Trộm vào nhà có được đánh đuổi?

Nếu đánh trộm gây thương tích thì chủ nhà có khi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng nếu "nhắm mắt làm ngơ" thì nạn nhân lại gặp hoạ.

Tôi muốn hỏi pháp luật cho phép hành xử như thế nào khi phát hiện bị kẻ gian đột nhập vào nhà?

Đinh Chiêu Phong
Đinh Chiêu Phong
Trả lời 7 năm trước

Khoản 2 điều 22 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý”.

Khoản 1 Điều 20 quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Như vậy, có thể thấy nơi ở hợp pháp và tính mạng, sức khoẻ của con người là các quan hệ pháp luật rất được đề cao bảo vệ. Do đó, mọi hành vi xâm phạm đến các quan hệ này đều bị nghiêm cấm, trừ một số trường hợp đặc biệt được pháp luật cho phép.

Quay trở lại với câu hỏi “Khi trộm vào nhà có nên đánh hay không”, như đã nói ở trên, tự ý vào nhà người khác đã là phạm pháp, vào để trộm cắp tài sản thì càng không thể chấp nhận. Nhưng như vậy không có nghĩa là bắt được trộm thì chủ nhà được quyền đánh đập. Dù có là kẻ trộm vẫn được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khoẻ. Do vậy, đặt vấn đề “khi trộm vào nhà có nên đánh hay không” thì lời khuyên là không nên.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp dù không muốn người phát hiện kẻ trộm vẫn buộc phải dùng vũ lực để khống chế. Đó là những trường hợp kẻ trộm kháng cự hoặc hành hung để tẩu thoát hoặc có những hành vi nguy hiểm đang gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ.

Khi gặp phải những trường hợp này, pháp luật cho phép sử dụng biện pháp phòng vệ để ngăn chặn hành vi nguy hiểm (kể cả việc đánh kẻ trộm). Nhưng những biện pháp phòng vệ phải là cần thiết với hành vi xâm hại và không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.

Điều lưu lý, khi áp dụng biện pháp phòng vệ, ranh giới giữa phòng vệ chính đáng (không phải chịu trách nhiệm hình sự) và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (phải chịu trách nhiệm hình sự) rất mong manh. Do đó, khi quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ cần phải cân nhắc kỹ tình huống cũng như điều kiện, hoàn cảnh thực tế để có biện pháp phù hợp, tránh rơi vào tình trạng vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Nếu hành vi phòng vệ bị xem là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, người thực hiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Trịnh Bảo Nam
Trịnh Bảo Nam
Trả lời 7 năm trước

Luật này chưa thỏa đáng. đối với kẻ trộm cướp vào nhà ( Xâm nhập bất hợp pháp) chủ nhà có quyền tấn công, hoặc loại trừ nếu chúng quá nguy hại đến mạng sống chủ nhà hoặc các thành viên. Nên có luật này.
Cái nữa côn đồ tự ý xông vào nhà dù là lý do gì mang theo hung khí nguy hiểm chủ nhà có quyền chống trả. nếu có thương vong xảy ra, chủ nhà cũng k phải bị xử lý hình sự mà chỉ xử lý hành chính dân sự. Nên xử lý hình sự kẻ xâm nhập gây thương tích cho chủ nhà và gđ.
Nếu vậy ai dám tự ý xông vào nhà ng khác hành hung, trộm cướp, giết chủ nhà.
Người lương thiện chẳng ai muốn đánh nhau hay giết chóc cả. Luật pháp là để ngăn chặn cái xấu ác, nếu đc thì tiêu diệt triệt để cái ác. Do luật pháp chưa thật cứng rắn, nghiêm khắc nên giết người, cướp của, xông vào nhà chém giết xảy ra hàng ngày. Lý do cỏn con cũng ra tay giết hại đối phương.
Phải có vài trường hợp bỏ cái điều " phòng vệ vượt quá giới hạn" bị xử lý hình sự. Vì những kẻ không ra gì ( côn đồ,ít học, lười biếng nhưng thích xài hàng hiệu, đầu trộm đuôi cướp) mà người lương thiện phải bị tù tội, mang án, lớn hơn là mất tương lai sự nghiệp thì vo lý quá.
Pháp luật là bảo vệ tối đa người lương thiện, trừ khử những tên bất lương, gây hiểm họa cho xã hội.

Hoàng Trùng Khánh
Hoàng Trùng Khánh
Trả lời 7 năm trước

Rình rình bắt trói được trộm thì bị tội giam giữ người. La lên trộm chạy mất cũng cùng tội danh nếu bắt lại.
Tự nhiên mà đánh không được, phải la lên để trộm tấn công mình và mình phòng vệ. Khi trộm tấn công thì thoải mái không cần suy nghĩ, còn mình thì vừa phòng vệ vừa phải suy nghĩ xem có quá giới hạn hay không.
Nói chung là không nên để trộm vào nhà. Nếu vào rồi thì cho nó lấy :(

Tống Minh Tùng
Tống Minh Tùng
Trả lời 7 năm trước

Vào cái lúc ấy thì còn suy nghĩ gì được nữa. Bảo vệ bản thân và người thân là trên hết. Có bị truy cứu hình sự cũng không hối hận.

Hồ Anh Khang
Hồ Anh Khang
Trả lời 7 năm trước

Như vậy thì khi phát hiện có trộm trong nhà chúng ta nên lật sách luật ngâm cứu cho thật kỹ trước khi hành động

Phạm Anh Tuấn
Phạm Anh Tuấn
Trả lời 7 năm trước

Đọc hết thì túm là: trộm có quyền lực tuyệt đối vì nó đã chấp nhận rủi ro khi đi ăn trộm rùi. Vua cũng thua thằng liều huống gì dân thường. Cảnh sát huấn luyện chuyên nghiệp, áp đảo số lượng và vũ khí muốn khống chế một người cũng chật vật có khi nguy hiểm đến cả tính mạng thì dân thường ngoài liều mạng tử thủ làm gì có cửa nào khác? Trộm mà còn lương tri thì sẽ bỏ của chạy lấy người nhưng những kẻ liều lĩnh sẵn sảng đoạt mạng thiết nghĩ ko nên được pháp luật bảo vệ nữa vì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho người lương thiện.

Trần Chấn Phong
Trần Chấn Phong
Trả lời 7 năm trước

Các cụ có câu "tiên hạ thủ vi cường" , nếu có thời cơ ra tay được, dù có đi tù mà cả nhà an toàn là tôi cũng chơi tuốt, trộm cắp đừng có hòng nhòm ngó >"<

Lữ Chính Thuận
Lữ Chính Thuận
Trả lời 7 năm trước

"Nhưng những biện pháp phòng vệ phải là cần thiết với hành vi xâm hại và không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại". Cái này có nghĩa là khi nào trộm đánh mình một cái thì mình mới được đánh lại một cái mạnh hơn, nhưng không được mạnh hơn nhiều. Nó phải cho mình 1 dao trước ví dụ 1cm, khi đó mình mới được cho nó lại 1 dao nhưng chỉ nên khoảng 1,1 cm thôi nhé. Và khi chống trả nhớ phải ngồi suy nghĩ cho kỹ là mình chống trả như vậy có vượt tự vệ chính đáng không nhé. Chúc mọi người không phạm sai lầm!

Phạm Công Sơn
Phạm Công Sơn
Trả lời 7 năm trước

Để mình giải đáp cho bạn:
1- Pháp luật bảo vệ 3 quyền: Tự do - Sức khỏe - Tài sản.. Vì thế trộm vào nhà nghĩa là đang xâm phạm tài sản của bạn nhưng bạn đánh nó nghĩa là bạn đang xâm phạm sức khỏe của nó.
2- Nói ngắn gọn thế này, bạn có quyền bắt trộm nhưng bằng cách nào?
3- Nếu kẻ trộm không chống trả bằng vũ khí nguy hiểm thì bạn cũng ko đc phép tấn công trộm bằng vũ khí nguy hiểm.
4- Trộm có vũ khí nguy hiểm bạn có quyền chống trả bằng vũ khí nguy hiểm nhưng thích hợp (Nghĩa là nó dùng dao thì bạn có quyền dùng dao, đơn giản dễ hiểu là vật sát thương của bạn phải tạo ra sát thương bằng hoặc ít hơn nó còn nếu bạn dùng vũ khí gây sát thương nhiều hơn nó bạn sẽ phải đi tù)
Chúc may mắn

Phan Nhật Anh
Phan Nhật Anh
Trả lời 7 năm trước

Theo bộ luật hình sự của nhiều nước tân tiến trên thế giới , nếu có kẻ lạ sâm nhập bất hợp pháp vào nhà, chủ nhà có quyền bảo vệ tài sản , tính mạng mình và người thân bằng mọi cách. Chủ nhà không phải chịu bất cứ hình phạt gì trước pháp luật, đó là quyền tự vệ chính đáng.