Thủ tục lễ ăn hỏi và cách chuẩn bị cho lễ ăn hỏi

Góp ý kiến cho topic tí nhỉ, dù mình chưa ăn hỏi nhưng đã xem ăn hỏi chị mình.
* Ăn hỏi diễn ra trước cưới khoảng 7-10 ngày: để khỏi mời sớm, đưa thiếp sớm, khách dễ quên. Cái này dính dáng đến nhà gai, vì nhà gái đưa thiếp cho những người quan trọng là phải kèm lễ ăn hỏi (cau trầu, bánh, chè, hạt sen) Nhà trai thì không cần.
1- Chuẩn bị quả cưới: không thuê trọn gói ở Hàng Than mà mua lẻ chè Thái Nguyên (80k/kg, ngon nhất hạng), mứt sen (20 hàng Điếu, có người giới thiệu là ngon thì đến mua. Mua 2kg hết 90k thì phải). Đem về tự đóng vào hộp đỏ in chữ hỉ mua sẵn. Các bạn biết sao phải mua việc nhọc mình vậy không? Vì nghe cảnh báo là ngoài hàng làm trọn gói mình không kiểm định đc từng gói, dễ bị họ làm ẩu, làm điêu, đưa trả hoặc hạt sen vỡ, chất lượng kém lẫn vào hàng tốt, tính giá cao, mất tiền mà còn bị người nhận quà ăn hỏi chê trách nữa. 
2- Bộ quả ăn hỏi gồm: 1 tráp (không phải "cháp" nhé): trầu cau. (cái này chim cú nhất, vì đặt gấp nên bị thét 5k/quả cau mà vẫn phải chịu. Đắt lòi mắt, cau đem về cũng có ăn đc đâu, cho còn không đắt, chỉ bày cho đẹp thôi). May mà hàng đấy bày trầu cau cũng cẩn thận, đẹp mắt. Hàng Nguyên Ninh chứ ai. 1 tráp chè, hạt sen. 1 tráp bánh xu xê, 1 tráp bánh cốm. Mỗi thứ số lượng 100 hoặc hơn, tùy nhà nhé. 1 tráp thuốc lá (2 tút thì phải, loại xịn), rượu Tây. 5 tráp cả thảy. Cái này tùy nhà. Nhà tớ chật, lại không cầu kỳ nên yêu cầu 5 quả thôi. Nhà nào hoành tráng, thích đẹp mặt thì đòi 7, 9 quả. (5 quả là tối thiểu nhé). Nhiều quả thì chắc là san bớt đồ ra thôi, chứ chả phải cần nhiều đồ lễ hơn đâu. Hình như có nhà có thêm tráp hoa quả. Các bạn có thể đặt trọn gói cho nhàn, nhưng phải đặt nơi uy tín, kẻo lại không ưng. Bây giờ họ bày tháp bánh, mâm cau tết hình trái tim đẹp lắm, trông rất lịch sự.
3- Chuẩn bị của nhà gái: dọn dẹp đồ lấy không gian tiếp khách, bày bàn trải khăn, bát hoa, trà nước bánh kẹo, âm nhạc. Nhà tớ có phông ghi:Lễ ăn hoi..., cho nó đỡ trống trải cái tường, Lúc chụp ảnh lên đẹp phết.
4- Nhân sự: Nhà trai là 1 đoàn hoành tráng, khoảng 15 -20 người, gồm toàn bộ họ hàng nhà trai (nhánh chính: anh em của bố mẹ và con của họ), cộng với 5 phù rể comple ca vát. Nhà gái có ông nội, các anh em ruột của ông nội (nhà tớ còn mỗi ông nội là cao nhất), các anh em của bố mẹ và các bạn thân của cô dâu, phù dâu 5 em áo dài đỏ. Thành phần về cơ bản là người thân trong hai họ, vì đây là lễ gặp mặt đầy đủ hai nhà để thắt chặt tình thân (Lúc đám cưới đông đúc quan khách sẽ không đc thân mật như thế, phải lo tiếp khách ngoài) Khuyến khích tất cả họ hàng gần nhất đến dự (có lời mời hẳn hoi nhé), nếu nhà bạn đủ chỗ. Ko mời còn bị trách đấy.
5- Đoàn nhà trai đến ngõ đc các em phù dâu đỡ tráp đón vào, song song bê tráp cùng các anh (đừng bắt các em đỡ hẳn 1 mình, gẫy tay các em đấy ), đi dần vào, họ hàng đi sau, cứ từ cao lão đến người nhỏ nhất. Đặt tráp vào bàn do nhà gái bày sẵn. Nhà gái lì xìn phong bì đỏ cho các chú phù rể nhà trai, nầ trai đưa phong bì cho các cô phù dâu nhà gái. Mỗi pbì 20k.
6- Nhà gái mời quan khách ngồi, xơi nước khoảng vài phút.
7- Đại diện nhà trai đứng dậy xin nói đôi lời: Kính thưa,... Sau một thời gian tìm hiểu,... Hôm nay, ngày lành tháng tốt, gia đình chúng tôi xin đc..., có 1 chút lễ mọn...
Đại diện nhà gái đứng dậy đáp lễ, cảm ơn, nhận lời.
8- Mẹ cô dâu và chú rể cùng mở khăn đỏ phủ các tráp (người khác không đc nhé). Chụp ảnh tách tách.
9-Đại diện nhà trai xin phép lên thắp hương ban thờ. Đại diện hai nhà (bố mẹ cô dâu chú rể và CD CR lên thắp hương ban thờ, có chụp ảnh tách tách.
10-CR đón cô dâu ra mời nước quan khách. Hai nhà nói chuyện rất vui vẻ và các đại diện thống nhất ngày giờ xin dâu. Cái này có thể chỉ là hình thức thông báo nếu 2 nhà đã chốt từ trước.
11- Nghi lễ chụp ảnh kỉ niệm: CD-CR, hai bên bố mẹ và hai con, đại diện cao lão của 2 nhà và CD-CR, CD-CR và hai đội nam nữ bê tráp, CD-CR và bạn thân,...
12- Nhà gái chia đồ lại quả cho nhà trai: trút hết đồ ra mâm, để lại một vài cái mỗi loại trong quả để nhà trai bưng về. Số lượng cũng là chẵn (10, 10, cái này không sure lắm, vì không nhớ chắc. ) Nhà trai nhận lấy, nhưng chưa bưng về vội, vì còn mục 13
13- Nhà gái mời tất cả thành viên có mặt dự bữa cơm thân mật. Chi phí bữa cỗ này nhà gái lo (Vì thế phải xác định số lượng để đặt mâm sẵn. Nhiều nhà đặt cỗ ăn hỏi ở chỗ đặt cỗ cưới để ăn thử luôn. Nhà tớ cũng thế. Cỗ nhà tớ giá 450k cả nước uống, rất ngon, so với cỗ cưới chỉ không có món khai vị là súp. Ăn thử để có gì còn điều chỉnh thực đơn cưới, nhỉ?)
14-Giải tán. Nhà trai nhớ bê quả cưới về trả nhé.
Hậu ăn hỏi: nhà gái phải tập trung đưa thiếp trong vòng 3 ngày sau ăn hỏi nhé. Vì bánh cốm hạn dùng chỉ có 3 ngày, kể từ ngày sản xuất, cũng là ngày nhận bánh luôn.
Phù, tạm thời tớ chỉ nhớ đc thế, Hi vọng có ích cho các bạn tham khảo.

rfgrfgfdg
rfgrfgfdg
Trả lời 11 năm trước

Dù các lễ vật trong từng đám ăn hỏi có khác nhau, nhưng có một vật phẩm không thể thiếu là mâm trầu cau.

Trong các thủ tục ngày cưới của người Việt Nam, lễ ăn hỏi được coi trọng nhất và phần chuẩn bị lễ vật để nhà trai đưa tới nhà gái sẽ được quan tâm đặc biệt bởi các vật phẩm này sẽ thể hiện sự chu đáo của nhà trai. Theo truyền thống từ xưa tới nay, lễ vật sẽ được đựng trong các mâm sơn son thiếp vàng, gọi là tráp. Số lượng tráp mâm quả và các loại lễ vật cụ thể thường do nhà gái sẽ đưa ra yêu cầu, tùy thuộc vào từng gia đình, nhưng ở mỗi miền Nam, Bắc có sự khác nhau.

1. Ở miền Bắc

- Tại các tỉnh, thành từ Huế trở ra, nhà trai khi chuẩn bị đám hỏi sẽ phải chuẩn bị tráp lễ vật mà số lượng tráp là lẻ (có thể từ 3 tráp, 5 tráp, tới 11, 15 tráp)
- Trong các tráp, số lượng vật phẩm phải là số chẵn (ví dụ như 100 chiếc bánh cốm, 100 gói chè sen... để biểu tượng cho đôi lứa có đôi, có cặp)
- Các tráp lễ vật thường có:
+ Trầu cau
+ Bánh cốm
+ Chè
+ Hạt sen
+ Rượu và thuốc lá
+ Hoa quả
+ Lợn quay
- Khay để phong bì tiền (lễ đen) được để riêng, do mẹ chú rể cầm tới trao cho mẹ cô dâu.

Để chuẩn bị các tráp ăn hỏi này, các bạn có thể tìm thấy những cửa hàng cung cấp dịch vụ trọn gói tại Hàng Than, là phố đồ lễ ăn hỏi nổi tiếng nhất Hà Nội. Ngoài ra, các cửa hàng nhỏ lẻ khác trên những phố như Kim Mã, Bạch Mai, Thái Hà, Nguyễn Trãi, Cầu Giấy cũng có thể chuẩn bị đồ lễ đẹp mắt cho đám hỏi của bạn.

2. Ở miền Nam

- Ngược lại với truyền thống tại miền Bắc, các gia đình miền Nam thường yêu cầu số lượng tráp là chẵn, mà phổ biến nhất là 6 tráp (số 6 biểu tượng cho tài lộc).
- Trong các tráp, số lượng vật phẩm lại phải là lẻ, biểu tượng cho sự sinh sôi.
- Các mâm quả phổ biến thường có:
+ Trầu cau
+ Bánh phu thê
+ Gà hoặc lợn quay
+ Xôi
+ Rượu, thuốc và chè
+ Hoa quả
- Ngoài các mâm quả, nhà trai phải chuẩn bị một khay nhỏ hơn, đựng tiền cheo (gọi là lễ đen) để mang tới thắp hương trên bàn thờ nhà gái.
- Với những nhà khá giả, nhà trai sẽ chuẩn bị thêm một khay đựng áo dài và đồ trang sức cho cô dâu. Trong lễ ăn hỏi, cô dâu sẽ mặc áo dài, đeo đồ trang sức do nhà trai đem tặng rồi mới ra chào họ hàng hai bên.

Tại Sài Gòn, đoạn cuối phố Nguyễn Đình Chiểu, bắt đầu từ ngã tư Bàn Cờ là nơi tập trung nhiều cửa hàng bán đồ lễ, mâm quả ăn hỏi nhất. Bạn cũng có thể tham khảo dịch vụ mâm quả ở khu phố người Hoa kiều tại Quận 5, gần Chợ Lớn.

Tuy các lễ vật trong từng đám ăn hỏi có khác nhau, nhưng có một tráp không thể thiếu là mâm trầu cau bởi người Việt coi miếng trầu là đầu câu chuyện và là loại quả quan trọng khi thắp hương trên bàn thờ tổ tiên. Khi chọn cau, bạn phải chọn buồng quả to, đều nhau, các rễ cau sum xuê, lá trầu không bị dập nát. Trước ngày ăn hỏi, nhà trai và nhà gái nên bàn bạc kỹ lưỡng, tốt nhất là gia đình nhà gái nên liệt kê rõ các loại lễ vật mong muốn nhà trai mang đến để ngày ăn hỏi mọi người đều vui vẻ suôn sẻ.

rfgrfgfdg
rfgrfgfdg
Trả lời 11 năm trước

Đểchuẩn bịcho ngàylễ ăn hỏicủa mình đã không ít đôi bạn trẻ hoang mang và lo lắng vì không biết ăn hỏi cần những gì, hơn nữa những thủ tục của hai bên gia đình cũng có đôi nét khác nhau.Mỗi vùng, mỗi miền có những nét đẹp riêng nhưng tựu chung lại đều có những nét tương đồng nhất định. Chúng tôi sẽ đưa ra những nghi thức của một lế ăn hỏi ở Việt Nam để các bạn tham khảo.

Thành phần tham gia

Nhà trai:Chú rể, bố mẹ, ông bà, gia đình,bạn bè và một số thanh niên chưa vợ bưng mâm quả (hoặc bê tráp). Thường thì người bê tráp là nữ nhưng do mâm quả bây giờ khá nặng nên có thể thay thế bằng nam. Số người bê tráp là số lẻ, 3, 5, 7, 9 hoặc 11 tùy thuộc vào số lượng tráp của nhà trai.

Nhà gái:Cô dâu, bố mẹ, ông bà, gia đình và một số nữ chưa chồng để đón lễ ăn hỏi, số nữ đón lễ vật tương ứng với số nam bưng mâm.

Lễ vật: Trầu, cau; bánh cốm; mứt sen; rượu; chè; thuốc lá; bánh phu thê (bánh xu xê), bánh đậu xanh, lợn sữa quay, tiền dẫn cưới, nữ trang cho cô dâu v.v..

Trong lễ vật của nhà trai đưa sang còn tùy thuộc vào yếu tố kinh tế cũng như phong tục của mỗi vùng. Như ở Hà Nội lợn sữa quay là một lễ vật không thể thiếu, nhưng ở Nghệ An và một số tỉnh miền Nam lại không có lễ vật này.

Thủ tục

Rước lễ vật:Tất cả các lễ vật phải được sắp xếp gọn gàng và thẩm mỹ. Và nhất thiết phải được bày vào quả sơn son thếp vàng (hay mâm đồng đánh bóng, phủ vải đỏ). Có như thế mới nhấn mạnh được tính biểu trưng của lễ vật. Xưa, người đội lễ phải khăn áo chỉnh tề, thắt dây lưng đỏ. Nay, trang phục đã được thay đổi cho tiện lợi hơn, nam bê tráp mặc quần âu sơ vin áo trắng lịch sự và gọn gàng, nữ mặc áo dài .

Tuy nhiên một số vùng miền vẫn để cho nam bê tráp mặc áo dài đội nón như ngày xưa, nữ đỡ tráp cũng mặc áo dài đỏ đội nón. Dù dùng phương tiện đi lại là: ô tô, xích lô, xe máy, hay đi bộ thì đoàn ăn hỏi cũng nên dừng lại cách nhà gái khoảng l00m, sắp xếp đội hình, rồi mới đội lễ vào nhà gái. Đây thực sự là một hình thái văn hóa dân tộc.


Tiếp khách:
Vì đây là một lễ quan trọng nên nhà gái phải chuẩn bị chu đáo hơn lễ chạm mặt. Tuy nhiên, do nội dung chủ yếu của lễ này là sự bàn bạc cụ thể, chính thức của hai gia đình về việc chuẩn bị lễ cưới, nên nhà gái không bày tiệc mặn mà chỉ bày tiệc trà. Ngày nay hầu hết các gia đình gái đều chuẩn bị tiệc mặn để thết đãi gia đình trai mong tạo hòa khí gắn bó và hàn huyên. Nhưng tiệc mặn chỉ diễn ra sau tiệc trà - khi hai bên gia đình đã thực hiện xong xuôi các nghi thức chính trong lễ ăn hỏi. Nghi thức trao nhận lễ vật cũng nên trở thành nghi thức bắt buộc.

Cô dâu:phải ngồi trong phòng cho đến khi nào chú rể vào đón hoặc cha mẹ gọi mới được ra. Ra mắt tổ tiên bằng cách thắp hương lên bàn thờ. Sau đó cô dâu sẽ cầm ấm trà đi từng bàn để rón nước mời khách.

Nhà gái:Nhà gái nhận lễ rồi đặt một phần lên bàn thờ gia tiên. Khi lễ ăn hỏi xong, bánh trái, cau, chè được nhà gái “lại quả” (chuyển lại) cho nhà trai một ít, còn nhà gái dùng để chia cho họ hàng và người thân.

- Lưu ý:Đối với cau thì phải xé chứ không được dùng dao để cắt. Khi nhà trai nhận lại tráp để bê về thì phải để ngửa, không được úp tráp lại.

Biếu trầu:Xưa, sau lễ ăn hỏi, nhà gái dùng các lễ vật nhà trai đã đưa để chia ra từng gói nhỏ để làm quà biếu cho họ hàng, bè bạn, xóm giềng… Ý nghĩa của tục này là sự loan báo: Cô gái đã có nơi có chỗ.

Trong việc chia bánh trái, cau, chè phải chia theo số chẵn, nhưng kiêng chia hai quả, nghĩa là mỗi nơi từ bốn quả cau, bốn lá trầu trở lên. Con số chẵn là số dương, số lẻ là số âm dùng trong việc cúng lễ.

Theo lối mới bây giờ, cũng chia bánh trái, thường có kèm theo những tấm thiếp của đôi bên hai họ báo tin đính hôn của đôi trẻ. Nếu ngày nghênh hôn không xa ngày hỏi, trong thiếp sẽ ghi rõ lễ cử hành vào ngày nào. Trong trường hợp này có khi cùng với thiếp “báo hỷ” lại có thiếp mời tiệc cưới.

Trang phục:Trang phục cho cô dâu: một bộ áo dài, vừa có thể mặc trong lễ cưới, vừa có thể mặc ở những dịp lễ hội sau này. Có thể sắm cho cô dâu tương lai những đồ trang sức sau: xuyến, vòng, hoa tai. Chú rể mặc comple, cà vạt.

Chia lễ

Nhà gái thường nhờ các cô gái trong họ hoặc bạn bè chia giúp. Khi nhà trai dẫn lễ ăn hỏi tới nhà gái, nhà gái thường làm cơm thết đãi. Sau lễ ăn hỏi đôi bên kể là giao kết gắn bó với nhau rồi. Tuy vậy ngày xưa các cặp vị hôn phu và hôn thê cũng không được phép gặp nhau, trừ trường hợp đặc biệt lắm đôi bên cha mẹ mới cho phép. Phong tục ngày nay đổi khác, sau lễ ăn hỏi đôi trai gái thường gặp nhau luôn. Từ lễ ăn hỏi đến lễ cưới, xưa kia có khi hàng hai ba năm, nhưng ngày nay thời gian đó thường được rút ngắn, có khi chỉ vài ba ngày.

Lễ ăn hỏi xong đôi bên trai gái chờ lễ cưới là xong nhưng theo tục xưa, có nhiều nhà gái đã nhận ăn lễ hỏi của nhà trai cũng không cho cử hành lễ nghênh hôn sớm, có khi vì cô gái còn quá nhỏ tuổi, có khi vì cha mẹ thương con vì không muốn con sớm phải về nhà chồng.