Cây thài lài tía chữa được những bệnh gì?

Chào các anh chị, gần đây tôi nghe nhiều đồng nghiệp ở cơ quan rủ nhau trồng cây thài lài tía trong nhà để phòng chữa bệnh. 

Tôi đang sống trong 1 căn hộ nhỏ, không biết có nên trồng cây này không? Và xin hỏi cụ thể, cây này có thể chữa được những bệnh gì? Có dễ trồng không?

Tống Minh Tùng
Tống Minh Tùng
Trả lời 7 năm trước

Thài lài tía còn gọi là trai thài lài, hồng trai. Tên khoa học là Tradescantia zebrine Hort. Ex Loudon, thuộc họ thài lài commelinaceae.

Đây là loài cỏ mập, mọc bò, thân phân nhánh và bén rễ ở các mấu; lá mọc so le, có bẹ, phiến lá hình bầu dục, chóp nhọn, mặt trên màu lục, có sọc ở mép và ở giữa, lằn giữa, mặt dưới đỏ tía, bẹ có lông. Hoa nhỏ, xanh tía hay hồng, từ một đến hai cái ở chót nhánh, hai lá bắc. Cánh hoa dính nhau, sáu nhị bằng nhau. Quả nang nhỏ chứa nhiều hạt, có áo hạt.

Thài lài tía này mọc ở các bãi cỏ ven rừng, chân núi đá vôi, nơi có nhiều mùn. Cũng được trồng làm cây cảnh trong chậu, trong vườn phổ biến ở Việt Nam. Ngoài ra còn có ở các nước châu Á khác.

Đông y dùng toàn bộ cây làm thuốc. Người ta thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi khô. Cây có vị ngọt, tính mát, có độc, tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết, lợi niệu. Dùng trị ho thổ huyết, hầu họng sưng đau, mắt sưng đỏ, lỵ, thủy thủng, bệnh lâm, bạch đới, ung độc, bỏng, cháy, rắn độc cắn. Liều dùng khô từ 15 đến 30 g, tươi từ 60 đến 90 g. Dùng giã đắp ngoài thì tùy lượng.

Phân tích dược lý cho thấy thân và lá cây chứa oxalate calium, gôm. Lá và hoa chứa tricaffeoyl cyaniding 3,7,3’-triglucoside. Thuốc sắc và chiết xuất nước của lá và thân (cho thêm cồn rượu để khử đi chất lắng đọng) có tác dụng gây hưng phấn đối với ruột non của chuột hamster nuôi tách bầy. Chất chiết xuất này được dùng trong thí nghiệm dẫn lưu chi sau của chuột lớn cho thấy có tác dụng làm thư giãn mạch máu. Thuốc sắc bơm vào khoang bụng chuột nhắt với liều 1 g thuốc sống cho mỗi con, trong vòng 24 giờ khiến 2 con chết hoàn toàn. Nếu dùng riêng chất chiết xuất nước thì độc tính không rõ rệt.

Tiến sĩ Võ Văn Chi giới thiệu một số bài thuốc từ cây thài lài tía như sau:

Đái buốt, kiết lỵ

- Thài lài tía khô 30 g, mộc thông 20 g đem sắc lấy nước uống.

- Thài lài tía 30 g, mã đề 20 g đem sắc lấy nước uống.

Mụn nhọt sưng tấy

Thài lài tía, sống đời, mỗi vị 20-30g, giã tươi, thêm nước, vắt lấy nước cốt uống, bã đắp vào chỗ đau.

Trịnh Bảo Nam
Trịnh Bảo Nam
Trả lời 7 năm trước

Cây hoa thài lài tía còn tên gọi là Hồng trai, tên khoa học Tradescantia pallida, thuộc họ Thài lài (Commelinaceae). Tên tiếng Anh là Silvery Wandering Jew, Cockroach Grass. Theo Đông y thì thài lài tía có vị ngọt, chát, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, chữa kiết lị, giải độc lợi tiểu, tiêu thũng, lương huyết, trừ ho, chữa đái buốt, táo bón, chữa mụn nhọt, chốc lở, bạch đới, đái đục, phong nhiệt đau đầu, chứng viêm cầu thận...


Ở Ấn Độ, người ta dùng thài lài tía đ chữa bệnh phong hủi. Ở Vân Nam (Trung Quốc) cây được dùng trị trẻ em viêm phổi, tiểu tiện bất lợi, mụn nhọt lở ngứa.

Sau đây là những phương thuốc ứng dụng chữa bệnh từ cây hoa thài lài tía, tuỳ theo chứng bệnh cụ thể có thể tự lựa chọn sử dụng khi cần thiết:

Chữa đái buốt: Thài lài tía 30g, mộc thông 20g, mã đề 15g, rau má 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia làm 3 lần uống trong ngày. Cần uống liên tục từ 5 - 7 ngày.

Chữa kiết lỵ: Thài lài tía 25g, lá mơ 20g, vỏ quả lựu 10g, rau má 5g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần trước khi ăn. Cần uống liền 5 ngày.

Chữa táo bón: Thài lài tía 30g, lá non khoai lang 25g. Hai thứ này rửa sạch cho vào nồi thêm 250ml nước đun sôi kĩ, sau ăn cả nước lẫn cái. Ngày ăn 1 lần vào buổi sáng.

Chữa mụn nhọt sưng đau: Thài lài tía 30g, lá sống đời 25g. Hai vị này rửa sạch giã nhỏ, sau cho 250ml nước sôi để nguội khuấy đều, lọc lấy nước uống, còn bã đắp vào chỗ đau. Ngày uống 2 lần, uống liền 2 - 3 ngày.


Linh
Linh
Trả lời 4 năm trước

cây này có tác dụng để điều trị các bệnh như kiết lị, tiểu buốt, rắn độc cắn, bị mụn nhọt, cây này hiện có khá nhiều ở Việt Nam và tương đối dễ trồng.