Anh chị hãy viết bài văn bình luận về vấn đề sau thái độ của học sinh hiện nay

Hà Nội
Hà Nội
Trả lời 14 năm trước
Tham khảo bài này rồi tự triển khai ý nhé Lý luận và kinh nghiệm sư phạm từ xưa đến nay đều quan tâm đến thái độ giảng dạy của người thầy và thái độ học tập của học sinh. Image Dạy và học cùng giúp nhau lớn lên Có lẽ xưa nhất là các tư tưởng của Khổng Tử. Về người thầy, ông có các ý kiến như: Hối nhân bất quyện (dạy người không mệt mỏi), câu này nói về sự nhiệt thành, sự tận tâm, “Giáo bất nghiêm, sư chi nọa” (dạy không nghiêm là lỗi của thầy) câu này khuyên dạy học phải nghiêm túc… về người học, câu nói nổi tiếng nhất của ông là: “Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi” (học mà không suy nghĩ thì sai lầm, suy nghĩ mà không học thì nguy hiểm). Câu danh ngôn này nói về quan hệ biện chứng giữa học và nghĩ, tức cũng là quan hệ giữa trò và thầy, học và dạy. Lý luận sư phạm và dạy học hiện đại không hề bác bỏ mà vẫn khẳng định các ngôn từ minh triết cổ đại. Dạy học là hoạt động sáng tạo từ hai phía: thầy và trò. Nếu chỉ nhấn mạnh một phía, chỉ lấy thầy giáo làm trung tâm hay chỉ lấy học sinh làm trung tâm đều không đúng. Cố giáo sư Nguyễn Ngọc Quang đề xuất khái niệm: dạy học hợp tác (giữa thầy và trò) hoặc: thầy chủ đạo, trò chủ động. Trong quá trình dạy học và giáo dục, cả thầy và trò đều là hai chủ thể giáo dục tích cực, năng động và sáng tạo, hợp tác chặt chẽ với nhau, tác động lẫn nhau. Cổ ngữ còn có câu: Giáo học tương trưởng (dạy và học cùng giúp nhau lớn lên). Không những sự dạy của thầy làm cho trò trưởng thành mà ngược lại sự học của trò cũng giúp cho thầy tiến bộ. Quan hệ thầy trò là một trong những quan hệ xã hội và nhân văn cao quý và thiêng liêng nhất xưa nay là vì vậy. Dù ngày nay, các nguồn thông tin văn hóa khoa học đã trở nên vô cùng phong phú, rộng lớn, tính chủ động sáng tạo của người học nâng lên rất nhiều, song điều đó không có nghĩa là vai trò của người thầy bị giảm sút hay triệt tiêu, mà trái lại phải hoàn thiện và nâng cao gấp bội. Bởi vì: giáo dục không chỉ là thông tin mà còn là đào tạo, bao gồm đào tạo và tự đào tạo và chỉ con người mới đào tạo được con người. Câu tục ngữ: Không thầy đố mày làm nên vẫn chưa bị lỗi thời mà còn phải cập nhật trong thời đại mới. Tầm sư học đạo, tôn sư trọng đạo vẫn còn là chân lý và đạo lý thời nay. Cố nhiên như đồng chí Phạm Văn Đồng nói: Thầy phải ra thầy, trò phải ra trò. Thái độ dạy học phải đúng đắn thì thái độ học tập mới đúng đắn. Học tập và suy nghĩ Nói về thái độ học tập, tôi nghĩ trọng tâm là ở hai chữ học và tư - tức học tập và suy nghĩ. Giáo dục ở mọi thời đại đều là sự truyền thụ và kế thừa các giá trị văn hóa, tư tưởng và khoa học từ thế hệ trước đến thế hệ sau. Ta thường gọi đó là hệ thống tri thức hay hệ thống các nguyên lý khoa học. Hệ thống này không phải vô hồn, vô cảm, mà kèm theo nó là một hệ thống tư tưởng (và tình cảm), một chủ nghĩa nhân văn để giáo dục, không phải là sự nhồi nhét đầu óc mà là sự đào tạo con người. Người đi học trước tiên có nhiệm vụ tiếp nhận và lĩnh hội hệ thống tri thức và hệ thống tư tưởng đó, biến nó từ của xã hội, của lịch sử trở thành của bản thân, của cá nhân. Còn gọi đó là sự chiếm lĩnh hay sự đồng hóa. Quá trình này vừa có tính khách quan, vừa có tính chủ quan, vừa có tính thụ động vừa có tính năng động. Chúng ta đều biết từ xưa đến nay trong các lớp học, các nhà trường, học sinh đều phải học các môn học, mỗi môn học là một hệ thống nhỏ hợp thành một hệ thống lớn các môn học, gọi là chương trình bộ môn và chương trình tổng thể, đó là một hệ thống tri thức và tư tưởng tạo nên nội dung giáo dục. Khoa tri thức luận hay khoa học luận xác định các nhân tố cơ bản của tri thức phổ thông và chuyên nghiệp (từ tiểu học, trung học đến đại học…) bao gồm các sự kiện, các khái niệm, các tư tưởng, các định luật và cao nhất là các lý thuyết, các học thuyết khoa học, cùng các ứng dụng xã hội, công nghệ và kỹ thuật… Biến tất cả các giá trị và thành tựu khách quan có tính xã hội đó thành các phẩm chất và năng lực chủ quan có tính cá nhân là một công việc vô cùng gian khổ và kiên trì, đòi hỏi những cố gắng rất lớn của người học, từ nhỏ đến lớn, trong một quá trình nhiều năm. Không lạ gì học tập được quan niệm là một quá trình lao động và phấn đấu, “chỉ thêu nên gấm, sắt mài thành kim”, “kiến tha lâu đầy tổ”… Vừa học, vừa tập, vừa hành, người học dần dần mở rộng biên độ và nâng cao trình độ tri thức, tư tưởng, kỹ năng, kỹ xảo của mình để thành người được đào tạo, được giáo dục theo một mục tiêu chung và riêng nào đó. Từ là người được đào tạo trở thành người tự đào tạo, từ là người tiếp nhận tri thức, tư tưởng, kỹ thuật trở thành người vận dụng sáng tạo tri thức, tư tưởng, kỹ thuật… quá trình giáo dục, đào tạo là như vậy. Trong quá trình nói trên, học tập và suy nghĩ là hai thao tác trí tuệ quan trọng nhất. Không học tập thì không có gì để suy nghĩ. Không suy nghĩ thì học tập cũng như không, có khi còn tệ hơn là vì sa vào định kiến, giáo điều sai lầm. Còn chỉ suy nghĩ, suy nghĩ mà không học tập thì suy nghĩ sẽ đi vào cõi mông lung không có nội dung, căn cứ, mục tiêu, có khi trở thành loạn óc, loạn trí. Lỗ Tấn có thiên truyện ngắn Khổng Ất Kỷ miêu tả một nhân vật “thầy đồ cuồng chữ”. Kiểu người này trong cuộc sống chúng ta không phải hiếm gặp. Tiếng Việt ta có những từ ghép: học thức, học vấn, học hỏi, học tập, học hành nêu lên nội dung toàn diện của sự học để nhắc nhủ người học. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm Vì những nhận thức trên cho nên theo tôi, cái tâm thế đầu tiên của mọi người đi học bất cứ ở đâu chưa phải là thái độ sẵn sàng hoài nghi, sẵn sàng phản bác hay tranh luận như một vài nhà lý luận không sư phạm thuyết giáo. Có lẽ cái tâm thế này nảy sinh do một lối dạy học áp đặt, một lối học thụ động nào đó gây nên thành phản ứng. Tuy nhiên, cái tâm thế đó cũng có tác dụng tiêu cực đối với việc học tập, tạo nên một thái độ học tập đối phó, đề phòng, thiếu cởi mở, tin tưởng. Thái độ học tập cần thiết đầu tiên, như mọi lời khuyên xưa nay, đó là thái độ khiêm tốn, chân thành học tập, sẵn sàng tiếp thu, tiếp nhận mọi tri thức mới mẻ, đúng đắn, tốt đẹp do các môn học, các thầy giáo đem lại. Kể cả những người đã có một trình độ uyên bác nhất định cũng cần khiêm tốn chân thành học tập, huống hồ là những người mới khởi hành trên con đường vạn dặm của tư tưởng, văn hóa, khoa học. Một trong năm điều Bác Hồ dạy thanh thiếu niên là: Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm. Trong học tập cũng vậy, trước hết phải khiêm tốn, thật thà không kiêu ngạo, chủ quan, không giấu dốt, giả dối, “biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, đó là biết vậy”. Thái độ đó còn gọi là “hư tâm học tập”, chuẩn bị cho tâm trí mình trong sáng, cởi mở, sẵn sàng tiếp nhận chân, thiện, mỹ của giáo dục. Kế đó là dũng cảm, tức là mạnh dạn tìm tòi, suy nghĩ, kể cả nghi ngờ, phản biện, tranh luận, đồng thời cũng sẵn sàng phục thiện, thừa nhận sai lầm, sửa chữa thiếu sót, bổ sung kiến thức, như lời dạy của Bác Hồ: học thầy, học bạn, học sách vở, học cuộc sống, học nhân dân… Tư duy giáo dục hiện đại dạy: không chỉ học tri thức mà còn học cách tìm tòi, sáng tạo tri thức, học cách học tập. Muốn có phương pháp học tập đúng, phải có thái độ học tập đúng. Cũng như muốn có phương pháp giảng dạy tốt phải có thái độ giảng dạy tốt, bao gồm sự chuẩn bị thái độ học tập tốt cho học sinh. Trần Thanh Đạm - Báo Giáo Dục
thu
thu
Trả lời 10 năm trước
Hjz, bản thân mình cũng đang chán học đây, ấy vậy mà vẫn gặp phải cái đề này, xin được phép "làm thử" một cái dàn ý sơ lược nhất, có gì thiếu sót thì xin anh chị chỉ giáo cho

Mở bài:

Từng có câu: "ngọc không mài không sáng, người không học không hiểu lí lẽ", việc học có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của mỗi người. Một con người nếu không được học tập thì khó mà đứng vững trên con đường đời. Bởi thế mà, từ xưa ông cha ta luôn nhắc nhở con cháu phải cố gắng học hành, phấn đấu rèn luyện thật tốt. Ấy vậy mà, trong thời đại phát triển như hiện nay, một thực trạng đáng buồn là có nhiều học sinh lơ là, chán nản việc học. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến cá nhân học sinh mà còn tác động sâu sắc đến sự phát triển bền vững và ổn định của đất nước, của xã hội.

Thân bài: (dàn ý thôi)

* Nguyên nhân:

- Cá nhân học sinh: lười nhác, chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của tri thức, lơ đãng, chỉ lo đua đòi theo chúng bạn mà quên mất nhiệm vụ chính của mình, bị bạn bè lôi kéo, không xác định rõ con đường tiếp theo mà mình bước đến, chưa có lí tưởng và tư tưởng vững chắc, không có ước mơ để làm mục tiêu phấn đấu...

- Gia đình: cha mẹ quá nuông chìu con cái, chưa có sự quan tâm cần thiết với quá trình học tập của học sinh, tạo áp lực quá nhiều cho con trong việc học hành mà không quan tâm đến cảm giác và suy nghĩ của con mình...

- Nhà trường: thầy cô giáo chưa tạo được sự thu hút học sinh vào học tập, chưa đánh trúng tâm lí học sinh, còn nhiều cách dạy bảo thủ. Mặt khác, chương trình học quá nặng với học sinh, áp lực từ nhiều phía, theo tâm lí: không học thêm thì học không giỏi khiến học sinh chỉ biết cắm đầu học mà không biết mình học vì cái gì và tiếp thu được gì.

- Xã hội: cùng hoà vào nhịp độ phát triển của thời đại, xã hội nước ta có nhiều biến đổi vừa tích cực vừa tiêu cực. Trong đó việc tiếp thu thiếu chọn lọc các nền văn hoá của nước ngoài cũng ảnh hưởng đến tâm lí học hành của học sinh. Sự xuất hiện của các trò chơi điện tử thu hút sự chú ý của học sinh, các kiểu ăn diện, phim ảnh làm thế giới học trò lúc nào cũng xao động mà lơ đãng đến nhiệm vụ chính của mình.

* Thực trạng:

- Có nhiều học sinh bỏ tiết, trốn học đi chơi, chui đầu vào các quán nét để giết thời gian thay vì lên lớp (dc).

- Thành tích học tập đã xuống dốc nhiều.

- Có nhiều học sinh bỏ bê học hành và lao vào các tệ nạn xã hội.

...

* Hậu quả:

- Cá nhân học sinh : tương lai mờ mịt, không có định hướng cho phía trước, khi trưởng thành sẽ khó có nghề nghiệp ổn định, từ đó làm gánh nặng của xã hội (một số trường hợp hiếm hoi thì có chiều hướng tích cực hơn), có sự tha hoá và xuống dốc về đạo đức, không nhận ra giá trị của cuộc sống và không biết cách trân trọng, lỡ mất tuổi trẻ...

- Gia đình: mất đi niềm tin nơi con cái, khi thấy thành tích của con không như mình mong đợi thì có những thái độ gắt gỏng, không vui => gia đình không hoà hợp.

- Xã hội: về lâu dài sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển của toàn xã hội, học sinh là thế hệ trẻ của xã hội nhưng đội ngũ này không có chất lượng thì không đảm bảo phát triển bền vững, nguồn nhân lực kém...

* Biện pháp:

- Cá nhân học sinh: cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình và có ý thức hơn, xác định cho mình một ước mơ, động lực học tập, biết cách kết hợp hài hoà giữa chơi và học, có lập trường vững chắc...

- Nhà trường: thay đổi phương pháp dạy và học, nắm bắt tâm lí học sinh, tạo sự hứng thú trong học tập, phát huy tính năng động của học sinh, chương trình học phải phù hợp vs học sinh, không nên quá nặng và tạo quá nhiều áp lực.

- Gia đình: có cái nhìn thoáng hơn, không nên làm học sinh quá căng thẳng, không quá nuông chiều, quan tâm nhiều hơn đến con mình...

- Xã hội: tuyên truyền rộng rãi để làm tăng nhận thức của mọi người, có nhiều chương trình khuyến học hơn, có ý thức trong tiếp thu văn hoá nước ngoài...

* Hiện tượng này có sự tác động từ nhiều phía, nhưng nhìn một cách khách quan thì chủ yếu là từ các yếu tố bên ngoài bởi thế mà học sinh mới có sự chán nản và lười học, có thể nói ngay đến cả những học sinh chăm chỉ nhất cũng chưa chắc đã thực sự muốn kéo dài tình trạng này, chương trình nặng, áp lực quá cao... Điều quan trọng là ý thức của mỗi người, cần có cái nhìn về nhiều phương diện để có thể đánh giá và có cái nhìn đúng nhất.

Kết bài:

Học tập là chuyện của mỗi người nhưng cũng là vấn đề rất quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của cả xã hội. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội, bởi thế mà nếu mùa xuân ấy chưa đến mà đã vội lụi tàn thì xã hội sẽ như nhà mà không có cột vậy.

__________________