Bí quyết làm bài thi tốt nghiệp 2010 đạt kết quả cao?

L2 love
L2 love
Trả lời 13 năm trước

"Bí quyết” thi tốt nghiệp

Ba giáo viên nhiều kinh nghiệm lưu ý thí sinh cách làm bài thi hiệu quả các môn văn, sử, địa.

Môn lịch sử: Viết mạch lạc

Cách học lịch sử dễ hiểu và nhớ nhất là học sinh phải học theo hệ thống và làm đề cương chi tiết, khi ôn cũng cần ôn theo dàn ý từng vấn đề, chứ không học rải rác vào vấn đề ngay. Sau khi nắm vững kiến thức ôn tập, các em cần tham khảo các dạng đề bài của những năm trước, đặc biệt nên tham khảo thêm khung điểm của những câu hỏi đó để có thể trình bày cho đúng, đủ câu hỏi.

Khi nhận đề, các em phải đọc kỹ, xác định xem đề bài hỏi cái gì thì trả lời cái đó. Một điểm cần chú ý nữa là không nên dài dòng, mất nhiều thời gian lại không có điểm. Ví dụ đề bài hỏi về Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947 thì học sinh phải nhớ trong chiến dịch này, âm mưu của Pháp là gì? Ta đối phó thế nào, chủ trương của Đảng ra làm sao? Rồi diễn biến cuộc tiến công của nó và phản công lại của ta..., kết quả, ý nghĩa. Không nên dẫn dắt vấn đề cầu kỳ, có thể có câu gợi mở và câu kết thúc nhưng thật ngắn gọn.
Cô Nguyễn Thị Kim Dung (giáo viên môn lịch sử Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam)


Môn địa lý: phác thảo “đề cương mở”

Đề thi địa lý thường có 2 phần lý thuyết và thực hành. Phần lý thuyết có 4 dạng đề: một là “trình bày” nhằm kiểm tra sự ghi nhớ kiến thức của học sinh; hai là “phân tích chứng minh” (ví dụ phân tích các thế mạnh, hạn chế về tự nhiên và ảnh hưởng của nó đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở đồng bằng sông Cửu Long); ba là “so sánh”, (như so sánh sự khác biệt về địa hình giữa miền Đông Bắc và Tây Bắc); bốn là “giải thích”, học sinh không chỉ thuộc bài mà còn phải biết vận dụng kiến thức để giải thích (ví dụ tại sao phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở đồng bằng sông Hồng).

Ở phần thực hành, thí sinh cần vẽ lược đồ khung bản đồ VN và điền đối tượng địa lý trên đó. Thông thường các dạng biểu đồ phải vẽ là biểu đồ cột, biểu đồ đường (đồ thị), biểu đồ tròn, biểu đồ miền, biểu đồ kết hợp (cột và đường). Đề thi chắc chắn có phần vẽ biểu đồ nên thí sinh cần chú trọng rèn luyện cách vẽ biểu đồ.
Tốt nhất là nên phác thảo “đề cương mở” cho từng câu hỏi trước khi làm bài. Trong đề cương này cần vạch ra các ý chính cần trình bày, lưu ý các ý cách nhau một đoạn để sẵn sàng điền tiếp ý khác khi chợt nghĩ ra để tránh không bị lạc đề, thiếu ý. Sau khi có đề cương, học sinh sắp xếp ý viết cho logic, ngắn gọn, dễ hiểu.

Thầy Vũ Quốc Lịch (giáo viên môn địa lý Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam)


Môn văn: Ngắn gọn, chặt chẽ

Năm nay là năm thứ 2 đề thi văn tốt nghiệp THPT có cấu trúc mới. Đề thường bao gồm 3 câu: Câu I (2 điểm) - tái hiện kiến thức; câu II (3 điểm) - viết bài nghị luận xã hội; câu III (5 điểm) - nghị luận văn học.

Với cấu trúc này, câu I dễ “ăn điểm” nhất. Đây là phần tái hiện kiến thức về giai đoạn văn học, tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam và nước ngoài.
Đối với văn học Việt Nam, các em cần lưu ý những đặc điểm cơ bản trong bài khái quát văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỷ XX, ví dụ trình bày về sự nghiệp văn học, quan điểm sáng tác của các tác giả Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Tố Hữu... hoặc hãy nêu những điểm đặc sắc của tác phẩm như tình huống độc đáo và ý nghĩa của truyện Vợ nhặt (Kim Lân); hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác bài thơ Tây tiến (Quang Dũng), Việt Bắc (Tố Hữu), Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh)...
Ở phần văn học nước ngoài, trọng tâm câu hỏi sẽ rơi vào cuộc đời tác giả, sự nghiệp và quan điểm sáng tác của các tác giả Lỗ Tấn, Solokhov, Hemingway... Phần trình bày nên cô đọng, ngắn gọn trong khoảng nửa trang đến một trang giấy thi.
Câu II là câu mang tính nghị luận xã hội. Nghị luận xã hội thường được chia thành 2 mảng: nghị luận về tư tưởng đạo lý và nghị luận về một hiện tượng xã hội.

Ở phần nghị luận về tư tưởng đạo lý, thí sinh nên lưu tâm đến các câu nói nổi tiếng như: Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên (Chủ tịch Hồ Chí Minh), Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi thiếu tình thương con người (M.Gorki), Uống nước nhớ nguồn, Tôn sư trọng đạo, Ơn cha nghĩa mẹ...
Phần nghị luận về một hiện tượng đời sống là những vấn đề đang xảy ra trong xã hội, có thể là hiện tượng tích cực hoặc tiêu cực như gương người tốt việc tốt, những con người không đầu hàng số phận hay phá rừng, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, trường học... Thí sinh cần viết ngắn gọn, súc tích (không quá 400 chữ), các ý chặt chẽ, phải giải thích, nêu ví dụ có sức thuyết phục.
Câu III (phần riêng) thường yêu cầu thí sinh vận dụng khả năng đọc - hiểu và kiến thức văn học để viết bài nghị luận văn học. Đây là câu khó kiếm điểm. Với các tác phẩm văn xuôi, các em phải nắm bắt được hình tượng các nhân vật cũng như các giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.

Đặc biệt ở các tác phẩm văn xuôi, các em cần nắm chắc những dẫn chứng quan trọng, các chi tiết trần thuật, miêu tả và các đoạn trích dẫn câu nói của nhân vật. Về thơ, thí sinh cần nắm bắt được cảm hứng trữ tình của tác giả, phân tích giá trị nội dung, nghệ thuật của bài thơ, đoạn thơ.


Thầy Nguyễn Quang Ninh
(giảng viên Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)

(Còn tiếp)

Học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2009 ở TPHCM. Ảnh: HUY LÂN
Yến Anh ghi