Cách chọn mua màn hình LCD cũ cho máy tính để bàn ?

Tôi muốn mua một màn hình lcd cũ nhung không biết cách chọn lua và kiểm tra. ai có kinh nghiem về lỉnh vực này xin giúp đỡ tôi với.

ghjhgj
ghjhgj
Trả lời 12 năm trước

Khi đi mua hàng cũ, điều người tiêu dùng quan tâm đầu tiên thường là thương hiệu và hình thức bên ngoài. Bạn sẽ chọn cái nào trong một loạt màn hình của các hãng nổi tiếng quen thuộc và những cái tên không quen khác? Những tên tuổi nổi tiếng như: HP, IBM, Dell, Nec, Samsung, Hitachi... vẫn luôn được quan tâm cho dù đó là màn hình cũ. Thế nhưng sự thật làm giật mình nhiều người, hầu hết màn hình LCD cũ đều đã được người bán “can thiệp” chút ít để... dễ bán hơn. Từ một màn hình cũ, lem luốc và không cần biết xuất xứ cũng như nhà sản xuất, sau khoảng 30 phút sẽ được hô biến thành một màn hình mới tinh mang một thương hiệu nổi tiếng. Nói tóm lại, khi đi mua màn hình LCD cũ bạn không nên để chuyện thương hiệu ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng của mình.

Công nghệ LCD vẫn còn khá mới mẻ ở nước ta nên bạn có thể yên tâm về việc người bán hàng rất khó có thể can thiệp sâu vào phần cứng. Vấn đề còn lại chỉ là đôi mắt của bạn để lựa chọn màn hình tốt nhất mà thôi. Việc quan trọng đầu tiên khi xem xét hoạt động của một màn hình LCD bất kỳ là màu sắc hiển thị của nó như thế nào. Bạn nên thay đổi nhiều hình desktop khác nhau và quan sát kỹ ở từng vị trí để xem màu sắc có được hiển thị tốt và hài hòa hay không. Chú ý: thường các màn hình cũ đều có đèn cao áp chiếu từ phía dưới lên nên phần dưới màn hình sáng hơn phần trên. Tiếp theo, bạn phải để ý nét chữ xuất hiện trên màn hình. Nếu các nét chữ rõ ràng và sắc nét là tốt, còn nếu bị nhòe, khi nhìn dễ bị nhức mắt thì bạn nên đổi ngay cái khác, không nên tiếp tục thử nữa.

Vấn đề tiếp theo mà bạn cần để ý kỹ là thời gian đáp ứng - thời gian chuyển đổi từ màu trắng thành màu đen và trở lại màu trắng - của màn hình. Những màn hình mới nhất hiện nay có thể cho thời gian đáp ứng lên đến hai phần nghìn giây, nhưng đối với các màn hình cũ thường khá chậm, khoảng 12 phần nghìn giây trở lên. Do đó, bạn nên lựa chọn màn hình nào có thời gian đáp ứng càng nhanh càng tốt. Bạn có thể thử bằng cách chiếu một đoạn video và theo dõi sự chuyển đổi giữa các hình ảnh. Nếu thấy hình bị giật nhiều thì thời gian đáp ứng của màn hình đó là khá chậm.

Màn hình LCD còn có một đặc điểm nữa mà bạn cần phải xem xét là góc nhìn. Đối với màn hình CRT truyền thống, bạn có thể nhìn rõ hình ảnh trên màn hình từ mọi góc độ nhưng với LCD lại không như vậy. Góc nhìn trong màn hình LCD là khá hạn hẹp. Các màn hình cũ lại càng hẹp hơn vì vào thời điểm nó được sản xuất, công nghệ lúc bấy giờ vẫn chưa khắc phục được các nhược điểm này. Do đó, bạn hãy thay đổi các góc nhìn khác nhau khi xem hình ảnh trên màn hình. Hãy chọn màn hình nào có góc nhìn càng rộng càng tốt.

Khi đi mua màn hình cũ, hẳn bạn đã được nghe nhắc nhiều đến điểm chết. Tuy nhiên, đây là vấn đề mà bạn có thể kiểm tra một cách dễ dàng. Bạn chỉ việc thay đổi màn hình desktop thành màu trắng và màu đen, quan sát kỹ để tìm các điểm chết tối (màu đỏ) và điểm chết sáng (màu trắng). Nếu số lượng điểm chết nhỏ hơn ba thì hoàn toàn chấp nhận được vì đây là sai số cho phép trong sản xuất màn hình LCD. Còn nếu nhiều hơn và ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh thì bạn không nên mua để tránh rước của nợ.

Trong khi xem xét màn hình định mua, hãy tìm ngày sản xuất của màn hình đó (thường ở phía sau màn hình). Ngày sản xuất càng gần với hiện tại càng tốt. Theo thống kê kỹ thuật, một màn hình LCD có tuổi thọ trung bình khoảng sáu năm nếu hoạt động thường xuyên. Trong khi đó, các màn hình cũ đều đã được sản xuất khá lâu. Do vậy, nếu chẳng may bạn chọn phải màn hình được sản xuất năm 2000, biết đâu về dùng được vài tháng thì hư, coi như đem tiền đổ sông đổ biển.

fghgfshh
fghgfshh
Trả lời 12 năm trước

Do đặc điểm gọn gàng ít choán chỗ và chất lượng hình ảnh cao, giá cả ngày càng rẻ nên ngày càng có nhiều người trang bị màn hình LCD cho công việc của mình. Tuy nhiên việc chọn mua một màn hình LCD vừa ý và chất lượng tốt không đơn giản. Nếu có nhu cầu, bạn có thể tham khảo 10 điều dưới đây.

1. Kích thước màn hình (Screen size):

Không giống với màn hình CRT thường có vùng làm việc (Viewable area) nhỏ hơn kích thước thực, màn hình LCD có vùng làm việc chính xác bằng kích thước thực (đường chéo), do vậy màn hình LCD 17" sẽ có vùng làm việc đúng bằng 17".

Một số loại màn hình LCD chế tạo đặc biệt cho nhu cầu xem phim thường được gọi là Wide screen (màn ảnh rộng), có chiều ngang dài hơn và chiều dọc hẹp hơn màn hình thông thường. Đối với những loại này, cách tính kích thước theo đường chéo vẫn đúng nhưng độ phân giải chuẩn cũng như diện tích hiển thị hơi khác một chút.

2. Độ phân giải (Resolution):

Khác với CRT, mỗi loại LCD đều có một độ phân giải tối ưu tương ứng (do số lượng điểm ảnh định sẵn trên mỗi tấm LCD được sản xuất ra). Vì vậy, bạn sẽ không bao giờ thiết lập được độ phân giải cao hơn độ phân giải tối ưu. Dĩ nhiên bạn có thể bắt LCD hiển thị ở độ phân giải thấp hơn, tuy nhiên chất lượng hình sẽ xấu hơn.

Bạn nên chọn lựa loại màn hình sao cho phù hợp với card đồ họa của mình, nhất là khi bạn thường giải trí bằng các trò chơi máy tính. Nếu bạn mua màn hình 17" mà card đồ họa không thể “chơi” nổi game ở độ phân giải 1280 x 1024 thì kết quả sẽ không được như ý.

3. Tốc độ làm tươi (Refresh rate):

Điều đầu tiên bạn nên biết là màn hình LCD không bị nhấp nháy khi để tần số refresh quá thấp như màn hình CRT. Mặc dù tất cả các nhà sản xuất màn hình LCD thường khuyến cáo người dùng rằng sản phẩm của họ có Refresh rate tối ưu là 60Hz (con số này sẽ làm cho bạn nhức mắt và đau đầu trong vài phút nếu dùng màn hình CRT) nhưng đa số màn hình LCD đều hỗ trợ tần số 75Hz.

Việc thiết lập tốc độ làm tươi ở 75Hz có thể không tạo ra sự khác biệt nào trên màn hình desktop cũng như khi sử dụng ứng dụng văn phòng, tuy nhiên khi bạn sử dụng các ứng dụng đồ họa 3D hoặc xem phim, hình ảnh sẽ mượt hơn rất nhiều.

Nếu để Refresh rate khác với 60Hz, một số màn hình có thể bị mờ, bạn hãy tìm tính năng Auto Adjust để màn hình tự động chỉnh lại nét (hầu hết màn hình LCD đều có tùy chọn này).

4. Tần số đáp ứng (Response rate):

Tần số đáp ứng của màn hình LCD được tính bằng tổng thời gian một điểm ảnh sáng lên và sau đó tắt đi. Thường thì thời gian bật (Rising time) nhanh hơn thời gian tắt (Falling time). Bật tắt ở đây không có nghĩa như từ On/Off thông thường mà là thời gian để một màu hiện lên trên 1 điểm ảnh (pixel) và thời gian để màu đó hoàn toàn biến mất.

Do thời gian tắt thường chậm hơn thời gian bật nên mới có hiện tượng bóng ma (Ghosting), tức là màu cũ chồng lên màu mới, hay nói cách khác là hình cũ chồng lên hình mới - do màu cũ chưa kịp nhạt thì điểm ảnh đã phải theo lệnh của card đồ họa hiển thị một màu mới.

Trong khi chơi game hay coi phim hành động, có những khoảnh khắc nào đó card màn hình yêu cầu hiển thị màu quá nhanh, điểm ảnh có thể phản ứng không kịp, rơi vào trạng thái hiển thị 2 màu cùng lúc.

Do đó khi bạn lựa chọn màn hình theo Response time thì phải cộng hai thông số đó lại mới được con số chính xác. Bạn nên lưu ý hai loại 16ms và 20ms có hiệu năng khác biệt nhau không nhiều.

5. Độ tương phản (Contrast):

Tỉ lệ tương phản là sự khác biệt giữa màu sáng trắng mạnh nhất và màu tối nhất trên màn hình. Một màn hình LCD có độ tương phản cao sẽ cho màu sắc hình ảnh đẹp hơn. Các chi tiết sẽ xuất hiện rõ ràng hơn.

Các loại màn hình LCD trên thị trường có độ tương phản từ 200:1 tới 700:1 và thông dụng trong khoảng 350:1 và 500:1. Bạn nên chọn loại có độ tương phản từ 350:1 trở lên.

6. Góc nhìn (Viewing angles):

Nếu đã từng nhìn qua màn hình LCD, bạn sẽ nhận thấy khi nhìn lệch đi một góc, màu sắc trên màn hình sẽ bị biến đổi, Ở một số loại màn hình rẻ tiền, có thể bạn sẽ không còn nhìn thấy gì nữa.

Tuy nhiên góc nhìn không phải là yếu tố quan trọng nhất để chọn màn hình LCD vì đa số người dùng máy tính đều ngồi trực diện màn hình, tuy đôi lúc có thể hơi lệch một chút nhưng việc đó không gây khó khăn gì lắm đối với các loại LCD hiện đại.

Góc nhìn của LCD được xác định theo chiều dọc và chiều ngang, tuy nhiên bất kể màn hình có thông số thế nào, bạn chỉ nhìn thấy hình ảnh đẹp nhất khi ngồi chính diện mà thôi. Một màn hình có góc nhìn 160 độ chiều dọc / ngang sẽ đủ cho thêm một vài người nữa xung quanh cũng nhìn thấy nội dung hiển thị rõ ràng.

7. Giao tiếp tương tự (D-Sub) và giao tiếp số (DVI):

Tất cả các loại màn hình LCD đều được kết nối với máy tính thông qua một trong hai kiểu giao tiếp - tương tự qua ngõ VGA thông dụng và số qua cổng DVI hiện được hỗ trợ trên các card đồ họa cao cấp.

Để sử dụng giao tiếp DVI, bạn phải có cổng DVI trên màn hình và trên máy tính. Một cáp DVI sẽ đảm nhận việc nối hai cổng này lại với nhau. Một số loại màn LCD mặc dù có hỗ trợ giao tiếp DVI nhưng lại không bán kèm cáp. Bạn nên tính toán trước khi mua vì giá của nó không rẻ.

Tuy nhiên với giao tiếp số DVI, bạn sẽ có chất lượng hình ảnh cao và nét hơn. Mặc dù sự khác biệt không lớn nhưng để ý thật kỹ, có thể bạn sẽ vẫn nhận ra. Sự khác biệt này do khi dùng giao tiếp tương tự, tín hiệu số từ card đồ họa phải chuyển qua dạng tương tự, đi qua dây cáp rồi lại phải chuyển về dạng số trước khi xuất ra màn hình.

8. Độ sáng (Brightness):

Tất cả các loại màn hình LCD đều sáng hơn rất nhiều so với CRT, có thể bạn sẽ cảm thấy khá nhức mắt khi mới làm việc với LCD. Tuy nhiên một khi đã quen, bạn sẽ cảm thấy LCD nhìn rất “sướng”. Một chi tiết mà bạn cần chú ý đó là độ sáng mặc định của các màn hình khi xuất xưởng đều giống nhau.

Ví dụ, các màn hình Hitachi đều có độ sáng ở mức tối đa 100% và thiết lập này sẽ làm bạn cảm thấy nhức mắt rất nhanh. Hãy kiểm tra thiết lập và đảm bảo nó được đặt ở mức phù hợp, thường thì vào khoảng 50-60 là vừa (tùy vào độ sáng môi trường). Một số trò chơi có thể sẽ rất tối khi bạn sử dụng màn hình LCD, để khắc phục bạn phải thay đổi một thông số cũng liên quan đến độ sáng là gamma.

9. Nguồn sáng phụ (Back light source):

Các loại màn hình LCD đều có một nguồn sáng từ phía sau vì nếu không màn hình sẽ tối om và bạn hầu như không thể nhìn thấy gì. Mặc dù các nhà sản xuất LCD có thể dùng chung tấm màn hình LCD nhưng đèn Back light không giống nhau. Nếu như hai loại màn hình dùng chung tấm LCD (ví dụ Hitachi và NEC) mà có độ tương phản khác nhau, rất có thể chúng dùng đèn Back light khác nhau.

Với công nghệ hiện đại, tuổi thọ của đèn Back light có thể lên tới hơn 40.000 giờ. Con số này có thể hơi mơ hồ nhưng bạn có thể hình dung nếu bật màn hình LCD 24/24, bạn sẽ dùng được khoảng 5 năm trước khi có hiện tượng màn bị tối dần do đèn bị lão hóa. Màn hình càng cũ càng ngả sang màu vàng và sẽ tối từ bốn góc vào trong.

Vì đèn Back light rất sáng nên ở một số loại màn hình rẻ tiền, có thể người dùng sẽ nhận thấy hiện tượng “rò” ánh sáng ở đường viền (backlight leakage), bạn sẽ dễ nhận thấy nó nhất khi để màn hình hiển thị toàn màu đen. Với các loại LCD tốt, hiện tượng này hầu như không xảy ra.

10. Điểm ảnh chết:

Điểm ảnh chết là khi điểm ảnh chỉ có khả năng hiển thị một màu nhất định (xanh, đỏ hoặc xanh da trời). Để nhận biết các điểm ảnh bị chết, đơn giản nhất là bạn hãy để nền ảnh tối hoặc đen hoàn toàn, những điểm ảnh chết sẽ nổi bật.

Nếu không chấp nhận được điểm ảnh chết, bạn có thể gửi trả sản phẩm để đổi cái khác. Bạn hãy yêu cầu nơi bán kiểm tra màn hình thật kỹ trước khi mua về (nếu là mua trực tiếp). Bạn cũng cần phải chú ý là trong một số trường hợp, điểm ảnh chỉ “chết” trong khoảng 10 đến 15 phút và biến mất sau đó.

Để xử lý các điểm ảnh gặp trục trặc, bạn có thể “mát xa” nhẹ phần màn hình quanh điểm ảnh đó và có thể nó sẽ “hồi sinh”. Tuy nhiên kỹ thuật này phải được thực hiện rất cẩn thận và không nên lạm dụng bởi có thể gây tổn hại vĩnh viễn tới bề mặt LCD vốn rất mong manh.