Bồi thường thiệt hại và trách nhiệm của người gây tai nạn chưa đủ 18 tuổi!?

Cách đây 5 tháng tôi bị một tai nạn giao thông làm gãy chân, phải phẩu thuật để bắt ốc vít cố định. Tỉ lệ thương tật theo giám định của bệnh viện là 19%. Nguyên nhân là do 1 xe máy đi ngược chiều lạng lách và lấn sang đường đâm phải. Người điều khiển phương tiện bên kia chỉ mới 17 tuổi lúc gây tai nạn. Khi tai nạn xảy ra, cơ quan công an đã có mặt lập biên bản và tạm giữ phương tiện đến nay. Nhưng theo cơ quan công an thì không thể truy tố về mặt hình sự bởi vì tổng cộng thương tích 2 bên chưa đủ 42%. Hai bên đã có thương lượng nhưng không đi đến kết quả vì mức đền bù không thoả đáng. Vậy xin các luật sư cho biết trong trường hợp này, gia đình tôi có quyền lợi gì về việc đòi bên kia bồi thường chi phí chữa trị và thiệt hại tài sản (phương tiện giao thông)? Cơ quan pháp luật nào chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề này? Và thủ tục giải quyết như thế nào? Rất mong nhận được sự giúp đỡ của các luật sư và mọi người. Xin chân thành cảm ơn và chúc sức khỏe.
tun cua di
tun cua di
Trả lời 15 năm trước
Giải thích của cơ quan công an là đúng. Vì theo quy định tại điều 202 Bộ luật hình sự được hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP thì: "Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ nếu chỉ căn cứ vào thiệt hại xảy ra, thì gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự: a. Làm chết một người; b. Gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên; c. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%; d. Gây tổn hại cho sức khoẻ của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng; đ. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người, với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng; e. Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng. Như vậy, với tỷ lệ thương tật của anh thì chưa đủ để khởi tố người vi phạm. Trong trường hợp này, người vi phạm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho anh bằng tài sản của mình, nếu tài sản của người đó không đủ để bồi thường thì cha mẹ của người đó có trách nhiệm bồi thường khoản còn thiếu bằng tài sản của họ. Nếu việc thương lượng không đi đến kết quả như mong muốn, anh có thể khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình. Thủ tục: anh phải viết đơn khởi kiện nộp cho Tòa án và đóng tạm ứng án phí. Nộp kèm theo đơn khởi kiện là tài liệu chứng minh cho yêu cầu đòi bồi thường của anh là hợp pháp.