Phần mềm DU Battery Saver có thực sự tiết kiệm pin?

Phần mềm DU Battery Saver có thực sự tiết kiệm pin không các bạn nhỉ?

Mình thấy trên mạng chỗ nào cũng quảng cáo về phần mềm này mà dùng thử thấy không hiệu quả lắm.

Bạn nào dùng phần mềm này chưa, tư vấn cho mình với...

Phan Thuy
Phan Thuy
Trả lời 7 năm trước

Trong khi các công nghệ khác của điện thoại liên tục phát triển, công nghệ pin lại không có nhiều tiến bộ, và thời gian sử dụng pin của smartphone vẫn chỉ ở mức 1 – 2 ngày như bao nhiêu năm qua.

Giải pháp của các nhà sản xuất là các viên pin dung lượng cao hơn và mỏng hơn, và điều đó đã giúp nâng mức pin trung bình lên trên 1 ngày. Tuy nhiên nhiều người dùng Android vẫn muốn tận dụng pin một cách tối đa nhất, và tìm đến các giải pháp phần mềm như ứng dụng DU Battery Saver.

Đây có thể nói là ứng dụng tiết kiệm pin nổi tiếng nhất trên Android, khi nó đã có hàng trăm triệu lượt tải, và liên tục xuất hiện trên các quảng cáo (đôi khi rất khó chịu) hiển thị ở những ứng dụng khác. Điều này khiến cho nhiều người có ác cảm và không tin tưởng khả năng của DU Battery Saver (từ phần sau bài viết sẽ gọi tắt là DU).

Để có kết luận chính xác về DU, trang web Android Authority đã thực hiện một bài thử nghiệm khả năng của ứng dụng này. Họ sử dụng 3 chiếc điện thoại: ở tầm thấp là Moto G LTE, tầm trung là Huawei P9 và cao cấp là Samsung Galaxy S7 Edge, nhằm đánh giá tốt hơn về tác động của ứng dụng với các chipset và phiên bản hệ điều hành được tùy biến khác nhau. Các điện thoại được sử dụng trong 2 giai đoạn: vài ngày trước khi cài DU và vài ngày sau khi cài, ở 3 trường hợp khác nhau.

DU hoạt động như thế nào?

Giao diện của DU

Trước khi đến với phần thử nghiệm, hãy tìm hiểu về cơ chế hoạt động của DU. Khi mở ứng dụng này lần đầu, bạn sẽ được thông báo về thời lượng pin còn lại và có thể lựa chọn một trong các chế độ pin, cùng với đó là một nút "Tối ưu hóa" (Optimize) với chức năng là kiểm tra tất cả các ứng dụng và tối ưu các tác vụ chạy ngầm. Ứng dụng này cung cấp nhiều chế độ pin, trong đó có chế độ ngủ, chế độ kéo dài pin hay chế độ tùy chỉnh.

Màn hình lựa chọn chế độ pin và theo dõi sử dụng pin

DU sử dụng nhiều phương pháp để kéo dài thời gian sử dụng pin, như tắt các ứng dụng chạy ngầm và có đồng bộ, giảm độ sáng, giảm thời gian tắt màn hình, tắt các kết nối không sử dụng như Bluetooth… Các chế độ khác nhau sẽ sử dụng, kết hợp các phương pháp khác nhau, người dùng có thể chỉnh sửa chế độ phù hợp với mình.

Trong bài thử nghiệm này, các biên tập viên Android Authority sử dụng chế độ mặc định, kết hợp tắt kết nối Bluetooth. Trong ngày họ cũng bấm vào nút Tối ưu một vài lần, giống như thói quen của người dùng bình thường.

Thử nghiệm và kết quả

Ở thử nghiệm đầu tiên, các điện thoại bật một ứng dụng để giả lập việc lướt web liên tục. Có thể nói bài test này không thực sự cho thấy hiệu quả, vì phần lớn các hoạt động của ứng dụng có tác động tới các tiến trình chạy ngầm và giúp làm tăng thời gian chờ. Tuy vậy, kết quả cho thấy các điện thoại cũng có cải tiến một chút về pin sau khi cài DU.

Cả ba điện thoại đều có thêm khoảng 10 – 20 phút sử dụng sau khi cài DU. Đây là thay đổi khá nhỏ so với thời gian màn hình sáng từ 6 – 8 giờ, nhưng cũng đáng để ghi nhận.

Trong bài thử nghiệm thứ hai, các điện thoại được sạc tới 100%, bật Wi-Fi, sau đó được bật chung các app để đồng bộ dữ liệu, cũng như cho phép chung một số app được thông báo. Sau 24 giờ thì nhóm thu thập dữ liệu và tính toán để ra thời gian tổng.

Ở bài đánh giá này, các điện thoại đều được thêm vài giờ vào thời gian chờ sau khi cài DU. Moto G có sự thay đổi lớn nhất với 8 giờ, trong khi S6 Edge và P9 có thêm lần lượt 7 và 6 giờ. Mức thay đổi như vậy là đáng kể, nhưng vẫn chưa thực tế.

Bài đánh giá thứ ba mang tính thực tế cao nhất, nhưng lại ít tính khoa học nhất: 3 điện thoại được sạc đầy, sau đó sử dụng với các tác vụ như xem YouTube, chơi game, lướt web, chụp ảnh… Trước khi đi ngủ, thời gian pin (tính toán) còn lại được ghi nhận. Thử nghiệm diễn ra trong vòng 6 ngày, sau đó các kết quả được tính trung bình.

Bài test này có lẽ sẽ rất khác nhau đối với từng người dùng tùy theo nhu cầu sử dụng, nhưng trong bài test này các điện thoại đều có thời gian sử dụng mỗi ngày khoảng 4 – 5 giờ. Sau quá trình thử nghiệm, các điện thoại đều có thêm khoảng vài chục phút thời gian tính toán còn lại. Moto G kéo dài được thêm 50 phút, P9 là 30 phút (có thể do trên máy cũng đã có sẵn chế độ tiết kiệm pin), còn S7 Edge là 45 phút.

Qua các thử nghiệm, Android Authority cho rằng DU có hiệu quả nhất khi điện thoại tắt màn hình và để ứng dụng tối ưu. Khi đó DU sẽ điều tiết ứng dụng nào được phép hoạt động, giúp giảm tiêu thụ pin trong thời gian nghỉ. Dù vậy kể cả khi máy hoạt động liên tục, DU cũng có tác động dù không nhiều.

Trong thực tế sử dụng, ảnh hưởng của ứng dụng này sẽ là tùy vào cách sử dụng của mỗi người, cũng như các điều chỉnh các thiết lập của DU. Nếu bạn là người có cường độ sử dụng điện thoại trung bình trở xuống thì DU sẽ phát huy tác dụng, nhưng nếu dùng thường xuyên thì sẽ khó thấy khác biệt.

Những người dùng có nhiều kinh nghiệm có thể tìm đến các ứng dụng chuyên sâu hơn như Greenify. Còn nếu bạn có thể chấp nhận các quảng cáo khó chịu của nó, DU vẫn là ứng dụng có ích trong một phạm vi nào đó, dù không đáng kể.

Quach Thinh
Quach Thinh
Trả lời 7 năm trước

Thấy có mỗi ứng dụng máy bay là tiết kiệm pin nhất ))

Tieu Nhuong
Tieu Nhuong
Trả lời 7 năm trước

Tâm lí người dùng thôi, dùng cẩn thận tắt ứng dụng chạy ngầm, đồng bộ dữ liệu, hiểu một chút về điện thoại là được, cài app này vào tổ mất công làm theo nó

Ton Lap
Ton Lap
Trả lời 7 năm trước

Cá nhân mình dùng dt thì thấy có Greenify là tiết kiệm pin nhất ! vnreview emoticon

Tuong Kinh
Tuong Kinh
Trả lời 7 năm trước

Xài mấy cái này tốn ram tốn pin thêm...chỉ nên xài phầm mềm tiết kiệm pin có sẵn trên điện thoại