Làm gì khi không đỗ đại học?

pq
pq
Trả lời 12 năm trước

1. Hãy cho phép mình buồn một chút

Bạn có buồn một chút thì đó cũng là lẽ tự nhiên, không ai có thể cấm bạn buồn cả. Đặc biệt nếu kết quả không phản ánh đúng nỗ lực của bạn. Nếu cảm thấy cần thiết, bạn có thể khóc vì khóc giúp bạn cảm thấy nhẹ nhàng hơn.

2. Giải tỏa, hãy là chính mình

Bạn hãy đối mặt với sự thật mà đừng lảng tránh. Có sao đâu, bạn vẫn là bạn đúng như một ngày trước với đầy đủ tính cách tốt đẹp. Bạn không hề thay đổi dù kết quả các kỳ thi có thế nào. Bạn cũng đã có những lúc buồn phải không? Lúc đó bạn sẽ làm gì? Hơn ai hết bạn biết điều gì có thể làm mình vui lên.

Bạn có thể bị bố mẹ mắng một chút hoặc bạn bè nhìn một cách ái ngại. Không sao, đó cũng là điều bình thường.

3. Một kỳ thi không thể quyết định cuộc đời

Không ai có thể thành công tất cả các kỳ thi kể cả vĩ nhân, quan trọng là họ vượt qua thế nào. Nhà bác học như Anhxtanh hay Thô-mát Ê-đi-sơn cũng từng bị nhận xét là nghịch ngợm và không có năng lực. Nhưng họ không bị đánh gục. Không kì thi nào có thể quyết định cuộc đời bạn, chỉ là bạn có chấp nhận điều đó hay không mà thôi. Chẳng lẽ tất cả những người trượt đại học đều thất bại và người đỗ đều thành công. Không phải vậy, bạn có rất nhiều ví dụ phải không? Vậy tại sao bạn không tự quyết định cuộc đời của mình một cách tích cực hơn.

4. Tìm người đi trước cùng cảnh ngộ

Bạn hãy tìm những người đã trượt đại học mà đang thành công để tìm kiếm những lời khuyên. Bạn lưu ý chỉ có những người đã vượt qua mới có thể giúp bạn lời khuyên thiết thực. Họ cũng đã vào hoàn cảnh của bạn bây giờ và họ đã vượt qua. Bạn không nên học những người gục ngã.

Bạn cũng có thể tìm kiếm trên mạng vô số câu chuyện giống như câu chuyện của bạn vì số người trượt đại học không ít hơn số người đỗ. Bạn sẽ nhận thấy đa phần mỗi người đều tìm được con đường của mình.

5. Lên kế hoạch cho chính mình

Bây giờ bạn cần có kế hoạch cho mình. Tuyệt đối không để mình rơi vào nhàn rỗi. Bạn cần tìm ra điểm mạnh nhất của mình. Việc chọn ngành học bao giờ cũng quan trọng vì nó sẽ là cuộc đời bạn. Bạn không thể chỉ vì để vào đại học mà chọn những ngành học mà không thực sự phù hợp. Bạn có thể tham khảo bố mẹ xem với tính cách của mình thì nên học ngành nào. Nếu bạn không thực sự xuất sắc, bạn nên quan tâm là ngành đó có nhu cầu trong xã hội hay đang quá đông người theo học không?

Ngoài ra, truyền thống gia đình cũng là điều đáng lưu ý. Nếu bạn theo nghề truyền thống, khả năng thành công của bạn sau này cũng sẽ cao hơn.

Bạn có thể chọn trong các lựa chọn sau:

- Học để thi lại: Nếu bạn thấy kết quả thi không đúng như sức học của bạn hoặc bạn bị ốm hay không thể tập trung trong kỳ thi vừa qua, ôn luyện là giải pháp tốt nhất. Rất nhiều sinh viên Châu Âu dừng học một năm để hoạt động xã hội và bạn có cơ hội làm điều này. Bạn có thể vừa ôn luyện vừa tìm một công việc xã hội mà bạn thích. Nó sẽ giúp ích cho bạn.

- Tìm một trường cao đẳng hay trung cấp: Nếu bạn không thực sự giỏi, tốt nhất bạn nên học cao đẳng hay trung cấp. Thời gian học tập của bạn sẽ nhanh hơn và sẽ chỉ tập trung vào thực hành. Rất nhiều doanh nghiệp chỉ tuyển trung cấp hay cao đẳng vì họ tin rằng các sinh viên này chịu khó và có kỹ năng tốt hơn. Bạn ra trường sớm hơn có nghĩa là sẽ có nhiều năm kinh nghiệm hơn.

- Học nghề: Nếu bạn cảm thấy chán ngấy những lý thuyết khô khan thì học nghề là lựa chọn tốt. Có thể bạn học tại một trường đào tạo nghề hoặc xin vào học việc tại các doanh nghiệp. Bạn nên nhớ là lương của thợ bậc cao bây giờ cao hơn lương của giáo sư đại học và bạn có thể tránh xa các bệnh văn phòng.

6. Tìm kiếm thông tin

Bạn sẽ có rất nhiều lựa chọn nếu chịu khó tìm kiếm thông tin. Bạn hãy tìm kiếm dựa trên các từ khóa về khóa học mà bạn cho rằng sẽ phù hợp. Hãy lập bảng so sánh các thông tin mà bạn tìm được gồm: chuyên ngành, bằng cấp sẽ có, học phí, truyền thống – uy tín, thời gian học. Hãy chọn ra từ 3-5 giải pháp, không nên nhiều hơn và cũng không nên ít hơn.

Bạn không nên quá tin vào thông tin trên mạng hay những lời quảng cáo hoa mỹ, tốt nhất bạn hãy tìm khoảng ba người vẫn đang học tại nơi bạn dự định để đảm bảo có thông tin chính xác. Bạn có thể đến tận nơi và dễ dàng có được thông tin. Nên tránh những nơi kém chất lượng vì nó chỉ làm bạn thêm chán nản và thất vọng. Cần xác định mục tiêu học tập là kiến thức và kỹ năng. Mọi người thành công được là nhờ khả năng làm việc và bằng cấp chỉ là tấm vé vào cửa.

7. Thực hiện kế hoạch

Tìm hiểu kỹ các điều kiện nhập học. Bạn có thể phải làm nhiều thủ tục nên cần chuẩn bị sẵn nhiều bản công chứng các tài liệu như chứng nhận tốt nghiệp THPT, học bạ, sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, ảnh chân dung.

Một lần nữa kiểm định lại nơi mình định học. Đáng tiếc là tại Việt Nam có nhiều nơi đào tạo kém chất lượng nên sinh viên ra trường không làm được việc. Bạn không nên lãng phí thời gian, tuổi trẻ của mình, tiền bạc của bố mẹ vào những nơi như vậy. Chắc bạn biết rất nhiều thạc sĩ ra trường không việc làm hoặc lương thấp hơn nhiều một công nhân lành nghề.

8. Quyết tâm

Khi đã chọn được một chỗ học cho mình, hãy đặt quyết tâm cao. Tương lai là do quyết định của chính bạn và hãy vui khi được là chính mình. Không bao giờ có một sự công bằng tuyệt đối trong cuộc sống. Cho dù may mắn hay kém may mắn thì bạn không thay đổi được nó. Nếu không tự quyết định được sự may mắn thì hãy tự quyết định kiến thức, kỹ năng và nghị lực của mình. Điều đó sẽ giúp bạn thành công hơn.

ghjhgj
ghjhgj
Trả lời 12 năm trước

Theo thống kê hàng năm, tỉ lệ đậu vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước đạt 10% (200.000 chỉ tiêu/2 triệu lượt thí sinh). Như vậy, 90% thí sinh thi rớt sẽ về đâu, làm gì? Bao nhiêu phần trăm tiếp tục dùi mài kinh sử để tìm cơ hội vào đại học năm sau, bao nhiêu ở nhà làm phụ giúp gia đình và bao nhiêu tính chuyện học “cho chín” một cái nghề?

Chín một nghề, làm giàu một đời

Lâu nay, khái niệm học nghề thường được hiểu theo nghĩa hẹp là đào tạo ngắn hạn công nhân kỹ thuật (CNKT) bậc thấp. Hình ảnh tương lai của những học sinh học nghề luôn gắn liền với người công nhân áo xanh, tay chân dính đầy dầu mỡ, bụi bặm... Mặt khác, lâu nay chúng ta cứ phàn nàn về tâm lý nặng về bằng cấp với khoảng 90% học sinh chọn thi vào đại học thay vì chọn các trường nghề. Nhưng tỷ lệ trên nên dừng lại ở bao nhiêu là đủ, đất nước cần bao nhiêu phần trăm học sinh theo con đường lý thuyết, bao nhiêu phần trăm theo con đường thực hành cũng chưa rõ ràng. Bởi vậy, con đường duy nhất vẫn là: Không đỗ đại học mới quyết định học nghề.

Cho đến nay, cả nước đã có 2.052 cơ sở dạy nghề (trong đó có 55 trường cao, 242 trường trung , 632 trung tâm và 1.123 cơ sở giáo dục, lớp dạy nghề tại các doanh nghiệp và tại các làng nghề... có chức năng và nhiệm vụ dạy nghề). Mạng lưới cơ sở dạy nghề phát triển nhanh về số lượng và đa dạng hoá về hình thức sở hữu đã tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu học. Quy mô tuyển sinh học nghề năm sau cao hơn năm trước, nhờ có nghề, nhiều người đã có việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, nhiều người đã tự mở cửa hàng, cửa hiệu, tổ hợp sản xuất, tổ chức sản xuất, kinh doanh.

Ông cha ta thường có câu: “Ruộng bề bề, không bằng nghề trong tay”, điều đó chứng minh cho tầm quan trọng của việc học nghề. Câu nói trên càng đặc biệt có ý nghĩa khi nền kinh tế nước ta đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ lệ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm dần lao động nông nghiệp. Thực tế hiện nay, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp lại, do đó yêu cầu được học nghề là yêu cầu có ý nghĩa quyết định đến chất lượng cuộc sống của cả cộng đồng.

Mỗi người có thể vào đời theo những đường đi khác nhau. Có người đi bộ đội, đi công nhân rồi sau đó khi tích luỹ đủ kiến thức rồi họ dự thi vào đại học, cao đẳng. Nhiều người bằng cách đi này họ cũng đạt được mục đích, đó là có việc làm, thu nhập và có những đóng góp tích cực cho xã hội. Mọi thành quả chính đáng, đúng pháp luật của mọi cá nhân trên mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học đều được xã hội tôn vinh, thừa nhận.

Nghề gì đang “nóng”?

Cùng với tiến trình hòa nhập WTO, gia nhập AFTA, thị trường lao động tại Việt Nam đã bắt đầu nóng lên với sự xuất hiện ngày càng nhiều các doanh nghiệp (DN) mới. Trong đó, may mặc được xem là thị trường thu hút nhiều lao động (LĐ) nhất. Tình trạng này sẽ tiếp tục tái diễn vào những năm tới khi các DN tại Trung Quốc và một số nước châu Âu đang xem ngành may mặc Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng. Trong đó, công nhân may có tay nghề tương đối là lực lượng có nhu cầu tuyển dụng cao nhất. Thực tế thị trường LĐ từ đầu năm đến nay đã chứng minh sự khan hiếm trầm trọng công nhân may. Nhiều DN đã phải chấp nhận tuyển LĐ vào và đào tạo từ đầu.

Theo thống kê của trường Dạy nghề dân lập Kim Hoàn Việt Nam, nhu cầu tuyển LĐ của ngành kim hoàn rất lớn, bình quân hàng năm cần khoảng 20.000 người. Hiện nay, hầu hết học viên của trường sau khi tốt nghiệp đều tìm được việc làm ngay. Trường hiện đang có nhiều đơn đặt hàng đào tạo LĐ kim hoàn, đá quý cho các đơn vị, công ty vàng bạc đá quý.

Kỹ thuật điện, điện tử được xem là nghề không bao giờ cũ, bởi tất cả các vật dụng, công việc phục vụ cho cuộc sống con người đều liên quan đến... điện. Ngoài bậc đại học, cao đẳng ĐH, CĐ, học sinh có thể theo học nghề này tại các trường, trung tâm dạy nghề. Với cơ hội thực hành trên máy nhiều, học viên có khả năng làm việc ngay sau khi hoàn thành khóa học.

Việc các công ty sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm tiêu thụ nhanh, mở rộng cơ sở sản xuất đã làm cho thị trường lao động ngày càng sôi động hơn. Đây cũng là một trong những ngành thu hút nhiều lao động cố định lẫn thời vụ. Các chức danh được rao tuyển tập trung vào lượng nhân viên bán hàng, sản xuất.

Hiện 100% học viên theo học nghề in lụa khi tốt nghiệp đều có việc làm ổn định với mức lương từ 900.000 - 1 triệu đồng/tháng. Riêng những trường hợp học viên có điều kiện tự mở cơ sở thì thu nhập sẽ cao hơn nhiều.

Tương tự ngành kỹ thuật điện, điện tử, sửa chữa xe gắn máy luôn cần thiết cho đời sống người Việt. Học nghề này học viên sẽ được trang bị các kiến thức từ tháo lắp chi tiết máy, sửa chữa từng phụ tùng đến điện, đèn còi... Hiện nay tại hầu hết các trung tâm đào tạo học viên sẽ được thực tập trên các loại xe như Dream, Suzuki, Spacy, Yamaha. Đây là ngành mà học viên sau khi tốt nghiệp đều có thể tự giải quyết việc làm thông qua các tiệm sửa xe, trung tâm bảo hành, xưởng sửa chữa hoặc mở tiệm riêng.

Trên đây chỉ là một số nghề có nhu cầu tuyển dụng cao, nhiều việc làm và thông dụng trong đời sống. Tuy nhiên, có thể thấy, tất cả các ngành nghề đều cần thiết trong xã hội và bạn sẽ dễ dàng tìm được việc làm nếu trang bị cho mình một tay nghề cao, kỹ năng hoàn thiện.