Không có biển cấm vẫn không được đỗ xe?

Một lần về Hà Nội, đi từ Thái Thịnh rẽ phải ra đường Tây Sơn, rồi đỗ xe mua bó hoa. Quay ra đã thấy năm sáu chú công an áo vàng áo xanh quây kín, phạt vì tội đỗ ở khu vực cấm đỗ (Khang Khang).

Theo phản xạ thì giải thích nhưng các chú không nghe, cứ đòi giữ bằng với lại lập biên bản. Em đành phải cãi, rằng từ điểm giao nhau (ngã ba) không có bất kỳ biển báo cấm dừng đỗ hay làn đường ưu tiên nào, vậy thì tại sao phạt em? Các chú giải thích đây là đoạn đường dẫn chuẩn bị lên cầu vượt Ngã Tư Sở, em nghe không hợp lý nên tiếp tục cãi, thế rồi các chú cũng chạy ra ngã ba để xem, không thấy biển báo gì cả đành trả giấy tờ cho em rồi bỏ đi.

Em lại lang thang ra Huỳnh Thúc Kháng gửi xe, ngồi vỉa hè uống trà đá, lại gặp một chú đỗ bên đường bị xử lý. Tuy nhiên em ra để ý ở điểm giao cắt trước đó (từ ngõ to đi ra) cũng không hề có biển cấm dừng đỗ, trên đường không kẻ bất cứ vạch viếc gì.

Khác với em, bác tài này không cãi nên bị giữ giấy tờ và lập biên bản. Vậy em muốn hỏi các bác với các tuyến phố không cắm biển cấm, cũng chẳng kẻ vạch gì cả thì có được dừng, đỗ hay không, em là dân ngoại tỉnh về Hà Nội đi đã chóng mặt lắm rồi, sau mấy vụ này thấy ù tai luôn.

mai minh đức
mai minh đức
Trả lời 12 năm trước

Luật và ý thức người lái xe - (Trần Hữu Tạo)

Đường Hà Nội hiện nay đúng là quá chật, đỗ xe ở đâu cũng có thể gây cản trở giao thông. Tuy nhiên đã có phố, có nhà, có cửa hàng thì khi cần xe vẫn phải được đỗ, không có lý gì bất kỳ chỗ nào cũng cấm đỗ cả, nhưng các lái xe phải có ý thức đỗ như thế nào để không ảnh hưởng đến người khác khi tham gia giao thông. Hiện nay tôi thấy một tình trạng không tốt là nhiều xe tiện đâu dừng và đỗ ở đấy, đặc biệt là gần các điểm giao cắt ngã tư, ngã ba. Đỗ như vậy vừa làm mất tầm nhìn, vừa cản trở việc chuyển làn của phương tiện giao thông khác.

Tôi không thấy điểm nào trong luật quy định được đỗ cách các điểm giao cắt bao nhiêu mét, nhưng đề nghị các bác hãy bảo nhau cố gắng dừng đỗ xe càng xa càng tốt, theo tôi tối thiểu 50 mét tuỳ từng loại đường. Một điểm nữa là đến lúc không cho quay đầu xe vô tội vạ như hiện nay, nhất là các bác lái xe tắc xi thực sự coi thường luật, tôi cũng không biết dùng từ nào cho đúng. Đề nghị lực lượng thanh tra giao thông tích cực hơn trong việc đi tuần các tuyến phố, không chỉ làm nhiệm vụ ở các điểm hay gây ách tắc giao thông, nếu có thể thì nên có chốt cảnh báo trước những điểm đang tắc đường để các phương tiện chuyển sang hướng khác.
Xin cám ơn các Bác.

lu mo
lu mo
Trả lời 12 năm trước

Phải đối chiéu luật xem mình có vi phạm không?

Tại Điều 18 và Điều 19 Luật giao thông đường bộ quy định: Điều 18. Dừng xe, đỗ xe trên đường bộ

1. Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác.

2. Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian.

3. Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:

a) Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;

b) Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;

c) Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó;

d) Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết;

đ) Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn;

e) Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái;

g) Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.

4. Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:

a) Bên trái đường một chiều;

b) Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;

c) Trên cầu, gầm cầu vượt;

d) Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;

đ) Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;

e) Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau; g) Nơi dừng của xe buýt;

h) Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;

i) Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;

k) Trong phạm vi an toàn của đường sắt;

l) Che khuất biển báo hiệu đường bộ.

Điều 19. Dừng xe, đỗ xe trên đường phố Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố phải tuân theo quy định tại Điều 18 của Luật này và các quy định sau đây:

1. Phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét.

2. Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định. Như vậy, nếu bạn đậu xe không trái với những quy định trên thì bạn không vi pham.

Nguyễn đình vinh