Những món ngon không thể thiếu trong Tết Đoan Ngọ?

thu
thu
Trả lời 9 năm trước

Vịt om sấu

Ở nhiều địa phương của miền Trung, món vịt trở thành món truyền thống của ngày Tết Đoan Ngọ. Đó là theo quan niệm, bắt đầu từ mùng 5 tháng 5 trở đi, vịt bắt đầu vào mùa, sẽ có những con vịt béo hơn, thịt ngon và không có mùi hôi nữa. Vì thế, trong Tết Đoan Ngọ, ở hầu hết các gia đình, họ đều mua vịt và chế biến thành nhiều món ăn khác nhau.
Dưới đây là cách làm món vịt om sấu:
Nguyên liệu:
- 500g thịt vịt
- 2 củ sả, 1 miếng gừng, 4-5 quả sấu
- 1 quả dừa tươi lấy nước
- Nước mắm, đường, hạt nêm, dầu ăn

Tết Đoan Ngọ
Trong Tết Đoan Ngọ, các món chế biến từ vịt được ưa thích
Cách làm:
- Sả đập dập cắt khúc 3cm, gừng thái lát mỏng, sấu cạo sạch vỏ.
- Thịt vịt mua về bóp muối rửa sạch, chặt miếng nhỏ rồi ướp với sả, gừng, hạt nêm, nước mắm và chút đường trong 30 phút, có thể cho sấu vào ướp cùng luôn cũng được.
- Dừa bổ lấy nước.
- Bật bếp để lửa to xào thịt đến khi hết nước thì thêm ½ thìa canh dầu ăn vào.
- Khi thấy thịt bắt đầu săn lại và có mùi thơm thì đổ nước dừa vào đun sôi, vặn nhỏ om thêm 30 phút cho đến khi thịt mềm là xong.
Múc vịt om sấu ra bát và thưởng thức thôi nào!

Cơm rượu kiểu miền Nam

Quan niệm xưa cho rằng ngày này các loại ký sinh gây hại nằm sâu trong bụng đúng ngày mồng 5/5 (âm lịch) mới ngoi lên. Dịp này con người có thể ăn thức ăn, hoa quả có vị chua, chát và nhất là rượu nếp là có thể loại bỏ chúng. Vì thế rượu nếp là một món ăn cổ truyền không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ của người dân Việt Nam.
Nguyên liệu:
- 500g gạo nếp hay 2 bát con gạo nếp đầy
- 3 viên men cơm rượu, mỗi viên 2g
- 500ml nước lọc
- Nước, muối.

Món cơm rượu cho Tết Đoan Ngọ
Nếu có thời gian bạn nên làm trước Tết Đoan Ngọ khoảng 3, 4 ngày để có món rượu nếp ngon
Cách làm:
- Gạo nếp đãi qua nhiều lần nước cho thật sạch, tiếp theo để lên rổ cho ráo nước, bạn không cần phải ngâm gạo nếp qua đêm.
- Cho gạo nếp vào nồi cơm thêm nửa thìa nhỏ muối, châm nước lọc xâm xấp với mặt gạo.
- Bật nút nấu như nấu cơm bình thường đến khi gạo nếp chín, dùng đũa xới đều.
- Men cơm rượu dùng cối giã mịn, cho vào bát.
- Bạn pha sẵn nửa bát con nước ấm và hòa thêm vào 1/4 thìa nhỏ muối, để riêng.
- Gạo nếp sau khi chín, để nguội bớt bạn trải đều ra mâm hay khuôn.
- Bạn sờ tay thấy xôi vẫn còn hơi ấm, và không được quá nóng men rượu sẽ bị chết không lên men, dùng một cái đồ rây lỗ nhỏ, cho men rượu vào và rây một lớp men lên bề mặt xôi.
- Tiếp tục lật ngược bề mặt xôi bên dưới, rây một lớp men mỏng.
- Dùng màng thực phẩm bọc kín, và phủ bên trên một khăn dày, để vào nơi kín nắng và gió,
- Để khoảng 3-4 ngày men cơm rượu ra nước thì bạn có thể dùng được.
Bạn nên làm trước Tết Đoan Ngọ khoảng 3-4 ngày, nếu không có thời gian, bạn có thể mua rượu nếp ở ngoài để cúng đúng ngày Tết Đoan Ngọ.

Bánh tro (bánh gio)

Theo phong tục tập quán của người dân Việt Nam ở cả 2 miền Nam, Bắc thì đến Tết Đoan ngọ (5/5 âm lịch) phải làm một số bánh trong đó có bánh tro (bánh gio). Có tên gọi tro vì nước để ngâm gạo làm bánh và nấu bánh đều được lấy phần nước trong, lắng từ nước tro (gio) của nhiều loại cây khác nhau.

Cách làm bánh tro:

Nguyên liệu:
- 500g gạo nếp
- 1/2 bát con đỗ xanh đã xát vỏ
- Đường, muối, nước tro
- Lá tre bạn có thể dùng lá của cây tre bương hay còn gọi là lồ (bạn có thể dùng lá chuối để thay thế)
- Dây lạt để buộc hoặc dây thừng sợi nhỏ dùng trong thực phẩm.

Bánh tro
Theo phong tục tập quán của người dân Việt Nam ở cả 2 miền Nam, Bắc thì bánh tro không thể thiếu trong Tết Đoan ngọ (5/5 âm lịch)
Cách làm:
- Gạo nếp đãi qua nhiều lần nước cho thật sạch, ngâm gạo nếp vào âu nước lạnh có hòa một ít muối, ngâm khoảng 5-6 tiếng, đãi lại cho sạch.
- Nước tro đổ ra bát, để tiện lợi bạn có thể mua sẵn nước tro làm sẵn, một thìa canh nước tro bạn hòa với 1 lít nước lọc.
- Cho gạo nếp vào âu sạch, thêm nước lọc đã hòa với nước tro, mực nước phải ngập mặt gạo nếp, ngâm 20-22 tiếng.
- Thỉnh thoảng khi ngâm bạn có thể thử bằng cách lấy vài hạt nếp đã ngâm, để giữa hai đầu ngón tay, bóp nhẹ thấy hạt nếp vỡ nhẹ ra thì nếp đã ngấm đủ nước tro.
- Nếp sau khi ngấm đủ nước tro, bạn xả lại nhiều lần nước lạnh cho thật sạch, xóc thêm muối vào, để lên rổ cho ráo nước.
- Đỗ xanh đã xát vỏ đãi sạch, ngâm vào âu nước ấm khoảng 1-2 tiếng. Tiếp theo cho đỗ xanh vào nồi, thêm một ít nước lọc nấu cho đỗ xanh chín mềm.
- Khi đỗ vẫn đang còn nóng trên bếp, thêm đường vào, dùng muôi gỗ khuấy thật nhanh tay để hạt đỗ tơi mịn ra, hoặc có thể cho đỗ xanh vào máy sinh tố, xay thật mịn.
- Cho đỗ xanh vào chảo, sên lửa nhỏ để mặt đỗ hơi se khô lại, nêm đường tùy theo bạn thích ăn ngọt nhiều hay ít, tắt bếp, để nguội.
- Lá tre rửa sạch, đun nồi nước sôi, cho lá tre vào nồi nước chần sơ qua nước sôi để lá mềm thì sẽ dễ gói hơn, để ráo nước.
- Phần đỗ xanh sau khi sên, vo viên tròn nhỏ.
- Xếp chồng hai lá tre vào với nhau, cuốn đầu lá thành hình cái phễu. Dùng thìa múc một phần nếp, đặt 1-2 viên nhỏ đỗ xanh vào giữa và múc một ít gạo nếp che phủ đỗ xanh, dùng thìa ấn nhẹ phần nếp xuống cho thật chặt.
- Gấp hết phần góc còn lại của lá cho thật kín, dùng lạt buộc hoặc có thể dùng dây thừng sợi nhỏ để buộc lại. Tiếp tục làm cho hết phần gạo nếp và đỗ xanh, dùng dây buộc thành từng chùm khoảng 5-8 cái.
- Dùng một nồi vừa đủ với lượng bánh đã gói, thêm nước lạnh, đun sôi nước, thả từng chùm bánh vào nồi luộc chín, mực nước cao hơn mặt bánh một gang tay, thỉnh thoảng cạn nước thì bạn châm vào nước sôi nóng, không thêm nước lọc vì phần gạo nếp sẽ bị sượng.
- Đun từ 1,5 đến 2 tiếng, tùy theo bánh bạn gói lớn hay bé, bánh chín bạn lấy ra xả lại nước lạnh, rồi treo lên chỗ thoáng mát.
- Yêu cầu: hạt gạo nếp trong, ăn dẻo và bùi bùi, ngọt của đỗ xanh, có thể chấm thêm với đường hoặc mật ong.