Làm thế nào để hết bệnh thủy đậu?

Làm thế nào để hết bệnh thủy đậu?
lethihao
lethihao
Trả lời 15 năm trước
Bạn có thể tham khảo bài viết sau về Bệnh thủy đậu do bộ Y tế ban hành Bệnh thủy đậu Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây dịch do virut Varicella zoster gây ra. Bệnh thường nhẹ nhưng rất dễ lây. Người bệnh là nguồn lây duy nhất. Người ốm làm lây bệnh ngay từ khi có triệu chứng đầu tiên cho đến khi nốt đậu đóng vảy (thường ở ngày thứ 7 kể từ khi đậu mọc). Virut từ đờm dãi, nước mũi, nước bọt trẻ ốm bắn sang người lành khi nói, ho hoặc hắt hơi, xâm nhập vào cơ thể qua mũi-họng, rồi theo đường máu đến cư trú ở lớp tế bào thượng bì da và niêm mạc (niêm mạc miệng, kết mạc mắt...) và gây nên những nốt phỏng ở đó. Tỷ lệ mắc bệnh thường cao ở các đô thị, nơi đông dân và trong những tháng lạnh. Tuổi mắc nhiều nhất là 2-7 tuổi, ít khi gặp ở trẻ dưới 6 tháng. Người lớn cũng mắc nếu như lúc nhỏ chưa mắc. Sau một thời gian ủ bệnh chừng 14-15 ngày thì bệnh phát. Trong nhiều trường hợp, trẻ vẫn ăn, chơi bình thường làm cho người mẹ không để ý, đến khi đậu mọc mới biết hoặc tình cờ phát hiện được một vài nốt ở đầu. Có khi trẻ sốt nhẹ, sổ mũi, biếng ăn, không chịu chơi, đau mỏi các khớp, dễ kích thích, ngứa, rồi 24-36 giờ sau đậu mọc. Ban mọc khắp nơi, không theo một trình tự nhất định: ban mọc nhiều ở da đầu, trong các kẽ chân tóc. Đậu thường thưa, nhưng cũng có trường hợp mọc dày chi chít, mọc cả ở niêm mạc miệng, kết mạc mắt rồi vỡ ngay. Thoạt đầu, những nốt đỏ giống như ban sởi, vài giờ sau thành nốt phỏng. Nốt phỏng rất nông trông như giọt sương, hình quả xoan; nếu lấy hai ngón tay căng nốt phỏng ra, ta sẽ thấy mặt nốt phẳng nhăn lại. Các nốt này mọc rất nhanh và mọc làm nhiều đợt cách nhau 2-3 ngày, do đó ở cùng một vùng da, có thểí gặp đủ loại nốt: có nốt to, nốt nhỏ, có nốt đỏ, nốt phỏng, có nốt đã đóng vảy. Nhìn chung, sức khỏe của trẻ ít thay đổi. Đến ngày thứ 4-6, nốt đậu đóng vảy, vảy có màu nâu sẫm. Một tuần sau vảy bong và không để lại sẹo. Bệnh khỏi và cơ thể thu được miễn dịch bền vững. Người lớn chưa từng mắc cũng có thể bị bệnh và bệnh thường nặng. Người bệnh thường sốt cao 39-40oC, trằn trọc, mê sảng; nốt phỏng có thể kèm theo máu. Phụ nữ có thai bị thủy đậu trong nửa đầu của thai kỳ có thể gây dị dạng ở não bộ, da... của bào thai. Với trẻ suy dinh dưỡng, còi xương, những người bị eczema hoặc có bệnh về máu, bệnh thường nặng, nốt phỏng hay bị loét, hoại tử, có chứa chấy nhày màu xám; có khi còn gây viêm thận cấp, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm loét giác mạc, viêm tủy thoáng qua, viêm màng não vô khuẩn. Nếu trẻ gãi nhiều hoặc chăm sóc vệ sinh không chu đáo, nốt phỏng có thể bị bội nhiễm gây nhiễm khuẩn da nặng hoặc nhiễm khuẩn máu do vi khuẩn tụ cầu. Thủy đậu là một bệnh nhẹ, song rất cần được chăm sóc chu đáo để không xảy ra biến chứng. - Trẻ ốm phải cho cách ly tại nhà trong suốt thời gian từ khi bệnh bắt đầu cho đến khi bong hết vảy. Trước khi cho trẻ trở lại vườn trẻ, lớp học... phải tắm gội trẻ cho sạch vảy. - Giữ cho da của trẻ luôn luôn sạch sẽ. Quần áo phải được giặt bằng xà phòng và nước sạch rồi là trước khi mặc. Chú ý giữ sạch tay và cắt ngắn móng tay; trẻ nhỏ phải cho mang bao tay, xoa bột tan (talc) vô khuẩn hoặc phấn rôm khắp người để trẻ đỡ ngứa. Hằng ngày (ngày 2-3 lần) nhỏ mắt, mũi thuốc sát khuẩn như chloramphenicol 0,4% hoặc acgyrol 1%. - Khi nốt phỏng vỡ, chỉ nên bôi thuốc xanh metilen; không được bôi mỡ tetraxiclin, mỡ penixilin hay thuốc đỏ. - Không được tự ý dùng thuốc kháng sinh. Mọi trường hợp nhất thiết phải được thầy thuốc thăm khám bệnh chỉ định và hướng dẫn cụ thể. - Khi thấy trẻ đột nhiên sốt cao hoặc nốt phỏng mọc dày chi chít, hoặc chảy nước mắt tự nhiên, sợ ánh sáng cần cho trẻ đi khám bệnh ngay. Bs. Nguyễn Long Châu - Bộ Y tế Chúc gia đình bạn sức khỏe.
nguyễn hoàn
nguyễn hoàn
Trả lời 12 năm trước

Bệnh thủy đậu và cách sử trí

Những nốt ban hồng đường kính vài mm biến thành phỏng nước rất ngứa, lan khắp cơ thể. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ em chưa chủng ngừa, gây sốt, mệt mỏi, khó chịu, kém ăn nhiều ngày. Người lớn bệnh nặng có thể tử vong nếu không được chăm sóc đúng.

Bệnh thủy đậu (trái rạ) do virus Varicelle Zoster gây nên, có thể bị quanh năm nhưng thường gặp nhiều khi thời tiết thay đổi. Bệnh xảy ra phần lớn ở trẻ em (90%), lây lan cao qua đường hô lấp (80-90%) và chỉ lây cho người lần đầu mắc bệnh vì có tính miễn dịch rất cao, ít khi bị bệnh lần 2. Bệnh thường lành tính ở trẻ em, nhưng khá nặng khi gặp ở người lớn với tỷ lệ tử vong 2-25/100.000.

Do vậy, người bị mắc bệnh cần được cách ly tiếp xúc với người ngoài trong vòng 7-10 ngày và trẻ em dưới 12 tuổi nên được chủng ngừa.

Vì vaccine không có hiệu quả suốt đời và chỉ có hiệu quả phòng bệnh 70-88% nên ngoài việc tiêm chủng ngay sau khi sinh, trẻ em còn cần được tiêm nhắc lại sau 14 tháng. Phụ nữ có thai bị nhiễm bệnh trong thời kỳ đầu mang thai có thể gây ra các dị tật bẩm sinh ở trẻ. Trẻ nhỏ mắc bệnh nhẹ hơn trẻ lớn, với thể thông thường không có biến chứng thì bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 10 ngày.

Biến chứng

Các biến chứng hay gặp nhất là bội nhiễm da do nốt phỏng bị vỡ hoặc do trẻ gãi hay dịch nước hóa mủ. Viêm phổi gặp ở 20-30% người bệnh. Biến chứng nặng nhất là viêm não do thủy đậu, gặp ở 0,1-0,2% và thường rất nặng ở người lớn. Các biến chứng như: giảm tiểu cầu, viêm tủy cắt ngang, liệt thần kinh mặt, rối loạn tiểu não, hội chứng Reye, viêm cơ tim, viêm thận, viêm gan, viêm đa rễ thần kinh... ít gặp hơn.

Xử trí

- Cách ly ngay người bệnh cho đến khi các nốt thủy đậu đã đóng vảy.
- Giữ vệ sinh thân thể bằng tắm rửa hàng ngày với loại xà phòng sát trùng.
- Ăn uống tăng cường chất bổ để tạo sức đề kháng cho cơ thể.
- Cắt ngắn móng tay, tránh gãi.
- Bôi hoặc uống các thuốc chống ngứa.
- Khi người bệnh sốt cao, cần hạ sốt nhưng không được dùng Aspirin.
- Có thể dùng các thuốc chống virus: Acyclovir, Vidarabin, Lamivudin...

Chữa thuỷ đậu theo Y học cổ truyền

Trường hợp nhẹ: Không cần cho uống thuốc, chỉ kiêng lạnh, kiêng gió, giữ vệ sinh da dẻ thật tốt. Có thể dùng bài thuốc nam: lá dâu 12g, cam thảo đất 10g, kim ngân hoa 12g, kinh giới 6g cho vào ấm sắc lấy nước uống nhiều lần.

Trường hợp nặng (sốt cao, khát nước, mặt đỏ miệng lưỡi tróc, mụn thuỷ đậu dày và to, quầng đỏ, mụn nước đục, tiểu tiện ít và khó: dùng chủ yếu phép thanh nhiệt giải độc. Kim ngân hoa 12g, lá tre 16g, bạc hà 8g, hoa kinh giới 8g, rau diếp cá 16g, cam thảo đất 12g, quả dành dành 8g sắc lấy nước uống. Nếu có ho, thêm 10g lá chanh, 12g lá táo. nếu ăn không tiêu thêm sơn trang, thần khúc 10g.

Điều quan trọng nhất là phải chủ động tiêm vaccine phòng ngừa khi trẻ được 12 tháng và có thể tiêm nhắc lại lúc 12 tuổi. Vaccine có hiệu quả phòng bệnh 95% và ngừa bệnh nặng 100%. Nếu bệnh nhân bị lại, thường nhẹ, không quá nguy hiểm.

TS. Bùi Mạnh Hà, Thanh Niên