Nuôi chim yến thành công nhờ có công nghệ Malaysia

Ông Thành giải thích, xây dựng nhà nuôi yến có hai loại trần gỗ và trần vách đá, nhưng thực tế tổ yến bám trên vách đá vẫn bán được giá cao hơn, do vậy những dãy nhà nuôi yến ông vừa xây dựng xong đều áp dụng mô hình của Malaysia, vừa ghép gỗ và đá

Bẫy chim yến:

Có mặt tại “đại bản doanh” nuôi chim yến ở xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ (TP.HCM) chúng tôi chứng kiến hàng chục khu nhà nuôi chim yến của người dân địa phương mọc san sát nhau như những “lô cốt”, trên nóc có tháp ống khói đồ sộ. Khi đến gần mới nghe rõ tiếng chim yến kêu râm ran vang vọng trong những “lô cốt” ấy.

Dẫn đoàn chúng tôi vào tham quan các dãy nhà nuôi yến, ông Đỗ Vĩnh Thành, GĐ Trung tâm Yến Sào Cần Giờ, đồng thời cũng là chủ nhà nuôi yến khoe: “Trong 4 dãy nhà tôi mới đầu tư xây dựng xong thì đến nay một nhà đã có yến đến ở, với khoảng 4.000 con. Tất cả được làm theo công nghệ của Malaysia và mỗi tháng tôi thu được 15kg tổ yến, bán giá từ 50- 55 triệu đồng/kg”.

Ông Thành giải thích, xây dựng nhà nuôi yến có hai loại trần gỗ và trần vách đá, nhưng thực tế tổ yến bám trên vách đá vẫn bán được giá cao hơn, do vậy những dãy nhà nuôi yến ông vừa xây dựng xong đều áp dụng mô hình của Malaysia, vừa ghép gỗ và đá. Với trần ghép gỗ sẽ rất nhanh bị hư mục vì gỗ bị ẩm mốc, hơn nữa chim yến cũng rất kỵ mùi mốc này sẽ không ở, còn khi ghép trần đá sẽ là vĩnh viễn.

Theo kinh nghiệm của ông Thành, khi quyết định đầu tư xây dựng nhà nuôi chim yến, yếu tố quan trọng nhất chính là việc thiết kế “ống khói” trên nóc nhà để bẫy chim yến. Với đường kính khoảng 2 mét và cao hơn 4 mét, “ống khói” này sẽ được dẫn từ nóc nhà thông sâu xuống tận tầng một và mùi phân chim yến sẽ bốc lên từ lối này lan tỏa cùng với những tiếng siêu âm phát ra từ rất nhiều chiếc loa nhỏ xíu gắn ở các góc vách tường nhằm dụ chim yến về.

Khoảng 6 giờ chiều mỗi ngày, khi chim yến bay về “đánh hơi” thấy mùi phân và nghe tiếng siêu âm sẽ cắm đầu bay vào “ống khói” xuống tận tầng một, sau đó không thể bay ngược lên vì đường kính rất nhỏ. Do vậy, những con chim yến sẽ bay vòng quanh trong tầng 1 rồi bay lên tầng 2, tầng 3 và tới được tầng 4 thì chim đã đủ mệt nên buộc phải ở lại ngủ qua đêm tới sáng trong nhà và chúng sẽ làm quen với những con chim yến “độc thân” khác.

“Khi sáng ra, nếu thấy mỗi con chim yến bay từ trong nhà ra cùng với một con khác thì chắc ăn rằng chúng đã kết bạn với nhau, có bay đi đâu cũng sẽ bay về và như vậy mình đã thành công”, ông Thành hào hứng giải thích.

Uốn lưỡi ba lần:

Hiện nay, ở huyện Cần Giờ (TPHCM), đã có 77 căn nhà nuôi chim yến với tổng diện tích 34.688,4m² xây dựng, trong đó 17 căn nuôi có sản phẩm thu hoạch, còn 60 căn mới xây dựng, gây nuôi chưa có sản phẩm. Một trong những người nuôi yến thành công nhất ở Cần Giờ đó là ông A Lý (Việt kiều Malaysia). Căn nhà nuôi yến của ông Lý được xây dựng ở làng An Hòa, cạnh con sông lớn Lòng Tàu, là khu vực được xem là hội đủ thiên thời địa lợi, đã yên tĩnh lại có con sông vắt ngang, hệ sinh thái rất tốt, khiến mật độ chim yến dày đặc.

+ Theo ông Raymond Tan, chuyên gia chim yến của Tập đoàn Malaysia, qua khảo sát ở VN có nguồn chim yến rất nhiều (như ở Malaysia 10 năm trước) và hiện đã có khoảng 800 căn nhà yến. So với tiềm năng thì số lượng nhà yến còn rất ít, nếu biết đầu tư, ứng dụng đúng kỹ thuật, công nghệ thì sẽ thành công và phát triển tốt.

+ Theo ông Nguyễn Phước Trung, PGĐ Sở NN-PTNT TP.HCM, nghề nuôi yến đang mở ra tiềm năng rất lớn cho Việt Nam nói chung và huyện Cần Giờ nói riêng. TPHCM hiện đang xem xét về chủ trương quy hoạch, đầu tư công nghệ nuôi yến để phát triển mạnh nghề nuôi yến tại Cần Giờ.

Căn nhà nuôi yến của ông được đầu tư rất kỹ, vừa cao, kín, chỉ làm những lỗ nhỏ cho yến bay ra vào, tường nhà xây bằng hai lớp gạch cách nhiệt, cách âm tối đa với bên ngoài.

Trong nhà gắn những thiết bị kỹ thuật siêu âm giả tiếng chim, gắn hệ thống phun sương, camera theo dõi, trần nhà đóng các thanh gỗ cùng nhiều thiết bị khác…

Đồng thời, ông Lý còn về Malaysia “rinh” những chuyên gia giỏi về chim yến sang Việt Nam để hướng dẫn kỹ thuật giúp ông đạt được ước mơ của mình. Tuy nhiên, theo ông Lý, bỏ ra tiền tỉ đầu tư là vậy nhưng nếu không có gan làm giàu thì lộc trời cho cũng khó mà về được. Để thành công như hiện nay chính là cả một quá trình đầu tư gần 8 năm trời với số tiền trên cả chục tỉ đồng mới xây dựng được 4 căn nhà nuôi yến. Hiện nay, mỗi tháng ông Lý thu được khoảng 30 kg tổ yến và với giá bán 30 triệu đồng/kg đã cho ông nguồn thu siêu lợi nhuận từ “vàng trắng” tự nhiên.

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Hoàng, Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam, nuôi chim yến có rất nhiều yếu tố thuận lợi (ông gọi đó là “3 không”: không lo nguồn giống; không lo thức ăn; không lo dịch bệnh), nếu gặp “hên” và đầu tư đúng công nghệ thì người nuôi sẽ thu siêu lợi nhuận, đồng thời còn bảo vệ mùa màng tốt. Tuy nhiên, việc xây nhà nuôi chim yến cũng cần phải chú ý đến yếu tố cân bằng sinh học giữa chim yến và côn trùng.

Còn nếu trong một khu vực có quá nhiều nhà nuôi yến, dù đầu tư đúng kỹ thuật với bạc tỉ nhưng đàn yến chưa phát triển kịp thì có thể cũng sẽ bị thất bại nặng nề.

Nguồn: sieuthiyensao

Chưa có câu trả lời nào