Khi phủ nano cho điện thoại có lợi và hại gì?

Nguyễn Văn Tùng
Nguyễn Văn Tùng
Trả lời 11 năm trước

Khi dịch vụ phủ nano cho điện thoại nở rộ và thu hút sự quan tâm của giới trẻ, số đông người dùng vẫn băn khoăn trước câu hỏi liệu công nghệ mới này có thực sự tốt hơn so với dán màn hình, và có gây hại gì cho da tay hay không.

Với giá một lần làm dịch vụ tối thiểu là 40.000 đồng như hiện nay, việc phủ nano trên điện thoại đang gây tò mò và thu hút sự quan tâm của khá đông người dùng smartphone, đặc biệt là theo như quảng cáo, nó có khá nhiều ưu điểm. Theo anh Dũng, một thợ phủ nano tại TP.HCM, xét về thẩm mỹ, lớp phủ nano sẽ tốt hơn so với dán màn hình trước đây, bởi kích thước nhỏ li ti của phân tử hạt sẽ bám vào những điểm xước, lồi lõm sẵn có và giúp cho thiết bị trở nên long lanh như mới, rất khó phát hiện. Bên cạnh đó, lớp phủ nano còn có khả năng bảo vệ lâu hơn so với miếng dán màn hình (6 tháng so với 3 tháng). Đây chính là những yếu tố giúp cho dịch vụ phủ nano trở nên đắt hàng trong thời gian gần đây.



Trên các diễn đàn công nghệ, khá nhiều thành viên từng phủ nano cho điện thoại của mình đã chia sẻ cảm giác hài lòng với dịch vụ mới này. Họ cho biết, sau khi phủ xong lớp bảo vệ, màn hình điện thoại trở nên sáng bóng hơn, không có cảm giác bám vân tay nhiều như xưa. Nickname anhlhang chia sẻ: “Mặc dù tay mình nhiều mồ hôi nhưng sau khi phủ xong lớp nano, cầm điện thoại trên tay không còn có cảm giác dính. Lớp phủ hiệu quả và làm máy trở nên bóng bẩy, đặc biệt là không hề có biểu hiện của lớp phủ”.

Tuy nhiên, về lâu về dài, lớp phủ này có thật sự tốt như lời quảng cáo hay không, và có gây hại gì đối với da tay hay không thì hiện vẫn chưa ai dám khẳng định. Một đơn vị phân phối lọ phủ nano chia sẻ, đây là một loại hoá chất đặc biệt ứng dụng công nghệ nano, có pha thêm một chút polyme. Hợp chất nano có tác dụng tạo ra một lớp màng mỏng phía trên để bảo vệ thiết bị. Lớp màng này như một lớp đệm siêu trơn nhằm triệt tiêu các tác dụng của lực ma sát khi va chạm hay tiếp xúc với vật khác, còn thành phần phụ polyme chỉ có tác dụng duy nhất là tạo độ bóng.

Chính vì lớp phủ nano có thành phần cấu tạo từ các loại hóa chất, nên nhiều khách hàng đã tỏ ra e ngại khi nhắc đến dịch vụ này. N.T. Mẫn - một sinh viên tại TP.HCM - chia sẻ: "Tôi không dám thử vì tôi được biết nó là một loại hoá chất, nguồn gốc xuất xứ thì chỉ có cửa hàng mới biết. Thay vì phải sống trong lo lắng, tôi chấp nhận lựa chọn phương pháp truyền thống là dán miếng dán bảo vệ, vừa an toàn vừa dễ dàng thay đổi".

Thành viên Quan Nguyen trên mạng xã hội Zing Live cho hay, người dùng hiện nay có thói quen sử dụng điện thoại mọi lúc mọi nơi, có khi vừa lướt net trên điện thoại, vừa dùng chính những ngón tay đó để bốc đồ ăn. Việc tiếp xúc thường xuyên với một loại hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng là một mối nguy tiềm tàng đối với sức khỏe của người sử dụng. Thành viên có tên sandro_phuc lại chia sẻ rằng, mặt kính Gorilla có sẵn trên đa số smartphone hiện nay đã tránh được việc trầy xước do các va chạm thường gặp như cọ vào chìa khóa, do đó dịch vụ này thực chất chỉ là một chiêu mới đánh vào tâm lý người sử dụng để kiếm tiền.

Nguồn gốc xuất xứ và thành phần cấu tạo của dung dịch nano khiến người dùng tỏ ra e ngại.

Một số thành viên khác trên cộng đồng Zing Live cũng cho rằng, lớp phủ nano chỉ tạo độ bóng cho màn hình, trong khi vết xước vẫn tồn tại, chỉ giảm đi chứ không hề chống xước hoàn toàn. Thành viên có nickname giadinhnhoc114 cho biết, dù đã phủ nano cho iPhone 5 và Lumia 920 nhưng cả hai chiếc điện thoại này vẫn tiếp tục xuất hiện những vết xước. Không những vậy, nếu người có mồ hôi tay và tương tác với điện thoại nhiều thì lớp phủ nano rất nhanh hết đi và quay về với trạng thái ban đầu. Tất nhiên, lớp nano này bay hết lúc nào thì mắt thường không thể nhận biết được. Với trường hợp người dùng muốn tẩy lớp phủ nano, họ sẽ phải một lần nữa ra cửa hàng, mất thêm một khoản chi phí, mà không rõ thứ hóa chất được dùng để tẩy rửa có gây ảnh hưởng đến màn hình điện thoại hay không.

Tóm lại, những ưu điểm của dịch vụ phủ nano trên điện thoại đã có người xác nhận, nhưng bên cạnh đó cũng không ít người dùng phàn nàn về nó sau một thời gian sử dụng, khi khả năng chống trầy xước không được như quảng cáo. Không chỉ vậy, những thông tin không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, nguyên vật liệu cấu thành... đã khiến người dùng cảm thấy hoang mang khi tiếp cận với dịch vụ này. Rõ ràng, khi mà chưa có một cơ quan kiểm định uy tín nào đứng ra xác nhận về độ an toàn cũng như chất lượng của lớp phủ nano, việc sử dụng hay không sử dụng dịch vụ này phụ thuộc hoàn toàn vào sở thích và quyết định của người dùng.