Cách làm tăng nước ối khi bị thiểu ối?

Các mẹ ơi, em đang mang bầu ở tháng thứ 7, em vừa đi siêu âm thì bác sĩ bảo nước ối ít, em lo lắng quá các mẹ ạ.Hiện tại em đang lo lắng cần làm gì để nước ối bình thường, cần ăn, uống, điều trị như thế nào? Các mẹ tư vấn giúp em với.

Em cảm ơn.

Trịnh Thiên Lam
Trịnh Thiên Lam
Trả lời 8 năm trước

Nước ối quá ít (dưới 600ml) được gọi là thiểu ối, nó được coi là nguy hiểm hơn đa ối. Thiểu ối có thể dẫn đến sự kém phát triển của phổi, xương và các cơ quan khác của bé, nó cũng làm tăng nguy cơ tử vong của trẻ.

Biểu hiện: Chiều cao tử cung thường nhỏ hơn so với tuổi thai, số đo thường thấp và có chiều hướng đi xuống so với đường chuẩn. Thai thường cử động yếu.

Nguyên nhân của thiểu ối:

- Thai nhi bị suy thận
- Rò rỉ nước ối
- Độ lệch trong sự phát triển và chức năng của nhau thai
- Thai quá ngày
- Biến chứng ở mẹ: mẹ bị mất nước, tăng huyết áp, tiền sản giật, tiểu đường…

Nguy cơ: Các rủi ro liên quan đến thiểu ối phụ thuộc vào tuổi thai.

Nếu thiểu ối được phát hiện trong nửa đầu của thai kỳ thì các biến chứng nghiêm trọng có thể gồm: Túi ối chật chội gây khuyết tật bẩm sinh; Tăng cơ hội sảy thai hoặc thai lưu.

Nếu thiểu ối được phát hiện trong nửa cuối thai kỳ, biến chứng có thể gồm: Hạn chế tăng trưởng ở bào thai; Sinh non; Biến chứng khi chuyển dạ và phải đề nghị mổ đẻ; thậm chí dẫn tới tử vong thai nhi.

Điều trị: Tùy thuộc vào từng giai đoạn của thai nhi mà có hướng điều trị thiểu ối.

- Trong 3 tháng đầu: Cần xác định nguyên nhân, có thể chấm dứt thai kỳ một khi phát hiện nguyên nhân từ mẹ hay từ phôi thai, sau đó cần điều trị nguyên nhân một cách triệt để, đặc biệt là bệnh lý từ mẹ.

- Trong 3 tháng giữa: cũng cần xác được nguyên nhân gây ra thiểu ối, đặc biệt là bệnh lý bất sản hệ niệu của thai nhi hay đi kèm dị tật bẩm sinh nặng cần thiết có thể chấm dứt thai kỳ, một khi đã xác định rõ nguy cơ dị tật nhiều và mức độ nặng.

- 3 tháng cuối thai kỳ: nằm nghỉ, uống nhiều nước mỗi ngày trung bình 3 lít nước khoáng hoặc nhập viện truyền dịch để tăng lưu lượng máu đến tử cung. Siêu âm đo chỉ số ối 1 - 2 lần/tuần cho đến lúc sinh. Chấm dứt thai kỳ khi thai được 37 tuần hay các xét nghiệm đánh giá sức khỏe thai không đảm bảo.

Tống Minh Tùng
Tống Minh Tùng
Trả lời 8 năm trước

Nước ối là một môi trường giàu chất dinh dưỡng, có khả năng tái tạo và trao đổi, có vai trò quan trọng đối với sự sống và phát triển của thai nhi trong tử cung.
Bình thường thể tích nước ối khoảng 30ml ở thai 10 tuần, 1.000ml ở thai 34-36 tuần, sau đó có khuynh hướng giảm dần còn 600-800ml vào tuần thứ 40 hoặc khi chuyển dạ sinh.
Ngay từ đầu thai kỳ, nước ối đã có chức năng nuôi dưỡng phôi thai, cân bằng dịch nội và ngoại bào. Nước ối còn có chức năng bảo vệ, che chở cho thai tránh những va chạm, sang chấn, đặc biệt là bảo đảm môi trường vô trùng cho bé trong bọc ối.

Trong lúc chuyển dạ, nước ối tiếp tục bảo vệ thai nhi khỏi những sang chấn của cơn co tử cung và nhiễm khuẩn. Sau khi vỡ ối, tính nhờn của nước ối bôi trơn đường sinh dục của mẹ giúp thai nhi được sinh ra dễ hơn.
Thiếu ối xảy ra trong giai đoạn sớm của thai kỳ thường có tiên lượng xấu, trong khi thiếu ối ở thai quá ngày sinh thường có tiên lượng tốt hơn.
Thiếu ối ở giai đoạn 3 tháng đầu có nhiều nguy cơ sảy thai, thiểu ối trong 3 tháng giữa nguy cơ dị tật thai chiếm cao, thiếu ối trong 3 tháng cuối của thai kỳ khả năng thai nhi suy dinh dưỡng. Ngoài ra thiểu ối làm tăng nguy cơ suy thai và đẻ khó vì chèn ép dây rốn và thai khó bình chỉnh tốt trong khi chuyển dạ.
Việc của bạn bây giờ là cần một sự theo dõi rất chặt của bác sĩ chuyên khoa thường xuyên và đặc biệt là theo dõi sự phát triển của em bé, rồi theo dõi tim thai, là những dấu hiệu để đánh giá sự phát triển của thai nhi và khi theo dõi sát như vậy, khi có bất kỳ dấu hiệu nào nguy hiểm bác sĩ sẽ có những can thiệp kịp thời cho bạn. Bạn nên tập thói quen uống nhiều nước mỗi ngày trung bình 2 lít/ngày như nước khoáng, nước trái cây. Đây là biện pháp phòng ngừa được tình trạng nước ối ít hay thiếu ối, đặc biệt là những thai kỳ trong 3 tháng cuối, đồng thời kết hợp dinh dưỡng đầy đủ chất mỗi ngày.
Việc điều trị thiếu ối tùy thuộc vào từng giai đoạn của thai kỳ. Trong các trường hợp thiếu ối và có các dị dạng cấu trúc thai nhi, cần phải làm thêm các xét nghiệm để xác định các bất thường đó có khả năng điều trị hay không, cũng như có bất thường về nhiễm sắc thể hay không để có quyết định điều trị giữ thai hay đình chỉ thai nghén.
Trường hợp thai chậm phát triển trong tử cung mà không tìm được nguyên nhân thì xử trí tùy thuộc vào sự diễn tiến của tình trạng suy thai trong tử cung. Cần theo dõi sát các yếu tố chuyển dạ để có tiên lượng và xử trí kịp thời.
Do vậy, bạn cần khám thai đầy đủ và đúng lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa để phát hiện sớm và điều trị kịp thời những bất thường có thể xảy ra trong thai kỳ.