Giá trị của tư tưởng HCM đối với sự phát triển của dân tộc và thế giới

Trả lời giúp mình với, nhanh lên nhé.

Trong để ôn tập của bọn mình có câu này mà mình tìm mãi không thấy

Thank trước nhe!!!

ghjhgj
ghjhgj
Trả lời 13 năm trước

Trong rất nhiều diễn biến lớn của thế giới, có thể nói đến ba hiện tượng nổi bật: Một là, sự phát triển bùng nổ của khoa học và công nghệ, nhất là khoa học công nghệ viễn thông với in-tơ-nét toàn cầu, tạo ra một nền văn minh mới - văn minh trí tuệ, đồng thời tạo cơ sở thuận lợi cho sự phát triển sức sản xuất, trước hết là đẩy mạnh sức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Hai là, toàn cầu hóa mọi mặt đời sống xã hội, dẫn đến thế giới hình thành một thị trường chung trên nhiều phương diện, đặc biệt là thị trường tài chính tiền tệ. Ba là, những diễn biến mới trong lòng chủ nghĩa tư bản, tạo nên sự phát triển không bình thường giữa quan hệ sản xuất với phương thức phân phối, dẫn đến những khủng hoảng không thể tránh khỏi. Đây là một hiện tượng mới thuộc khuyết tật bẩm sinh của chủ nghĩa tư bản mà từ lâu Mác đã thấy. Cuộc vận động tăng lên không ngừng trong những lực lượng sản xuất đã dẫn đến toàn cầu hóa hay còn gọi là chủ nghĩa tư bản phiên bản 3.0, khiến cho của cải vật chất ngày càng dồi dào, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng tăng tiến; cuộc vận động phủ định không ngừng trong quan hệ xã hội dẫn đến sự phân hóa trong chính giai cấp tư sản, hình thành thị trường tài chính tiền tệ và các nhà tư bản tài chính đầu cơ tài chính tiền tệ nhằm tìm kiếm siêu lợi nhuận, dẫn đến cuộc đấu tranh giữa các nhà tư bản ngày càng khốc liệt, xảy ra khủng hoảng là đương nhiên; và, một sự vận động hình thành không ngừng trong những ý niệm, đó chính là những quan niệm khác nhau về lý thuyết phát triển chủ nghĩa tư bản. Trong bối cảnh mới và đặc biệt ấy, chúng ta tiếp tục nghiên cứu, khám phá về ý nghĩa và giá trị thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Nhưng, trước hết cần làm rõ quan niệm về thời đại hiện nay là gì. Đây là một vấn đề lớn có ý nghĩa thời sự cấp thiết, vì nó có tác động trực tiếp đến việc định hướng quan điểm phát triển của nhiều nước, nhất là những nước chưa qua giai đoạn phát triển chủ nghĩa tư bản như Việt Nam. Với phát hiện của Mác về lịch sử tiến hóa của nhân loại là lịch sử đấu tranh giai cấp, thời đại đã được xác định theo bước tiến của các phương thức sản xuất gắn với các chế độ xã hội. Với quan niệm duy vật về lịch sử và khẳng định quá trình phát triển của nhân loại diễn ra trong đấu tranh giai cấp và hình thành các phương thức sản xuất, rõ ràng Mác đã giúp chúng ta một định hướng đúng đắn về phương pháp luận trong việc đi tìm định nghĩa về thời đại. Với thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga, Lê-nin là người đầu tiên đặt mốc mới cho thời đại hiện nay là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.

Tiếp theo Mác, Lê-nin vạch ra những đường nét cơ bản để xác định thời đại mới chứ chưa thể thấy rõ thời đại ấy sẽ diễn ra như thế nào khi thế giới không chỉ có các nước tư bản phát triển mà còn số lớn các nước kém phát triển với hàng tỷ người trên trái đất chưa biết chủ nghĩa tư bản là gì. Phải đến Hồ Chí Minh, vấn đề thời đại mới thấy rõ nét và bao quát hơn, được bổ sung những nhận định mới rất cơ bản, bao gồm không chỉ các nước tư bản phát triển mà toàn thể nhân loại cần lao trên khắp hành tinh, trong đó có số lớn các nước lạc hậu chưa qua phát triển chủ nghĩa tư bản như Việt Nam, dù cho tên gọi về thời đại vẫn giữ nguyên.

Chính vì vậy, trong nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước cũng như nhân dân ta đã từng khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị đối với nước ta mà còn mang ý nghĩa và giá trị thời đại.

Việc khẳng định ý nghĩa và giá trị thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng thể hiện rõ tầm cao trí tuệ cũng như giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh đã vượt qua biên giới Việt Nam đến với nhiều quốc gia dân tộc có hoàn cảnh như Việt Nam trong đấu tranh vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Nói về Cách mạng Tháng Mười Nga, Hồ Chí Minh đã khẳng định: Cách mạng Tháng Mười mở ra con đường giải phóng các dân tộc và cả loài người, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới... Vấn đề là ở chỗ, cần làm rõ ý nghĩa và giá trị thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh trên lĩnh vực lý luận cũng như thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước ta trong bối cảnh hiện nay như thế nào.

1. Tiếp thu đồng thời phát triển học thuyết Mác - Lê-nin, Hồ Chí Minh đã thấy thế giới là thống nhất, không chỉ gồm các nước tư bản phát triển mà cả nhân loại cần lao đang cần được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, khỏi nghèo nàn, lạc hậu để có cuộc sống thật sự ấm no, hạnh phúc, cuộc sống đúng với ý nghĩa của nó. Người tìm thấy đối tượng cần được giải phóng cũng như nguồn lực sức mạnh đấu tranh giải phóng con người không chỉ có giai cấp vô sản mà là những người lao động trên khắp hành tinh, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo, mầu da, nam, nữ và cả chính kiến.

Chính vì lẽ đó, từ khi đi tìm đường cứu nước, tiếp cận với học thuyết Mác và chủ nghĩa Lê-nin, Hồ Chí Minh không chỉ tìm được con đường cứu nước mà còn trang bị cho mình một nhân sinh quan mới, tìm thấy con đường phát triển của một đất nước còn lạc hậu, kém phát triển như Việt Nam. Đây là quá trình Hồ Chí Minh tìm hiểu và vận dụng những nguyên lý cách mạng và học thuyết của học thuyết Mác và chủ nghĩa Lê-nin vào Việt Nam với tư duy độc lập, sáng tạo. Chính quá trình đó, Người không chỉ thành công trong việc vận dụng một học thuyết vốn có cơ sở thực tế từ xã hội phương Tây tư bản chủ nghĩa vào thực tiễn một nước thuộc địa, nông nghiệp, chưa phát triển như Việt Nam mà còn phát triển học thuyết Mác lên một tầm cao mới phù hợp không chỉ với thế giới tư bản chủ nghĩa mà cả với phần thế giới còn lại là những nước chưa qua giai đoạn phát triển chủ nghĩa tư bản mà Việt Nam là một điển hình.

Từ đó, có thể nói, nếu học thuyết Mác và chủ nghĩa Lê-nin mang tính thời đại bao nhiêu thì tư tưởng Hồ Chí Minh cũng mang giá trị thời đại bấy nhiêu. Với Mác, ý nghĩa thời đại của học thuyết cách mạng và khoa học diễn ra trực diện và phù hợp với những nước phát triển chủ nghĩa tư bản. Với Lê-nin, thời đại đã được xác định với tên gọi cụ thể nhưng vẫn tập trung ở ý nghĩa đấu tranh giai cấp giữa giai cấp công nhân và chủ nghĩa tư bản. Với Hồ Chí Minh, ý nghĩa và giá trị thời đại không chỉ diễn ra ở các nước tư bản phát triển mà còn bao quát hơn ở tất cả các nước chưa phát triển; không chỉ bao gồm cuộc đấu tranh sống còn giữa giai cấp công nhân với chủ nghĩa tư bản mà cuộc đấu tranh đã được mở rộng trên tất cả các phạm vi và lĩnh vực đời sống xã hội; không chỉ là đấu tranh giai cấp với ách áp bức, bóc lột mà cả đấu tranh xóa bỏ đói nghèo và lạc hậu, nhằm xây dựng một thế giới mới theo mục tiêu lý tưởng của Mác: "Tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người".

Hồ Chí Minh tiếp thu Mác ở hai khía cạnh lớn: Đó là phương pháp luận biện chứng và nhân sinh quan tất cả vì con người, cho con người và do con người. Nhưng, Người tập trung hơn vào phát hiện thứ ba của Mác được Ăng-ghen nhắc đến sau khi Mác qua đời, đó là lịch sử phát triển các nền văn minh, tập trung vào lý tưởng giải phóng con người không chỉ khỏi áp bức, bóc lột mà còn phải giải phóng con người khỏi nghèo nàn và lạc hậu. Đây là vấn đề có ý nghĩa thời đại cấp bách hiện nay.

2. Từ những phát hiện mới, Hồ Chí Minh phát huy chủ nghĩa dân tộc chân chính gắn với chủ nghĩa quốc tế chân chính nhằm tổ chức cuộc đấu tranh trường kỳ, anh dũng để giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa đất nước ta phát triển theo định hướng chủ nghĩa xã hội. Đó là sự khởi đầu mang tính thời đại một cách sâu sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngày nay chủ nghĩa tư bản không còn phát triển bình thường nữa, chính nó đã tạo ra sự vận động hình thành không ngừng những ý niệm, vì theo Mác, những quan hệ sản xuất trong đó giai cấp tư sản vận động, không có một tính chất nhất trí, một tính chất đơn mà là một tính chất kép; rằng trong cùng quan hệ ấy sự giàu có được sản sinh ra thì sự khốn cùng cũng được sản sinh ra; trong cùng những quan hệ ấy, có sự phát triển của lực lượng sản xuất thì cũng có một lực lượng sản sinh ra áp bức; rằng những quan hệ ấy chỉ sản sinh ra sự giàu có tư sản, nghĩa là sự giàu có của giai cấp tư sản, bằng cách không ngừng thủ tiêu sự giàu có của những thành viên cấu thành của giai cấp ấy và bằng cách sản sinh ra một giai cấp vô sản không ngừng tăng lên. Đó là biểu hiện của sự thoái trào của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa dẫn đến sự phá sản tất yếu của nó, là hậu quả tất yếu của phương thức sản xuất hiện đang tồn tại "những dấu hiệu chứng tỏ rằng phương thức sản xuất đó bắt đầu tan rã" như Ăng-ghen dự báo.

Trên cơ sở thực tiễn ấy, Hồ Chí Minh đã rút ra nhận định: "Thời đại chủ nghĩa tư bản lũng đoạn cũng là thời đại của một nhóm nước lớn do bọn tư bản tài chính cầm đầu thống trị các nước phụ thuộc". Chính nhóm nước lớn, do bọn tư bản tài chính cầm đầu được xem là "thầy phù thủy" không kiểm soát nổi của chủ nghĩa tư bản, đang tạo nên sự phá sản của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, đòi hỏi một phương thức sản xuất mới thay thế. Đó chỉ có thể là chủ nghĩa xã hội. Không phải là ngẫu nhiên, trong sự vận động hình thành những ý niệm trong lòng chủ nghĩa tư bản, cũng xuất hiện cả ý niệm về chủ nghĩa xã hội. Điều đó chứng minh rằng, chủ nghĩa xã hội và chỉ có chủ nghĩa xã hội mới thay thế chủ nghĩa tư bản. Hiện nay, sự phát triển của khoa học và công nghệ tạo ra sức sản xuất mới đáng lẽ phải có một chế độ xã hội mới cao hơn là chủ nghĩa xã hội tương ứng với nó, nhưng xã hội mới đó lại chưa đủ mạnh để thay thế chủ nghĩa tư bản đã không còn thích hợp nữa. Trong bối cảnh đó, nhân loại hướng về việc tìm kiếm một mô hình về chủ nghĩa xã hội, dường như là điều tất yếu. Và, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội không chỉ có ý nghĩa và giá trị đối với Việt Nam mà còn có ý nghĩa và giá trị thời đại ở ngay cả các nước tư bản phát triển, dù cho quan niệm về chủ nghĩa xã hội đang cũng có nhiều ý kiến khác nhau.

3. Phát hiện quan trọng nữa của Hồ Chí Minh về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở những nước chưa phát triển như Việt Nam, không chỉ là đấu tranh giai cấp mà trước hết và trên hết phải tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, làm sao cho dân giàu, nước mạnh, nhân dân được tự do, hạnh phúc. Đó là con đường phấn đấu lâu dài, gian khổ, liên tục trên mọi phương diện từ kinh tế, chính trị đến văn hóa và xã hội, y tế và giáo dục.

4. Ý nghĩa và giá trị thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ trên nhiều lĩnh vực khác về xây dựng con người và văn hóa... Trong bối cảnh mới, tư tưởng của Người mang ý nghĩa và giá trị mới.

Có thể nói, chưa bao giờ thế giới lại diễn ra nhiều nghịch lý như hiện nay. Thế giới càng giàu lên thì sự phân hóa giàu nghèo càng trở nên sâu sắc. Chính nghịch lý đó đang tạo ra những khủng hoảng về niềm tin, về tâm lý, dẫn đến nhiều tệ nạn xã hội như một tất yếu ở các nước được xem là văn minh, vào chính con người ở ngay các nước giàu có nhất. Trớ trêu thay, cái thế giới văn minh như đã thấy khiến con người có đủ mọi thứ, thực hiện được mọi ước mơ mà trước kia chỉ là huyền thoại lại vẫn có vô số sự bất công, vô số người mất lòng tin đã tìm đến cái chết để trốn tránh cuộc đời. Trớ trêu thay, chính ở những nước có nền kinh tế phát triển, có nhiều người là tỷ phú đô-la, lại nảy sinh hiện tượng khủng hoảng về lẽ sống, phải tìm đến những cách sống xa lạ trái với tự nhiên. Phải chăng, đó cũng chính là biểu hiện của sự suy thoái đạo đức khi con người chỉ hướng vào "cái tôi" thuần túy, chạy theo chủ nghĩa cá nhân cực đoan. Trong bối cảnh đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa nhân văn, về đạo đức mới đang có ý nghĩa định hướng cho con người hành động, cho con người thấy hướng đi đúng đắn.

Không phải ngày nay chúng ta mới thấy được ý nghĩa và giá trị thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ rất lâu, nhân loại tiến bộ trên thế giới, nhất là những trí thức lớn, những chính khách giàu lòng bác ái, đã từng ca ngợi và bày tỏ sự khâm phục tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhưng, có thể nói, trong bối cảnh thế giới đang có những diễn biến phức tạp, đan xen những thời cơ và thử thách, những tiêu cực và tích cực, những nghịch lý... thì ý nghĩa và giá trị thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh càng được tỏa sáng hơn bao giờ hết.