Tuyển sinh đại học 2015 có điểm gì mới?

Tuyển sinh đại học 2015 có điểm gì mới?

Do Hong Son
Do Hong Son
Trả lời 9 năm trước

Sáng 6/3, trao đổi với VnExpress, Cục phó Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Trần Văn Nghĩa cho biết, các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc đã gửi đề án tuyển sinh năm 2015 về Bộ. Theo đó, ngoại trừ Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thi tuyển sinh riêng thì tất cả đều sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, dù cách thức khác nhau.

DSC-3828-JPG-3751-1425620453.jpg

Thí sinh phảitheo dõi thường xuyên thông tin tuyển sinh ở website các trường có nguyện vọng xét tuyển. Ảnh minh họa: Quý Đoàn.

Sử dụng hoàn toàn kết quả kỳ thi THPT quốc gia

Nhóm trường này chiếm đa số. Sau khi Bộ Giáo dục công bố ngưỡng xét tuyển đầu vào, các trường sẽ bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển. Điểm chuẩn vào trường không được thấp hơn ngưỡng xét tuyển đầu vào, và điểm trúng tuyển đợt sau không thấp hơn đợt trước.

Dùng kết quả thi THPT quốc gia và đặt thêm ngưỡng riêng

Sử dụng phương thức tuyển sinh này là các trường đại học top trên, như: Y Hà Nội, Ngoại thương, Bách khoa, Quốc gia TP HCM...

Để xét tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội, thí sinh phải có tổng điểm trung bình của các môn học thuộc tổ hợp 3 môn thi xét tuyển, tính cho 6 học kỳ THPT đạt từ 20 điểm trở lên.

Xét tuyển vào Đại học Ngoại thương, thí sinh phải có điểm học lực trung bình chung các năm cấp ba từ 6,5 điểm trở lên.

Xét tuyển vào Đại học Y Hà Nội và Đại học Quốc gia TP HCM, thí sinh phải có điểm học lực các năm bậc THPT đạt từ 6 điểm trở lên.

Dùng kết quả thi THPT quốc gia kết hợp học bạ

Nhóm trường này chủ yếu là ngoài công lập, mới thành lập và khó tuyển sinh. Phương thức tuyển sinh của nhóm này làvừa dựa trên kết quả của kỳ thi quốc gia, vừa căn cứ trên điểm học bạ bậc THPT. Điều kiện thí sinh phải đảm bảo làđiểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6 đối với hệ đại học và 5,5 điểm đối với hệ cao đẳng (theo thang điểm 10).

Dùng kết quả thi THPT quốc gia và thi thêm môn chuyên ngành

Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Đại học Luật TP HCM sử dụng phương thức tuyển sinh này. Theo đó, sau khi có điểm thi THPT quốc gia, hai trường sẽ tổ chức thi thêm môn chuyên ngành để quyết định kết quả tuyển sinh.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức thi thêm môn Năng khiếu báo chí với các thí sinh thi vào ngành Báo chí. Điểm của môn này sẽ được nhân hệ số hai. Thời gian kết thúc xét tuyển đợt 1 của chuyên ngành này sẽ sớm hơn quy định chung để thí sinh có thời gian rút hồ sơ chuyển nguyện vọng khi không đỗ.

Đại học Luật TP HCM sử dụng 20% điểm học bạ THPT, 60% kết quả thi THPT quốc gia và 20% thi năng lực. Từ tháng 5, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển qua website của trường và nhập thông tin điểm tổng kết 6 học kỳ bậc THPT.Sau khi có điểm kỳ thi quốc gia, thí sinh tiếp tục cập nhật điểm của mình qua cổng thông tin điện tử của trường.Trên cơ sở các điểm số trên, trường sẽ xét và có thông báo tới thí sinh đủ điều kiện tham dự bài thi đánh giá năng lực để tìm thí sinh phù hợp với ngành luật. Bài thi gồm cả phần tự luận và trắc nghiệm với nội dung là kiến thức xã hội, lịch sử, kinh tế, địa lý…

Dùng kết quả thi THPT quốc gia hoặc xét tuyển và thi thêm năng khiếu

Các trường khối văn hóa, nghệ thuật tiếp tục duy trì thi môn năng khiếu kết hợp sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc xét kết quả học tập THPT các môn văn hóa. Như Đại học Kiến trúc sẽ dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia môn Toán, Lý, còn năng khiếu tổ chức thi riêng. Còn các trường Văn hóa nghệ thuật thì xét kết quả các môn văn hóa và tổ chức thi môn nghệ thuật.

Phương án thi riêng

Năm 2015 chỉ có Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thi riêng với bài thi đánh giá năng lực. Trường sẽ tổ chức hai đợt thi đánh giá năng lực. Đợt 1 vào ngày 30 và 31/5; Đợt 2 vào ngày 1 và 2/8. Kết quả thi có giá trị để đăng ký xét tuyển vào Đại học Quốc gia Hà Nội trong vòng 24 tháng kể từ ngày dự thi.

Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức xét tuyển 2 đợt. Đợt 1, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển tối đa 3 ngành của một đơn vị đào tạo thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội theo thứ tự ưu tiên. Đợt 2 xét tuyển bổ sung vào những ngành còn chỉ tiêu, thí sinh không trúng tuyển đợt 1 thì được phép đăng ký dự tuyển đợt 2.

Vì thời gian thi không trùng với kỳ thi THPT quốc gia nên thí sinh đăng ký dự thi vào Đại học Quốc gia Hà Nội được nhân đôi cơ hội vào đại học, nghĩa là các em vẫn có thể dự thi kỳ thi chung và sử dụng kết quả đó để xét tuyển vào các trường đại học khác.

Mai Hồng Anh
Mai Hồng Anh
Trả lời 8 năm trước

Theo dự thảo được BộGD-ĐT công bố, có nhiều điểm mới so với các kỳ thi trước đây đã được quy định cụ thể ở quy chế này.

1. Một đợt thi duy nhất vào tháng 7-2015

Sẽ không còn kỳ thi tốt nghiệp THPT và ba đợt thi tuyển sinh ĐH-CĐ riêng rẽ như các năm trước, năm 2015 chỉ có một kỳ thi THPT quốc gia duy nhất dự kiến tổ chức vào các ngày 1, 2, 3, 4-7-2015.

2. Thi tối đa 8 môn

Kỳ thi THPT quốc gia sẽ tổ chức thi tám môn: toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, ngoại ngữ. Trong đó, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi bốn môn (gọi là bốn môn tối thiểu), gồm ba môn thi bắt buộc (toán, ngữ văn và ngoại ngữ) và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn thi còn lại.

Riêng đối với môn ngoại ngữ, thí sinh có các chứng chỉ quốc tế có uy tín theo quy định tại công văn số 6031/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 23-10-2014 sẽ được miễn thi môn ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT; việc công nhận tốt nghiệp THPT căn cứ vào kết quả học tập lớp 12 và tổng điểm các môn thi (điểm mỗi môn thi phải lớn hơn mức tối thiểu theo quy định).

Do vậy, phải quy đổi ra điểm đối với môn ngoại ngữ của thí sinh được miễn thi môn ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải có chứng chỉ tương đương với trình độ từ bậc 3 (khung 6 bậc dùng cho Việt Nam) trở lên mới được miễn thi. Trình độ này cao hơn nhiều so với yêu cầu về ngoại ngữ đối với học sinh hoàn thành chương trình THPT.

Do đó, các thí sinh được miễn thi môn ngoại ngữ dự kiến sẽ được nhận điểm tối đa môn ngoại ngữ khi xét công nhận tốt nghiệp THPT, điểm quy đổi này được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Thí sinh muốn sử dụng kết quả môn ngoại ngữ để xét tuyển vào những trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh phải dự thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia.

Thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ ngoài bốn môn thi tối thiểu phải dự thi thêm các môn phù hợp với khối thi do trường ĐH, CĐ quy định.

Thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ các năm trước dự thi để được xét tuyển sinh ĐH, CĐ phải thi đủ số môn theo yêu cầu tuyển vào ngành đào tạo do trường ĐH, CĐ quy định.

3. Mỗi cụm thi có ít nhất thí sinh của 2 tỉnh

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia sẽ đăng ký thi theo cụm. Cụm thi có nhiệm vụ tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất hai tỉnh (cụm thi liên tỉnh).

Đối với những tỉnh có khó khăn, nếu UBND tỉnh đề nghị, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tỉnh cho các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

4. Cho phép sử dụng thang điểm 20

Đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014.

Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia với mục đích sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh. Vì vậy kỳ thi THPT quốc gia sẽ mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20 để giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh, hỗ trợ tốt cho công tác xét tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.

5. Điểm liệt trong xéttốt nghiệp THPT là 2

Các sở GD-ĐT có nhiệm vụ xét công nhận tốt nghiệp THPT cho các thí sinh dự thi dựa trên kết quả thi bốn môn tối thiểu và điểm trung bình cả năm lớp 12. Thí sinh đủ điều kiện dự thi, không có bài thi nào từ 2 điểm trở xuống được xét công nhận tốt nghiệp và được cấp chung một loại bằng tốt nghiệp THPT.

6. Bốn đợt xét tuyển = 16 nguyện vọng

Mỗi thí sinh đã đăng ký sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ được cấp bốn giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển, và đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi. Thí sinh dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển tối đa bốn đợt, mỗi đợt xét tuyển thí sinh chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng.

Ở mỗi đợt xét tuyển, thí sinh dùng giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng tương ứng với đợt xét tuyển để đăng ký xét tuyển vào tối đa bốn ngành của một trường. Như vậy, nếu sử dụng số nguyện vọng tối đa trong bốn lần xét tuyển này, thí sinh sẽ có 16 nguyện vọng đăng ký xét tuyển.

Trong thời gian quy định của mỗi đợt xét tuyển, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác.

7. Tối đa 25% chỉ tiêu cho khối thi mới

Năm 2015, bộ cho phép các trường ĐH, CĐ được bổ sung các khối thi mới, phi truyền thống bằng nhiều cách kết hợp tổ hợp môn thi khác nhau để xét tuyển vào các ngành đào tạo.

Tuy nhiên, bộ cũng yêu cầu các trường bắt buộc vẫn phải duy trì tổ hợp các môn thi tương ứng với khối thi mà trường đã sử dụng trong kỳ thi tuyển sinh 2014 và các năm trước (gọi là khối thi truyền thống) để xét tuyển và các khối thi mới bổ sung bên cạnh chỉ dùng để xét tuyển tối đa 25% chỉ tiêu trúng tuyển vào các ngành, chuyên ngành đào tạo của nhà trường.

Như vậy, những trường sử dụng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành phải dành ít nhất 75% chỉ tiêu của ngành hoặc nhóm ngành đó để xét tuyển cho các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi trước đây.

8. Tuyển sinh riêng:điểm trung bìnhmôn học không dưới 6với ĐH và 5,5 với CĐ

Theo dự thảo quy chế, đối với trường sử dụng kết quả học tập ở THPT để xét tuyển thì điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6 với hệ ĐH và 5,5 với hệ CĐ.

Trường ĐH, CĐ ở các tỉnh biên giới, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và trường CĐ cộng đồng đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương có thể xét tuyển các học sinh có hộ khẩu thường trú từ ba năm trở lên, học ba năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại các tỉnh, địa phương này ở mức thấp hơn 0,5 điểm so với mức quy định.

Những học sinh này phải học bổ sung kiến thức một học kỳ trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ quy định.

9. Lệ phí thi tuyển sinh tính theo số môn

Bộ GD-ĐT quy định thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia sẽ đóng lệ phí thi tuyển sinh theo số môn thí sinh đăng ký dự thi với mức thu giữ ổn định như năm 2014.

Theo đó, năm 2014 thí sinh phải đóng lệ phí thi 105.000 đồng cho mỗi khối thi ở mỗi ngành đăng ký dự tuyển, tương đương 35.000 đồng/môn thi.

10. Thí sinh có thểbị buộc thôi học nếu khai “khống”

Bộ yêu cầu thí sinh phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ đăng ký xét tuyển và hồ sơ đăng ký dự thi.

Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin trong hồ sơ đăng ký xét tuyển và hồ sơ đăng ký dự thi với hồ sơ gốc.