệu

Cá bò da 1 con 600g, hành tím băm 50g, tỏi băm 20g, ớt băm 10g, muối ½ muỗng cà phê, bột nêm 1 muỗng cà phê, màu điều 1 muỗng xúp, rượu trắng 1 muỗng xúp.

Chế biến và trình bày

Các gia vị trộn đều, cho rượu vào sau cùng. Thoa đều hỗn hợp lên cá để thấm 10 phút. Nướng cá trên lửa than. Cá chín dọn ra đĩa ăn kèm với rau răm và cà chua.

Salat rau – Món ăn ngon ngày tết


Salad rau là một món ăn ngon, đơn giản, dễ làm, thích hợp để bạn đổi khẩu vị, tránh cảm giác ngấy trong những ngày tết.

Thành phần:

- 1 1/2 chén khoai tây (cắt hạt lựu, luộc chín)
- 1/2 chén đậu xanh
- 1 chén đậu Hà-lan tươi hoặc đóng hộp
- 1 chén củ cải đường (xắt hạt lựu, luộc chín)
- 1/2 chén cà rốt (xắt hạt lựu, luộc chín)
- 1 thìa cà phê (tsp) dưa chuột bao tử
- 1 tsp nụ bạch hoa dầm
- Mùi tây
- 2 – 4 quả trứng luộc chín
- 2 – 3 chén Mayonnaise
- Dầu ôliu


Cách nấu:

- Luộc riêng từng loại rau củ, vớt ra, để nguội. Thái hạt lựu trứng, dưa chuột bao tử, củ cải đường. Để lại một ít củ cải đường, trứng (cắt lát), cà rốt, chuột bao tử và nụ bạch hoa dầm để trang trí.

- Trút tất cả các nguyên liệu còn lại vào một bát to. Cho muối, hạt tiêu, một nửa mayonnaise lên và trộn đều.

- Đổ tất cả hỗn hợp trên vào một đĩa to và trang trí bằng lượng mayonnaise còn lại cùng với dưa chuột bao tử, củ cải đường, rau mùi, cà rốt đã cắt tỉa và dầu ôliu.

Thành phần chính của món salad này là các loại rau củ và không chứa thịt nên nguy cơ tăng cân không nhiều. Ngoài ra, bạn cũng có thể cho thêm một số loại rau củ khác tùy sở thích.

pq
pq
Trả lời 12 năm trước

Ngày tết, nếu khéo tay, bạn vẫn có thể chế biến những món ăn ngon, tiện lợi tại nhà mà không cần phải mua những thực phẩm tương tự chế biến sẵn.

Bạn cũng không phải lo về hậu quả của những chất bảo quản và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm làm sẵn này. Nhóm chuyên gia ẩm thực sẽ hướng dẫn cách chế biến một số món ăn chơi ngày tết dễ làm.

Cải xanh muối củ hành


Chuẩn bị: 3 kg cải xanh, 10 gr củ hành tím, 50 gr muối bột, 100 gr đường cát.

Cách làm: Chọn cải tươi xanh, lặt sạch lá dập héo, chẻ dọc mỗi lá làm hai, cắt khúc khoảng ba phân, rửa thật sạch, vẩy ráo nước. Củ hành tím lột vỏ và xắt mỏng. Trộn đều cải với hành rồi cho vào lọ, nén nhẹ. Gài nan tre hoặc dùng vật nặng dằn lên. Sau đó, nấu 2 lít nước chung với 50 gr muối bọt và 100 gr đường cát cho đến khi sôi lên. Châm nước muối đường còn nóng vào hũ dưa để đến khi dưa mềm, châm thêm nước muối cao hơn mặt dưa khoảng 5 cm. Để khoảng 3 - 4 ngày là dùng được.

Chú ý: Mỗi khi lấy dưa ra ăn, luôn nhận dưa còn lại trong hũ chìm dưới mặt nước muối.

Dưa cải chua

Chuẩn bị: 1 kg cải xạ loại cọng to, dày, 100 gr muối hột, 100 gr đường.

Cách làm: Cải rửa sạch, có thể để nguyên cây, tách ra từng bẹ lá hoặc cắt khúc khoảng 4 cm tùy theo thích của người làm. Phơi cải ngoài nắng khoảng nữa buổi để cải héo, sau đó mang vào để cải mát hẳn mới chế biến.

Xếp cải vào thố sành hoặc keo thủy tinh. Muối cho vào nước đun sôi, vớt bọt, lọc sạch. Để nước muối thật nguội mới đổ vào thố ngập mặt cải. Đậy nắp kín, để chổ mát. Ngâm dưa cải khoảng 2 - 3 ngày, cho thêm đường vào trộn đều. Sau đó ngâm tiếp một ngày nữa là dùng được.

Chú ý: Dưa cải chua bắt đầu ăn được có thể giữ trong một tuần. Tuy nhiên, nếu để quá lâu dưa cải sẽ nhũn và quá chua. Sau khi dưa cải ăn được, để thêm khoảng 4 - 5 ngày. Sau đó vớt ra cho vào tủ lạnh ăn dần dưa cải sẽ ngon và không bị quá chua. Có thể chia dưa cải làm nhiều phần đựng riêng trong hộp, phần nào ăn trước thì trộn thêm hành, ớt, tỏi để tăng thêm hương vị thơm ngon.

Tai heo ngâm giấm


Chuẩn bị: Khoảng 1 kg lỗ tai heo, ít phèn chua, ít muối, 1 lít giấm, 500 gr đường cát trắng, ít bột ngọt và một trái dừa xiêm

Cách làm: Tai heo cạo rửa sạch. Khi luộc cho vào 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng súp phèn chua. Chú ý chỉ luộc thịt vừa chín. Vớt thịt ra ngâm nước nóng. Rửa sạch lại bằng nước sôi rồi để ráo. Giấm, đường, bột ngọt, muối nấu sôi để nguội và lược sạch.

Xếp lỗ tai heo vào keo, chế nước giấm đường muối bột ngọt và ngập mặt, dùng đũa tre ém chặt, gài kín lại để khoảng 3 ngày là ăn được.

Chú ý: Lỗ tai không bị váng, giòn, chua chua ngọt ngọt là đạt.

Dưa món


Chuẩn bị: củ cải trắng, đu đủ xanh, su hào mỗi thứ 0,5 kg. 300 gr cà rốt, 200 gr củ kiệu đã sơ chế, 100 gr tỏi, 20 trái ớt hiểm, 0,5 lít nước mắm ngon, 700 gr đường, 15 gr bột ngọt, ½ muỗng cà phê phèn chua và 100gr muối.

Cách làm: Su hào, đu đủ, gọt vỏ cắt miếng dày 2 mm dài 5 cm. Cà rốt tỉa hoa cắt dày 2 mm. Củ cải trắng cắt cọng dày 1 cm, dài 4 cm. Tất cả cho vào ngâm với nước muối 1 ngày. Vớt ra, ngâm với phèn chua khoảng 20 phút, xả sạch, vắt thật ráo. Phơi rau củ một nắng, khi phơi nhớ trở đều. Tỏi, ớt, phơi cho héo.

Nước mắm, đường, bột ngọt nấu chung, vớt bọt thật kỷ. Để nước mắm thật nguội. Các loại rau củ, tỏi, ớt, kiệu trộn đều cho vào keo thủy tinh. Chế nước mắm đường vào, đậy kín. Dưa món để khoảng 1 tuần là ăn được.

Chú ý: Khi ngâm dưa món nên dùng nan tre gài lên mặt rau củ để dưa món luôn chìm trong nước mắm. Và nên trừ hao chỉ cho rau củ chiếm tối đa 8/10 keo và lượng nước mắm cũng hơi dư vì khi ngâm, rau củ sẽ hút nước mắm nở lớn, vì nước mắm vừa đủ ban đầu sẽ hụt sau khi rau củ hút nước mắm.

Dưa kiệu

Chuẩn bị: 1 kg kiệu Huế, 1 chén tro bếp, 50 gr muối, 600gr đường và khoảng 0,8 lít giấm trắng.

Cách làm: Kiệu cắt ớt lá, để rễ, rửa sạch cát đất. Cho kiệu vào thau, tro bếp đánh đều ra nước ngâm với nước ngập mặt kiệu 1 ngày. Xả sạch kiệu cắt rễ, phơi 3 nắng cho kiệu thật khô. Cắt sát rễ, lá, vỏ lụa. Ngâm kiệu với nước muối ½ ngày, vớt ra để thật ráo. Nấu giấm với đường và 1 muỗng cà phê muối. Hớt bọt thật kỷ. Đợi giấm nguội hoàn toàn, xếp kiệu vào keo, chế nước giấm đường vào. Dùng cọng tre gài cho kiệu chìm trong nước giấm đường. Kiệu để khoảng 3 tuần lễ là dùng được.

Thịt đông


Chuẩn bị: khoảng 1,5 kg chân giò, 300 gr da heo, một ít muối, tiêu.

Cách làm: Cạo, làm sạch chân giò, hơ lửa cho hơi rám da rồi rửa lại và chẻ đôi. Lóc thịt và da cắt thành miếng nhỏ trộn chung với da heo cũng xắt nhỏ. Ướp muối, tiêu để khoảng 30 - 40 phút.

Cho phần thịt đã ướp vào nồi rồi châm nước sôi ngập thịt khoảng ¼ đốt lóng tay. Sau khi nấu sôi hạ bớt lửa để nồi thịt chỉ sôi nhẹ và vớt liên tục cho hết bọt. Nếu nước cạn, châm thêm nước để giữ mức xâm xâm mặt thịt và nấu cho đến khi thật rục. Rắc vào bát đựng một ít tiêu rồi múc thịt đổ vào. Thịt sẽ đông khi nguội.

Chú ý: Bảo quản bằng cách cho vào tủ lạnh. Nếu muốn thịt đông mềm thì dùng ít da hơn, còn muốn cứng thì tăng lượng da lên.
Cơm rượu

Chuẩn bị: 1 kg nếp ngon, 2 viên men cơm rượu (lượng men nhiều hay ít tùy nơi bán ), một ít lá chuối, 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng vôi ăn trầu.

Cách làm: Vôi ăn trầu bọc lá chuối nướng khô, rồi ngâm vào nước, để lắng qua đêm. Nếp vo sạch, cho vào thau ngâm với nước có muối và nước vôi trong khoảng 4 - 5 giờ. Chắt bỏ nước ngâm, cho nước mới sâm sấp mặt nếp nấu chín. Trải cơm nếp ra mâm, rắc mem giã nhuyễn đều lên mặt. Đợi cơm nếp nguội hẳn, dùng tay nhún qua nước muối vo cơm nếp thành viên. Dùng lá chuối bọc từng viên cơm rượu xếp chồng lên nhau vào thố sành. Đậy kín thố sành để 3 ngày, cơm rượu sẽ lên men ra nhiều nước. Cơm rượu có thể ăn kèm với xôi vò.

Chú ý: Nếu làm nhiều cơm rượu để đở tốn thời gian có thể dùng khuôn chử nhật cao ép cơm nếp vào rồi dùng dao nhúng vào nước muối pha loảng cắt thành khối vuông. Nhưng cũng phải bọc từng viên cơm rượu bằng lá chuối thì mùi cơm rượu mới ngon. Khi làm nhiều nên dùng xửng hấp để ủ cơm rượu. Những viên cơm rượu được xếp ngăn trên, khi nước cơm rượu ra sẽ rơi xuống ngăn dưới, khi ăn chan nước cơm rượu vào, cơm rượu sẽ không bị bả hoặc đục nước. Ủ cơm rượu nên để trong gian bếp gần chỗ nóng để cơm rượu có điều kiện lên men tốt.

Ram (Huế)

Chuẩn bị: 250 gr tôm bạc đất, 150 gr thịt nạt dăm, 10 gr nấm mèo, 10gr nún tàu, 50 gr giá, 1 muỗng hành tím băm,1 muỗng tỏi băm, 1/2 muỗng muối,1/3 muỗng tiêu, 50 gr tương xay, 1 muỗng đường, 1 muỗng ớt băm, 1 muỗng mè rang và 12 cái bánh tráng.

Cách làm: Tôm lột sạch quết nhuyễn. Thịt cắt nhỏ quết nhuyễn. Trộn thịt và tôm quết đều cho bún tàu, nấm mèo thái sợi, giá bóp vụn vào. Nêm gia vị vừa ăn. Dùng bánh tráng gói nhân hình tam giác, chiên vàng. Phi tỏi, cho tương vào xào, nêm đường vừa ăn; cho mè rang, ớt băm vào. Ram chấm tương ăn kèm rau thơm.

Chú ý: Để tăng thêm không khí của ngày Xuân tươi đẹp, một chút cách điệu sẽ giúp món ăn duyên dáng hơn. Ram bình thường được cuốn tròn như chả giò. Nhưng gói ram theo kiểu tam giác, ram sẽ lạ mắt và giòn hơn, nhai khoái khẩu hơn. Khi chiên, canh vừa thấy ram ươm vàng thì mở lửa lớn để đẩy dầu từ trong ra, rồi vớt ram ra ngay. Sức nóng tích trong từng chiếc ram sẽ làm nó vàng đều mặt ngoài. Nếu để trong dầu đến lúc thấy ram vàng đều mới vớt ra, có thể không kiểm soát được lửa sẽ làm món ăn bị già lửa quá sẽ mất ngon.

Minh Phượng
Minh Phượng
Trả lời 12 năm trước

Miến cá rô - Món ngon ngày Tết

Cá rô là một loại cá dân dã nhưng hấp dẫn. Ngoài những món truyền thống như cá rô kho tương, cá rô nướng trụi, bạn còn có thể tìm thấy một hương vị mới lạ với món miến cá rô.

Ðể làm món miến cá rô, người ta chọn những con cá béo vàng còn tươi rói, đánh vảy, cắt vây, mổ sạch, rồi cho vào nồi luộc chín tới. Cá chín được vớt ra để nguội, bóc thịt hai bên, rút hết xương sao cho thịt không vỡ. Phần thịt cá ấy được ướp qua chút gia vị rồi thả vào chảo dầu đang sôi. Khi vớt ra , cá giòn và thơm thật quyến rũ. Phần xương cá, đầu cá còn lại được giã nhỏ, lọc lấy nước cốt để dành nấu nước dùng.

Miến cá rô ăn vừa mát vừa có dư vị ngọt rất riêng. Sợi miến dai, thịt cá giòn, rau cải xanh thoáng chút hăng, quyện với hương gừng thơm nức. Khi ăn người ta phải dùng đũa, gắp miến, rau và cá lên thìa, rồi thêm cả chút nước dùng thì mới có thể cảm nhận hết được cái ngon của món ăn.

Không chỉ ở những vùng thôn quê, mà cả ở khu vực đô thị, càng ngày người ta càng muốn tìm đến những món ăn mang hương vị của lúa đồng, gió quê như miến cá rô. Cái thuần khiết đến tinh tế trong từng vị cay, chua, mặn ngọt dễ đem lại một cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản. Ăn miến cá rô đến no cũng không thấy nặng bụng, khó tiêu bởi sự kết hợp của đầy đủ các chất đạm, béo, tinh bột và rau xanh với một hàm lượng vừa phải, cân đối.

Có thể nói, khó có món ăn nào vừa ngon mà lại vừa cân bằng dinh dưỡng như một bát miến cá rô này. Hơn nữa, phục vụ nhu cầu của thực khách đô thị về những món ăn dân dã hiện cũng đang là xu hướng của các nhà hàng, khi mà vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩn và thức ăn đường phố đang ở mức báo động…

Dù gì, những món ăn truyền thống vẫn bền bỉ với khẩu vị nhất. Và trong tiết xuân se lạnh, được ăn bát miến cá rô nấu với cải và gừngluôn là mộtđiều thú vị.

Chị Hương
Chị Hương
Trả lời 12 năm trước
Thịt muối

Nguyên liệu:

2 kg thịt nạc heo ngon

1 kg đường trắng

2 lít nước mắm

1 củ tỏi

Hũ thủy tinh

Thực hiện:

Chọn thịt heo ngon (nên chọn thịt mông)

Rửa sạch, luộc chín, sau đó vớt ra để nguội và ráo

Nấu nước mắm đường cho tan chảy, để nguội

Cho mấy tép tỏi bóc vỏ xuống đáy hũ , xếp thịt thật chặt vào trong

Đổ nước mắm đường ngập hết thịt, ngâm từ 7 – 10 ngày, thịt chắc và thấm đường, mắm là có thể dùng được.

Khi ăn cắt lát mỏng, ăn kèm rau sống, dưa món, cuốn với bún rất ngon