Những văn bản văn học lớp 10?

Hỏi về những văn bản văn học lớp 10? Định nghĩ văn bản văn học và tuyển tập?

Vũ Hằng
Vũ Hằng
Trả lời 8 năm trước

Bạn có thể đọc bài viết này để hiểu hơn nhé.

Văn bản văn học: ngôn từ, thông báo, ý nghĩavà những ngã đường đọc hiểu

Trần Đình Sử

Tôi đã nói về đọc hiểu như là khâu đột phá để đổi mới phương pháp dạy văn, đã nêu vấn đề đổi mới phương pháp, đã phân biệt giảng văn và đọc hiểu. Bây giờ có lẽ phải nói thêm cái gì cụ thể hơn. Tôi bắt đầu từ những gì rất đơn gian để chúng ta có một quan niệm. Để đi vào con đường đọc hiểu văn bản văn học chúng ta cần sơ bộ hình dung văn bản này bao gồm những yếu tố nào? Phải nói ngay rằng, cấu trúc văn bản nghệ thuật là một hiện tượng hết sức phức tạp, nhiều yếu tố, nhiều quan hệ, nhiều mã. Tuy vậy để mở đầu chúng ta làm quen với ba yếu tố cơ bản. Một là văn bản ngôn từ. Đó là văn bản cấu tạo bằng con chữ của một thứ chữ viết nhất định, theo quy tắc chính tả nhất định, có tính hình tuyến, từ câu mở đầu liên tục cho đến kết thúc với dấu chấm hết. Trong văn bản này có từ ngữ, câu, đoạn, chương được sắp xếp theo một trật tự không thể thay đổi. Các từ, câu, đoạn đều có nghĩa. Và người đọc trước hết phải nhận ra mặt chữ, vang lên trong đầu cái âm thanh mang nghĩa của từ đó; rồi phải hiểu nghĩa của từ ấy trong văn cảnh của câu, đoạn. Các từ ngữ đây rất đa dạng, có từ thường ngày, có từ địa phương, có từ cổ, có ttiếng lóng, có từ nói lái, chơi chữ, có từ nói đùa vui trong trong thực tế. Người đọc tối thiểu phải hiểu nghĩa của chúng. Văn bản ngôn từ không chỉ có câu chữ, mà có lời nói, lời của ai, nói với ai, trong hoàn cảnh nào, thái độ như thế nào, xưng hô ra sao… những cái này cũng cần phải hiểu.

Văn bản ngôn từ có nghĩa: nghĩa từ, nghĩa câu , nghĩa đoạn. Các nghĩa ấy xây dựng nên trong tâm trí người đọc một thông báo. Thông báo là nội dung thực tại mà văn bản biểu đạt. Ví dụ như trong một mẩu tin trên báo, văn bản thông bào về một tai nạn giao thông hay một vụ cướp giật ngoài phố. Thông báo đó tức là nghĩa, cũng tức là nội dung của văn bản. Nếu ai hỏi: văn bản viết gì thế? Ta trả lời: về tai nạn giao thông hay về vụ cướp. Trong văn bản nghệ thuật thì thông báo là một hình tượng nghệ thuật, hình tượng về người thật việc thật hay là các hình tượng hư cấu.

Xuyên qua thông báo văn bản biểu hiện một ý nghĩa. Ý nghĩa tức là cái thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc. Đó có thể là hàm ý chế người tham gia giao thông đi ẩu gây tai nạn, có thể là phê bình phương tiện gio thông không bảo đảm hay phê bình đoạn đường hư hỏn gây tai nạn. Ba phương diện trên có thể phân biệt được do văn bản ngôn từ từ có tính hình tuyến, người đọc phải đọc hết văn bản thì mới biết hết tình tiết thông báo.

Ngược lại thông báo có tính chất không gian, toàn vẹn, chỉnh thể; còn ý nghĩa thì sinh thành dần trong quá trình đọc. Tuy có thể phân biệt ba phương diện trên, song trong thực tế, chúng gắn bó với nhau rất chặt chẽ, sự phân biệt có tính chất ước lệ. Bởi vì ngôn từ gợi ra thông báo, và trong qúa trình đọc ý nghĩa lần lượt sinh thành. Trong văn học nghệ thuật thì cả ba phương diện trên đều khác biệt so với văn bản thông thường. Văn bản thơ ca có thể viết trồi ra thụt vào tùy ý tác giả, có thể xuống giòng ngay ngắn như thơ cổ điển, có thể xuống dòng thụt vào như thơ bậc thang, xuống dòng có thể không viết hoa. Văn bản bài thơ có thể có hình quả trám, hình tam giác, trông rất lạ mắt. Văn xuôi có thể câu này tràn sang câu khác, không có dấu chấm phẩy gì hết. Nội dung thông báo có thể đầy đủ, có thể không, nhân vật có tên hoặc không có tên, được miêu tả chỉ tiết hoặc không chi tiết, có thể có kết và không có kết hoặc có nhiều cái kết. Thông báo trong các thể loại văn học rất khác nhau. Trong truyện nói chung có sự kiện, nhân vật, còn trong thơ, sự kiện chìm đi, chỉ được nhắc qua, không rõ nét. Điều quan trọng là hình tượng văn học cũng là một văn bản mang nghĩa. Các chi tiết, các nhân vật, phong cảnh, đồ vật…đều là kí hiệu biểu nghĩa.

Ý nghĩa của văn bản văn học thể hiện không chỉ trong cấu trúc hình tượng văn học, mà còn thể hiện trong quan hệ văn bản ngôn từ đối với hình tượng. Tại sao đối với người này thì xưng hô thế này, với người kia thì xưnghô thế kia, dùng từ này hay từ khác đều hàm ý khen chê, mỉa mai, châm biếm, giễu nhại.

Như vậy đọc hiểu văn bản trước hết là đọc hiểu văn bản ngôn từ, đọc hiểu thông báo và đọc hiểu ý nghĩa. Việc đọc hiểu ý nghĩa không chỉ dựa vào các liên hệ bên trong văn bản văn học, mà còn dựa vào ngữ cảnh khi tác phẩm được viết ra hoặc dựa vào ngữ cảnh khi người đọc đọc tác phẩm. Vì thế tìm hiểu ngữ cảnh xã hội, văn hóa, tiểu sử tác giả cũng giúp người đọc tiếp cận với ý nghĩa của văn bản văn học.

Ba yếu tố ấy được biểu hiện khác nhau qua các thể loại văn học. Mỗi thể loại lại có cách tổ chức các yếu tố nói trên khác nhau. Vawb bản trước hết gắn với thể loại, không có văn bản mà không thuộc thể loại nào. Thể loại là một kiến thức thiết yếu trong quá trình đọc hiểu.

Từ cấu trúc trên ta có ít nhất bốn cách tiếp cận đọc hiểu văn bản. Một là đọc thông, đọc hiểu văn bản ngôn từ. Hai là đọc hiểu thông báo của văn bản. Ba là đọc hiểu ý nghĩa. Bốn là đọc tổng hợp, phát hiện ý nghĩa của văn bản.

Đọc thông là đọc đánh vần được hết các chữ trong bài, không vấp. Tiếp theo là đọc hiểu nghĩa của tất cả các chữ, bao gồm từ cổ, từ địa phương, từ dùng ẩn dụ, hoán dụ, so sánh, chơi chữ…Đọc văn bản bắt đầu từ nhan đề. Nhan đề tác phẩm được đặt theo nhiều kiểu. Nhan đề thường là một từ có tính biểu tượng ngư Giông tố, Tắt đèn, Lầm than, Chữ người tử tù. Ở đấy có cả một chuyên đề về thi pháp nhan đề tác phẩm. Trong văn bản văn học nói chung chỉ có nhan đề là ngôn ngữ của tác giả, nhưng nhiều nhan đề do người sau đặt. Đọc vào văn bản, người đọc cần nhận ra lời của ai. Đó thường là lời của người kể chuyện, lời của chủ thể trữ tình, của nhân vật xưng tôi. Dù có xưng tôi hay không, lời kể hay giải bày là lời của một người cụ thể có tâm trạng nhất định, có góc nhìn nhất định. Chính lời nói ấy dẫn dắt người đọc đi vào tác phẩm.

Đọc thông báo là nhận ra nhân vật, sự kiện, thời gian, địa điểm, nơi xảy ra chuyện, các quan hệ , mâu thuẫn của các nhân vật, các nguyên nhân, hậu quả.

Đọc thông báo cũng cần nhận ra cách miểu tả nhân vật, các chi tiết về chân dung, ngoại hình, trang phục, ngoại cảnh, tâm lí. Trong thơ trữ tình nói chung không thông báo sự kiện. Ví dụ như trong Đọc Tiểu Thanh kí, không thông báo câu chuyện về Tiểu Thanh, không thông báo các sự kiện về cuộc đời của Nguyễn Du. Trong bài Mời trầu của Hồ Xuân Hương người ta không biết bài thơ nói với ai cụ thể, trong môi trường nào cụ thể. Thơ trữ tình chỉ thông báo nỗi niềm, tình cảm của một chủ thể cụ thể. Điều này khiến cho đọc thơ trữ tình khó hơn.

Đọc ý nghĩa tức là đọc tư tưởng, tình cảm, thái độ đối với các hiện tượng đời sống được thể hiện trong tác phẩm.Điều này không chỉ được suy ra từ văn bản mà còn kết hợp với ngữ cảnh xã hội, văn hóa để tìm hiểu.

Cách đọc tổng hợp dành cho người đã hình thành cách đọc, có kinh nghiệm, không cần phải đi qua từng bước như trên nữa. Đối với học sinh lớp trên của bậc THPT hoặc đại học.

Từ các ngả đường đọc hiểu như trên, ngành giáo dục sẽ xây dụng một chương trình đọc hiểu văn bản từ tiểu học đến THPT, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Trường sư phạm cũng xây dung một phương pháp dạy học thích hợp với trình độcác cấp học, trong đó có các phương pháp rèn luyện kĩ năng đọc ngôn từ, kĩ măng đọc thông báo, kĩ năng đọc tư tưởng, tình cảm và đọc tổng hợp. Ở đây có vấn đề chọn văn bản theo các tiêu chí chuẩn mực sư phạm, có vấn đề thời lượng rèn luyện, có quy định đọc ngoại khóa, có sách tinh chọn các tác phẩm ngoài SGK để các em đọc, lại còn mỗi năm học sinh còn phải đọc ngoài giờ một số tác phẩm vawnhocj do nhà trường quy định.

Trong chương trình ngữ văn, ngoài các văn bản văn học còn có các văn bản khoa học xã hội và tự nhiên. Bởi vì học sinh cũng cần rèn luyện, làm quen với các văn bản ấy. Còn có các văn bản nhật dụng, các bài lấy trên báo, nêu các chủ đề thời sự mà xã hội quan tâm. Vì thế mà các bài khóa văn học trong chương trình không thể quá nhiều. Một nhực điểm của các SGK trước đây là hiện tượng quá tải. Chỉ đọc các bài khóa trong SGK học sinh không thể nâng cao năn lực đọc văn được.

Mỗi cấp độ đọc hiểu nêu trên có những phương pháp đọc riêng, có những cách nêu câu hỏi và ra đề riêng phù hợp với đối tượng.

Cái khó nhất là chương trình đọc hiểu phải gây được hứng thú đọc sách cho học sinh. Ở đây còn có rất nhiều vấn đề phải bàn bạc và đề xuất. Trước hết là phải kiên quyết loại trừ lối dạy học đọc chép, học thuộc, loại bỏ kiểu ra đề chỉ chú trọng nhai lại kiến thức, không có không gian cho học sinh suy tưởng. Có rất nhiều phương pháp cần được vận dụng. Điều quan trọng là các phương pháp ấy phải đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Phương pháp dạy ngữ văn của chúng ta trước đây không chỉ cũ kĩ, mà còn hết sức đơn điệu. Trước các bài khóa đa dạng các phương pháp hầu như rập khuôn như nhau, cái đó cũng gây ức chế cho người học.

Tất nhiên các giáo viên bao giờ cũng muốn bài dạy của mình mới mẻ hấp dẫn, đa dạng, không lặp lại, có hiệu quả. Nhưng cái nhiệt tình ấy cần được hỗ trợ bởi các phương pháp mới mẻ và đúng dắn. Đó là đòi hỏi đối với các chuyên gia phương pháp dạy học nước nhà.