So sánh và phân tích những vẻ đẹp khác nhau của hai hình tượng người lính thời kì kháng chiến chống Pháp trong bài thơ Tây Tiến và Đồng Chí?

So sánh và phân tích những vẻ đẹp khác nhau của hai hình tượng người lính thời kì kháng chiến chống Pháp trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng và Đồng chí của Chính Hữu
Nguyen Thi Huyen Trang
Nguyen Thi Huyen Trang
Trả lời 15 năm trước
A-Gợi ý cụ thể 1, Hai bài thơ Tây Tiến và Đồng Chí cùng ra đời năm 1948. Hai tác giả Quang Dũng và Chính Hữu đều cùng trong quân ngũ( nhà thơ quân đội). Cả hai sáng tác cùng nói về vẻ đẹp của người chiến sĩ thời chống Pháp, tuy vậy có những nét khác nhau. 2, Người lính trong Tây Tiến. a) Xuất thân: Từ đô thành, chiến sĩ Tây Tiến (trong đó có tác giả) số đông ra đi từ Hà Nội thanh lịch. Họ là những thanh niên có học. Và vì vậy họ mới có lúc “Đêm mơ Hà Nội”. b) Bối cảnh hoạt động: Người lính Tây Tiến hiện ra trong khung cảnh rừng núi miền Tây Tổ quốc vừa hùng vĩ, vừa hiểm trở, hoang dại khác thường. Đó là những “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm” , “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”; Đó là còn nơi “thác gầm thét, cọp trêu người” khiến cho có khi cả “đoàn quân mỏi” trong sương lấp, có lúc người lính “không bước nữa”… c) Đặc điểm: Chiến binh Tây Tiến mang vẻ đẹp khác thường. Hình tượng các anh nổi lên vừa hào hùng, dữ dội lại vừa hào hoa, mơ mộng. - Hào hùng, dữ dội trong dnág vẻ ngoại hình: Cả đoàn binh “không mọc tóc”, “dữ oai hùm” lại còn “mắt trừng “ nữa. Các anh trở nên khác lạ sau những cơn sốt rét rừng ác liệt, sau những cuộc hành quân “vượt cồn mây”, “súng ngửi trời”. Đầu không còn tóc, người xanh xao nhưng người lính vẫn rất oai phong, vẫn như mang cả hồn thiêng của rừng thẳm. - Hào hùng trong ý chí: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Các anh hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước không ngại ngần, tiếc nuối. CáI chết rình rập và “rải rác biên cương mồ viễn xứ” cũng không cản bước ra chiến trường giữ vững vùng đất biên giới Việt Lào. - Hào hùng ngay trong cái chết: áo bào thay chiếu anh về đất Sông Mã gầm lên khúc độc hành.. Người chiến sĩ về với đất trong hoàn cảnh có thể nói là rất buồn. Theo tác giả cho biết thì đồng đội ông nãg xuống, ngay manh chiếu bó thân cũng không có, nhưng sự ra đi vĩnh viễn đó thật anh hùng. Con sông Mã thay lời núi sông cất lên lời ai điếu hùng tráng tiễn đưa người chiến sĩ. -Hào hoa, mơ mộng ở tâm hồn, lãng mạn: Mắt trừng gửi mộng qua biên giới Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm Tâm hồn phải hết sức hào hoa mới “gửi mộng qua biên giới” và mơ về dáng kiều thơm.Người chiến sĩ đẹp trong giấc mơ đep,mơ dáng kiều diễm,thanh lịch,quyến rũ của người phụ nữ thủ đô.Đối đầu với nhọc nhằn, chết chóc, anh vẫn không quên một dáng hình thanh thú, toả hương. Chính dáng hình này tiếp sức cho anh bộ đội đi tới. Ta chợt nhớ lại câu thơ của tác giả Nguyễn Đình Thi: Những đêm dài hành quân nung nấu Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu (Đất nước) Tóm lại, tái tạo vẻ đẹp người lính Tây tiến, nhà thơ đã sử dụng bút pháp vừa hiện thực vừa lãng mạn cách mạng. Chính cảm quan lãng mãn khiến tác giả chú ý đến vẻ đẹp khác thường của đồng đội. 3.Người lính trong Đồng chí: a) Xuất thân: Đó là những người nông dân mặc áo lính. Các anh ra đi từ những làng quê nghèo: Quê hương anh nước mặn đồng chua Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá. b) Bối cảnh hoạt động: Các anh cầm súng chờ đợi giặc nơi rừng hoang sương muối. Cảnh ở đây không rõ nét hiểm trở,hoang vu như vùng núi người lính Tây tiến hiện diện ( với dốc,thác,nước lũ,cọp trêu người…) c) Đặc điểm: Ngừời chiến sĩ dưới ngòi bút Chính Hữu mang vẻ đẹp bình dị. Các anh hiện ra với dáng vẻ: -Chất phác: Nhớ về quê hương,các anh nhớ về gian nhà trống ,nhớ về giếng nước gốc đa rất đỗi quen thuộc. Còn người lính Tây Tiến nhớ quê hương là nhớ “dáng kiều thơm” có phần mĩ lệ, kiêu sa hơn. -Lam lũ: Trang phục của chiến sĩ trong Đồng chí có phần thiếu thốn.Hình ảnh thực của người nông dân mặc áo lính: áo anh rách vai Quần tôi có vài mảnh vá Miệng cười buốt giá Chân không giày. Chính Hữu tả hiện thực rõ nét đến từng chi tiết. Quang Dũng cũng có nói đến những thiếu thốn,gian truân của đồng chí nhưng thơ ông hướng tới vẻ oai hùng của người lính. Cũng với việc tả căn bệnh sốt rét tác động đến người chiến sĩ, Chính Hữu tả thực: Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi. Còn Quang Dũng nghiêng về tả vẻ khác lạ,khác thường lãng mạn: Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc Quân xanh màu lá dữ oai hùm. Như vậy bút pháp của Chính Hữu trong Đồng chí là búp pháp tả thực.Ông chú trọng vẻ đẹp của tình đồng chí – những người chung quân ngũ,chung lý tưởng chiến đấu. Còn Quang Dũng đã khái quát vẻ đẹp chung của người chiến sĩ Tây Tiến trên đường hành quân và hoạt động ở vùng biên giới xa xăm, nhiều hiểm trở. Nhìn chung lại, tuy hai hình tượng người lính này mang những vẻ đẹp khác nhau ( nông dân và trí thức, địa bàn hoạt động và quan hệ với nhân vật trữ tình….) nhưng làm hoàn chỉnh bức chân dung anh bộ đội Cụ Hồ trong buổi đầu tiến hành cuộc cách mạng kháng chiến chín năm chống Pháp.
Kim
Kim
Trả lời 15 năm trước
Lịch sử chín năm trường kì kháng chiến chống thực dân Pháp đã viết nên một thiên vàng chói lọi. Trên mảnh đất màu mỡ là cuộc kháng chiến, văn học giai đoạn này cũng thể hiện hết sức thành công hình tượng người chiến sĩ, người lính cầm súng diệt giặc, anh bộ đội Cụ Hồ. Tiêu biểu hơn cả là vẻ đẹp của hình tượng người lính trong bài “ Tây Tiến” của Quang Dũng và “Đồng Chí” của Chính Hữu. Bằng bút pháp lãng mạn, trên cơ sở nỗi nhớ về đoàn quân Tây Tiến da diết, nơi Quang Dũng cùng đồng đội sống chết bên nhau. Những câu thơ nói về chặng đường hành quân đầy thử thách gian nan mà đoàn binh Tây Tiến từng nếm trải. Các tên bản, tên mường: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu… được nhắc đến không chỉ gợi lên bao thương nhớ vơi đầy mà còn để lại nhiều ấn tượng về sự xa xôi, heo hút, hoang dã, thâm sơn cùng cốc,… Nó gợi trí tò mò và háo hức của những chàng trai “Từ thuở mang gươm đi giữ nước – Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Đoàn binh hành quân trong sương mù giữa núi rừng trùng điệp: “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi, Mường Lát hoa về trong đêm hơi” Bao núi cao, đèo cao, dốc thẳng dựng thành phía trước mà các chiến sĩ Tây Tiến phải vượt qua. Dốc lên thì “khúc khuỷu” gập ghềnh, dốc xuống thì “thăm thẳm” như dẫn đến vực sâu. Các từ láy: “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút” đặc tả gian khổ, gian truân của nẻo đường hành quân chiến đấu: “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm – Heo hút cồn mây súng ngửi trời!”. Đỉnh núi mù sương cao vút. Mũi súng của người chiến binh được nhân hóa tạo nên một hình ảnh: “súng ngửi trời” giàu chất thơ, mang vẻ đẹp cảm hứng lãng mạn, cho ta nhiều thi vị. Nó khẳng định chí khí và quyết tâm của người chiến sĩ chiếm lĩnh mọi tầm cao mà đi tới “Khó khăn nào cũng vượt qua - Kẻ thù nào cũng đánh thắng!”. Thiên nhiên núi đèo xuất hiện như để thử thách lòng người: “ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”. Hết lên lại xuống, xuống thấp lại lên cao, đèo nối đèo, dốc tiếp dốc, không dứt. Câu thơ được tạo thành hai vế tiểu đối: “Ngàn thước lên cao”và “ ngàn thước xuống”, hình tượng thơ cân xứng hài hòa, cảnh tượng núi rừng hùng vĩ được đặc tả, thể hiện một ngòi bút đầy chất hào khí của nhà thơ – chiến sĩ. Có cảnh đoàn quân đi trong mưa: “ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Câu thơ được dệt bằng những thanh bằng liên tiếp, gợi tả, sự êm dịu, tươi mát của tâm hồn những người lính trẻ, trong gian khổ vẫn lạc quan yêu đời. Trong màn mưa rừng, tầm nhìn của người chiến binh Tây Tiến vẫn hướng về những bản mường, những mái nhà dân hiền lành và yêu thương, nơi mà các anh sẽ đến, đem xương máu và lòng dũng cảm để bảo vệ và giữ gìn. Với “Đồng chí”, người đọc như thấy Chính Hữu nói ra, kể ra một hiện thực mà ai cũng thấy, cũng biết chứ đâu phải là làm thơ. Âý thế mà cái hiện thực trong thơ Chính Hữu, một người lính, một người làm thơ lại có sức gợi cảm sâu sắc. Từ giã những miền quê yêu dấu, họ ra trận và gặp nhau, gắn bó với nhau bởi tình đồng đội, đồng chí thiêng liêng, từng chiến đấu giải phóng quê hương. Kỉ niệm đẹp, sự gắn bó của họ chính là sự gian khổ, cùng nhau biết “ từng cơn ớn lạnh” của những cơn sốt rét đến run người, của sự cảm thông bởi “áo anh rách vai” và “ quần tôi có vài mảnh vá”, “ chân không giày”, Họ tự nguyện làm lính Cụ Hồ để đánh giặc ngoại xâm trong hoàn cảnh khó khăn của cuộc kháng chiến trường kì gian khổ. Nét đẹp người lính là ở chỗ đó, ở lòng “ thương nhau tay nắm lấy bàn tay”, truyền cho nhau hơi ấm của tấm lòng, của niềm tin vào ngày mai chiến thắng. Đó là vẻ đẹp tinh thần của người lính là sự hi sinh âm thầm cho kháng chiến . Hai nhà thơ, hai chiến sĩ, bằng những rung động khác nhau, sự thể hiện khác nhau, đều góp phần tạo nên hình ảnh đẹp, làm xúc động người đọc về người lính kháng chiến. Gần bốn mươi năm qua “ Tây Tiến” và “Đồng Chí”, cũng như Quang Dũng và Chính Hữu vẫn là người bạn tâm tình của người lính cách mạng , của đọc giả. Vẻ đẹp của người chiến sĩ mà hai anh vẽ nên, cùng với vẻ đẹp của “ Anh giải phóng quân”, mãi mãi là niềm tự hào chính đáng của quân đội ta, dân tộc ta”.