Nguyên văn bản tường trình về việc chiếc trống thần của đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội bắt đầu bị hư hỏng?

 

V/v bảo vệ an toàn cho chiếc trống  1000 năm
đặt tại Hoàng Thành Thăng Long HN Số :01

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2010

 

 

 

Kính gửi:

- Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội

-Lãnh đạo trung tâm bảo tồn di tích Cổ loa - Thành cổ Hà Nội

-Lãnh đạo Hiệp hội thủ công mỹ nghệ làng nghề TP Hà Nội

-Lãnh đạo các ban ngành có liên quan.

      Chúng tôi gồm có:

Ông Lê giang Tô, Phó chủ tịch Hiệp hội thủ công mỹ nghệ làng nghề Tp Hà Nội, -người đề xuất ý tưởng sáng tạo và nguyên là trưởng ban chỉ đạo chương trình dâng tiến chuông chiêng trống lên Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội nhân đại lễ kỷ niệm 1000 năm , nhân sự kiện Hoàng Thành được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Và cũng là người bỏ tiền cá nhân ra thuê làm chiếc trống này để cung tiến cho HoàngThành.

Ông Phạm Chí Tịnh, nghệ nhân làng truyền thống làm trống Đọi Tam-Duy Tiên -  Hà Nam, người cùng với các thợ giỏi của làng được  giao thực hiện chế tác chiếc trống này suốt 3 tháng liền.

Chúng tôi cùng nhau đề đạt và kiến nghị với các quí lãnh đạo một việc hệ trọng như sau :

Kể từ khi đại lễ hội 1000 năm kết thúc : chiếc trống thần của đại lễ với  đường kính 3,15m, có thể nói là to nhất Việt nam và Đông Nam Á, là niềm tự hào dân tộc , di sản văn hóa truyền thống tâm linh của cộng đồng nhân dân lao động , cộng đồng làng nghề thủ đô sau khi đánh mở màn và kết thúc  lễ hội, đã được đặt trang trọng trong điện kính Thiên Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội . Tuy nhiên chiếc trống này cho đến nay đã hơn hai tháng vẫn đang để ngoài trời phải gồng mình chịu mưa nắng khắc nghiệt của thời tiết.Trống được làm bằng lõi gỗ mít, da trâu sống, những thứ này phải sưu tầm đặt hàng trong cả nước Việt nam suốt mấy tháng mới tìm được để làm trống.Nhưng để ngoài trời phủ bạt như thế chỉ một tháng là hỏng.

Hiện nay chiếc trống này bắt đầu hỏng phần da bịt mặt do xâm thực của nước mưa, nắng gió và ẩm mốc.

Tuổi thọ của chiếc trống này nếu được bảo quản tốt có thể lên tới 300 năm.Nhưng chỉ sau 2 tháng không được bảo quản như hiện nay, nó đã bắt đầu hỏng.

Là những người trực tiếp làm nên chiếc trống này , trực tiếp cung tiến cho điện Kính Thiên Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội, đứng trước tình hình như vậy , quá đau lòng và xót xa trước sự sắp ra đi và biến mất của một di sản văn hóa, chúng tôi báo cáo lên các quí lãnh đạo để có biện pháp kịp thời nhằm cứu vãn và bảo tồn chiếc trống tâm linh này.

Đề nghị của chúng tôi là phải chuyển chiếc trống vào trong nhà, có mái che và cho sửa chữa phục chế lại những chỗ  mốc hỏng, có chế độ bảo quản thường xuyên để kịp thời giữ lại cho con cháu mai sau di sản văn hóa, dấu ấn của 1000 năm Thăng Long Hà Nội.

Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn các quí lãnh đạo và kính mong các quí vị lãnh đạo nhanh chóng xem xét ra quyết địch kịp thời trước khi chiếc trống này bị hư hỏng hoàn toàn

 

 

.

  Nơi gửi:

- Như trên, 

- Đại diện các tổ chức, ban, ngành  có liên quan, 

- Lưu  

 

TM.Những người làm và dâng ,cúng tiến trống chuông chiêng lên Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội

 

 

 

                                     Bác sỹ : Lê Giang Tô

 

 

               Nghệ nhân làm trống : Phạm Chí Tịnh

nguyễn tuyết mai
nguyễn tuyết mai
Trả lời 13 năm trước

Nội dung phản ánh trên báo vnexpress.net

http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/12/3BA23FA4/

Trống lớn nhất Việt Nam hư hỏng sau đại lễ

Hai tháng sau đại lễ, trống Sấm, chiếc trống lớn nhất Việt Nam do Hiệp hội thủ công mỹ nghệ làng nghề thành phố Hà Nội cung tiến cho Hoàng thành Thăng Long bắt đầu hư hỏng.

Trống Sấm được đánh vào lễ khai mạc và kết thúc đại lễ 1000 năm Thăng Long. Ảnh: Hoàng Hà.

Ông Lê Giang Tô, Phó chủ tịch Hiệp hội thủ công mỹ nghệ làng nghề thành phố Hà Nội, nguyên trưởng ban chỉ đạo chương trình dâng tiến chuông, chiêng, trống lên Hoàng thành Thăng Long cho biết, sau đại lễ, chiếc trống vẫn nằm ở sân điện Kính Thiên, gánh chịu mưa nắng khắc nghiệt của thời tiết.

Theo ông Tô, chiếc trống có đường kính 3,15 m, to nhất Việt Nam và có thể là cả Đông Nam Á. Trống được làm bằng lõi gỗ mít, da trâu sống, những thứ phải sưu tầm cả nước, đặt hàng mấy tháng mới có được. Suốt 3 tháng, nghệ nhân Phạm Chí Tịnh cùng các thợ giỏi của làng Đọi Tam (Duy Tiên, Hà Nam) mới hoàn thành chiếc trống để cung tiến cho Hoàng Thành vào dịp đại lễ.

Mặt trống đã bắt đầu bong và mốc. Ảnh: Hoàng Thùy.

"Nếu được bảo quản tốt, trống có tuổi thọ khoảng 300 năm. Nhưng hiện trống bắt đầu hỏng phần da bịt mặt do xâm thực của nước mưa, nắng gió và ẩm mốc. Là người trực tiếp cung tiến cho Hoàng Thành, tôi vô cùng xót xa khi thấy nét văn hóa tâm linh của người Việt Nam không được coi trọng, ngày một hư hỏng", ông Tô ngậm ngùi.

Ngày 4/12, ông Lê Giang Tô và nghệ nhân Phạm Chí Tịnh đã có đơn gửi lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, lãnh đạo Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội phản ánh tình trạng hư hỏng và đề nghị có biện pháp kịp thời nhằm cứu vãn, bảo tồn chiếc trống tâm linh này.

Sau lá đơn của ông Tô, ngày 8/12, chiếc trống thần vẫn được đặt ở điện Kính Thiên trong Hoàng thành Thăng Long, được phủ bạt che. Kéo tấm bạt ra, rất dễ nhận thấy mặt trống lấm tấm mốc, nhiều nét hoa văn phai màu. Giá trống xuất hiện nhiều vết nứt.

Giá trống đã bị nứt toác, nham nhở. Ảnh: Hoàng Thùy.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Phan Duy Thắng, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội thừa nhận, việc bảo quản trống chưa tốt. Tuy nhiên, theo ông Thắng, khu di tích đang thực hiện quy hoạch nên chưa biết để trống ở vị trí nào. Mặt khác, do trống quá cao nên không thể đặt vào trong phòng ở khu di tích.

Ông Thắng cho hay, hiện nay mỗi khi trời mưa nhân viên sẽ mang bạt che cho trống, nắng lại tháo ra. "Đúng là lấy bạt che tạm về lâu dài là không ổn, trống cũng đã có những vết nứt, ẩm mốc. Sắp tới chúng tôi sẽ yêu cầu đơn vị thiết kế nhà bạt để bảo quản", ông Thắng nói.

Trống Sấm có đường kính 3,15 m, được sơn son, có hình rồng vờn mây, uốn lượn. Đây được coi là chiếc trống thần, đánh khai hội và kết thúc đại lễ.

Hoàng Thùy