Bé nhà mình ngủ ko ngon giấc - nguyên nhân tại sao?

Bé nhà em được 7 tháng tuổi, khi sinh bé nặng 3.1kg hiện giờ cháu được 8kg, chiều cao 73cm, mọc được 2 răng ở hàm dưới. Cháu ngủ không được ngon giấc cả ban ngày lẫn ban đêm, ban đêm cháu hay khóc mặc dù mắt vẫn nhắm rồi lăn lộn hết bên này sang bên kia, hay dụi tay vào mặt mặc dù cháu đã bổ sung vitamin D3. Hồi mang bầu cháu tôi không uống được bất kỳ loại thuốc và sữa nào cả chỉ ăn thức ăn bổ sung thôi! Xin bác sĩ tư vấn giúp cho cháu có phải bị còi xương không? Có phải bổ sung thêm canxi và kẽm không?

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Chào chị,

Cân nặng và chiều cao của bé hiện tại bình thường. Dấu hiệu: ngủ không ngon giấc, lăn lộn, quấy khóc, đổ mồ trộm, chậm mọc răng… là những biểu hiện của bệnh còi xương. Trường hợp của bé, nếu có điều kiện, chị nên tắm nắng cho bé mỗi sáng khoảng 15 phút. Việc bổ sung thêm canxi, hoặc kẽm phải có chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu bé ăn uống đầy đủ, bú tốt thì không cần bổ sung thêm canxi.

Chúc bé khỏe.

Nguồn: webtretho

mùa xuân
mùa xuân
Trả lời 13 năm trước

Khoảng 3 tháng tuổi, nhịp sinh học của bé bắt đầu thay đổi, bé có thể ngủ liền mạch 1 giấc về đêm.

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của bé, vì vậy, bạn nên lưu ý một số điểm sau để tăng chất lượng giấc ngủ cho bé.

- Tư thế nằm úp: Bạn nên để ý vì bé có thể lật người và nằm ngủ với tư thế úp mặt xuống giường. Tư thế ngủ này sẽ gây sức éo lên bụng, ngực và khiến bé khó thở.

- Bé ngủ cùng cha mẹ: Nhiều bậc cha mẹ không có thói quen cho bé nằm cũi mà muốn bé ngủ chung giường. Bạn nên cẩn thận vì nhiều khi ngủ chung, chăn, gối… của cha mẹ có thể đè lên người bé. Ngoài ra, thân nhiệt của bé không giống như người lớn, do đó, bạn cũng cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng điều hòa, quạt máy… trong phòng ngủ.

- Không ủ ấm bé: Bạn nên chọn quần áo rộng rãi, chất liệu mềm mại mặc cho bé khi ngủ (không cần mặc thêm áo ngoài). Nếu trời lạnh, bạn có thể đắp thêm chăn (loại dành cho bé, tuyệt đối không sử dụng loại chăn, gối của người lớn).

- Thu dọn đồ chơi gọn gàng, không nên để bừa bãi đồ chơi trên giường hay trong cũi bé, kể cả những loại an toàn như thú nhồi bông. Với bé sơ sinh, thú bông có thể đè lên người khiến bé khó thở. Nếu bé ngủ trong cũi, bạn nên cẩn thận với những loại đồ chơi treo, móc trên cũi vì chúng có thể rơi vào người bé. Tốt nhất, bạn nên tháo tất cả những loại đồ chơi treo trên cũi khi bé ngủ.

- Lưu ý với bề mặt cũi, giường: Bạn nên đảm bảo độ an toàn và vệ sinh tối thiểu với mặt cũi, mặt giường của bé. Nên sử dụng những tấm nệm mỏng để lót phía dưới bề mặt cũi (giường) khi bé ngủ. Mùa đông, bạn có thể dùng những tấm nệm dày hơn nhưng phải lưu ý để nệm không bị xô, nghiêng, co… trong quá trình bé ngủ.

- Tránh cho bé bú quá no trước giờ ngủ. Tránh mở cửa sổ để gió lùa hay ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào nơi ngủ của bé.

Cha, mẹ cần lưu ý những nguyên tắc căn bản sau đây: (Tuỳ theo từng độ tuổi mà có cách áp dụng cụ thể)

- Tạo thói quen cho trẻ đi ngủ đúng giờ như đã định.

- Nhắc nhở trẻ bớt chạy nhảy, đùa giỡn 30 phút trước khi đi ngủ.

- Nhắc nhở trẻ một số việc cần làm trước khi ngủ như: đánh răng, rửa mặt, đi nhà vệ sinh … tạo cho trẻ sự thoải mái trước khi ngủ.

- Tạo không gian yên tĩnh, du dương bằng những lời hát ru, kể chuyện cổ tích, mở cho trẻ nghe những đoạn nhạc thiếu nhi hoặc nhạc nhẹ mà trẻ yêu thích.

- Kiểm tra sự tiện nghi thoải mái tối thiểu phòng ngủ của trẻ như nhiệt độ, sự thông khí, đèn ngủ…

- Tắt TV và ngưng tất cả các trò chơi điện tử mà trẻ thường chơi.

- Chúc “trẻ ngủ ngon” trước khi trẻ đi vào giấc ngủ.

- Giữ yên lặng tuyệt đối trong suốt thời gian trẻ ngủ.

- Khen ngợi trẻ đã ngủ ngon vào sáng ngày hôm sau.

Khi trẻ có vấn đề về giấc ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ, Cha, mẹ chính là nhân tố tích cực giúp giải quyết những vấn đề về giấc ngủ cho trẻ

- Nên động viên trẻ trở về phòng ngủ nếu trẻ không chịu đi ngủ đúng giờ.

- Trẻ cảm thấy lo sợ khi đi ngủ, nên tìm hiểu nguyên nhân nhằm giúp trẻ yên tâm và tự tin hơn.

- Nếu trẻ quấy khóc hoặc phản đối việc đi ngủ nên kiên nhẫn dỗ dành và khuyến khích trẻ đi ngủ trở lại. Nếu trẻ cần cha, mẹ bên cạnh mình, nên nán lại với trẻ một thời gian trước khi trẻ rơi vào giấc ngủ sâu.

- Thường xuyên kiểm tra các yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ như nhiệt độ phòng, ánh sáng đèn, sự ẩm ướt, màu sắc phòng ngủ… để đảm bảo trẻ luôn cảm thấy thoải mái, yên tâm khi ngủ.

- Nếu trẻ của bạn có cơn miên hành hoặc cơn hoảng sợ ban đêm, không nên quá lo lắng, nên tạo cho trẻ một không khí chơi đùa thật hồn nhiên và lành mạnh vào ban ngày bằng các trò chơi vận động nhẹ, dành nhiều thời gian vào ban đêm ở bên trẻ nếu trẻ gặp những cơn hoảng sợ ban đêm. Nếu cần bạn có thể nhờ sự giúp đỡ của bác sỹ chuyên khoa để nhận được phương pháp trị liệu thích hợp nhất cho trẻ.

Chúc bạn và bé sức khoẻ!

Bs.Thuocbietduoc

Bui Thu Phuong
Bui Thu Phuong
Trả lời 13 năm trước

Chất lượng giấc ngủ của trẻ phụ thuộc vào 3 yếu tố: nhịp sinh học thức - ngủ, cách thức cho ăn và điều kiện môi trường. Khi trẻ bị rối loạn giấc ngủ, nên kiểm tra để tác động vào các yếu tố đó hơn là dùng thuốc an thần.

Giấc ngủ của trẻ nhỏ rất khác với người trưởng thành và trẻ lớn, Vì vậy, để biết trẻ có bị rối loạn giấc ngủ hay không, cần dựa vào các đặc điểm sinh lý, tính chất và nhịp sinh học của trẻ nhỏ.

Trẻ sơ sinh ngủ trung bình mỗi ngày tới 16-17 tiếng đồng hồ và chia thành những chu kỳ "thức-ngủ" cứ 3 tiếng một, không kể ngày đêm. Lên 3 tháng tuổi, trẻ ngủ 15 tiếng/ngày nhưng nhịp "thức-ngủ" có thay đổi: giấc ngủ về đêm kéo dài hơn (có thể liên tục tới 7 tiếng) và thời gian thức ban ngày nhiều hơn. Tới 4 tháng tuổi, trẻ ngủ ngày ít dần và số giờ ngủ cũng giảm dần. Trẻ 1 tuổi chỉ còn ngủ 13 tiếng/ngày và trẻ 3-5 tuổi ngủ 12 tiếng/ngày.

Giấc ngủ của trẻ nhỏ tuy không trải qua nhiều giai đoạn như người lớn nhưng cũng gồm có 2 giai đoạn rõ rệt:

- Giai đoạn ngủ yên tĩnh: Nhịp thở trở nên đều đặn dần (tương ứng với các giai đoạn từ ngủ nông đến ngủ sâu ở người lớn).

- Giai đoạn ngủ xáo động: Có các cử động như ngọ nguậy chân tay, mếu, cười trong khi ngủ (tương ứng với giai đoạn xuất hiện mộng mị ở người lớn).

Các nhà nghiên cứu cho rằng giai đoạn ngủ yên tĩnh giúp trẻ phục hồi năng lượng tiêu hao cho các hoạt động khi thức và tăng trưởng về thể chất (các hoóc môn tăng trưởng được tiết ra nhiều trong giai đoạn này). Còn giai đoạn ngủ xáo động lại giúp trẻ tái tạo các hình ảnh nhìn thấy lúc thức để hình thành các hoạt động tâm trí. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần hết sức quan tâm đến giấc ngủ của con mình ngay từ khi lọt lòng.

Việc trẻ nhỏ ngủ được tốt hay không liên quan tới 3 nhân tố sau:

- Nhịp sinh học "thức-ngủ" của trẻ có được tôn trọng hay không:
Nhiều bà mẹ nuôi con quá cứng nhắc về giờ giấc cho bú, cho ăn nên đã vô tình quấy rối giấc ngủ của trẻ. Nên nhớ rằng trẻ mới đẻ đã có chu kỳ "thức -ngủ" phân bố đều đặn, trẻ sẽ bú khi thức giấc.

- Cách thức cho trẻ bú, trẻ ăn đã hợp lý chưa: Cho trẻ nhỏ bú hoặc ăn quá no cũng làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ.

- Điều kiện môi trường có tốt cho giấc ngủ không: Ánh sáng mạnh, tiếng ồn nhiều cũng làm cho trẻ nhỏ khó ngủ hoặc dễ thức giấc. Ở gia đình mà bố mẹ thức quá khuya, xem tivi quá muộn, trẻ sẽ bị lôi cuốn vào nhịp sinh học của người lớn, nếu sáng hôm sau phải dậy sớm để đi nhà trẻ, mẫu giáo... thì sẽ bị thiếu ngủ trường diễn!

Đối với trẻ nhỏ, việc thiếu tương tác tốt mẹ-con (mẹ hay vắng mặt hoặc ít quan tâm, thiếu ấp ủ, vỗ về, ru nựng con...) cũng dễ làm cho trẻ lo hãi, thiếu cảm giác an toàn trong đêm tối và mất ngủ.

GS Phạm Kim, Sức Khỏe & Đời Sống