Ước vọng chân chính về Hình ảnh Người Thầy hiện đại!

Thời đại của công nghệ, với những kiến thức cơ bản chỉ cần một cái click chuột là chúng ta có thể tìm được nên người thầy không còn nhiệm vụ đơn thuần là cung cấp kiến thức cho học sinh nữa. Cái quan trọng hơn, cần đến những người thầy chính là phương pháp tư duy mà họ cung cấp cho học sinh. Như vậy, người thầy không nhất thiết phải là một kho kiến thức sống mà cần có hệ thống tư duy tốt để có thể hướng dẫn được cho học sinh những bài học sinh động và hấp dẫn nhất? Quan điểm của bạn xoay quanh vấn đề này. Các phụ huynh đang có con cắp cặp đến trường mong ước gì về hình mẫu những người thầy hiện đại, những người sẽ chắp cánh cho con cái họ vững vàng bước vào đời? Chị Lý Hải Yến – Bộ Ngoại giao: “Hãy tạo cho học trò ước mơ chứ không phải sự khiếp sợ” Chị Lý Hải Yến Thầy cô giáo là vô cùng quan trọng. Con tôi đang ở tuổi hình thành tính cách nhưng vì cháu học bán trú nên thực sự là thời gian cháu tiếp xúc với các thầy cô còn nhiều hơn thời gian ở với bố mẹ. Chính thế nên các cô sẽ phải đóng rất nhiều vai, không chỉ là người thầy mà còn là mẹ, là anh chị. Tôi nghĩ các thầy cô không chỉ cần giỏi kiến thức chuyên môn, sách vở mà còn cần làm mới mình cả trong kiến thức xã hội nữa. Trước hết, tôi rất mong các thầy cô có tấm lòng bao dung với các cháu. Đừng vì các cháu nghịch ngợm mà mắng các cháu là “đồ mất dạy”. Các thầy cô nên tạo cho học trò những ước mơ, những niềm hy vọng chứ không phải sự khiếp sợ. Các cô đưa chúng vào nền nếp để cho chúng tự do sáng tạo chứ không phải đóng khuôn trong bất cứ cái hộp nào hết. Mới đây tôi có xem một bộ phim nước ngoài: Có một cậu học trò rất nghịch ngợm và phá phách. Trong một buổi biểu diễn ca nhạc của các bạn, cậu đã bí mật cho vào nhạc cụ những chất bột khiến cho khi biểu diễn, các bạn bị sặc, buổi biểu diễn hỏng. Nhưng thầy giáo gọi cậu bé ấy lên và nói: Em đã sai khi làm như vậy. Nhưng thầy vẫn muốn cử em tham gia ban nhạc đó để tham dự cuộc thi rất quan trọng với một trường khác. Cậu bé đó tham gia, dù đã hòa nhập hơn với các bạn nhưng rốt cuộc cậu vẫn phá hỏng buổi diễn quan trọng của các bạn. Tôi cứ nghĩ rằng cậu bé sẽ bị đuổi học nhưng rồi thầy giáo lại gọi cậu lên và nói: em đã làm điều sai nhưng các thầy tham gia đoàn đi biểu diễn nói rằng em có tiến bộ hơn. Từ đó, cậu bé dần dần hối cải, hòa nhập với các bạn và thôi không phá phách nữa. Tôi mong muốn mỗi thầy cô ở nước ta đều có tấm lòng như vậy. Chị Nguyễn Thị Thuận – Kim Mã Thượng – Hà Nội: “Thầy không phải kho kiến thức sống nhưng phải có hệ thống tư duy tốt” Tôi nghĩ rằng, hình ảnh thầy giáo vốn là một hình ảnh rất đẹp thế nhưng thời gian gần đây những vụ vi phạm đạo đức nhà giáo liên tiếp xảy ra đã khiến cho những phụ huynh như chúng tôi mất đi phần nào sự tin tưởng vào những người thầy người cô và rõ ràng, hình ảnh nhà giáo ít nhiều bị ảnh hưởng. Hình ảnh người thầy của thời hiện đại cần phải thay đổi cho phù hợp với thời đại mới chứ không thể như ngày xưa nữa. Thời tôi đi học, người thầy gần như có một quyền năng tuyệt đối đôi khi hơi cứng nhắc, khiến cho học sinh luôn có cảm giác sợ. Thầy còn nghiêm hơn cả cha mẹ ấy chứ, ở nhà có khi bố mẹ nói không nghe nhưng đến lớp thầy cô nói thì sợ một phép. Còn người thầy hiện đại thì không nên như thế. Người thầy phải là người bạn để học trò có thể chia sẻ, là người bạn đồng hành của học sinh. Thời đại của công nghệ, với những kiến thức cơ bản chỉ cần một cái click chuột là chúng ta có thể tìm được nên người thầy không còn nhiệm vụ đơn thuần là cung cấp kiến thức cho học sinh nữa. Cái quan trọng hơn, cần đến những người thầy chính là phương pháp tư duy mà họ cung cấp cho học sinh. Như vậy, người thầy không nhất thiết phải là một kho kiến thức sống mà cần có hệ thống tư duy tốt để có thể hướng dẫn được cho học sinh những bài học sinh động và hấp dẫn nhất. Và điều quan trọng nhất, người thầy vẫn phải là tấm gương cho học sinh noi theo. Nghĩa là người thầy cần có niềm đam mê và xác định được nghĩa vụ và trách nhiệm với nghề nghiệp cao quý mà mình đang theo đuổi. Không nên nghĩ rằng mình là người có quyền năng tuyệt đối nữa mà hãy tự coi mình là người dẫn đường tận tuỵ cho học sinh. Có như vậy, họ mới có thể làm tốt nhất nhiệm vụ của một nhà giáo. Chị Cung Phương Lê: “Chỉ cần các thầy cô tự nâng cao trình độ của mình” Chị Cung Phương Lê Tôi có hai đứa con, một cháu lớp 11 và một cháu lớp 5, cả hai cháu đang học trong những trường công lập của nhà nước. Đã cho con đi học, ai cũng mong muốn thầy cô giáo sẽ tận tâm hết lòng với con cái mình. Con tôi đi học để lấy kiến thức nên điều đầu tiên tôi mong các thầy cô sẽ là những người giỏi giang để có thể dạy dỗ các cháu. Quan trọng hơn, tôi nghĩ rằng người thầy của con tôi phải là tấm gương đạo đức cho các con tôi học tập theo. Ngày xưa các cụ nhà mình vẫn dạy “Không thầy đố mày làm nên” nhưng các cụ cũng nói “Học thầy không tày học bạn” nghĩa là dù thế nào đi chăng nữa vị trí của người thầy vẫn rất quan trọng. Thời bây giờ các cháu có thể học qua rất nhiều phương tiện khác chứ không chỉ riêng những kiến thức mà người thầy cung cấp thế nhưng vai trò của người thầy vẫn không thể nào thay thế được. Các thầy phải chỉ cho bọn trẻ biết cái gì đúng cái gì sai, phải định hướng cho chúng nó. Tôi nghĩ rằng hình ảnh người thầy không cần thay đổi nhiều, chỉ cần thầy cô tự nâng cao trình độ của mình để có thể chỉ dẫn cho các em và quan trọng hơn tất cả những người thầy hãy xác định vị trí cao quý của mình đi đôi với trách nhiệm và tâm huyết với nghề, với học sinh mà thôi. Nếu như gia đình tôi có khả năng thì tôi vẫn cho con theo học hệ thống giáo dục công lập của Việt Nam. Tôi nghĩ rằng đặt niềm tin vào giáo dục nước nhà cũng là một cách để động viên các thầy cố gắng hơn. Hơn nữa, những trường quốc tế làm sao có thể đáp ứng hết nhu cầu của cả triệu học sinh Việt Nam được”. Anh Nguyễn Văn Hùng – Lê Trọng Tấn - Hà Nội: “Các thầy cô không thể tụt hậu hơn học trò được” Cái thời ngồi trên ghế học trò của tôi chưa phải là xa lắm. Thời đó, đất nước còn nghèo, mặc dù các học trò vẫn yêu quý các thầy cô giáo nhưng phải nói thực là chúng tôi đã nghĩ rất khác về các thầy cô. Lúc đó đã có chuyện bố mẹ biếu xén quà cáp cho thầy cô để con được ưu ái hơn. Chẳng ai đưa phong bì nhưng đứa nào mà có bố mẹ hay đi nước ngoài, mang được những đồ lạ về biếu thầy cô thì đứa đó chắc chắn là được yêu quý hơn. Khi lớn hơn lên, chúng tôi còn nảy sinh ý nghĩ là các thầy cô là những người lạc hậu. Lúc nào các thầy cô cũng giảng những bài dạy đó, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Ví dụ như giờ học giáo dục công dân là những giờ chúng tôi ghét nhất. Những lý thuyết về giáo dục công dân đã cũ mòn, học sinh chỉ nghe chứ chẳng tiếp thu được gì vào đầu vì chẳng có gì thực tế cả. Trong khi đó, chỉ đọc cuốn sách như Những tấm lòng cao cả, chúng tôi có thể học được biết bao đạo đức sống trong đó. Bây giờ, trẻ con còn tiến bộ hơn chúng tôi thời xưa nhiều. Sách vở bây giờ ê hề, TV suốt ngày, ở thành phố lại có rất nhiều nhà có internet, chúng học được rất nhiều thứ ở ngoài nhà trường, nên chúng tiến bộ rất nhanh. Con tôi mới học lớp 2 bán trú. Hôm trước cháu đi học về, kể với tôi rằng: “Hôm nay trong giờ ngủ trưa, cô mắng con vì con nói chuyện với bạn nằm cạnh. Cô bảo con là gây mất trật tự làm ảnh hưởng tới các bạn khác nhưng con chỉ nói chuyện với một bạn thôi, chỉ làm ảnh hưởng tới bạn đó thôi, trong khi cô quát con ầm lên, làm ảnh hưởng tới tất cả các bạn khác đang ngủ”. Học trò bây giờ là như thế đó. Chúng ta không thể trách và phải mừng vì điều đó. Vì thế, các thầy cô muốn giữ được sự kính trọng, yêu mến của học sinh thì phải tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho mình, nâng cao ý thức về trách nhiệm người thầy, về lương tâm nhà giáo. Các thầy cô phải luôn luôn tự hoàn thiện mình vì đã là các thầy các cô thì không thể tụt hậu hơn học trò được. Vũ Thị Mai Liên – Sinh viên Lịch sử K53 – Đại học Sư phạm Hà Nội: “Người thầy nên giống như một thủ lĩnh nhóm” Vũ Thị Mai Liên Trong quan điểm của em và bố mẹ em thì nghề giáo là một nghề rất cao quý. Ngay từ hồi học phổ thông em đã mơ ước trở thành cô giáo. Mặc dù bố mẹ em đều là công an nhưng khi thi đại học em đã chọn thi vào trường sư phạm. Trong kí ức của em, hình ảnh cô giáo đã dạy em suốt 5 năm cấp 1 là một người rất nghiêm khắc, dạy giỏi và rất tâm huyết với học sinh. Hồi đó bọn em có cảm giác hơi sợ nhưng cũng rất kính trọng cô giáo của mình. Cô chưa bao giờ dùng đến vũ lực để giải quyết bất kì vấn đề gì trong lớp. Trong mỗi trường hợp cô đều có cách giải quyết nhẹ nhàng, khéo léo nhưng cũng rất hiệu quả. Có thể nói rằng, chính những hình ảnh đẹp của cô – cô giáo đầu tiên của em đã khiến em nuôi ước mơ trở thành một nhà giáo. Cho đến thời điểm này thì cô không còn là hình mẫu lý tưởng của người giáo viên mà em hướng tới nữa. Hình ảnh người thầy của thời đại bây giờ về cơ bản vẫn phải là những người có khả năng truyền đạt kiến thức và có đạo đức tốt nhưng không quá xa xôi với học sinh. Em rất thích hình ảnh của người thầy hiện đại giống như một thủ lĩnh nhóm. Nghĩa là không nhất thiết người thầy ấy phải giỏi hơn học trò của mình bởi vì bây giờ học sinh rất thông minh và được tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau chứ không riêng từ người thầy. Điều quan trọng hơn họ phải biết tập hợp ý kiến của học trò và đưa ra quan điểm của mình để tạo thành ý kiến thống nhất. Người thầy vừa giống như một người bạn, vừa giống như một người dẫn dắt để học sinh có thể tự tư duy trên những kiến thức đã được trao đổi. Em đang là sinh viên nhưng em cũng là một nhà giáo trong tương lai và đó cũng là hình ảnh người thầy mà em đang nỗ lực phấn đấu theo đuổi. Tranh luận: [url=http://www.aicoly.com/debate/viewdetail/2322/thay-khong-phai-kho-kien-thuc-song-nhung-phai-co-he-thong-tu-duy-tot.html]http://www.aicoly.com/debate/viewdetail/2322/thay-khong-phai-kho-kien-thuc-song-nhung-phai-co-he-thong-tu-duy-tot.html[/url]
Chưa có câu trả lời nào