Tẩy vết bẩn trên thân xe ở những nơi khó kì cọ được thì nên dùng nước tẩy rửa nào?

Mình hay rửa xe của mình, thấy có nhiều nơi khó rửa, ko kì cọ dc . Vậy các bạn có biết rửa những chỗ đó bằng nước tẩy rửa nào ko, giúp mình với

hao
hao
Trả lời 10 năm trước

Nội dung thảo luận rất hay. Là một nhà hoá học và có chút ít kinh nghiệm trong sản xuất các chất tẩy rửa, tôi xin tham gia ý kiến thế này.
1. Các loại nước rửa chén bát nói riêng và xà phòng tẩy rửa đều được sản xuất trên cơ sở các chất hoạt động bề mặt anionic có tính kiềm hoặc axit tuỳ vào mức độ trung hoà kiềm. Kiềm dùng để trung hoà thường là xút hoặc soda ash. Chất điều chỉnh pH thường dùng là axit citric hoặc tartric... Trong quá trình sản xuất việc quản lí mức trung hoà là có thể nhưng vì lí do kĩ thuật và các lí do kinh tế khác, nước rửa chén bát thường thể hiện pH cao hoặc pH thấp- tuỳ nhà sản xuất, nhưng đồng thời lại axit hữu cơ có tính oxi hoá cao để đảm bảo hoạt lực tẩy rửa chén bát.
Cũng như vậy, xà phòng giặt, loại mà chúng ta thấy các tiệm rửa xe vẫn thường dùng, kể cả loại có xục khí tạo bọt hoặc không, lại có chứa hàm STPP cao nhằm tăng khả năng lôi cuốn chất bẩn có trong vải sợi. Xà phòng loại này thường không chứa axit hữu cơ có tính oxi hoá cao nhưng lại chứa các chất tẩy trằng quang học, hay còn gọi là các chất tăng trắng quang hoá. Các chất này cần phải dùng với liều lượng thích hợp nếu không sẽ nhanh chóng gây thoái hoá vải. Đối với màng sơn xe của chúng ta thì chúng có tác hại khá lớn, đặc biệt nếu chúng được dùng với các loại nước có hàm sắt cao như nước giếng khoan chưa qua tẩy sắt.
Do vậy, theo quan điểm của tôi, ta không nên dùng các sản phẩm nước rửa chén bát, kể cả cao cấp như SL, hoặc các sản phẩm xà phòng giặt dạng bột hoặc lỏng. Kể cả chúng chứa axit hữu cơ oxi hoá hay các chất quang hoá, chúng đều không được khuyến cáo sử dụng làm nước rửa xe hơi!
2. Đối với gương, kính, gạt nước... các loại nước rửa không đúng quy cách này sẽ gây tác hại không nhỏ. Với kính, khi rửa không hết, nếu chúng còn tạp nhiễm dù là lượng nhỏ cũng sẽ gây ố mốc, gây mất thẩm mĩ và mất an toàn. Để tẩy phá được chúng, các bạn sẽ phá hỏng lớp bảo vệ bề mặt kính nhất là kính chắn gió. Chi phí chỉ là chuyện nhỏ nhưng các bạn không khôi phục được tính năng nguyên bản của kính.
Gạt nước cũng sẽ bị mủn nhanh hơn gây nên hiện tượng gạt thành vệt, tạo điều kiện cho bụi bám, gây xước kính và tăng tốc ăn mòn cho kính chắn gió.
3. Vậy ta nên dùng cái gì, mua ở đâu, giá bao nhiêu...?
Theo tôi, chúng ta nên dùng các sản phẩm đặc thù cho từng ứng dụng được các nhà sản xuất khuyến cáo như nước rửa xe hơi, nước đánh bóng xe, nước rửa kính... Một số độc giả đã nêu tên một số hãng, nhưng do nước ta chưa có tiêu chuẩn nên việc đánh giá chất lượng nên, ta cần nhìn nhận một cách sáng suốt trước khi quyết định sử dụng.
Đối với các loại nước rửa xe và rửa kính, điều kiện tiên quyết là phải sử dụng các chất tẩy rửa dạng trung tính (non-ionic hoặc amphoteric). Không chứa các chất oxi hoá mạnh như axit citric, tartric, các chất tăng trắng quang hoá... Nhận biết nó qua việc xem kĩ nhãn hàng hoá. Khi mua về, pha loãng bằng nước rồi thử ngâm tay vào, nếu tay có cảm giác nhờn, da tay bị co, nhăn hoặc có thể bị khô ráp, ngứa... đều là sản phẩm không nên sử dụng.
Có thể kết hợp xem nhãn hàng hoá và thử bằng giấy pH (có bán ở mọi cửa hàng hoá chất), hoặc thử bằng quỳ tím hoặc phenolphtalein... để xác định mức pH. Nếu pH khác 7 đều tránh không nên sử dụng.
Về giá cả thì còn tuỳ thuộc vào chất lượng, nhưng vấn đề giá cần được cân đối với chất lượng yêu cầu. Tôi lưu ý các bạn không nên cho rằng cứ sản phẩm tây, giá đắt là tốt. Trong một số trường hợp cụ thể, điều đó không hoàn toàn có căn cứ.
4. Quy trình rửa xe thế nào là hợp lí:
Theo tôi quy trình rửa xe hợp lí bao gồm các bước sau:
a. Phun nước áp lực thấp để thấm ướt toàn bộ bề mặt vỏ xe. Nước để rửa cần sử dụng nước sạch, đã tách sắt càng nhiều càng tốt.

b. Sau 5-10 phút, phun hỗn hợp nước xà phòng trung tính đã nêu trên. Phun nước áp lực thấp. Nếu phun nước áp lực càng cao, ma sát giữa hạt bụi và vỏ xe sẽ rất lớn gây vi xước là một nguyên nhân gây mất độ bóng lì của vỏ xe.
c. Sau 5 đến 10 phút, khi ta đã thấy các hạt bụi đã bị "thấm ướt" hoàn toàn, tăng thêm áp lực nước để rửa sạch toàn bộ bụi bẩn và hỗn hợp xà phòng tẩy rửa ra khỏi thân xe. (Tránh sử dụng các loại khăn rửa bởi kể cả khi nó sạch hay đã lẫn bụi đất, nó đều có thể gây xước. Khăn sạch chỉ nên sử dụng khi lau khô. Càng lau bằng khăn nhiều, bề mặt vỏ xe càng bị tích điện tĩnh, nguyên nhân chủ yếu gây tái bám bụi. Vấn đề này tôi xin đề cập trong phần sau).
d. Phun nước đánh bóng vỏ xe. Bạn có thể sử dụng các sản phẩm nước rửa xe có tích hợp sẵn trong thành phần các chất làm bóng. Hiện nay trên thị trường tôi biết có một số sản phẩm xuất xứ từ Châu Á có chất lượng khá cao, giá cũng hợp lí.
e. Dùng hơi áp lực, tốt nhất là hơi nóng, khô để làm khô vỏ xe.
f. Đánh bóng vỏ xe bằng chổi lông cừu hoặc vải bông khô sạch bụi. Nếu có kèm thiết bị giải tĩnh điện bề mặt, ta có thể khắc phục hiện tượng tái bám bụi một cách rất hiệu quả.

Chúc anh chị em mạnh khoẻ!