Ở Việt Nam có những loại lừa đảo nào trên Internet?

Có thể thấy hai thái cực trong các vụ lừa: hoặc là bán hàng giá trị thấp để người mua không quan tâm lắm đến sự an toàn trong giao dịch vì lỡ có mất tiền cũng không đáng kể; hoặc là dùng một món tiền khổng lồ để làm mồi nhử khiến ai thấy cũng động lòng tham.


Có người rất tỉnh táo với những quả lừa vài ngàn, thậm chí vài chục ngàn USD nhưng khi “mồi câu” lên đến vài trăm ngàn hay vài triệu USD thì... dính chỉ vì cái chậc lưỡi “cứ thử xem sao, mình có mất gì đâu, biết đâu là thật thì sao” và cuối cùng là... mất tiền thật. Một số kiểu lừa đảo trên mạng phổ biến nhất thường thấy trên thế giới và có gặp ở Việt Nam trong vài năm gần đây.

Bán hàng gian lận, treo đầu dê bán thịt chó


Kẻ lừa đảo rao bán một món hàng nào đó với giá hời, ví dụ như một túi xách thời trang Gucci trị giá vài ngàn USD với giá hời 1.000 USD.

Sau khi nhận tiền thì người mua sẽ nhận được món hàng đúng như trong ảnh chụp giới thiệu trên trang web nhưng là hàng... nhái trị giá vài chục USD sản xuất ở Hong Kong. Tệ hơn nữa thì người mua mất trắng tiền vì kẻ lừa đảo sẽ kiếm đủ lý do để không gởi hàng.

Chiêu lừa này cũng không hiếm gặp ở Việt Nam, thỉnh thoảng trên các diễn đàn, website mua bán rao vặt vẫn có thành viên tố cáo một vài nhân vật dùng chiêu lừa này để bán “hàng xách tay”, thường là hàng kỹ thuật số hay mỹ phẩm, quần áo.

Thường bọn lừa đảo bán những món hàng trị giá thấp, chừng vài chục đến vài trăm USD, thậm chí trước đó rất uy tín khi bán vài món hàng giá trị nhỏ để tạo lòng tin trước khi cất vó với món hàng giá trị lớn. Người mua khi bị lừa thường bỏ luôn không theo đuổi khiếu nại vì quá mất thời gian. Theo ghi nhận của IC3 (Internet Crime Complaint Center – trung tâm tiếp nhận các khiếu nại tội phạm internet của Mỹ), trong năm 2006, gần 70% trường hợp lừa đảo trên internet thuộc loại này.
 
Nigeria scam

Có thể nói đây là “ông tổ” của làng lừa đảo trên mạng. Xuất xứ từ Nigeria, chiêu lừa là gởi email đề nghị bạn cho mượn tài khoản ngân hàng để chuyển một khoản tiền kếch xù vài trăm triệu USD. Sau khi chuyển vào đó, bạn sẽ được chia 30%, một đề nghị quá hấp dẫn. Kẻ lừa đảo thường giả danh là con cái của một quan chức tham nhũng nào đấy mà chỉ có dùng tài khoản trung gian của bạn họ mới rút tiền ra được. Khi cá cắn câu, kẻ lừa đảo sẽ dẫn dụ khéo léo với hàng lô lý do hợp lý để nạn nhân chuyển tiền làm thủ tục, thường là vài ngàn USD. Sau khi nhận được tiền, chúng biến mất.

Năm 2005, tác giả bài viết này đã từng tiếp xúc với một kẻ lừa đảo như thế. Trong vai con gái một viên tướng bị quân đảo chính giết hại phải sống trong trại tị nạn Liên hiệp quốc, “nàng” nhờ tôi giúp giải thoát số tiền 150 triệu USD còn bị kẹt trong một tài khoản bí mật của cha. Để chứng minh, cô ta email toàn bộ giấy tờ liên quan (trông y như thật) và cả hình ảnh cô ta (đẹp cỡ người mẫu Naomi Campbell khiến ai thấy cũng nao lòng) và cả hình chụp với người quá cố. “Nàng” dùng tiếng Anh chuẩn, nói là đã du học ở Anh, đúng như gia thế của nàng.

Trong vai một thương gia giàu có, tốt bụng tôi được “nàng” săn lùng ráo riết. Dù than là ở trại tị nạn nhưng hễ tôi online trên Yahoo! Messenger là “nàng” xuất hiện tỉ tê: “Anh là hiệp sĩ cứu đời em và em trai em, ơn này em chẳng bao giờ quên!”

Sau nửa tháng tung hứng, tôi bèn chấm dứt bằng cách hỏi thủ tục “cứu đời em”. “Em” liền thủ thỉ là phải chuyển vài chục ngàn USD làm thủ tục. Thấy tôi cứ ngâm cứu đề nghị này, “em” giảm giá dần dần xuống vài ngàn rồi cuối cùng chỉ còn vài trăm USD cũng chấp nhận.

Khi tôi “biến mất” trên Yahoo! Messenger, khoảng nửa năm sau “nàng” vẫn cố bắt liên lạc và còn xuất hiện thêm một lô nick khác cố add nick tôi vào.

Các tổ chức Nigeria scam đã lừa đảo đến con số triệu USD tại các nước khác. Ở Việt Nam, khó biết chính xác thiệt hại vì những người bị lừa, thường là doanh nghiệp, chọn giải pháp im lặng, ngậm bồ hòn làm ngọt vì sĩ diện.
 
Trúng số, trúng thưởng

Chiêu này tương tự như Nigeria scam, thường gởi email thông báo nạn nhân đã trúng xổ số hay trúng thưởng một món hàng giá trị lớn. Cập nhật nhất là xổ số nhân World Cup... 2010 tại Nam Phi. Khi bạn bấm vào link trong mail sẽ thấy trang web của công ty xổ số rất nghiêm chỉnh. Trên web còn có hình ảnh và địa chỉ của những người trúng giải khác để bạn gởi email, gọi điện thoại liên lạc để họ xác nhận chuyện trúng thưởng là có thật. Hình ảnh những người trúng giải chụp cạnh đống tiền thưởng quả là hấp lực mê người. Và, để lãnh giải, bạn phải nộp tiền làm thủ tục, có khi lên tới vài chục ngàn USD.

Chiêu này ở Việt Nam cũng có khá nhiều người bị dính. Tác giả bài viết này từng giải thích cho một sinh viên nhận được email trúng số, khẳng định rằng đó chỉ là trò lừa. Thế nhưng, sau một tiếng nói khô cả cổ, chàng trai trẻ vẫn chưa thông: “Em thấy trên website của họ thông tin rất nghiêm chỉnh mà?”.
 
Đầu tư

Chiêu lừa này đơn giản là dùng lãi suất cao đến mức phi lý để dẫn dụ nạn nhân gởi tiền như kiểu colonyinvest làm vừa qua ở Việt Nam. Ở nước ngoài, số vụ lừa loại này đang giảm dần vì luật pháp chặt chẽ hơn, người dân cũng được thông tin đầy đủ nên tỉnh táo hơn.

(Theo DDDN)
Cập nhật: 09-09-2009

Lưu tin này trong mục ưa thích của bạn