Trẻ bắt đầu vào học mẫu giáo thì bị ho, sổ mũi rất thường xuyên, phải chăm sóc trẻ, cho trẻ ăn uống như thế nào và phòng ngừa ra sao ?

Trẻ bắt đầu vào học mẫu giáo thì bị ho, sổ mũi rất thường xuyên, phải chăm sóc trẻ, cho trẻ ăn uống như thế nào và phòng ngừa ra sao để bé có thể phát triển tốt nhất?
Trả lời 15 năm trước
Chăm sóc trẻ bị ho, sổ mũi (cảm cúm): Những cơn hắt hơi rồi sổ mũi, ho, sốt của bé rất thường gặp, nhất là ở những bé bắt đầu đi nhà trẻ. Nguyên nhân là do nhiễm trùng (đa số là nhiễm virus, một số là nhiễm vi trùng) từ không khí, chất tiết của người bệnh (nước mũi, nước miếng, đàm,…) khi ho, hắt hơi, hoặc dùng chung khăn, muỗng, ly… Khi bé bắt đầu có triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, ho,… gia đình cần chú ý ngay đến việc giữ ấm cho bé, đặc biệt là khi ra đường, sau khi tắm,… bằng quần áo ấm, nón, vớ… Tránh cho bé ra đường vào buổi tối. Bé bị hắt hơi và chảy mũi nhiều: Dùng khăn giấy hoặc khăn sữa khô, sạch thấm nhẹ nhàng phần nước mũi chảy ra. Nếu mũi quá đặc làm bé nghẹt mũi thì có thể nhỏ mũi cho bé bằng dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0,9% để làm loãng mũi cho mũi chảy ra ngoài. Ở những bé nhỏ chưa biết tự hỉ mũi, có thể dùng dụng cụ hút mũi bằng cao su (có bán tại các nhà thuốc) để làm thông mũi. Nếu bé bị sốt: Cần cho trẻ mặc thoáng mát với các loại áo quần bằng vải dễ thấm mồ hôi và nhớ lau khô mồ hôi thường xuyên. Lau mát cho trẻ và không nên ủ ấm khi trẻ còn sốt. Uống thuốc hạ nhiệt và uống nhiều nước. Nếu bé chỉ sổ mũi trong, ho ít, không sốt hoặc sốt nhẹ trong 1-2 ngày rồi hết thì có thể chỉ cần chăm sóc tại nhà, ăn uống bình thường với nhiều rau, trái cây. Dinh dưỡng lúc này rất quan trọng để bé có đủ năng lượng chống lại bệnh tật và không bị suy dinh dưỡng sau bệnh. Khi bé sốt kéo dài trên 2-3 ngày, ho nhiều gây ói mửa, mũi xanh hoặc vàng đặc thì nên đi bác sĩ để điều trị. Vẫn có thể tắm, lau rửa cho bé bằng nước ấm mỗi ngày nhưng sau đó cần làm ấm lại bằng áo quần ấm, vớ. Cũng không nên cữ nước thái quá làm bé bị ngứa ngáy, nực nội, làm bé khó chịu có thể quấy khóc và bỏ ăn. Quan trọng nhất là phòng ngừa bệnh viêm hô hấp bằng cách dinh dưỡng đầy đủ, thực đơn có nhiều rau quả cung cấp vitamin để tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật. Mỗi khi trời trở lạnh cần giữ ấm cho bé. Kể cả khi trời nóng, việc nằm quạt suốt đêm cũng dễ dàng làm bé bị bệnh. Tránh tiếp xúc gần gũi hoặc dùng chung dụng cụ cá nhân với người đang bệnh viêm hô hấp. Những điều cần lưu ý: Khi bé bị bệnh cha mẹ thường có xu hướng chiều chuộng, khiến bé nhõng nhẽo, tưởng bệnh nặng. Cha mẹ nên thương bé để trong lòng, bên ngoài bình tĩnh, dịu dàng từ tốn, không tỏ ra lo lắng hốt hoảng, làm bé sợ thêm. Có thể cho bé các đồ chơi giải trí phù hợp với tuổi để bé quên bệnh. Ăn uống: Khi đi khám nên hỏi “trẻ ăn như thế nào trong lúc bệnh”, đừng nên hỏi “cho trẻ kiêng thức ăn nào”. Trẻ tiếp tục được cho ăn trong khi bị bệnh, thức ăn nên lỏng, mềm, dễ tiêu và đủ giá trị dinh dưỡng, vẫn có thịt, cá, trứng,… các loại rau, trái cây và chất béo, thức ăn dưới dạng súp, cháo đặc, sữa. Khi hết bệnh cần ăn thêm một cữ thì trẻ mới đủ sức tăng cân bù trở lại. Cũng cần chú ý cho trẻ uống đầy đủ nước, đối với trẻ cần bú mẹ, nên cho trẻ bú nhiều lần và mỗi lần lâu hơn. Ngoài ra với trẻ lớn có thể cho trẻ uống nước canh, nước cháo, nước trái cây hoặc nước chín. Không phải bé sốt, ho là phải uống kháng sinh.Chỉ nên cho bé uống kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ. Nên theo dõi nhịp thở của trẻ, có thở nhanh hơn bình thường không? Nếu có nên cho trẻ đi bệnh viện.