Cách tính tuổi kim lâu

Cả nhà tư vấn giúp em cách tính tuổi kim lâu với ạ. Có phải là không nên cưới vào tuổi kim lâu phải không các bác

Ha Vi Linh
Ha Vi Linh
Trả lời 9 năm trước

1. Thế nào là tuổi Kim Lâu?

Tuổi Kim Lâu là tuổi mà khoa học cổ Phương Đông ban đầu tổng kết phục vụ cưới xin, nếu phạm vào tuổi này thì cưới xin sẽ bị hại cho bản thân, cho người mình kết hôn , có hại cho con cái , hay có hại cho đại gia súc cần trong sản xuất nông nghiệp trước đây.

Thực tế, bàn về Kim Lâu không đơn giản như câu nói quen thuộc mà hầu như ai cũng biết“Một, ba, sáu, tám Kim Lâu. Làm nhà, cưới vợ, tậu trâu thì đừng”. Đó là một đúc kết kinh nghiệm bao đời của ông, cha nhưng rắc rối nằm ở cách tính cho ra:một, ba, sáu, tám.Rất nhiều người quan niệm đơn giản đó là số hàng đơn vị trong tuổi (mụ) của người nữ cần tránh để cưới xin.

Tuy nhiên theo chia sẻ của các thành viên của một trong những diễn đàn uy tín về phong thủy, lý số thì Kim Lâu phải tính theo cách khác: một cách theo 9 ô, cách kia theo 10 ô. Với cách 9 ô thì lấy tuổi mụ của người nữ chia cho 9, dư ra 1, 3, 6, 8 thì đó là Kim Lâu. Cách 10 ô thì chia cho 10, dư ra 0, 2, 6, 8 là Kim Lâu.

Ngoài ra còn một số cách tính phức tạp khác căn cứ vào nhiều nguồn khác nhau, đòi hỏi người tính phải nắm được phương pháp, hiểu biết… Như vậy chỉ xét nội trong phương pháp tính 1, 3, 6, 8 cũng cho ra các đáp án khác nhau nên chẳng trách có nhiều trường hợp đi xem ngày cưới mà mỗi thầy nói một cách, người bảo cưới được, người kia phản bác. Chẳng hạn trường hợp, bạn gái 24 tuổi (tuổi mụ), theo dân gian truyền lại thì không phạm Kim Lâu, nhưng nếu tính theo cách 9 ô: lấy 24: 9 thì sẽ dư 6 lại thành ra phạm.

Thường thì người Bắc hay xem trọng Kim Lâu nên khi xem ngày cưới không thể bỏ qua việc tính toán Kim Lâu. Nhưng như đã trình bày ở trên, vì cách tính Kim Lâu không hề đơn giản, có nhiều cách và cho ra các đáp án khác nhau nên việc xem tuổi này có thể nảy sinh mâu thuẫn giữa hai bên gia đình , cô dâu, chú rể.

2. Tuổi kim lâu có nên kết hôn?

Theo nhiều nguồn sách vở thì thực ra Kim Lâu không hẳn là cách tính áp dụng cho việc dựng vợ gả chồng mà là cho việc xây cất nhà cửa. Cũng có ý kiến cho rằng, Kim Lâu trong việc cưới xin không quan trọng bằng việc chọn được ngày, tháng, năm cưới tốt, hợp với tuổi của cả vợ và chồng, không phạm Tam Tai.

Phải chăng cũng vì muốn bớt phần nghiêm trọng cho Kim Lâu mà đã nảy sinh một số quan niệm được hưởng ứng, thừa nhận của đông đảo mọi người dù về cơ sở khoa học thì chưa chắc đã hợp lý. Như: dù là năm Kim Lâu nhưng qua đông chí là cưới được hay Kim Lâu chỉ áp dụng trước tuổi 30 còn sau đó thì cứ năm nào không xung tuổi vợ, tuổi chồng là cưới được hết vì khi đó, Kim Lâu không bằng… để lâu, rồi hóa giải năm Kim Lâu bằng ngày, giờ tốt…

Tuổi Kim Lưu có đáng sợ hay không tùy thuộc vào quan niệm của mỗi gia đình.

Cưới xin là việc trọng đại vì thế sự cẩn trọng trong việc định ngày luôn là điều cần thiết dù quan niệm của mỗi gia đình, mỗi miền có thể khác nhau, người nghiêm khắc, người xuề xòa.

Ở một góc nhìn nào đó, Kim Lâu không phải là trở ngại không thể vượt qua cho các cặp đôi khi làm lễ cưới mà như một phép thử, thử sự linh hoạt, khéo léo trong cách vận dụng, thử sự cảm thông, chia sẻ, hòa hợp của hai bên.

Tuy nhiên, dù theo cách nào thì việc chọn ngày cưới cũng nên có sự chia sẻ, bàn bạc và đồng thuận (trong chừng mực nào đó) của hai bên gia đình để tránh những hệ lụy không hay về sau. Việc tính toán Kim Lâu không chỉ căn cứ theo sách vở, theo lời thầy mà cũng cần cân nhắc điều kiện thực tế.