Tài xế Việt Nam thích 'ra lệnh' bằng còi?

Trong một lần đi taxi từ Nội Bài về trung tâm Hà Nội, tôi đếm tổng cộng tài xế bấm còi 30 lần trong 40 phút. Đó chỉ là con số mà tôi cố tình chú ý. Còn các lần sau, ở thành phố hay đi đường dài, tôi không đếm nữa. Nghe còi giờ đây như một thói quen, một phong cách. Đến những nơi mà hàng dài xe từ từ dịch chuyển, im lặng quá lại thấy nhớ không khí rộn ràng Việt Nam.

Dẫu vậy thì tôi vẫn không quen được thái độ của những người bấm nó. Còi từ thưở sinh ra trên xe là để thông báo. Tài xế muốn báo cho người đi trước sự có mặt của mình. Báo về một điều nguy hiểm, hay để giao tiếp với nhau khi cần thể hiện thái độ. Ở những nước có nền văn hóa giao thông tốt, còi ít khi được dùng đến. Bởi tất cả đều tuân thủ giao thông, đều đi theo luật lệ chung. Dần dần, còi chỉ còn ý nghĩa khi người ta muốn nổi cáu với nhau. Quá "ngứa mắt" với ai đó, họ mới sờ đến còi. Chính vì thế mà còi ở xe châu Âu hay Mỹ đều rất khó bấm.

Nhưng, còi ở Việt Nam, tiếc thay phần lớn lại dùng để ra lệnh.

Anh tài xế taxi mà tôi đi có lần bấm tới 4-5 cái. Vừa bấm vừa lẩm bẩm "đi ngu thế không biết". Hóa ra anh bấm để bắt chiếc xe máy phía trước phải dạt vào bên phải.

Tôi hỏi anh ta: "Cậu không thể chờ cho tới lúc họ về đúng làn?".

"Anh có bị sao không vậy? Họ đi mãi ở làn đấy đấy. Em mà chờ thì khuya mới tới nơi", anh ta giải thích.

Quả thật, có hàng chục chiếc xe máy như thế dọc tuyến đường tôi đi. Có khi họ chuyển làn ngay, nhưng đa phần dềnh dàng một lúc. Cứ như họ chuyển vì thích vậy, chứ không phải vì tiếng còi phía sau. Nhìn cách vận hành đó, tôi tự hỏi không biết có ai đó ở Việt Nam không bao giờ dùng còi? Chắc chắn người ấy phải kiên nhẫn bội phần.

Nhưng cực đoan nhất phải là tiếng còi ở đèn đỏ. Có khi còn vài giây mới xanh, xe sau đã còi lên vang dội. Họ thúc giục xe trước như thể đang chở người cấp cứu, đang đưa yếu nhân, đang mắng mỏ người khác "không biết tận dụng thời gian" hay tệ hơn là "đi gì mà kém thế". Nhưng tôi chắc 90% tiếng còi đó chỉ để giải tỏa bức xúc hoặc là theo thói quen. Không có gì làm thì bấm cái vui chơi, cho đỡ buồn lúc nhàn rỗi, cho đỡ trống vắng như tôi nhớ tiếng còi ở những nước văn minh.

Xét cho cùng, còi nhiều hay ít cũng từ môi trường. Với sự hỗn loạn của đường phố, không bấm thì chưa chắc đã thông minh. Nhưng bấm tới thành phản xạ, thành vô thức thì thật bất tiện.

Chỉ cần, mỗi chúng ta khi bấm còi hãy nhớ, không chỉ người phía trước mới phải nghe. Còn rất nhiều người xung quanh cũng nghe được tiếng đó. Bớt một âm thanh vô nghĩa là bớt chút muộn phiền cho người khác.

Giống như anh taxi ở phần đầu bài viết. Anh đã không nói được từ nào khi tôi hỏi: "Vậy nếu cậu đi xe máy, bị bấm còi như thúc thế cậu có chịu được không?".

Trả lời 8 năm trước
mấy thằng vô học ấy thì bạn chấp làm gì