Kinh nghiệm cho sĩ tử thi đại học?

Chào các anh chị. Em năm nay là học sinh lớp 12, em chuẩn bị bước vào kì thi đại học sắp tới.

Em cảm thấy rất hồi hộp và lo lắng. Xin các anh chị có kinh nghiệm chia sẻ giúp em những lời khuyên cho kỳ thi quan trọng nhất sắp đến với ạ.

Em cảm ơn. 

Tống Minh Tùng
Tống Minh Tùng
Trả lời 7 năm trước

Lo lắng trước kỳ thi là một hiện tượng tâm lý bình thường và phổ biến ở hầu hết sĩ tử. Tuy nhiên nếu để dồn nén làm "mất ăn mất ngủ", ảnh hưởng đến chất lượng bài thi, đó lại là dấu hiệu đang bị áp lực thi cử. Nắm chắc kiến thức là cách "tháo van áp lực" này khi đi thi.

Khi ôn thi, có 2 cách nhớ kiến thức là nhớ ngay và nhớ lâu. Nhớ lâu là việc tích lũy kiến thức suốt năm học. Nhớ ngay là những gì phục vụ cho mùa thi (đó là phần giới hạn kiến thức bắt buộc, dạng bài thi, đề cương ôn thi). Còn phương pháp nhớ ngay giúp nạp kiến thức trong một thời gian ngắn nhưng thi xong sẽ quên, ngay vì điều đáng quan tâm là kết quả kỳ thi mà thôi.

Để cho trí nhớ hoạt động tốt, tôi có một số lời khuyên dành cho sĩ tử như sau:

1. Chọn nơi yên tĩnh để ôn bài: Việc tập trung cao độ là quan trọng hàng đầu. Nếu học trong lúc nhà bật ti vi, mở nhạc ồn ào thì ảnh hưởng lớn đến khả năng nhớ.

2. Trong khi học không làm việc khác, chỉ thỉnh thoảng đứng dậy thư giãn bằng vài động tác thể dục. Games và Facebook là kẻ thù số 1 của trí nhớ ngắn hạn, tuyệt đối không đụng vào những thứ này khi ôn thi.

3. Nên chọn bạn có chung mối quan tâm để cùng ôn: Được trao đổi với nhau lúc ôn thi, trí nhớ ngắn hạn của cả hai sẽ hoạt động tốt. Không học với bạn có quan tâm khác. Ví dụ cháu thi vào Đại học Y khoa thì phải học cùng với bạn luyện thi vào Khối B chứ đừng học với bạn định thi vào trường múa.

4. Chia bài học thành từng phần nhỏ thì trí nhớ ngắn hạn được phát huy. Nên chú trọng vào hiểu, đừng quá tập trung vào thuộc lòng. Khi đi thi, việc hiểu bài sẽ giúp học sinh viết được nhiều kiến thức, trái lại nếu chỉ tập trung vào nhớ, đến lúc thi có thể quên, hoặc bỏ sót nhiều ý hay.

5. Chăm lo giấc ngủ thật tốt. Khoa học đã chứng minh: người ngủ đủ giấc "nhớ dai" hơn người bị thiếu ngủ. Nhưng cũng đừng vì thế mà ngủ li bì khiến đầu óc mụ mẫm, tư duy chậm chạp hẳn đi. Cần ăn sáng đầy đủ để nạp năng lượng cho 1 ngày dài làm việc. Trước khi ngủ và sáng thức dậy, nên uống một cốc nước ấm pha với mật ong rừng.

6. Một ngày trước khi bước vào kỳ thi: có thể dừng việc học lại. Thư giãn, nghỉ ngơi là rất cần thiết trước ngày thi. Khi thi xong một môn nào đó lập tức "loại" môn đó ra khỏi đầu ngay. Trước khi bắt đầu môn kế tiếp, nên lướt nhanh một lần môn đó và đừng cố gắng nhớ vào lúc này. Chỉ đọc lại thôi.

7. Trong phòng thi: Lúc nhận được đề bài, hãy đọc lướt một lần đề bài rồi đọc lại xác định xem câu nào dễ, câu nào khó. Làm câu dễ trước, làm chắc bài nào ăn điểm bài đó ngay (vì nếu làm câu khó trước và gặp trục trặc thì tinh thần sẽ giảm xuống nhanh ảnh hưởng xấu đến các câu tiếp theo). Gặp câu khó, nghĩ một lúc lâu không ra nên dừng lại, nghỉ ngơi, nhìn ra cửa sổ và tốt nhất là nhìn vào cây xanh. Màu xanh lá cây sẽ giúp cho não có cảm giác dễ chịu và biết đâu lại nghĩ ra lời giải? Cố gắng không đầu hàng, nhớ được bao nhiêu, hiểu được gì là viết ra hết.

Trịnh Bảo Nam
Trịnh Bảo Nam
Trả lời 7 năm trước

Dưới đây là 6 “bảo bối” được tham khảo từ các tài liệu khoa học về phương pháp học tập và ôn thi sao cho “học ít, nhớ lâu, thi dễ đậu” cũng như bí quyết thư giãn và giữ gìn sức khoẻ... hy vọng sẽ hỗ trợ ít nhiều cho các bạn trẻ trong mùa thi.

1 - Học tập

Đó là làm thế nào để học ít, nhớ lâu, thi dễ đậu. Vì thế muốn học ít, nhớ lâu cần có phương pháp học ngay từ đầu niên khóa.

Bài giảng của thầy cô từ giáo án khi học cần gạch xanh gạch đỏ để dễ nhớ những phần quan trọng. Bên cạnh đó luôn có một sổ tóm tắt ghi lại những phần quan trọng để khi gần đến ngày thi, ôn kỹ phần tóm lược quan trọng này và xem thêm phần giáo án đầy đủ.

Ôn thi là một giai đoạn ngắn mà não phải tiếp thu một lượng thông tin khổng lồ nên dễ bão hòa, dẫn đến nhớ lộn xộn. Nắm chắc phần tóm lược quan trọng để làm bài được và đủ điểm đậu. Nếu nhớ kỹ và phát triển thêm chi tiết từ bài giảng thì sẽ đậu cao.

2 - Ôn thi

Phương pháp tập đọc nhanh:

- Ðọc bằng mắt, không phát âm; tập mở rộng tầm nhìn để khi mắt lướt qua, số lượng chữ đọc được sẽ nhiều hơn; tăng dần tốc độ đọc; đọc và tập nhớ lại tựa bài, những vấn đề chính yếu căn bản của bài; không học thuộc lòng từng chữ, từng câu mà nhớ ý là chính; cố gắng hiểu những gì đã học kể cả hỏi bạn bè, thầy cô.

- Ghi nhớ các chi tiết gần nhau, bổ sung cho nhau, khắc ghi những gì quan trọng nhất kể cả gạch dưới hoặc tô màu dễ thấy; sau khi đọc xong, dùng trí nhớ để hệ thống hóa lại toàn bộ bài học, những điểm căn bản, các chi tiết bổ sung cho những điều căn bản đó; trước khi ngủ, ôn lại một lần nữa vì trong giấc ngủ, tài liệu ôn tập dễ ghi vào bộ nhớ.

Không nên học thuộc lòng:

- Việc học thuộc lòng làm não trở nên thụ động, lười suy nghĩ và khi đã quên một câu là tắc tị nguyên bài. Vì vậy vào phòng thi, nhiều thí sinh đọc xong đề bài, bừng con mắt dậy thấy óc mình trống trơn. Học, hiểu, nắm bắt những ý cơ bản của vấn đề là cách tốt nhất để nhớ bài học.

- Vì thế muốn tăng cường trí nhớ, học dễ nhớ lâu quên thì phải tập trung phân tích, tổng hợp bài vở kèm theo hình ảnh cụ thể để trí nhớ dễ tìm kiếm khi cần thiết.

3 - Thư giãn

Nhiều học sinh nghĩ rằng học thi là học liên miên từ sáng đến tối, từ tối đến khuya, nhưng não bị nhồi nhét nhiều quá cũng sẽ “sôi” lên, khó nhớ và dễ quên.

Chống bão hòa não bằng thư giãn, nghỉ ngơi:

- Khi não đã bão hòa thì học chỉ là hình thức mà tiếp thu chẳng có gì, chưa kể nhầm lẫn chi tiết vấn đề này sang chi tiết khác. Vì vậy cần phải có thời gian thư giãn. Ðừng chọn thư giãn bằng cách đánh bài, cá độ bóng đá, đi “lắc” làm thần kinh căng thẳng thêm.

- Chọn bơi lội, tập thể dục cho máu huyết lưu thông, nghe nhạc êm dịu (đừng chọn metal rock sẽ nhức đầu thêm) hoặc đi chơi một chút với bạn bè, ngủ một giấc thật sâu cũng là cách xả hơi cho não.

Tìm niềm vui trong học tập:

- Cần biết tạo niềm vui trong học tập thì việc học đỡ vất vả hơn, dễ nhớ lại lâu quên. Các yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến trí nhớ rất nhiều như: lo âu tiền bạc, sức khỏe suy giảm hoặc bị phân tâm bới những vấn đề nào đó.

4 - Ăn uống

Người xưa có câu “ăn vóc, học hay”. Vậy ăn “vóc” như thế nào để học “hay”, thi dễ đậu?

Những thức ăn giải độc cho não, giúp tạo lập chất dẫn truyền thần kinh sẽ góp phần làm tăng trí nhớ, dễ tiếp thu bài vở và ít mệt óc. Ðó là:

- Lòng đỏ trứng (gà, vịt, cút...): chứa hàm lượng cao lécithine vừa giúp giải độc gan vừa giúp tạo lập acétylcholine là chất dẫn truyền luồng thần kinh quan trọng nhất. Vì vậy ăn trứng sẽ bổ não, tăng trí nhớ.

- Đậu nành: chứa glucid, protid và lipid. Ngoài ra còn có sinh tố và các enzym hỗ trợ sự tiêu hóa và một chất phospholipid quan trọng của đậu nành là lécithine. Ðể bữa ăn khỏi nhàm chán, có thể sử dụng các chế phẩm từ đậu nành cũng cùng có giá trị bổ dưỡng như giá đậu, bơ đậu nành, đậu hũ, nhất là sữa đậu nành, vừa ngon, bổ trong đó caséine đậu nành chứa 2 acid amin quan trọng là arginine và cystine.

- Bí đỏ: chất provitamin A trong bí đỏ khi vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A. Trong bí đỏ còn có một chất cần thiết cho hoạt động của não bộ, đó là acid glulamic tự nhiên (1%), giúp giải độc các cặn bã do hoạt động não bộ tiết ra. Ngoài ra nhờ chứa phosphor là chất cần thiết cho hoạt động của não nên bí đỏ được xem là thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong bồi dưỡng thần kinh, là món ăn bổ não.

- Cà chua, cà rốt: chứa bêta caroten khi vào cơ thể sẽ biến thành vitamin A. Những thực phẩm khác giàu vitamin A là trứng gà, vịt (1000 UI vitamin A/100g), đu đủ chín, bơ (600 UI/100 g), rau dền, đậu bắp... Học nhiều đương nhiên mắt mau mệt mỏi vì thế trong khẩu phần ăn cần có thêm tiền sinh tố A thiên nhiên để bồi dưỡng cho mắt.

- Các loại rau quả giàu vitamin C: như cam quýt, chanh, bưởi, rau dền... giúp cơ thể giảm mệt mỏi.

Ngoài ra, có thể kể thêm các loại rau quả tươi giàu khoáng vi lượng (rau ngót, cà tím, đậu xanh, đậu bắp, mướp...) cùng với yaourt trợ tiêu hóa, mật ong cung cấp năng lượng, gan bò, heo chứa nhiều sinh tố B12, acid folic, sắt.

Sức khỏe rất cần thiết khi học thi nên bữa ăn hàng ngày cần đầy đủ bột, đường (glucid), đạm (protid), chất béo (lipid), sinh tố, chất khoáng và khoáng vi lượng thiên nhiên cung cấp từ rau quả tươi và uống đầy đủ nước, nhất là nước trái cây tươi, nguyên chất.

Thuốc bổ đa sinh tố - khoáng vi lượng loại một viên một ngày (Once a day) phụ thêm việc tăng cường sức khỏe cũng có thể dùng được.

5 - Chống stress

Stress là tình trạng phổ biến khi ôn thi và chính stress làm giảm năng lực ôn tập của thí sinh.

Vì sao cần giữ giấc ngủ?

Khi học bài nhiều, trí óc bị bão hòa, hiện tượng stress dẫn đến suy sụp tinh thần gây trằn trọc khó ngủ hoặc tỉnh dậy trong trạng thái căng thẳng. Giấc ngủ càng không đạt chất lượng thì việc ôn tập càng khó nhớ bài. Khi bị mất ngủ thì không nên ngủ trễ (quá giấc), tránh sử dụng chất kích thích và không nên chuyển từ bàn học qua giường để rồi lại trằn trọc.

Cách tốt nhất trong mùa thi cử là thư giãn trước khi đi ngủ. Chính trong giấc ngủ mà não bộ làm việc, đưa các dữ liệu mới nạp vào tiềm thức. Các thuốc an thần giảm lo âu, giúp dễ ngủ sẽ làm mất đi nhịp sinh lý tự nhiên của giấc ngủ nên sẽ ngăn cản hoạt động của não bộ. Vì vậy không nên dùng thuốc an thần trong mùa thi cử.

Tránh mệt mắt:

Ðể tránh mệt mắt và ít bị phân tâm, môi trường học cần yên tĩnh và sáng sủa. Lượng ánh sáng đủ sẽ làm mắt đỡ mệt nên ít bị đau đầu và làm tăng năng suất học tập. Một nguồn sáng 60w là đủ. Trường hợp chữ nhỏ, nhiều biểu đồ cần tập trung hơn thì đòi hỏi nguồn sáng mạnh hơn.

6 - Cha mẹ hỗ trợ con ôn thi

Trong thời gian ôn thi và sắp sửa đi thi, học sinh thường dễ bị thương tổn tâm lý nên rất cần được sự quan tâm giúp đỡ của cha mẹ để vơi đi những lo lắng. Sự lo âu thái quá có thể trở thành bệnh lý khi khả năng tập trung giảm đi làm cho kiến thức trở nên lộn xộn không thể làm bài hay ôn tập được. Những cử chỉ thương yêu sẽ giúp con em vượt qua khó khăn tinh thần và việc thường xuyên hỏi han tâm sự sẽ giúp giải tỏa được những âu lo.